Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 10 tháng 10 năm 2021

    Phát biểu nhân lễ Quốc Khánh 10/10/2021, tổng thống Thái Anh Văn khẳng định « Đài Loan không nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc » và quyết tâm bảo vệ « mô hình dân chủ » của đất nước. Một lần nữa, tổng thống Đài Loan bác bỏ nguyên tắc « một nước Trung Hoa duy nhất ».

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 10 tháng 10 năm 2021

    Trong bài phát biểu hôm nay, bà Thái Anh Văn tuyên bố sẽ làm « tất cả để duy trì nguyên trạng » trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục gia tăng sức ép đòi thống nhất Đài Loan và xem quốc đảo này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

    Tổng thống Đài Loan khẳng định « tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia và chứng minh quyết tâm tự vệ để không một ai có thể cưỡng ép Đài Loan đi theo con đường mà Trung Quốc đã vạch ra cho chúng ta ». Bởi vì con đường đó, theo bà « không đem lại tự do và dân chủ cho Đài Loan và cũng không bảo đảm chủ quyền cho 23 triệu dân của hòn đảo này ».

    Hãng tin Mỹ AP nhắc lại, những tuyên bố nói trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc dồn dập điều chiến đấu cơ bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan gây căng thẳng trong khu vực. Cùng lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem việc thống nhất Đài Loan là một « nghĩa vụ phải hoàn thành ».

    Lễ diễu binh mừng Quốc khánh Đài Loan ngày 10/10/2021. AFP - SAM YEH

    Thông tín viên Adrien Simorre từ Đài Bắc ghi nhận, Đài Loan mừng Quốc Khánh vào thời điểm căng tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh gia tăng tột độ :

    « Nào là nhạc rap, nào là những màn trình diễn khiêu vũ, nào là hoa giấy trên bầu trời Đài Bắc. Đó là những hình ảnh của một đất nước đoàn kết trước những thách thức, ít ra đây là điều mà bà Xu muốn trông thấy trong ngày Quốc Khánh hôm nay.

    Cùng chồng đến dự sự kiện này, bà nói : "Tôi hoàn toàn ủng hộ Đài Loan và chính phủ của chúng tôi. Tôi nghĩ là họ đã làm việc tốt để bảo vệ đất nước. Mô hình tự do và dân chủ của chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi".

    Lễ mừng Quốc Khánh lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt căng thẳng với Bắc Kinh. Đầu tuần qua, Đài Bắc nhận diện số máy bay quân sự của Trung Quốc ngay cửa ngõ cao kỷ lục. Hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại ý định thôn tính Đài Loan và ông xem đó là một nghĩa vụ lịch sử.

    Trong bối cảnh sóng gió này, tổng thống Thái Anh Văn đã dành hẳn một thông điệp cho Bắc Kinh. Bà tuyên bố : "Hy vọng quan hệ với Bắc Kinh hòa dịu nhưng chắc chắn là Đài Loan không nhượng bộ trước những áp lực. Bởi vì con đường mà Trung Quốc đề ra đòi Đài Loan phải từ bỏ chủ quyền, đòi chúng tôi phải từ bỏ mô hình dân chủ".

    Chương trình mừng quốc khánh kết thúc bằng một cuộc diễu binh ở quy mô vừa phải. Đài Loan phô trương xe tăng, hệ thống phóng tên lửa và trực thăng như để nhắc lại thông điệp mà chính quyền Đài Loan không ngừng lặp lại. Đó là "chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng sẽ tự vệ trong trường hợp bị xâm lược". »

    Nhà báo Phillipines đoạt giải Nobel Hòa bình nói Facebook ‘thiên vị chống lại sự thật’


    Người đoạt giải Nobel Hòa bình Maria Ressa chỉ trích Facebook là mối đe dọa đối với nền dân chủ, nói rằng đại công ty mạng xã hội này đã không ngăn chặn sự thù ghét và thông tin xuyên tạc lan truyền trên nền tảng của họ và “thiên vị chống lại sự thật.”

