Header Ads

  • Breaking News

    Đỗ Thành Nhân - Giai cấp công nhân

    Nhìn “giai cấp công nhân” thấy được tương lai dân tộc và đất nước; mà nguyên nhân chính bắt đầu từ việc họ không được trực tiếp chọn ra “đội tiên phong” của mình.

    Đỗ Thành Nhân - Giai cấp công nhân

    Thống kê một số từ chỉ các thành phần xã hội trong Hiến pháp năm 2013: “công nhân” lặp 5 lần, “nông dân” – 2 lần, “trí thức” – 1 lần, “quân đội” – 4 lần, “công an” – 2 lần, “cán bộ” – 3 lần, “chiến sỹ” – 1 lần, “viên chức” – 3 lần, “công chức” – 2 lần. Còn nói về giai cấp thì chỉ có 2 giai cấp là “giai cấp công nhân” lặp 4 lần và “giai cấp nông dân” – 1 lần trong Hiến pháp.

    Qua số liệu thống kê cho thấy “công nhân” và “giai cấp công nhân” là đối tượng được quan tâm nhiều nhất trong Hiến pháp. Cụm từ “công nhân”, “giai cấp công nhân” xuất hiện ở điều khoản sau (viết IN HOA để dễ phân biệt):

    – Điều 2.2, Chương I. Chế độ chính trị: “ … tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa GIAI CẤP CÔNG NHÂN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”

    Cho thấy “giai cấp công nhân” là đối tượng nắm quyền lực cao nhất trong liên minh các thành phần trong xã hội.

    – Điều 4.1, Chương I. Chế độ chính trị: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của GIAI CẤP CÔNG NHÂN, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của GIAI CẤP CÔNG NHÂN, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

    Có nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam trước tiên là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, sau đó mới đến các thành phần khác.

    – Điều 10, Chương I. Chế độ chính trị “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của GIAI CẤP CÔNG NHÂN và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; …”

    – Điều 68, Chương IV. Bảo vệ tổ quốc “…; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, CÔNG NHÂN, viên chức phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; …”

    Từ “công nhân” được lặp 5 lần, trong 2 chương quan trọng nhất của Hiến pháp là “Chương I. Chế độ chính trị” và “Chương IV. Bảo vệ tổ quốc”, điều đó cho thấy “công nhân” và “giai cấp công nhân” có vai trò quan trọng như thế nào ?.

    Giai cấp công nhân được xác lập vai trò lịch sử của mình từ năm 1930 – khi đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay là 91 năm, còn xác lập vai trò lãnh đạo của công nhân từ Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959, trong Lời nói đầu: “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp CÔNG NHÂN lãnh đạo.” đến nay cũng 62 năm. Như vậy, nếu tính trực hệ thì “giai cấp công nhân” ít nhất cũng 4 thế hệ làm lãnh đạo.

    Bài viết dài dòng về “công nhân” để thấy vai trò “giai cấp công nhân” trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, trong tiến trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, sau ít nhất 4 thế hệ công nhân làm lãnh đạo, làm chủ đất nước, thì thân phận của giai cấp công nhân hiện nay như thế nào ?.

    Mọi người đừng có nghe bất cứ thế lực nào tuyên truyền, kích động, nói xấu mà hãy nhìn thẳng, để thấy và tự mình đánh giá qua cái “test” của Covid-19. Giai cấp công nhân là người tạo ra sản phẩm cho xã hội nhiều nhất, nhưng 4 tháng bị cách ly bởi dịch Covid-19 họ nhận được cái gì ? có tương xứng với đóng góp của họ cho xã hội hay không ? và đặc biệt có tương xứng với vai trò, vị trí mà họ được Hiến pháp ghi nhận hay không ?.

    Mặc dù nắm quyền lực cao nhất, làm chủ đất nước, nhưng công nhân cũng chỉ “ở trọ” nơi làm việc. Sau 4 tháng không việc làm, không tiền, không nhà, không được hỗ trợ để sống tối thiểu nên họ đành phải rời miền đất hứa tìm về quê hương. Người này, người kia kêu gọi “công nhân” ở lại, tiếp tục làm … “giai cấp công nhân”, nhưng cái ăn, chỗ ở ở thành phố, khu công nghiệp thì ai lo cho họ ?

    Nuôi con chó, không cho ăn nó cũng bỏ đi, huống hồ chi con người.

    Vậy là đoàn – đoàn người lũ lượt kéo về miền tây, tây nguyên, miền trung, vượt đến 2000 cây số quay ngược ra bắc[1] bằng phương tiện cá nhân trong mùa mưa bão vô cùng nguy hiểm, người có lương tri không thể không xúc động.

    Đến khi hàng vạn công nhân buộc phải rời bỏ vùng trọng điểm kinh tế để về quê thì báo chí kêu lên “lấy ai cứu doanh nghiệp”[2]; nhưng trước đó nhiều tháng trời không thấy báo nào lên tiếng “ai cứu công nhân”!

    Hình ảnh công nhân trốn chạy Covid-19 quá nhiều trên mạng; nếu chỉ vài trăm người thì có thể nói là hiện tượng; nhưng đến hàng ngàn, hàng vạn người thì lúc này là bản chất, theo “quy luật lượng – chất” của triết học Mác-Lênin: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất” – thì đó chính là hình ảnh “giai cấp công nhân” Việt Nam.

    “Giai cấp công nhân” từ Hiến pháp đến thực tế là một khoảng cách quá xa, đến vô vọng vì đã qua 4 thế hệ rồi. Nhìn “giai cấp công nhân” thấy được tương lai dân tộc và đất nước; mà nguyên nhân chính bắt đầu từ việc họ không được trực tiếp chọn ra “đội tiên phong” của mình.

    Không có nhận xét nào