Header Ads

  • Breaking News

    Chính phủ nhiều nước tìm cách thức mới nhằm ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến

    Ngày 8 tháng 10, hai nhà báo, Maria Ressa và Dmitry Muratov, đã giành được giải Nobel hòa bình vì “nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận”. Điện Kremlin chúc mừng ông Muratov vì đã “dũng cảm”, ông xứng đáng với lời khen ngợi này. Sáu đồng nghiệp của ông tại tờ báo Novaya Gazeta do ông thành lập năm 1993 đã bị sát hại.

    Chính phủ nhiều nước tìm cách thức mới nhằm ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến

    Cô Ressa cũng dũng cảm. Hãng tin Rappler của cô bắt đầu từ một trang Facebook vào năm 2011. Đây là một trong số rất ít tổ chức ở Philippines chỉ trích Rodrigo Duterte, tổng thống kêu gọi cảnh sát giết nghi phạm mà không cần xét xử. Ít nhất 10 nhà báo đã bị sát hại kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền. Vào năm 2016, khi đắc cử tổng thống, ông Duterte nói: “Là nhà báo thì không phải là tránh bị ám sát được đâu, vẫn có thể bị ám sát nếu là nhà báo khốn nạn”.

    Giải thưởng Nobel ghi nhận một sự thật đáng buồn. Tự do ngôn luận trên toàn cầu đang suy giảm. Các phương pháp thẳng thừng nhất được sử dụng rộng rãi để bịt miệng giới bất đồng chính kiến: những chính phủ độc đoán và băng nhóm tội phạm thường dùng gươm chống lại ngòi bút (hoặc đạn chống lại các blogger). Nhiều chính phủ cũng bỏ tù người dân vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.

    Nhưng những hình thức đàn áp kiểu cũ này ngày càng được củng cố hoặc thay thế bằng các kỹ thuật mới hơn. Freedom House cho biết trong năm qua các nỗ lực kiểm soát ngôn luận trực tuyến đã leo thang ở 30 trong số 70 quốc gia mà tổ chức này giám sát, và chỉ giảm đi trong 18 quốc gia khác. Nhiều lãnh đạo độc đoán và những ai sắp trở nên chuyên quyền ghen tị với Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giám sát việc xây dựng một hệ thống thông tin kín, hầu như không thể nhìn hoặc nghe thấy những lời chỉ trích nhà cầm quyền. Không ai có thể sao chép chính xác, nhưng nhiều chính phủ đang triển khai các công cụ kỹ thuật số để quản lý những thông tin công dân có thể tiếp cận.

    Một số lãnh đạo độc đoán vẫn tin rằng ngưng hoàn toàn các dịch vụ internet là cách tốt để ngăn chặn những người chỉ trích, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp. Theo Access Now, một tổ chức phi chính phủ thì trong năm 2020 có ít nhất 155 vụ ngừng internet ở mức độ quốc gia hay vùng tại 29 quốc gia. Hơn một trăm đợt ngưng internet diễn ra ở Ấn Độ. Tuy nhiên, việc ngắt mạch internet đã dập tắt các nền kinh tế và khiến các lãnh đạo trông xấu xí. Vào năm 2011, Hosni Mubarak, nhà độc tài Ai Cập, đã cố gắng dập tắt một cuộc cách mạng bằng cách tắt Internet. Sự phẫn nộ và buồn chán thậm chí còn thúc đẩy nhiều người Ai Cập xuống đường hơn. Mubarak đã bị lật đổ.

    Mô hình của Trung Quốc phức tạp hơn. Tường lửa quốc gia chặn truy cập vào các mạng xã hội nước ngoài và một loạt các nguồn thông tin khác. Đội quân kiểm duyệt quét các trang web Trung Quốc. Việc kiểm soát liên tục được tinh chỉnh. Năm 2009, chính phủ đã đình chỉ truy cập Internet gần như hoàn toàn ở Tân Cương sau khi xảy ra bạo loạn. Giờ đây, Internet đã hoạt động trở lại nhưng công an buộc người Duy Ngô Nhĩphải cài đặt các ứng dụng di động theo dõi mọi hoạt động trực tuyến của họ. Họ có thể bị tù nếu tải xuống một ứng dụng nước ngoài như Skype hoặc phần mềm giúp họ truy cập các trang web nước ngoài như Facebook.