    Nhà báo kỳ cựu người Philippines và là người đứng đầu website tin tức Rappler nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn sau khi bà đoạt giải rằng các thuật toán của Facebook “ưu tiên sự lan truyền của những điều dối trá đi kèm với sự giận dữ và thù ghét hơn là sự thật.”

    Những bình luận của bà tăng thêm áp lực gần đây lên Facebook vốn được sử dụng bởi hơn 3 tỉ người, Reuters nói. Một cựu nhân viên Facebook trở thành người tố cáo tiêu cực cáo buộc công ty đặt lợi nhuận lên trên sự cần thiết phải kiểm soát những lời lẽ thù hằn và thông tin sai lệch. Facebook phủ nhận mọi hành vi sai trái.

    Khi được yêu cầu bình luận về phát biểu của bà Ressa, phát ngôn viên của Facebook nói công ty tiếp tục đầu tư mạnh để loại bỏ và giảm mức độ hiển thị của nội dung độc hại.

    “Chúng tôi tin tưởng vào tự do báo chí và ủng hộ các tổ chức tin tức và nhà báo trên toàn thế giới trong khi họ tiếp tục công tác quan trọng của mình,” phát ngôn viên nói thêm.

    Bà Ressa cùng đoạt giải Nobel với nhà báo người Nga Dmitry Muratov vào ngày thứ Sáu, về điều mà ủy ban gọi là bất chấp sự phẫn nộ của các nhà lãnh đạo Philippines và Nga để phơi bày tham nhũng và sự cai trị sai trái, cổ xúy quyền tự do ngôn luận vốn đang bị tấn công khắp thế giới.

    Facebook đã trở thành nhà phân phối tin tức lớn nhất thế giới thế nhưng “họ thiên vị chống lại sự thật, họ thiên vị chống lại báo chí.”

    Bà Ressa trở thành mục tiêu của các chiến dịch chửi bới dữ dội trên mạng xã hội từ những người ủng hộ Tổng thống Rodrigo Duterte. Bà nói những chiến dịch đó nhắm mục tiêu hủy hoại uy tín của bà và Rappler.

    Tường trình của Rappler bao gồm sự săm soi cuộc chiến chống ma túy chết người của ông Duterte và một loạt báo cáo điều tra về điều mà họ nói là chiến lược của chính phủ ông nhằm “vũ khí hóa” internet, sử dụng các blogger được chính phủ trả tiền để kích động sự tức giận của những người ủng hộ trên mạng, đưa ra những lời đe dọa và bôi nhọ những người chỉ trích ông Duterte.

    Ông Duterte chưa bình luận về giải thưởng của bà Ressa. Phủ tổng thống, người phát ngôn của ông Duterte, trưởng cố vấn pháp lý và văn phòng truyền thông của ông không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

    Tổng thống Philippines không chúc mừng nhà báo trong nước đoạt giải Nobel hòa bình


    Nhà báo Philippines Maria Ressa, người đã chia sẻ giải Nobel Hòa bình năm nay với nhà báo Nga Dmitry Muratov vì đóng góp cho tự do báo chí, đã không nhận được lời chúc mừng từ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

    Tuy nhiên, giải thưởng này đã làm nức lòng các đồng nghiệp trong giới báo chí Philippines, những người đã bị chính phủ đàn áp.

    “Cảm ơn, Rodrigo Duterte”, Manuel Mogato, người đã giành giải Pulitzer năm 2018, mỉa mai trên Twitter, “Ông thực sự đã giúp Philippines được đưa lên bản đồ thế giới”.

    Bà Maria Ressa đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2021 với tư cách là một nhà báo đã chiến đấu chống lại sự đàn áp tự do ngôn luận của chính phủ Philippines.

