Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Nam - Có thật là họ sợ mất ghế?

    Một nhà báo chua chát nhận xét rằng, với thể chế nhân sự luôn là kết quả của công tác quy hoạch cán bộ chiến lược, thì chuyện họ sợ mất ghế khi làm sai, thật ra chỉ là một bề mặt của hình thức dân chủ thôi – kiểu như ‘rớt’ Chủ tịch để ‘lên’ Bí thư vậy thôi mà.

    Nguyễn Nam - Có thật là họ sợ mất ghế?

    “Họ sợ bệnh dịch lấy lan ư? Họ sợ chết dân ư? Không. Tôi chưa tin là có ông Bí thư, Chủ tịch nào thương dân, vì dân đến thế đâu. Họ cũng chẳng lo cho kinh tế bị sụp đổ đâu… Vì họ có bị giảm lương đâu! Các vị không dám quyết là vì các vị sợ mất ghế của chính mình. Bởi lẽ, đã có chỉ lệnh xử lý người đứng đầu nếu để dịch bùng phát… Thế thì ngu dại gì mà ‘mở cửa’. Bố thằng nào biết con virus nó đến từ đâu? Cho nên, cứ ‘đóng cửa’ lại cho an toàn.

    Mà chống con virus là đánh nhau với kẻ thù vô hình, với loại giặc không nhìn thấy, ở một mặt trận không chiến tuyến… Bất cứ ai cũng có thể bị gục ngã, và không biết vào lúc nào? Ở đâu? Chính vì sợ trách nhiệm, sợ mất ghế… nên nhiều lãnh đạo chẳng dại gì mà ‘Ok’, còn kinh tế có sụp đổ, doanh nghiệp này có chết, danh nghiệp kia có ngắc ngoải… thì đó không phải là việc của lãnh đạo.

    Cho nên, một lần nữa, tôi lại phải nói: Cán bộ dám nghĩ, dám làm ,dám chịu trách nhiệm đã trở thành loài ‘động vật đã tuyệt chủng’ ở Viêt Nam” – vị nhà báo diễn giải, và chuyện ‘sợ mất ghế’ ở đây cần được thêm chú thích rằng phe nhóm sẽ nhân cớ đó để đưa ra quyết định ‘đóng’ – ‘mở’ để triệt lẫn nhau; chứ nếu có hậu thuẫn vững chắc thì tha hồ quyết, dẫu có sai thì đó cũng là trách nhiệm của cả tập thể như lâu nay vẫn thường thấy.

    Một đơn cử. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP.HCM chiều 25-6-2021, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đã thống kê từ số liệu các bệnh nhân mắc Covid-19 vừa qua cho thấy, số có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Cụ thể, hiện 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng; 68% ca mắc Covid-19 không có triệu chứng. Trong khi đó, thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, 68% ca nhiễm nCoV có triệu chứng.

    “Qua những con số trên, tôi nhận định những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm phát hiện đầu tiên hầu hết mắc bệnh mức độ nhẹ, nếu không đi khám sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu”, ông Dũng nói.

    Cũng theo bác sĩ Dũng, nCoV sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện hai trạng thái: gia tăng độc lực ở thời gian đầu và giảm ở thời gian kế tiếp. Khi độc lực virus giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.

    “Bên cạnh phương án truy vết, khoanh vùng nhanh nhất như hiện nay, có thể chúng ta cần tính tới phương án sống chung với lũ. Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm những con rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước”, bác sĩ Dũng nói và cho rằng đây là ý kiến của cá nhân mình.

    Bác sĩ Dũng cho rằng thời gian tới, TP.HCM cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền như trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng. Những người này cần được chích vắc xin phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm.

    Như vậy, làm một đối chiếu với những gì kể từ sau ý kiến trên của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, cho thấy nếu muốn đi theo kiểu ‘zero Covid’ thì phải tăng cường ngoáy mũi thường xuyên, phải truy vết, cách ly, hình sự hóa việc cố tình làm lây nhiễm, coi F0 như đối tượng nguy hiểm đối với cộng đồng (có thể kèm theo kỳ thị), lập pháo đài tại phường xã tổ dân phố, phải dây thép gai…

    Còn muốn chung sống với Covid chứ không phải sống chung với đại dịch, thì phải có phủ vắc xin hiệu quả, có khung chính sách rõ ràng và linh hoạt cho việc đóng bớt / mở thêm từng loại hoạt động xã hội. Việc đếm ca, nhất là ca không triệu chứng cũng phải bỏ. F0 trở thành một phần hiển nhiên trong cuộc sống và không phải cái gì đáng phải kinh hãi và kỳ thị. Nhiễm Covid chưa phải là ‘bệnh nhân’ trừ khi phát bệnh…

    Thế nhưng, sau buổi chiều 25-6 kể trên, ý kiến của bác sĩ Dũng đã làm phật ý ‘bề trên’, và ai đó đã ‘tác động’ để rồi UBND TP.HCM đã có quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 09-7-2021 về biệt phái ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) trực thuộc Sở Y tế TP.HCM đến nhận nhiệm vụ Phó thường trực Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 đặt tại Văn phòng UBND Thành phố trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày 09-7-2021.

    Đúng là thật chua chát.

    Gần 20.000 người chết tại Sài Gòn chưa làm cho ‘bề trên’ nào đó thức tỉnh. Hàng trăm ngàn người lao động rời bỏ Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước chưa làm cho ‘bề trên’ e ngại. Hay là có “gì đó” từ các khu cách ly tập trung, từ việc phong tỏa, từ kit test đã che mờ mắt họ?

    Nếu như hồi đó, họ đồng ý để Sài Gòn sống chung với virus Vũ Hán, tập trung vào việc điều trị cho F0, giảm số lượng bệnh trở nặng, giảm số tử vong như ý kiến của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, thì Sài Gòn hôm nay đâu có thê thảm như vậy.

    Nếu như hồi đó, họ tập trung bảo toàn hệ thống y tế, có phân công phân nhiệm rõ ràng, thì đâu đến nỗi bây giờ phải xét nghiệm lấy xét nghiệm để, để giảm tỉ lệ tử vong…

    “Juste un mot, si, on peut mettre Paris en bouteille” – “Chỉ với một chữ nếu, người ta có thể bỏ Paris vào cái chai” (Ngạn ngữ Pháp).

    Không có nhận xét nào