Tác phẩm Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử của nhà văn Nguyễn Trung Kiên
với những lá thư viết cho người bạn đang sống ở Pháp, mở đầu với những dòng
chữ:
“Hà Nội, ngày 3 tháng 9 năm 1945
Thân ái Trung,
Hôm nay viết cho Trung mà tâm hồn tôi còn thắm mầu của cả một rừng
cờ, còn rực tiếng reo của muôn vạn người say sưa giữa vườn hoa Ba
Đình.
Chao ơi Trung,
Chúng tôi hôm qua, đã uống từng tiếng, từng chữ của bài Tuyên Ngôn
Độc Lập. Và thế là chúng ta trở nên những công dân của một nước độc
lập, trước quốc tế, trước thế giới, trước nhân loại và trước Đất
Trời.|
Tôi có thể nói với Trung rằng mười lăm đêm nay tôi không hề chợp mắt
ngủ. Mà tôi không mệt. Trái lại, sau mỗi đêm thao thức để toan tính,
để thèm khát những ngày mai nhất định rực rỡ, rực rỡ như Cha Mẹ
tôi, Ông Bà tôi chưa bao giờ biết, thì cứ mỗi lần ánh sáng mặt trời
trở lại chiếu vào lá cờ đỏ thắm vẫn phấp phới trước cửa nhà là
mỗi lần tôi được tiêm thêm một liều sinh lực. Mỗi ngày chúng tôi một
thêm khỏe, mỗi ngày chúng tôi một thêm hăng hái.
Chúng tôi hăng hái đến nỗi có những lúc muốn chết, muốn chết ngay
cho tổ quốc, và chết ngay giũa lúc vinh quang sáng chói này.
Trung mỉm cười nghi ngờ, Trung cho rằng tôi nói cho đẹp, cho bảnh mà
thôi?
Nhưng không đâu! Trung! Trung ở nơi hải ngoại, giữa quang cảnh thành Ba
Lê đã phục hồi tự do và đời sống hoa lệ, làm sao Trung có thể hiểu
nỗi lòng bạn Trung ở nước nhà?
Tôi biết Trung có tham gia chiến khu “Pháp tự do” chống Đức. Tôi tưởng
tượng được cuộc đời gian khổ mà Trung và các đồng chí của Trung đã
sống. Tôi cảm thông được niềm hãnh diện cũng như nỗi vui mừng của
Trung khi bước lên giải phóng Ba Lê.
Tôi hiểu Trung nhưng Trung không thể hiểu tôi. Bởi lẽ tôi biết rõ hoàn
cảnh Trung, mà Trung không biết gì về hoàn cảnh của tôi. Tôi viết rõ
hơn nữa nhé, Trung là khách đến đất Pháp, Trung thấy Bạo Ngược đàn
áp Tự Do, nên con người “mã thượng anh hùng” đã không bỏ lỡ cơ hội
tiếp tay cho Công Lý thắng Cường Quyền. Như thế là Trung có mọi điều
kiện để mình tự bằng lòng mình.
Có phải hoàn cảnh của Trung đúng như thế không?
Còn hoàn cảnh của Minh thế nào? Chắc trung muốn hỏi lại như vậy. Cho
nên, sau đây, tôi sẽ thuật lại cho Trung hay những gì đã xảy ra chung
quanh tôi, trên đất nước, từ ngày Trung ra đi, tới nay thắm thoát đã
trọn sáu năm (tôi sẽ không ngại viết dài, vì tôi biết Trung sẽ không
ngại đọc dài. Tôi vụng về nhưng chận thành nên những gì tôi thuật
lại với Trung đề là những sự kiện có thật. Và cũng bởi vậy, nếu
lá thơ này không thể có giá trị văn chương thì ít ra nó cũng có giá
trị tâm tình, giữa Trung với tôi, và giá trị tài liệu, đối với lịch
sử dân tộc Việt. Vì lịch sử là gì, nếu không phải là một thứ tâm
sự lớn lao, bao gồm tất cả tâm sự vụn vặt nhưng tâm thành của mỗi
người dân như chúng ta?)