    Trong khi nhà báo Mogato đã giành được giải thưởng Pulitzer khi đưa tin về hoạt động chống ma túy của ông Duterte. Nhà báo này chỉ ra rằng Tổng thống Duterte và người đồng cấp Vladimir Putin là “anh em ruột thịt”.

    Bà Ressa là đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của Rappler, một công ty truyền thông kỹ thuật số của Philippines. Bà đã gắn bó với nghề báo hơn 30 năm.

    Theo báo cáo của South China Morning Post, quan chức duy nhất trong chính quyền của ông Duterte chúc mừng giải thưởng của bà Ressa là Ngoại trưởng Teodoro Locsin.

    Afghanistan : Đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Taliban, đôi bên muốn gì ?


    Lần đầu tiên kể từ khi chính phủ Kabul sụp đổ, Hoa Kỳ và Taliban có cuộc đàm phán đầu tiên. Hôm nay, 10/10/2021, là ngày làm việc thứ hai giữa hai bên tại Doha, thủ đô Qatar.

    Cuộc đàm phán này được khởi động một ngày sau cuộc tấn công tự sát đẫm máu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech nhắm vào một đền thờ ở Kunduz làm thiệt mạng gần 60 người. Thỏa thuận Doha đúc kết năm 2020 cũng như là cứu trợ nhân đạo là tâm điểm của cuộc thảo luận.

    Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Sonia Ghezali giải thích :

    « Theo những phát biểu gần đây của một số quan chức nhà nước, đối với Mỹ, cuộc đàm phán lần này có bốn mục tiêu. Đầu tiên hết là thúc giục Taliban thành lập một chính phủ mở rộng cho nhiều phe phái, hiện vẫn chưa có với chính phủ lâm thời của Taliban hiện nay, vốn bị một số người gọi là chính phủ Mollah.

    Một điểm khác mà phái đoàn Mỹ muốn nhấn mạnh : Đó là việc tôn trọng các quyền của người Afghanistan, đặc biệt là quyền của các em gái và phụ nữ. Phái nữ Afghanistan vẫn chưa được phép làm việc tại các văn phòng chung, kể cả trong bộ máy chính phủ.

    Rồi Washington hy vọng thuyết phục được Taliban thông lối vào cho các tổ chức nhân đạo tại những vùng đang gặp khó khăn vào lúc đất nước bị chìm trong một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

    Sau cùng, Washington cũng muốn được bảo đảm là những công dân Mỹ và những người Afghanistan nào đã giúp đỡ quân đội Mỹ sẽ có thể rời đất nước một cách an toàn. Đúng là có nhiều hồ sơ trên bàn thương lượng.

    Phe Taliban, về phía họ, muốn tái khẳng định quyền lực và kêu gọi Hoa Kỳ không nên "gây bất ổn" chính phủ của họ, theo như lời ngoại trưởng của Taliban. Tháng Chín rồi, Taliban đe dọa Hoa Kỳ sẽ gánh lấy hậu quả nếu vẫn tiếp tục điều drones bay trên không phận Afghanistan.

    Đối với phe Taliban, một trong những thách thức lớn hiện nay là việc gỡ phong tỏa viện trợ nước ngoài tại một đất nước đang chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết trong ngắn hạn hơn 14 triệu người dân Afghanistan có nguy cơ bị đói. »

    Họa chồng thêm họa: Nơi sản xuất than nhiều nhất Trung Quốc gặp thiên tai, 60 mỏ than đình phải chỉ hoạt động


    Sau trận mưa lớn và lũ lụt ở Hà Nam vào tháng 7, tỉnh Sơn Tây lân cận cũng hứng chịu các trận mưa lớn hiếm thấy trên diện rộng từ ngày Quốc khánh tới giờ. Các nhà phân tích thị trường cho rằng việc đóng cửa một số mỏ than ở Sơn Tây do thảm họa chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt nguồn cung, theo Epoch Times.