    Bất kỳ chính phủ nào cũng có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ internet đưa vào danh sách đen các trang web mà họ không thích. Thổ Nhĩ Kỳ chặn gần 470.000 trang web. Thêm 59.000 trang được đưa thêm vào danh sách năm ngoái. Nhưng tạo ra một bức tường lửa như của Trung Quốc là điều khó khăn, ngay cả đối với các chính phủ sẵn sàng chi hàng tỷ USD. Một lý do là cơ sở hạ tầng internet của Trung Quốc đã được xây dựng với những biện pháp kiểm soát thích hợp ngay từ đầu. ĐCSTQ chặn các trang web từ năm 1996, khi chỉ có khoảng 150.000 người Trung dùng internet.

    Một lý do khác khiến các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc có hiệu quả là vì thị trường nội địa đủ lớn để hỗ trợ các trang web nội địa thay thế các trang web quốc tế chủ yếu. Có rất nhiều nội dung bên trong tường lửa để giúp người dùng web Trung Quốc giải trí, vì vậy sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Quy mô lớn của thị trường Trung Quốc cũng làm giảm chi phí trong việc xây dựng trang web quốc gia. Trong khi đó, Đảng Cộng sản có quyền hạn phi thường trong việc quản lý các công ty web trong nước. Các công ty như Tencent, công ty truyền thông xã hội và Baidu, một công cụ tìm kiếm, phải thuê, đào tạo và quản lý hầu hết những người kiểm duyệt để giữ Internet của Trung Quốc không có tỳ vết.

    Trung Quốc cũng xuất khẩu phần mềm và phần cứng giúp các chính phủ khác xây dựng mạng internet độc tài hơn. Iran là một khách hàng hài lòng. Chính quyền Iran xem “bức tường lửa vĩ đại” của Trung Quốc như một hình mẫu để mô phỏng. Iran đã chặn các dịch vụ phổ biến của nước ngoài như Twitter và Telegram. Nhưng các lãnh đạo ngoan đạo của Iran cho rằng như vậy là chưa đủ. Chính phủ đã và đang muốn tạo ra mạng internet thay thế là Mạng Thông tin Quốc gia. Ý tưởng của mạng này là tất cả các dịch vụ sẽ được lưu trữ ở các máy chủ trong nước, với quyền truy cập được liên kết với chứng minh thư.

    Mất trí ảo

    Kế hoạch xóa bỏ tư tưởng tự do trên Internet trong nước của Nga là một trong những kế hoạch nhiều tham vọng nhất. Vladimir Putin tuyên bố rằng internet toàn cầu là một công cụ của CIA. Vào năm 2019, ông đã ký một đạo luật “chủ quyền internet” với mục tiêu bảo vệ Nga khỏi các mối đe dọa trực tuyến đối với an ninh của nước này. Luật buộc tất cả các nhà cung cấp internet phải cài đặt công nghệ cho phép Điện Kremlin theo dõi, lọc và chuyển hướng truy cập.

    Gregory Asmolov từ Đại học King’s College ở London nói rằng mặc dù Nga đang tăng cường kiểm soát nhiều năm sau Trung Quốc, nhưng Nga đang được hưởng lợi từ việc có thể trang bị thiết bị hiện đại hơn nhiều. Roya Ensafi tại Đại học Michigan cho biết chính phủ đang ngày càng quan tâm đến các công cụ làm trang web tải chậm, thay vì hoàn toàn không thể truy cập được. Tốc độ tải chậm khiến hình ảnh và video (những loại nội dung mà Điện Kremlin thấy phiền phức nhất) không được truyền tải. Những biện pháp này sẽ khiến người dùng khó vượt qua hơn so với các phương pháp chặn trang web kiểu cũ và càng khó hơn cho các tổ chức giám sát và công khai các trường hợp kiểm duyệt trực tuyến.

    Chính phủ Nga cũng đang khuyến khích người dân ngừng sử dụng các trang web lớn của nước ngoàii. Họ đang ném tiền vào Rutube, một giải pháp thay thế cho YouTube của công ty khí đốt nhà nước Gazprom. Chặn YouTube vẫn chưa khả thi; Những người Nga bình thường sẽ bực bội nếu họ không còn được xem các chương trình nấu ăn và những người nổi tiếng nói chuyện phiếm trên đó. Nhưng nếu đủ nội dung được đưa vào Rutube, một ngày nào đó Nga có thể đóng cửa YouTube mà không bị phản ứng dữ dội.

    Trong khi đó, tất cả điện thoại di động mới được bán ở Nga phải cài mặc định ứng dụng Yandex, một công cụ tìm kiếm của Nga. Chính phủ có kế hoạch yêu cầu tất cả công nhân viện như giáo viên và giáo sư đại học chỉ được sử dụng các dịch vụ email và messenger của Nga để làm việc.

