Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 11 tháng 10 năm 2021

    Ba nhà kinh tế người Mỹ vừa được trao giải Nobel Kinh tế cho các công trình nghiên cứu đưa ra kết luận từ các thử nghiệm không định trước, hay còn gọi là "các thử nghiệm tự nhiên".

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 11 tháng 10 năm 2021

    Ông David Card từ Đại học Berkely California được trao một nửa giải thưởng, và nửa kia được trao chung cho ông Joshua D. Angrist từ Viện Công nghệ Massachusetts và ông Guido W. Imbens từ Đại học Stanford.

    Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nói ba ông đã "hoàn toàn định hình lại các công trình thực nghiệm trong khoa học kinh tế."

    David Card nhận giải nhờ "những đóng góp thực nghiệm của ông về kinh tế lao động.".

    Ông Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens nhận giải nhờ "những đóng góp phương pháp luận cho các phân tích về mối quan hệ nhân quả".

    "Dùng các thử nghiệm tự nhiên, David Card đã phân tích các tác động về mức lương tối thiểu, di dân và giáo dục lên thị trường lao động," thông cáo báo chí của Nobel Prize viết. Các nghiên cứu của ông từ những năm 1990 thách thức những kiến thức truyền thống, dẫn tới các phân tích và hiểu biết mới. Kết quả các nghiên cứu cho thấy rằng tăng mức lương tối thiểu không nhất thiết dẫn đến ít việc làm hơn. "

    Về đóng góp của Joshua Angrist và Guido Imbens, từ giữa những năm 1990, hai ông đã giải quyết vấn đề phương pháp luận, cho thấy có thể các kết luận chính xác về nhân quả có thể được rút ra từ các thử nghiệm tự nhiên, thông cáo cho biết.

    Ba nhà kinh tế sẽ chung nhau giải thưởng 10 triệu crown Thụy Điển, với ông Carl nhận một nửa số tiền đó.

    Nói với các phóng viên, ông Imbens cho biết ông "hết sức vui mừng khi nghe tin [được trao giải], đặc biệt là nghe tin tôi được nhận giải chung với Joshua Angrist và David Card, hai người bạn tốt của tôi."

    Ông nói thêm là ông Angist đã làm phù rể tại đám cưới của ông. "Tôi rất mừng được chung giải này với ông ấy và David."

    Không như các giải Nobel khác, giải kinh tế không được lập ra theo di chúc của Alfred Nobel, mà do ngân hàng trung ương Thụy Điển lập ra năm 1968 để tưởng nhớ ông. Người đầu tiên nhận giải Nobel kinh tế được công bố một năm sau đó, vào năm 1968.

    Đây là giải Nobel cuối cùng được công bố hàng năm.

    Đài Bắc Vững Tin Hơn Sau khi Tổng Thống Biden Và Tập Cận Bình Đồng Ý Tuân Thủ “Thỏa Thuận Đài Loan”


    Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm thứ Tư cho biết Washington đã trấn an họ rằng với thông điệp rằng cách tiếp cận của Mỹ đối với hòn đảo này không thay đổi, một ngày sau khi Tổng Thống Joe Biden nói rằng ông và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý tuân thủ “thỏa thuận Đài Loan”.

    Bộ Ngoại Giao Đài Loan cho biết họ muốn Hoa Kỳ nói rõ hơn các bình luận của tổng thống Biden và được trấn an rằng cam kết với Đài Loan là “vững chắc” và Washington sẽ tiếp tục giúp Đài Loan duy trì khả năng phòng thủ của mình.

    Trong buổi nói chuyện vào tối thứ Ba, Tổng Thống Biden dường như đề cập đến cuộc điện đàm kéo dài 90 phút mà ông đã tổ chức với ông Tập vào ngày 9 tháng 9 và theo đó Washington chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc, cũng như Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Tổng Thống Biden nói với các phóng viên rằng ông đã nói chuyện với ông Tập về Đài Loan, và hai bên đồng ý tuân thủ thỏa thuận Đài Loan.

    Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, Chiu Kuo-cheng, được các phóng viên tại quốc hội hỏi liệu ông có thêm thông tin gì về nhận xét của Tổng Thống Biden hay không và ông nói rằng ông “không biết” về điều đó. Tại Paris, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Tư nhắc lại rằng cam kết của Hoa Kỳ với Đài Loan là vững chắc và Mỹ lo ngại những hoạt động quân sự khiêu khích của Trung Cộng trong khu vực.

    Ấn Độ thiếu điện vì thiếu than

    Hầu hết nguồn điện của Ấn Độ đến từ 135 nhà máy điện than và phần lớn trong số đó đang hoạt động với nguồn than chỉ đủ dùng cho chưa đầy ba ngày. Nhu cầu than đá tăng lên khi nền kinh tế Ấn Độ tự phục hồi sau làn sóng covid tồi tệ. Mức tiêu thụ điện tháng trước thậm chí cao hơn 6% so với tháng 9 năm 2019. Trong khi đó mưa trái mùa làm chậm quá trình khai thác và vận chuyển than, còn giá than toàn cầu lên mức cao kỷ lục vì nhu cầu cũng tăng ở Trung Quốc.

    Chính quyền bang Rajasthan đã phải cắt điện liên tục kéo dài một giờ ở 12 quận để đối phó với tình trạng thiếu điện. Chính quyền các bang khác đang đề nghị Thủ tướng Narendra Modi giúp đỡ. Ông có thể muốn nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ đối với năng lượng tái tạo trong thời gian khởi động cho COP26, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sắp tới của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên ông Modi cũng muốn Ấn Độ phục hồi ấn tượng.