    Gần đây, lượng mưa lớn dẫn đến ở Sơn Tây xuất hiện nhiều điểm ngập úng nước, thiên tai địa chất, lũ lụt và các thảm họa khác, nênh Sơn Tây đã bắt đầu ứng phó khẩn cấp thảm họa địa chất cấp độ Ⅲ.

    Trong năm nay, do nguồn cung than thắt chặt và việc kiểm soát chặt chẽ mức tiêu thụ năng lượng, giá than tăng cao, nhiều nơi hạn chế sản xuất điện, đợt mưa lớn này sẽ càng ảnh hưởng gì đến nguồn cung và giá than.

    Về vấn đề này, nhà phân tích thị trường than độc lập Huang Teng đã thẳng thắn nói trong một cuộc phỏng vấn với Time Weekly rằng nguồn cung than trong nước gần đây đang thiếu hụt và việc một số mỏ than ở Sơn Tây bị đình chỉ do thảm họa chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự thiếu hụt nguồn cung.

    Là tỉnh sản xuất than lớn nhất Trung Quốc, tính đến cuối tháng 1/2021, Sơn Tây có tổng cộng 670 mỏ than.

    Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia, đến năm 2020, tổng sản lượng than nguyên khai trên quy mô quy định của cả nước là 3,84 tỷ tấn và của Sơn Tây là 1,063 tỷ tấn, hơn 1/4 sản lượng than nguyên khai của cả nước.

    Do tình trạng thiếu điện hiện nay ở nhiều nơi trên cả nước, việc “khan hiếm than” sắp xảy ra, Sơn Tây đã ký hợp đồng cung cấp than với 14 tỉnh (khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương) bao gồm Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Thiên Tân vào ngày 29/9.

    Tuy nhiên, lượng mưa lớn bất ngờ trong những ngày qua đã khiến 60 mỏ than ở Sơn Tây phải tạm dừng sản xuất, đồng thời dấy lên lo ngại về lỗ hổng trên thị trường than.

    Huang Teng cho biết về than tinh luyện, hầu hết các mỏ ở Sơn Tây đều nằm trong vùng thảm họa. “Điều này khó có thể bù đắp bằng cách tăng sản lượng ở các khu vực khác. Đặc biệt là than chất lượng cao. Tôi sợ nó sẽ bước vào thời kỳ khan hiếm”.

    Tình hình nhập khẩu than không mấy khả quan. Điều tra nguyên nhân, Huang Teng cho rằng thứ nhất là hàng không đủ cung cấp, thứ hai là giá cả tăng vọt, thứ ba là tình trạng thiếu tàu trên thị trường vận tải biển.

    Việt Nam bác thông tin Nike chuyển ra khỏi nước


    Một đại diện của Bộ Công thương Việt Nam vừa lên tiếng bác bỏ thông tin tập đoàn Nike của Mỹ chuyển ra khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc và Indonesia vì tác động của đại dịch COVID-19.

    “Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành, CEO của Nike khẳng định sẽ không rời bỏ Việt Nam, không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác”, báo Lao Động dẫn lời ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, khẳng định.

    Tuy nhiên, ông Tuấn Anh thừa nhận trong thời gian qua, Nike đã “chuyển đơn hàng sang nhà máy ở một số quốc gia khác” để kịp giao hàng và đảm bảo đúng tiến độ sản xuất.

    Truyền thông quốc tế gần đây liên tục đưa tin về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất trên toàn cầu do ảnh hưởng của lệnh phong toả, cách ly ở các nước, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

    Tuần trước, CNN, New York Times, Reuters đều dẫn nguồn tin từ đại diện các nhãn hiệu giày dép, quần áo lớn như Nike, Addidas, Under Armour, PacSun… cho biết về tình trạng đóng cửa các nhà máy kéo dài tại Việt Nam trong những tháng qua đã gây tác động nặng nề lên nguồn cung hàng hoá của họ, khiến các tập đoàn này phải tính toán đến phương án di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam.

