Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 02 tháng 10 năm 2021

    Thứ Sáu, ngày 01/10/2021, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có cuộc họp khẩn, bàn về những vụ thử tên lửa gần đây của Bắc Triều Tiên. Kết thúc cuộc họp, 5 nước thành viên thường trực đã không đưa ra được một thông cáo chung.

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 02 tháng 10 năm 2021

    Nguyên nhân là vì dự thảo tuyên bố chung do Pháp đề xuất đã bị Nga và Trung Quốc bác bỏ. AFP dẫn lời một nhà ngoại giao ẩn danh giải thích rõ trên thực tế, trong dự thảo văn bản, Paris muốn một tuyên bố chung trước báo chí, bày tỏ « mối quan ngại » của Hội Đồng Bảo An trước những hoạt động của Bình Nhưỡng và kêu gọi « áp dụng đầy đủ các biện pháp trừng phạt ». Tuy nhiên, Nga và Trung đều cho rằng « giờ chưa phải lúc, cần có thêm thời gian để phân tích tình hình ».

    Cuộc họp kín kéo dài hơn một giờ đồng hồ, được triệu tập theo đề nghị của Hoa Kỳ - một hành động hiếm có từ năm 2017, cũng như từ Pháp và Anh. Mục tiêu là để xem xét vụ thử tên lửa diễn ra hồi đầu tuần (28/09/2021) mà Bình Nhưỡng cho là loại « siêu thanh ». Hai ngày sau, vài giờ trước phiên họp khẩn của Hội Đồng Bảo An, Bắc Triều Tiên lại thông báo tiếp thử thành công tên lửa phòng không, được phát triển gần đây.

    Hãng tin Pháp nhắc lại là vào năm 2017, chính quyền Donald Trump đã thành công trong việc thông qua 3 biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề nhắm vào Bắc Triều Tiên sau loạt thử hạt nhân và tên lửa. Kể từ đó, Hội Đồng Bảo An chưa bao giờ tìm lại được một quan điểm chung.

    Nga và Trung Quốc nhiều lần đề nghị dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận nhưng không thành. Chính quyền Biden, sau 8 tháng, vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng nào về hồ sơ Bắc Triều Tiên.

    Cũng trong ngày hôm qua, thứ trưởng quốc phòng Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản có cuộc trao đổi qua điện đàm để thảo luận về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Kết thúc cuộc họp, trong thông cáo chung, 3 bên đồng tình về việc « sắp tới hợp tác chặt chẽ tìm cách giải quyết » nhiều vấn đề như an ninh bán đảo Triều Tiên và khu vực, kể cả những vụ thử tên lửa gần đây nhất từ Bắc Triều Tiên.

    Ngày Quốc Khánh, Trung Quốc biểu dương sức mạnh ồ ạt trên vùng trời Đài Loan


    AFP dẫn nguồn tin từ Đài Bắc ngày 02/10/2021, tố cáo Trung Quốc trong ngày Quốc Khánh (01/10) đã huy động một số lượng máy bay quân sự nhiều kỷ lục, 38 chiếc các loại, xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

    Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, trong ngày 01/10/2021, Trung Quốc đã đưa 22 chiến đấu cơ, 2 oanh tạc cơ và 2 máy bay chống tàu ngầm vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Đài Bắc đã phải ra lệnh cho phi cơ cất cánh để giám sát và đuổi các máy bay Trung Quốc. Trong đêm hôm đó, một tốp máy bay thứ hai của Trung Quốc, gồm 13 chiếc, tiếp tục xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo, nâng tổng số máy nay tham gia xâm nhập vùng trời Đài Loan đợt này lên 38 chiếc.

    Vùng nhận dạng phòng không là không gian mà một quốc gia có chủ quyền thiết lập để xác nhận và định vị các máy bay vì mục đích an ninh quốc gia. Để chứng tỏ không bao giờ thừa nhận chủ quyền của Đài Loan, Trung Quốc vẫn thường xuyên đưa máy bay xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Năm 2021, tính đến thời điểm này, Đài Bắc đã thống kê được trên 500 vụ xâm nhập như vậy so với con số 380 vụ hồi năm 2020.

    Từ khi bà Thái Anh Văn, người chủ trương đòi độc lập cho Đài Loan, không chấp nhận nguyên tắc « một nước Trung Quốc duy nhất », được bầu làm tổng thống, Trung Quốc không ngừng có các hành vi đe dọa, gây áp lực với hòn đảo. Mỗi khi có sự kiện quốc tế liên quan đến Đài Bắc là Bắc Kinh cho thị uy sức mạnh.