Vậy thì Trung ơi, đây là chút ít lịch sử Việt Nam, từ
1939 đến 1945. Lịch sử của một dân tộc qua sự sống của một cá nhân
lịch sử chủ quan. Nhưng mỗi cá nhân lại là một phần tử của con số
hai mươi nhăm triệu cá nhân có khả năng dựng nên lịch sử. Bởi thế
Trung có thể tin lời tôi”.
*
Ngày 15 tháng 11 năm 2018, tôi viết bài “Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn can đảm chọn
cái chết trong tù”, nay trích những đoạn trong bài viết:
“Nguyễn Mạnh Côn sinh ngày 7 tháng 5 năm Canh Thân (1920) tại Hải Dương, thuở
nhỏ học ở Hà Nội. Ngoài tên thật, ông còn ký bút hiệu: Nguyễn Kiên Trung, Kỳ
Hoa Tử, Đằng Vân Hầu.
Từ năm 13 tuổi, ông học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội. Năm 1939, cộng tác
với báo Đông Pháp. Năm 1940, ông vượt biên sang Hương Cảng (Hồng Kông) vì tham
gia trong Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Năm 1945 với báo Thống Nhất.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 12, 1945, Nguyễn Mạnh Côn lên chiến khu
Việt Bắc. Năm 1951, ông hồi cư về Hà Nội, năm sau ra Hải Phòng, dạy học tại
thành phố biển này cho đến năm 1954, chia đôi đất nước, ông di cư vào Nam làm
việc ở đài phát thanh Sài Gòn. Nguyễn Mạnh Côn được đồng hóa vào Quân Đội với
cấp Thiếu Úy để phụ trách tờ báo Chỉ Đạo (1956-1961) do Bộ Quốc Phòng chủ
trương, nhờ có tờ báo trong tay, nhà văn có cơ hội thể hiện tài năng qua Truyện
Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn đến Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử. Tác phẩm Đem Tâm
Tình Viết Lịch Sử đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1957. Năm 1958, nhà xuát
bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành tác phẩm nầy.
Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử xem như hồi ký của người trong cuộc vào thời điểm đó
tham gia trong Tự Vệ Thành với tuổi trẻ khi chứng kiến nạn đói năm Ất Dậu “Ngót
hai triệu người chết năm 1945 từ tháng Giêng đến tháng Tư… Đó là hoàn cảnh cho
phép đấu tranh bộc phát. Đấu tranh lúc đó quy tụ cả vào mặt trận Việt-Minh” do
hậu quả của thực dân Pháp và phát Nhật gây ra. Tuổi trẻ dấn thân trong công
cuộc giải phóng đòi tự do độc lập cho đất nước. Và, những lá thư đó viết từ Hà
Nội đến những nơi khác: Hà Nội, nội thành, Liên Khu 1 ngày 3 tháng 9 năm 1945
(Việt Minh cướp chính quyền hớt tay trên các đảng phái quốc gia. Ngày 26 tháng
12 năm 1946 ở Hà Nội, trong nội ô thành phố, Tự Vệ Thành đã nổ súng đánh Pháp
bắt đầu cho cuộc kháng chiến giành độc lập). Hà Đông ngày 3 tháng 2 năm 1947
(Đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức thành lập và cuộc đảng tranh đẫm máu và gay
gắt nhất đã tạo những vết thương đau đớn cho dân tộc). Phú Thọ, Vũ Lao ngày 29
tháng 11 năm 1952 (khởi đầu cuộc cải cách ruộng đất và đấu tố để thực hiện đấu
tranh giai cấp). Hải Phòng ngày 19 tháng 7 năm 1954, những dòng cuối thư vào
ngày 1 tháng 8 năm 1954.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã cho ấn hành các tác phẩm: Việt Minh, Ngươi Đi Đâu
(1957) – Kỳ Hoa Tử (1960) – Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn (1960) – Lạc
Đường Vào Lịch Sử (1965) – Con Yêu Con Ghét (1966) – Mối Tình Màu Hoa Đào
(1967) – Giấc Mơ Của Đá (1968) – Tình Cao Thượng (1968) – Đường Nào Lên Thiên
Thai (1969) – Hoa Bình… Nghĩ Gì… Làm Gì (1969) – Sống Bằng Sự Nghiệp (1969) –
Yêu Anh Vượt Chết (1969)…
Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã giải ngũ khi rời tờ Chỉ Đạo để trở về đời sông dân
sự. Thế nhưng sau tháng 4/1975 ông bị sa chân vào chốn lao tù!