    Riêng Nike cho biết họ vừa phải cắt giảm dự báo bán hàng vì lý do bị mất 10 tuần sản xuất tại Việt Nam, kể từ giữa tháng 7, và việc mở cửa trở lại dự kiến sẽ bắt đầu theo từng giai đoạn vào tháng 10, New York Times tường thuật.

    Nike sản xuất khoảng 3/4 sản lượng giày ở Đông Nam Á, với 51% sản xuất tại Việt Nam.

    CNN hôm 2/10 dẫn lời Giám đốc tài chính Matthew Friend của Nike cho biết ngay cả khi các nhà máy bắt đầu mở cửa trở lại kể từ tháng 10, thì có thể phải mất đến vài tháng để tăng cường sản xuất đầy đủ trở lại. Ông Friend cũng cho biết một nửa số nhà máy sản xuất quần áo của Nike tại Việt Nam hiện đã đóng cửa.

    “Các nhãn hàng đều rất lo lắng về nguy cơ đơn hàng và chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong các tháng cuối năm khi mà vaccine chưa về kịp, việc giãn cách gây ảnh hưởng trầm trọng tới việc quay trở lại sản xuất khi mà việc thực hiện ‘3 tại chỗ’ là không khả thi đối với các doanh nghiệp sử dụng lượng lớn công nhân”, báo Lao Động dẫn lời bà Hoàng Ngọc Ánh - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – thừa nhận về thất bại của chính sách phòng dịch của Việt Nam.

    Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), 88 trong tổng số 112 nhà máy sản xuất giày thể thao Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch bắt đầu từ tháng 4 ở Việt Nam.

    Hiện nay, các tỉnh thành Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai đang nỗ lực phối hợp với tập đoàn Nike để có thể triển khai hoạt động ngay chuỗi sản xuất ở các nhà máy trong khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là tại Bình Dương, nơi có chuỗi sản xuất với 20 doanh nghiệp của Tập đoàn Nike.

    Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn hôm 7/10 nói với báo chí rằng lãnh đạo Tập đoàn Nike khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất tại Bình Dương, đồng thời cho biết một số lao động làm việc tại các nhà máy của Nike về quê, nay đã quay trở lại làm việc trong trạng thái “bình thường mới”.

    Tuy nhiên, CNN dẫn dự báo của các chuyên gia và đại diện của tập đoàn Nike, PacSon… cho rằng Việt Nam sẽ phải mất từ 5 đến 6 tháng để các nhà máy hoạt động trở lại bình thường. Và khi quay trở lại, các nhà máy lại phải đối diện với một thách thức tiếp theo là làm sao để thu hút trở lại đủ số lượng nhân công để phục vụ sản xuất, sau cuộc di cư của hàng triệu công nhân khỏi các trung tâm sản xuất lớn.

    Singapore cho phép đi lại không cần cách ly với nhiều quốc gia


    Singapore là trung tâm thương mại và hàng không quốc tế lớn

    Singapore tuyên bố sẽ nới lỏng các hạn chế do dịch Covid-19 và cho phép người đi lại từ một số quốc gia được tới Singapore mà không cần cách ly.

    Thủ tướng Lý Hiển Long nói đã đến lúc thực hiện "chiến dịch chung sống với Covid-19".

    Ông nói các làn đi lại cho người đã tiêm vaccine với Đức và Brunei đã rất thành công, và sẽ được mở rộng tới chín quốc gia khác.

    Từ ngày 13/10, chính phủ Singapore sẽ cho phép những người đã tiêm vaccine đủ từ Canada, Đan Mạch, Pháp, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ và Anh vào Singapore mà không cần cách ly.

    Singapore từng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch.

    Số ca tử vong vì Covid-19 vẫn rất thấp, nhưng các biện pháp hạn chế đã ảnh hưởng tới vị thế của quốc đảo này như một trung tâm kinh doanh thương mại và hàng không.