    Tuần trước, ngay khi Đài Loan xin gia nhập hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương, Bắc Kinh đưa 24 máy bay quân sự xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Hành động phô trương sức mạnh lần này diễn ra vài ngày sau khi Bắc Kinh lên tiếng phản đối gay gắt việc Anh Quốc đưa chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan với « dụng ý xấu nhằm phá hoại hòa bình và ổn định trong eo biển Đài Loan ».

    Hôm nay, trước báo giới, thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) lên án Trung Quốc « phá hoại hòa bình trong vùng bằng những hành vi hăm dọa ».

    AUKUS : Nga quan ngại Úc sở hữu tầu ngầm hạt nhân


    Hai tuần sau thông báo « gây chấn động » thành lập liên minh AUKUS, chính quyền Matxcơva, hôm qua, 01/10/2021, lần đầu tiên lên tiếng, bày tỏ lo lắng về những hệ quả của thỏa thuận quân sự này.

    Đang có mặt tại Geneve, Thụy Sĩ, thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Serguei Riabkov, trả lời hãng tin TASS, cho biết Nga « lấy làm lo lắng về mối quan hệ đối tác cho phép Úc, sau 18 tháng tham vấn và nhiều năm mưu toan, có được tầu ngầm hạt nhân với một số lượng đủ để trở thành một trong số 5 quốc gia chính có loại vũ khí này ».

    Reuters cho biết nước Nga trong tuần này từng tuyên bố tìm cách có thêm thông tin nhiều hơn về hiệp ước này. Đối với thứ trưởng Ngoại Giao Nga, « đây là một thách thức lớn cho cơ chế quốc tế không phổ biến hạt nhân ».

    Thông báo đối tác quân sự mới giữa ba nước Anh, Mỹ và Úc, dẫn đến hệ quả là Canberra hủy hợp đồng mua tầu ngầm của Pháp đã làm cho Paris nổi giận. Trung Quốc cũng chỉ trích mạnh mẽ và xem hiệp ước AUKUS này như là một sáng kiến thù nghịch chống lại Trung Quốc trong khu vực.

    Sự việc cũng làm mối quan hệ ngoại giao giữa Pháp với Mỹ và Úc rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có. Phản ứng mạnh mẽ, Paris lần đầu tiên cho triệu hồi đại sứ ở Canberra và Washington về nước để tham vấn. Trong bối cảnh này, nhằm xoa dịu Pháp, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, sẽ có chuyến thăm Paris 2 ngày từ thứ Hai 04/10 đến thứ Tư 06/10/2021.

    Tân Thủ tướng Nhật Bản tổ chức lại đảng cầm quyền, tăng cường nhân sự ‘diều hâu’ đối đầu với Trung Quốc


    Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do xác định việc bố trí nhân sự cho bốn vị trí của đảng cầm quyền, bao gồm cả việc bổ nhiệm nhân vật được coi là “diều hâu” đối với vấn đề Trung Quốc để thay thế quan chức ôn hòa. Dự kiến, ông Kishida Fumio sẽ công bố danh sách nội các vào thứ Hai tuần sau (ngày 4/10).

    Đảng Dân chủ Tự do đã bầu ông Kishida Fumio làm chủ tịch đảng thứ 27 vào thứ Tư (ngày 29/9). Do Đảng Dân chủ Tự do chiếm đa số ghế tại Thượng viện và Hạ viện, ông Kishida Fumio sẽ được xướng tên là Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.

    Theo Kyodo News, cuộc họp Hội đồng các vấn đề lâm thời của Đảng Dân chủ Tự do đã thông qua các thỏa thuận cho bốn vị trí chủ chốt của Đảng này.

    Việc bổ nhiệm nhân sự mới dẫn đến việc ông Toshihiro Nikai, 82 tuổi, một cựu chiến binh chim bồ câu trong quan hệ với Trung Quốc, từ chức. Ông luôn được biết đến là người duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh, và là nhân vật số 2 trong đảng trong hơn 5 năm. Cựu Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Amari Akira, 72 tuổi, sẽ kế nhiệm ông Toshihiro Nikai trong vai trò Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do.

    Ông Amari Akira, người gần đây từng là người đứng đầu bộ phận thuế của Đảng Dân chủ Tự do, đã lo ngại về an ninh kinh tế của Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác của Nhật Bản với TSMC để củng cố ngành công nghiệp chip của nước này. Ông cũng bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật của các ứng dụng Trung Quốc như TikTok.