    Các chính phủ khác cũng đang cố thuyết phục người dùng từ bỏ các trang web nước ngoài. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hướng người dân đến các ứng dụng nhắn tin có nguồn gốc không rõ ràng (ít nhất một ứng dụng được kết nối với một công ty được chính phủ hậu thuẫn). Khi các thành viên của đảng cầm quyền của Ấn Độ không hài lòng với Twitter vào đầu năm nay, họ bắt đầu khuyến khích dân sử dụng ứng dụng Koo của Ấn Độ. Vào tháng 1, các bác sĩ làm việc cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, cho biết họ sẽ không còn giao tiếp bằng WhatsApp của Facebook. Họ khuyến khích đăng ký Bi P, một sản phẩm của công ty viễn thông lớn của Thổ Nhĩ Kỳ Turkcell.

    Lãnh đạo chuyên quyền cho rằng việc có nhiều công dân dùng các dịch vụ trong nước hơn sẽ giúp dễ theo dõi những gì họ nói hơn. Chính phủ cũng đang sử dụng phần mềm mới để theo dõi công dân bất kể ở thiết bị nào hoặc trang web nào. Freedom House cho biết họ phát hiện 45 quốc gia trong số những quốc gia họ theo dõi đôi khi sử dụng “phần mềm gián điệp” như vậy trong 12 tháng qua; Tổ chức này gọi đây là một “cuộc khủng hoảng nhân quyền”.

    Vào tháng 7, các nhà điều tra của hơn một chục tờ báo cho biết họ đã thu được 50.000 số điện thoại của những người mà họ tin rằng đang bị khách hàng của NSO Group, một công ty của Israel, chuyên giúp các chính phủ theo dõi các thiết bị di động, xem xét giám sát. Các chính phủ đó bao gồm Mexico, Morocco và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Danh sách những người có thể đã bị giám sát bao gồm các nhà báo, chính trị gia và các nhà hoạt động nhân quyền. Vào tháng 5, một thẩm phán Anh đã ra phán quyết rằng Mohammed bin Rashid Al Maktoum, lãnh đạo Dubai, đã sử dụng phần mềm gián điệp để theo dõi vợ cũ của mình. Lấy cắp dữ liệu cá nhân từ thiết bị của người dân không chỉ giúp chính phủ bôi nhọ những người chỉ trích. Việc đó cũng làm cho những người tố cáo và những người khác biết chuyện quan trọng sợ không dám nói chuyện với các nhà báo, vì sợ danh tính sẽ bị rò rỉ.

    Tất cả công nghệ hiện đại này ngày càng được kết hợp với luật mới để làm tê liệt tự do ngôn luận. Năm ngoái, cảnh sát ở ít nhất 55 trong số 70 quốc gia được Freedom House giám sát đã điều tra, bắt giữ hoặc kết tội một người nào đó vì những bài đăng trên mạng xã hội. Đó là con số cao nhất kể từ khi chỉ số này được đưa ra cách đây 11 năm. Một phụ nữ ở Thái Lan bị kết án 43 năm tù vì chia sẻ một video clip từ một chương trình chỉ trích chế độ quân chủ (bản án ban đầu của bà là 87 năm và đã được giảm xuống vì đã nhận tội). Thái Lan nằm trong số một số quốc gia đã sử dụng luật “tội phạm máy tính” để mở rộng đáng kể các loại phát ngôn có thể bị coi là tội phạm.

    Gần đây, các công ty web chứ không phải người dùng, trở thành mục tiêu của hầu hết các luật mới. Một yêu cầu ngày càng phổ biến là họ phải lưu trữ dữ liệu người dùng ở quốc gia mà dữ liệu đó được tạo ra, nơi các chính phủ có thể dễ dàng lấy được dữ liệu đó hơn. Trung Quốc đã yêu cầu như vậy từ năm 2017. Các lĩnh vực pháp lý khác đã thông qua hoặc đang soạn thảo luật tương tự ở Việt Nam, Ả Rập Xê-út, Dubai và Bangladesh.

    Chính phủ Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến việc chế ngự các công ty kỹ thuật số. Ấn Độ yêu cầu WhatsApp xác định người đầu tiên gửi bất kỳ tin nhắn nào vào, điều này đương nhiên dẫn đến việc hủy mã hóa từ đầu này đến đầu kia để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Các quy tắc mới có hiệu lực vào tháng 2 yêu cầu các công ty truyền thông xã hội lớn phải đặt văn phòng tại Ấn Độ và chỉ định đại diện địa phương. Người đại diện có thể sẽ bị án tù 7 năm nếu chủ của họ không tuân thủ luật lệ địa phương. Bộ quy tắc cũng buộc trong vòng 36 giờ phải gỡ bỏ nội dung được cho cho là đe dọa đến trật tự công cộng, an ninh quốc gia, thiếu đứng đắn, hay vi phạm đạo đức. Cho rằng các luật này có từ ngữ mơ hồ và dễ bị lạm dụng là còn nhẹ.

    Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cáo buộc các nhà báo lan truyền “tin giả” từ rất lâu trước khi Donald Trump làm cho tin giả trở thành mốt. Hiện đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của Erdogan đang xem xét việc công bố “thông tin sai lệch” trên mạng xã hội có thể bị phạt tới 5 năm tù giam. Không nghi ngờ gì nữa, chính phủ hy vọng điều đó sẽ giúp ngăn chặn những ý kiến bất đồng. Kerem Altiparmak, một luật sư nhân quyền, lưu ý rằng chính phủ đã thành công trong việc thuần hóa báo chí Thổ Nhĩ Kỳ. ông ấy nói nếu bây giờ các chính quyền có thể khuất phục mạng xã hội thì “luồng thông tin tự do sẽ chấm dứt”.

    Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã trao cho các cá nhân và công ty quyền yêu cầu các công ty công nghệ xóa một số thông tin về họ. Điều này được cho là mô phỏng “quyền được lãng quên” của các công dân Liên minh châu Âu, nhưng các biện pháp bảo vệ chống lại việc lạm dụng hệ thống mới còn yếu. Vào cuối năm 2020, gần 40.000 bản tin đã bị chặn hoặc xóa khỏi mạng theo lệnh của tòa án. Trong tin bị xoá có chuyện một cố vấn của Erdogan giả mạo bằng tốt nghiệp trung học, tin nhắn trên một diễn đàn về chiếc túi xách sang trọng của vợ tổng thống và các bài báo về một nhà vô địch đấu vật bị kết tội hiếp dâm. Người kiểm duyệt mạng đôi rơi vào cảnh trớ trêu. Đầu năm nay, sau khi tòa chặn quyền truy cập bài liên quan đến một cuộc đấu thầu của bạn con trai ông Erdogan, phiên tòa thứ hai đã chặn quyền truy cập vào các bản tin viết về quyết định của phiên tòa đầu tiên.

    Trong một số trường hợp, quy tắc mới nhằm mục đích không xóa bài phát biểu, nhưng để đảm bảo rằng các trang tin tuyên truyền của chính phủ được duy trì. Lãnh đạo của tất cả các phe đều hoảng sợ khi các trang web truyền thông xã hội lớn đã tạm ngưng tài khoản của Donald Trump vì kích động nổi dậy hồi tháng Giêng. Tháng 9, Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, đã ký bản cập nhật luật internet nhằm thu hẹp số các trường hợp mà các công ty có thể xóa các bài đăng mà họ cho rằng vi phạm chính sách kiểm duyệt nội bộ. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mexico đã đề xuất một luật cho phép cơ quan quản lý internet khôi phục các bài đăng và tài khoản mà các công ty truyền thông xã hội đã quyết định gỡ xuống. Vào tháng 6, Nigeria bắt đầu chặn Twitter sau khi công ty này xóa tin của tổng thống Muhammadu Buhari, tin ám chỉ đến cuộc nội chiến của Nigeria với khoảng 1 triệu người chết và cảnh báo những người theo chủ nghĩa ly khai rằng họ sẽ được đối xử “bằng ngôn ngữ mà họ hiểu”.

    Lãnh đạo độc tài chắc chắn sẽ tiếp tục kết hợp công nghệ cao và công nghệ thấp để ngăn chặn tự do ngôn luận trực tuyến. Trong thời gian căng thẳng ở Ai Cập, cảnh sát đôi khi chặn người đi đường và yêu cầu họ mở khóa điện thoại để xem họ có chia sẻ điều gì có tính chất lật đổ hay không. Quân đội Myanmar đã làm tương tự kể từ cuộc đảo chính vào tháng Hai. Freedom House phát hiện ra rằng năm ngoái, người dân ở 41 quốc gia đã bị đánh đập hoặc bị giết vì những điều họ đã nói trên mạng. Trong một bài phát biểu vào năm 2019, Paul Kagame, tổng thống của Rwanda, đã cảnh báo các nhà phê bình trực tuyến nước ngoài rằng họ có nguy cơ bị trả đũa. Lời nói của Paul Kagame kèm theo những đe dọa cụ thể, vì những người bất đồng chính kiến ​ Rwanda ở nước ngoài thường bất ngờ gặp những chuyện không may. “Những người gây ồn ào trên internet làm như vậy bởi vì họ ở xa đám cháy,” ông nói. “Nếu họ dám đến gần, họ sẽ phải đối mặt với sức nóng của lửa.”

    Không có nhận xét nào