    Thủ tướng Lý Hiển Long nói với người dân Singapore trong một bài phát biểu phát trên truyền hình rằng biến thể Delta cho thấy virus corona sẽ không biến mất.

    Nhưng với chiến dịch tiêm chủng, các biện pháp giãn cách xã hội và theo dõi cẩn trọng, Singapore có thể sống trong điều kiện "bình thường mới".

    "Chúng ta phải mất ít nhất là ba tháng, có lẽ tới sáu tháng, để đạt được điều này," ông nói. Ông cũng thừa nhận nhiều khả năng sẽ có số ca nhiễm tăng khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, và tình hình cần được theo dõi sát sao.

    Thủ tướng Lý Hiển Long nói làn đi lại cho người đã tiêm vaccine với Đức và Brunei bắt đầu tháng trước cho thấy những người đã tiêm vaccine có thể đi lại an toàn và không cần cách ly mà không làm cho số ca nhiễm tăng lên.

    Ông nói việc mở rộng các làn đi lại tương tự với các nước có số ca nhiễm ổn định sẽ "giữ cho chúng ta kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu và giúp bảo vệ vị thế trung tâm thương mại của Singapore."

    Chính phủ Singapore cũng thông báo rằng họ sẽ cho phép các nhóm hai người đã tiêm vaccine được ăn tại nhà hàng và đi mua sắm trong các mall. Dạy học tại lớp cho trẻ em dưới 12 tuổi sẽ được phép mở lại tuy nhiên "các trung tâm được khuyến khích tiếp tục dạy học online."

    Tòa án Hoa Kỳ khôi phục lệnh cấm phá thai ở Texas


    Một tòa phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ đã phán quyết hôm thứ Sáu (ngày 8/10) rằng Texas có thể nối lại lệnh cấm đối với hầu hết các ca phá thai, hai ngày sau khi một tòa án khác đình chỉ lệnh cấm, trang Taipei Times cho hay.

    Quyết định của Tòa phúc thẩm vòng thứ năm đã tạm thời đình chỉ phán quyết hôm thứ Tư, khôi phục hiệu quả lệnh cấm đối với hầu hết các trường hợp phá thai sau khi phát hiện thấy nhịp tim của thai nhi.

    Hôm thứ Tư, Thẩm phán quận Hoa Kỳ Robert Pitman đã ban hành lệnh ban đầu tạm dừng việc thực thi luật Texas, nói rằng nó trái với phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1973 của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ mang tên Roe v. Wade, quy định quyền phá thai hợp pháp của phụ nữ.

    Bộ trưởng Tư pháp Texas Ken Paxton, một đảng viên Đảng Cộng hòa, đã kháng cáo quyết định đó và đơn kháng cáo đã được chấp thuận vào thứ Sáu.

    Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe kế hoạch hóa gia đình cho biết, các cuộc hẹn dành cho phụ nữ muốn phá thai sau khi thai được sáu tuần sẽ bị hủy bỏ cho đến khi có thông báo mới.

    Đạo luật Nhịp tim Texas cho phép các thành viên của công chúng kiện các bác sĩ thực hiện phá thai, hoặc bất kỳ ai giúp đỡ họ, một khi phát hiện thấy nhịp tim của thai nhi – thường vào khoảng sáu tuần. Mọi người có thể được thưởng 10.000 đô la Mỹ cho việc khởi xướng các vụ án dẫn đến việc truy tố, đưa ra các cáo buộc mà luật pháp khuyến khích mọi người hành động như những người cảnh giác.

    Luật không có ngoại lệ đối với nạn nhân của hiếp dâm hoặc loạn luân.

    Là một phần của nỗ lực bảo thủ rộng rãi hơn nhằm hạn chế nạo phá thai trên khắp Hoa Kỳ, luật này đã gây ra tranh cãi và chia rẽ sâu sắc giữa 2 luồng ý kiến ủng hộ và phản đối việc phá thai.

    Không có nhận xét nào