    Theo truyền thông Nhật, ông Kishida Fumio đã chọn cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Takaichi Sanae làm chủ nhiệm cuộc điều tra các vấn đề của chính phủ. Bà Takaichi Sanae là đối thủ của ông Kishida Fumio trong cuộc bầu cử tổng thống của Đảng Dân chủ Tự do vào ngày 29/9. Ông Takaichi Sanae từng kêu gọi Hoa Kỳ triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản và hội đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Cả hai hành động này đều khiến ĐCSTQ tức giận. Khi tranh cử chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, bà nói rằng nếu đắc cử, bà sẽ đưa ra các chính sách để chống lại các mối đe dọa kỹ thuật của ĐCSTQ và giúp củng cố nền kinh tế.

    Bà cũng tuyên bố trong một tuyên bố bằng văn bản với The Wall Street Journal rằng Nhật Bản nên đầu tư vào công nghệ máy bay không người lái tiên tiến và tên lửa chính xác để đối phó với các mối đe dọa từ ĐCSTQ và Triều Tiên.

    Cả ông Amari Akira và Takaichi Sanae đều có mối quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Trang Bloomberg cho rằng hai vị trí quan trọng này trong đảng có thể cho thấy tầm ảnh hưởng của Abe Shinzo trong việc lựa chọn nhân sự cấp cao của đảng.

    Trong chiến dịch tranh cử chủ tịch đảng, ông Fumio Kishida tuyên bố rằng ông sẽ tập trung vào tăng trưởng kinh tế và cáo buộc ĐCSTQ muốn phổ biến “hệ thống độc tài” của mình trên toàn thế giới.

    Công chúa Mako của Nhật Bản sẽ kết hôn không đám cưới


    Công chúa Nhật Bản Mako và vị hôn phu, Kei Komur, vừa thông báo sẽ kết hôn vào cuối Tháng Mười, nhưng không có lễ cưới nào được lên kế hoạch.

    Công chúa Mako (29 tuổi) là cháu của Nhật hoàng Naruhito, đã đính hôn với Kei Komuro vào năm 2017. Komuro đã trở lại Nhật Bản hôm 27 Tháng Chín, sau hơn ba năm theo học ngành luật ở Mỹ.

    Hoàng gia Nhật Bản thông báo, cuộc hôn nhân của họ không được công chúng ủng hộ hoàn toàn, vì tranh chấp tài chính liên quan đến mẹ chồng tương lai của cô. Đó là tranh chấp liên quan đến việc liệu số tiền mà mẹ của Komuro nhận được từ vị hôn phu cũ và chi cho việc học của Komuro ở Nhật Bản là một khoản vay hay một món quà. Sự chỉ trích của công chúng về điều này đã khiến kế hoạch hôn nhân của họ bị hoãn lại đến hơn ba năm.

    Cặp đôi sẽ đăng ký kết hôn vào ngày 26 Tháng Mười và sẽ có một cuộc họp báo cùng nhau, Cơ quan Gia đình Hoàng gia cho biết, sẽ không có tiệc cưới và các nghi lễ khác “vì hôn lễ của họ không được nhiều người tham gia cử hành”.

    Mako cũng đã từ chối 150 triệu yên ($1.35 triệu dollar) mà cô được hưởng khi rời hoàng gia. Cô sẽ là thành viên nữ đầu tiên trong hoàng gia kể từ Thế chiến II không nhận tiền khi kết hôn với một thường dân.

    Gần đây, cô được chẩn đoán mắc một chứng tâm thần mà các bác sĩ của hoàng gia mô tả là một dạng rối loạn căng thẳng sang chấn.

    Sau khi kết hôn, Công chúa Mako sẽ rời hoàng gia, bởi khi lấy thường dân, các công chúa Nhật Bản phải từ bỏ danh phận trong hoàng gia. Dự kiến, cuối năm nay đôi vợ chồng trẻ sẽ chuyển đến sống ở thành phố New York, Mỹ.

    California sẽ bắt buộc học sinh chích ngừa COVID


    California sẽ trở thành tiểu bang đầu tiên trên nước Mỹ buộc học sinh chích ngừa COVID, Thống đốc Gavin Newsom tuyên bố ngày 1/10 trong lúc dữ liệu của Reuters cho thấy Mỹ vượt mốc 700.000 người chết vì đại dịch.

    Ông Newsom cho hay quy định này sẽ được ban hành sớm nhất đầu năm sau, một khi Cơ quan Quản trị Thục phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA hoàn toàn chấp thận việc tiêm chủng cho các nhóm tuổi học sinh. California là tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ.

