Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam: ‘Ma trận’ ứng dụng công nghệ chống dịch

    Chính phủ Việt Nam từ lâu tuyên bố sẽ đưa công nghệ 4.0 vào hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, kết quả đến nay đã làm nhiều người thất vọng.

    Việt Nam: ‘Ma trận’ ứng dụng công nghệ chống dịch

    Giữa lúc có nhiều lời phàn nàn về ứng dụng công nghệ vào chống dịch, Chính phủ Việt Nam mới đây đã thông báo sẽ cho ra đời một ứng dụng mới duy nhất.

    "Từ hôm nay trở đi, tôi đề nghị anh Hùng (Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng) công bố và hướng dẫn công nghệ, thống nhất một app lấy tên là PC Covid (Phòng chống Covid-19) để nhân dân chỉ vào một app," Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 11/9.

    Lời của ông Phạm Minh Chính được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đã cho ra đời hàng chục ứng dụng trên điện thoại thông minh, hàng loạt cổng thông tin điện tử để người dân khai báo, để cơ quan quản lý truy vết. Tuy nhiên, những nỗ lực này có vẻ gây ra nhiều thất vọng hơn là sự hài lòng.

    Một trong những ứng dụng được quảng bá gần đây là Sổ Sức khỏe Điện tử do Bộ Y tế phát hành. Ứng dụng dành cho điện thoại này được cho là sẽ cập nhật tình hình tiêm ngừa Covid-19 và cấp chứng nhận đã tiêm ngừa cho mỗi người.

    Tuy nhiên, đến hôm nay, rất nhiều người vẫn phàn nàn rằng họ đã tiêm ngừa đủ hai mũi nhưng ứng dụng vẫn cho kết quả là "chưa tiêm".

    "Mình đang là nạn nhân đây! Vào Sổ Sức khỏe Điện tử thấy app vẫn bảo mới tiêm 1 mũi, trong khi mình tiêm xong mũi 2 đã hai tuần," một người tên Hoang Nguyen bình luận trên Facebook cá nhân.


    Trên trang cá nhân, một người tên Tran Duy Canh cho rằng ứng dụng này là "một thảm họa của công nghệ 4.0 của ngành y tế."

    Ông kể: "Mình vừa cập nhật app xong, vào lại thì mất hết thông tin trong đó. Mình xóa, cài lại thì không vào được nữa, dù đã cố gắng đổi mật khẩu. Bạn mình đã tiêm 1 mũi, vào lại thì đã không còn gì luôn, trở thành người chưa tiêm."

    Trên chợ ứng dụng di động Google Play, Sổ Sức khỏe Điện tử nhận được hơn 22.000 lượt bình chọn, trong đó số người chọn "1 sao" (mức thấp nhất) áp đảo.

    "Ứng dụng kinh khủng nhất mà tôi từng dùng," một người tên Hai Dang Tran viết. Một người tên Quân Nguyễn đánh giá: "Ứng dụng ngu ngốc. Chưa bao giờ thấy ứng dụng nào được bình chọn toàn 1 sao thế này. Giá mà có nút 0 sao thì hay biết mấy."

    Trong bối cảnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM đã ban hành hướng dẫn để những người chưa được cập nhật tình trạng tiêm chủng có thể bổ sung thông tin.

    Theo đó, họ có thể vào cổng thông tin Tiêm chủng Quốc gia để cập nhật thông tin. Tuy nhiên, nhắc đến cổng thông tin Tiêm chủng Quốc gia thì nhiều người cũng tỏ ra ngán ngẩm.

    Theo thiết kế, cổng này có nhiều chức năng, một trong số đó là giúp người dân đăng ký tiêm chủng trực tuyến. Tuy nhiên, rất nhiều người cho biết họ đã đăng ký từ khi website mới ra đời nhưng đến nay tình trạng vẫn là "đang xử lý".

    "Tôi đăng ký cho mẹ tôi từ giữa tháng 7. Sau nhiều ngày thấy thông tin không được xử lý, tôi mới ra khu phố đăng ký tiêm. Đăng ký thủ công thì mẹ tôi được tiêm liền, trong khi đăng ký điện tử vẫn chưa thấy tăm hơi. Nếu mà cứ chờ thì không biết đến bao giờ," một người dùng tên Nguyễn Hằng Tâm viết trên Facebook cá nhân.

    Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền các cấp tại Việt Nam nỗ lực "đưa công nghệ vào công tác phòng, chống dịch". Ngay từ khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh các yêu cầu "số hóa", "ứng dụng công nghệ", "mã QR"…

    Cùng với tuyên bố từ Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các cấp là sự ra đời của hàng loạt ứng dụng do nhà nước hoặc do các công ty được nhà nước hỗ trợ phát triển.

    Có một dạo, người dân mỗi lần gọi điện thoại đều được nghe lời nhắc "Hãy cài ứng dụng Bluezone".

    Thậm chí, một số quan chức đã đề xuất bắt buộc cài đặt ứng dụng này.

    "Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất bắt buộc sử dụng ứng dụng Bluezone. Người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp bắt buộc thực hiện khai báo y tế. Người dân sử dụng smartphone bắt buộc phải sử dụng ứng dụng xác định tiếp xúc gần khi đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người," tạp chí Bảo hiểm Xã hội dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói vào ngày 30/5.

    Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều tháng ra đời, ứng dụng Bluezone đã dần trở nên xa lạ với người dân. Nhiều ứng dụng tương tự như NCovi, Sức khỏe Việt Nam… cũng rơi vào quên lãng, tại một đất nước mà các lãnh đạo luôn nhấn mạnh đến "công nghệ 4.0".

    Một số người cho biết sau nhiều lần hưởng ứng dùng ứng dụng, giờ đây họ "không còn niềm tin vào Bluezone và Sổ Sức khỏe Điện tử nữa".

    Dù có rất nhiều ứng dụng và các cổng thông tin điện tử, nhưng hiệu năng của các công cụ này rất thấp, thậm chí gây nhiều bối rối, bực mình cho người dân, dẫn đến nhiều lời phàn nàn.

    Trong tuần này, TP HCM đã thông báo sẽ triển khai ứng dụng VNEID, là ứng dụng khai báo y tế do Bộ Công an xây dựng nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin công dân, phục vụ công tác truy vết. Cùng với đó là tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về việc sử dụng một ứng dụng thống nhất trên toàn quốc.

    Sau những gì đã diễn ra, người dân tỏ ra dè dặt trong việc đón nhận các thông tin về "ứng dụng mới", "ứng dụng duy nhất" từ chính quyền.

    https://www.bbc.com/

    Không có nhận xét nào