Trong hồi ký “Những Tên
Biệt Kích Cầm Bút” của Hoàng Hải Thủy, Chương 28 ghi: “Anh bị bắt trong chiến
dịch càn quét văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn tháng Ba năm 1976…
Từ nhà giam Số 4 Phan Đăng Lưu, tác giả Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử, Hòa Bình…
Nghĩ Gì…? Làm Gì… bị Việt Cộng đưa lên trại cải tạo Xuyên Mộc, Bà Rịa. Anh đến
đó và nằm tại vùng rừng già ấy”.
Ông bị biệt giam, bị hành hạ rồi tự sát ngày 1 tháng 6 năm 1979. Chôn ở bìa
rừng của trại tù!.
Nhân ngày 3 tháng 9, ngày nhà văn Nguyễn Mạnh Côn viết lá thư khởi đầu cho cuốn
Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử cho đến nay đúng 76 năm. Ông đã ra người thiên cổ
nhưng “tâm tình” của ông của thời trai trẻ đầy nhiệt huyết từ khi dấn thân vì
lý tưởng đến khi chứng kiến thực tế xảy ra trong thời kỳ kháng chiến với sự
thật phũ phàng không thể chấp nhận vẫn còn giá trị lịch sử.
Little Saigon, Sept 03, 2021
Vương Trùng Dương
https://www.tvvn.org/76-nam-doc-lai-dem-tam-tinh-viet-lich-su-vuong-trung-duong/
Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn can đảm chọn cái chết trong tù
Vương Trùng Dương
Trích... Trong bài viết của Nguyễn Mạnh Trinh, trích phần tóm tắt tác phẩm Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử và Kỳ Hoa Tử:
“Nội dung của Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử là những tâm sự của một chiến sĩ đang tranh đấu trực diện trong công cuộc giải phóng đòi tự do độc lập cho đất nước trong những bức thư viết ở những thời điểm quan trọng của lịch sử Việt Nam. Những không gian và thời gian như Hà Nội ngày 3 tháng 9 năm 1945, như Hà Nội, nội thành, Liên Khu 1, ngày 26 tháng 12 năm 1946, như Hà Đông ngày 3 tháng 2 năm 1947, như Phú Thọ ngày 29 tháng 11 năm 1952, như Hải phòng ngày 19 tháng 7 năm 1954, là những cột mốc đáng nhớ của một thời đại đầy biến động Việt Nam.
Ngày 3 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội , Việt Minh cướp chính quyền hớt tay trên các đảng phái quốc gia. Ngày 26 tháng 12 năm 1946 ở Hà Nội, trong nội ô thành phố, Tự Vệ Thành đã nổ súng đánh Pháp bắt đầu cho cuộc kháng chiến giành độc lập. Ngày 3 tháng 2 năm 1947 ở Hà Đông, Đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức thành lập và cuộc đảng tranh đẫm máu và gay gắt nhất đã tạo những vết thương đau đớn cho dân tộc. Ngày 29 tháng 11 năm 1952 tại Phú Thọ là ngày bắt đầu cuộc cải cách ruộng đất và đấu tố để thực hiện đấu tranh giai cấp. Ngày 19 tháng 7 năm 1954 tại Hải Phòng là ngày bắt đầu chia đôi đết nước ở vĩ tuyến 17 theo hiệp ước Genève.
Từ thời điểm ấy, Nguyễn Kiên Trung kể cho bạn đọc nghe về cuộc đời của mình và thế hệ mình theo ngõ đẩy đưa của thời cuộc. Và từ đó như tấm gương phản chiếu thấy được sự bội phản lường lọc của những người Cộng Sản Việt Nam.Với kỹ thuật tranh đấu được huấn luyện từ hệ thống Cộng Sản thế giới, họ áp dụng vào thực tế và đã thành công trong việc nắm giữ chính quyền và thực hiện chính sách vô sản chuyên chính.
http://vanviet.info/tu-lieu/nguyen-manh-cn-nh-van-can-dam-chon-ci-chet-trong-t/#
Không có nhận xét nào