    Trong tuần qua, Mỹ báo cáo trung bình hơn 2.000 người chết mỗi ngày, tức khoảng 60% mức cao điểm thương vong hồi tháng Giêng, theo một cuộc phân tích của Reuters về y tế công cộng.

    Mỹ đứng đầu thế giới về số người nhiễm và chết vì COVID, chiếm 19% tổng số ca nhiễm toàn cầu và 14% tổng số ca tử vong trên thế giới, theo Reuters. Trên toàn cầu, số người chết vì COVID sắp vượt 5 triệu.

    Trong khi số nhập viện trên toàn quốc giảm bớt trong những tuần gần đây, một số tiểu bang, đặc biệt ở miền nam nước Mỹ, đang trên đà tăng mạnh, gây áp lực lên hệ thống y tế.

    Các giới chức y tế công cộng nói các quy định gắt gao về COVID-19 giúp giảm đà lây lan của virus trong những tuần gần đây.

    Hôm 1/10, bản đồ theo dõi lây nhiễm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho thấy California có tỉ lệ ca nhiễm hàng tuần thấp nhất nước Mỹ.

    Giữa lúc số ca COVID-19 trên toàn quốc tăng vì biến thể Delta gây bệnh nặng và tử vong chủ yếu nơi những người chưa tiêm chủng, một số học khu lớn ở California đã bắt buộc chích ngừa COVID cho học sinh từ 12 tuổi trở lên.

    1 triệu liều vaccine Hayat-Vax mới đến Việt Nam: Da UAE, ruột Trung Quốc


    Việt Nam vừa nhận lô hàng một triệu liều vaccine COVID-19 Hayat-Vax từ Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nhưng thực chất là vaccine của Công ty dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc và được gia công tại UAE, để bổ sung vào nguồn vaccine COVID-19 dùng trong chiến lược tiêm chủng quốc gia.

    Truyền thông Việt Nam cho hay lô vaccine Hayat-Vax đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, vào tối 29/9 và đang được bảo quản chờ kiểm định.

    Vaccine Hayat-Vax được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Sinopharm của Trung Quốc – công ty bào chế vaccine COVID-19 Vero Cell – và được sản xuất, đóng gói tại UAE.

    Lô vaccine Hayat-Vax được nhập về Việt Nam là kết quả hợp tác giữa Công ty G42 Medications Trading của UAE và Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex của Việt Nam.

    Vào tháng 3, Reuters cho biết nhà máy Anew ở Abu Dhabi của UAE sẽ bắt đầu sản xuất vaccine COVID-19 của Tập đoàn Sinopharm Trung Quốc vào cuối năm theo liên doanh giữa Sinopharm và công ty công nghệ G42 có trụ sở tại Abu Dhabi.

    Dự án này là kết quả của chiến lược mở rộng ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực vùng Vịnh và giúp Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đa dạng hóa nền kinh tế.

    Mặc dù được gọi tên là “Hayat-Vax” khi sản xuất tại UAE nhưng theo Reuters, đây là loại vaccine bất hoạt tương tự như vaccine của Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh (BiBP), một đơn vị thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) của Sinopharm.

    G42 cho biết họ có thỏa thuận phân phối và sản xuất với Sinopharm và hy vọng sẽ cung cấp vaccine này cho UAE và các quốc gia khác trong khu vực.

    Thỏa thuận hợp tác sản xuất vaccine được đưa ra trong chuyến thăm hai ngày tới UAE của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 3/2021.

    UAE cho biết các thử nghiệm của họ cho thấy vaccine này có hiệu quả 86%, còn Sinopharm báo cáo hiệu quả chỉ đạt 79,34% dựa trên kết quả tạm thời, trong khi các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Mỹ như Pfizer và Moderna đều cho hiệu quả trên 90%.

    Tại Việt Nam, vaccine Hayat-Vax vừa được Bộ Y tế phê duyệt hôm 10/9 để phục vụ cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch.

    Việt Nam đặt mục tiêu đảm bảo 150 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm cho ít nhất 2/3 trong số 98 triệu dân số.

    Với 1 triệu liều vaccine Hayat-Vax mới nhập về, Việt Nam đến nay nhận được gần 57 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau, bao gồm từ cơ chế COVAX, quyên góp và tự mua.

    Hôm 29/9, chính phủ Việt Nam ban hành quyết định bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua thêm 20 triệu liều vaccine Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc, theo đề nghị của Bộ này và Bộ Tài chính.

    Không có nhận xét nào