Header Ads

  • Breaking News

    Lê Tây Sơn - FBI và màn gài bẫy bắt kẻ bán bí mật tàu ngầm hạt nhân

    Kỹ sư hạt nhân của Hải quân Mỹ Jonathan Toebbe và vợ đã bị buộc tội cố gắng bán bí mật tàu ngầm hạt nhân cho nước ngoài. Hồ sơ toà án cho biết ông ta đã tìm cách bán thông tin mật cho một người mà ông ta tin là đại diện cho một thế lực nước ngoài. “Thương vụ” bán bí mật quốc gia lấy tiền bị Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) “lật mặt” từ Tháng Mười Hai 2020 và tiếp tục bằng màn “đánh lừa” ngoạn mục với người mua là nhân viên FBI giả danh.

    Lê Tây Sơn - FBI và màn gài bẫy bắt kẻ bán bí mật tàu ngầm hạt nhân

    Theo hồ sơ luận tội nộp cho toà án ở bang West Virginia vừa được gỡ niêm phong vào ngày 10 Tháng Mười, Jonathan Toebbe và vợ đã nhiều lần cố gắng chuyển bí mật tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cho nước ngoài, một âm mưu kiếm tiền bất chính bị khép tội gián điệp. Theo FBI, “Toebbe lén lút lưu giữ các thông tin tối mật về tàu ngầm hạt nhân Mỹ đã vi phạm Luật Năng lượng Nguyên tử (Atomic Energy Act) khi nhiều lần trao Dữ liệu bị hạn chế (Restricted Data) cho một chính phủ nước ngoài với sự tiếp sức khôn ngoan của người vợ, Diana Toebbe”.

    Cụ thể, vào Tháng Mười Hai 2020, một quan chức FBI nhận được một gói hàng gửi ra nước ngoài trong đó chứa các tài liệu mật của Hải quân Mỹ, có kèm một lá thư hướng dẫn cách liên lạc mã hóa với chủ gói hàng. Gói hàng, ghi địa chỉ trả lại là thành phố Pittsburgh, bị FBI thu giữ thông qua Văn phòng tùy viên pháp lý của FBI ở một nước ngoài “không xác định”. Vụ việc dẫn đến một điệp vụ bí mật kéo dài nhiều tháng. Bức thư có nội dung: “Tôi xin lỗi vì bản dịch không hoàn chỉnh sang ngôn ngữ của bạn. Hãy chuyển bức thư này đến cơ quan tình báo quân sự của quốc gia bạn giúp tôi. Tôi tin rằng thông tin trong gói hàng sẽ có giá trị lớn đối với quốc gia bạn. Đây không phải là trò đùa!”.

    FBI lập tức cho người đóng giả điệp viên nước ngoài nhận được gói hàng và đồng ý mua bí mật quân sự Mỹ. Người này bắt đầu liên lạc qua email với chủ gói hàng, đề nghị gặp trực tiếp. Tuy nhiên, chủ gói hàng nói rằng làm vậy là quá nguy hiểm. Hồ sơ tòa án cho thấy Toebbe chủ động bàn bạc về việc bán bí mật và ra giá “tiền công” với người mà ông ta tưởng là người nhận “gói hàng mời chào” nhưng thực tế là đặc vụ FBI. “Cách lên kế hoạch chu đáo của bạn cho thấy bạn không phải là kẻ nghiệp dư. Nhưng muốn xây dựng mối quan hệ tốt, chúng ta phải thoải mái và tin tưởng nhau” – đặc vụ FBI viết trong email gửi Toebbe.

    Quá trình trao đổi email cho thấy lúc đầu Toebbe rất thận trọng, sau đó mới tin tưởng “đối tác”, một phần vì số tiền đồng ý thanh toán khá lớn và một phần vì FBI đã khôn khéo phát “tín hiệu (signal) chứng thực” cho Toebbe từ “sứ quán nước ngoài” mà ông ta gửi gói hàng mời chào ở Washington vào cuối tuần ngày Lễ tưởng niệm (Memorial Day). Các tài liệu không nói rõ làm thế nào FBI có thể phát được tín hiệu tại đó. Khi Toebbe yêu cầu “đối tác” trả $100,000, ông ta nhấn mạnh, “Tôi hiểu đây là một khoản tiền lớn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tôi đang mạo hiểm mạng sống của mình vì lợi ích của quốc gia bạn và chính tôi đã thực hiện bước làm quen. Xin tạo cho tôi sự tin tưởng hoàn toàn vào bạn”. Hàm ý của Toebbe là sẽ còn làm ăn lâu dài với nhau!

    Đặc vụ FBI thuyết phục Toebbe “thả dữ liệu mật vào vị trí bí mật xác định” (dead drop) vào cuối Tháng Sáu tại hạt Jefferson, bang West Virginia sau khi ứng trước cho Toebbe $10,000 tiền điện tử (theo “hoá đơn” thanh toán). Toebbe đồng ý, trao gói hàng, FBI đến lấy và thấy bên trong có một thẻ dữ liệu 16 gigabyte. Tấm thẻ được bọc nhựa và đặt giữa hai lát bánh mì để trên một nửa chiếc bánh mì kẹp bơ đậu phộng rồi nhét vào chiếc túi nhựa. Cũng theo hồ sơ toà án, FBI chuyển thêm $20,000 cho hai thẻ dữ liệu nữa, một thẻ giấu trong vỏ bao Band-Aid, một thẻ giấu trong thỏi kẹo cao su.

    “Bà Diana Toebbe dường như đóng vai trò cảnh giác khi chồng thả tài liệu vào vị trí” – hồ sơ toà án viết. Sau khi nhận được $70,000 tiền điện tử, Toebbe mới cung cấp mật khẩu để đọc nội dung của một thẻ dữ liệu. Những thông tin mà Toebbe đã trao gồm các chi tiết về thiết kế, hoạt động và hiệu suất của các lò phản ứng tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mang tên lửa hành trình tích hợp công nghệ tàng hình, thu thập thông tin tình báo và hệ thống vũ khí mới nhất. Xây dựng mỗi chiếc Virginia tốn khoảng $3 tỷ.


    Sụp bẫy vì tiền!

    Tài liệu tòa án cho biết Toebbe khi còn ở Hải quân (từ 2012-2017) làm việc trong cơ quan an ninh tối mật chuyên về động cơ hạt nhân và thuộc nhóm nghiên cứu thiết kế động cơ đẩy hạt nhân cho tàu ngầm, một công nghệ mà Mỹ vừa đồng ý cung cấp cho Úc dẫn đến xích mích với Pháp, nước có hợp đồng đóng tàu ngầm hạt nhân thế hệ cũ bị Úc gác lại, gây khủng hoảng ngoại giao giữa Washington và Paris một thời gian. Trước đây, Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Anh, cũng là một đối tác trong thỏa thuận với Úc. Theo FBI, Toebbe còn được giao cho một phòng thí nghiệm năng lượng hạt nhân của Hải quân ở thành phố Pittsburgh.

    Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nhận định: “Hồ sơ luận tội cho thấy có một âm mưu chuyển thông tin thiết kế tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cho một quốc gia khác”. Hồ sơ tòa án không xác định quốc gia nước ngoài là nước nào! FBI cũng không giải thích làm thế nào FBI có trong tay gói hàng được Toebbe gửi ra nước ngoài lần đầu tiên (dấu bưu điện trên gói hàng ghi ngày 1 Tháng Tư, 2020). Toebbe, 42 tuổi, và vợ, 45 tuổi, sống ở ngôi nhà ven sông South River ở Annapolis, bang Maryland, nơi người vợ là giáo viên nhân văn trường trung học. Họ bị bắt vào ngày 9 Tháng Mười ở West Virginia khi đang thả một thẻ dữ liệu nữa tại vị trí bí mật và sẽ ra tòa lần đầu tiên vào ngày 12 Tháng Mười. Sau khi bị bắt, nhà của họ bị FBI và điều tra Hải quân lục soát.

    John Cooley, sống đối diện với Toebbes, cho biết anh đếm được hơn 30 nhân viên FBI đến khám nhà từ 2g30 chiều cho đến trời tối. Hiện vẫn chưa rõ liệu Toebbes có nhờ luật sư hay không. Hải quân từ chối câu hỏi của truyền thông. Tính chung, Toebbe đã trao cho “đặc vụ nước ngoài” hàng ngàn trang tài liệu và kế hoạch bán thông tin mật được xây dựng trong nhiều năm. Trong một email, ông ta viết: “Các thông tin mật được tôi thu thập dần dần và cẩn thận trong nhiều năm làm việc nhằm tránh thu hút sự chú ý và dễ đưa qua các trạm kiểm soát an ninh, mỗi lần vài trang”. Toebbe lưu ý “đối tác” là dù ông ta không còn quyền truy cập dữ liệu mật nhưng “vẫn có thể trả lời bất kỳ câu hỏi kỹ thuật nào mà bạn cần”. Toebbe cũng hy vọng chính phủ nước ngoài sẽ nhận ông ta và gia đình nếu ông ta bị phát hiện, vì “chúng tôi có hộ chiếu và luôn chuẩn bị sẵn số tiền mặt dành cho khả năng này”.

    Không có nhận xét nào