    IMF và WB họp thường niên giữa bê bối của Kristalina Georgieva

    Thứ Hai đánh dấu khai mạc các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington, DC. Các nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới sẽ họp một tuần đúng vào một thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu: thiếu năng lượng và các vấn đề chuỗi cung ứng đe dọa phục hồi kinh tế hậu covid-19 trong khi các nước nghèo chật vật với tiêm chủng.

    Nhưng các cuộc đàm phán thực chất có thể bị che lấp bởi kịch tính trong nội bộ hai tổ chức. Tháng trước có thông tin cho thấy Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành IMF, đã cố ý cải thiện điểm số của một số nước trong báo cáo Kinh doanh thường niên của Ngân hàng Thế giới, nơi bà Georgieva từng làm việc, để xoa dịu các chính phủ khó tính như Trung Quốc. (Báo cáo có một bảng xếp hạng đánh giá mức độ dễ dàng kinh doanh ở các nước khác nhau trên thế giới.) Giờ đây bà phải đối mặt với áp lực từ chức. Nhưng câu chuyện đặt ra câu hỏi về tương lai của các tổ chức này và khả năng đóng một vai trò hữu ích cũng như phi chính trị của chúng trong một môi trường địa chính trị ngày càng biến động.

    Đấu tranh quyền lực hậu bầu cử ở Iraq

    Trong vài giờ nữa sẽ có kết quả cuộc bầu cử quốc hội hôm Chủ nhật của Iraq. Nhưng có thể mất nhiều tháng trước khi người Iraq biết ai sẽ điều hành đất nước. Sự hỗn tạp của các phe phái — hầu hết trong số họ có vũ trang — giờ đây sẽ bắt đầu tranh đấu xem ai nhận chức vụ nào (và ngân sách đi kèm). Họ cũng sẽ tranh nhau xem ai sẽ trở thành thủ tướng dễ uốn nắn nhất. Những người bảo trợ ở nước ngoài khác nhau của họ – Mỹ, Israel, Iran và các quốc gia vùng Vịnh – sẽ gây áp lực để đảm bảo có được một chính phủ thuận lợi.

    Công chúng nhìn chung khá hoài nghi. Rất ít người Iraq tin rằng cuộc bỏ phiếu của họ có thể nới lỏng được thế kìm kẹp của các nhóm vũ trang người Kurd và Shia. Tỉ lệ cử tri đi bầu thậm chí không tăng dù có nhiều giám sát quốc tế hơn, nhiều biện pháp chống gian lận hơn và các khu vực bầu cử nhỏ hơn. Nền dân chủ vẫn tồn tại ở Iraq nhưng rõ ràng nước này không hề là ngọn hải đăng của nền dân chủ trong khu vực như người ta từng hy vọng.

    Triển vọng chính trị Czech hậu bầu cử

    Andrej Babis là một trong những người đàn ông giàu nhất Cộng hòa Séc và, kể từ năm 2017, là thủ tướng của nước này. Một cuộc kiểm tra của Ủy ban Châu Âu vào năm nay đã kết luận việc ông làm thủ tướng gây xung đột lợi ích. Các cuộc bầu cử quốc hội kết thúc vào thứ Bảy có lẽ đã giải quyết được vấn đề. Đảng ANO của ông Babis thua trước liên minh trung hữu “Together”, bên giành được 27,8% số phiếu bầu.

    Thủ tướng phải đối mặt điều tra về cáo buộc sử dụng sai mục đích tiền tài trợ EU bởi Agrofert, công ty do ông thành lập. Và chỉ một tuần trước bầu cử, vụ Pandora Papers cho thấy ông đã sử dụng các công ty vỏ bọc ở Quần đảo Virgin thuộc Anh để mua một biệt thự Pháp trị giá 22 triệu đô la. Ông phủ nhận mọi hành vi sai trái.

    Tuy nhiên, đàm phán liên minh có thể bị trì hoãn. Milos Zeman, tổng thống 77 tuổi của Cộng hòa Czech, đáng lẽ sẽ chủ trì đàm phán nhưng lại phải nằm viện chăm sóc đặc biệt vào Chủ nhật. Dù thế, chiến thắng của “Together” đã minh chứng cho một chiến lược cũng đang được triển khai ở các nước khác, bao gồm Hungary: các đảng dù có quan điểm chính trị khác nhau nhưng cùng hợp tác để đánh bại phe dân túy.

    Malaysia dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với các cá nhân tiêm chủng đầy đủ


    Malaysia hôm Chủ nhật đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại giữa các bang và quốc tế đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19, khi quốc gia này đạt mục tiêu tiêm chủng cho 90% dân số trưởng thành.

    Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ đã đồng ý cho phép những người Malaysia đã được tiêm phòng đầy đủ đi du lịch nước ngoài mà không cần xin phép.

    Các quy định mới có hiệu lực vào thứ Hai.

    Ông Ismail Sabri nói trong một cuộc họp báo rằng chính phủ đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn COVID-19 mới và sẽ không áp đặt các đợt đóng cửa trên diện rộng nếu các ca bệnh gia tăng.

    Ông nói: “Chúng ta phải tập sống chung với COVID, vì COVID có thể không được loại bỏ hoàn toàn”.

    Gần 65% trong số 32 triệu dân số của Malaysia, bao gồm cả những người từ 12 đến 17 tuổi, hôm thứ Bảy đã được tiêm chủng đầy đủ.

    Quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận 2,3 triệu ca nhiễm COVID-19 và 27.265 ca tử vong vì COVID-19.

    Vòng đàm phán thứ 13 thất bại : Ấn Độ và Trung Quốc duy trì quân tại vùng biên giới tranh chấp


    Ấn Độ và Trung Quốc nối lại đàm phán để tìm giải pháp cho cuộc đối đầu tại vùng biên giới, kéo dài đã 17 tháng. Tuy nhiên, cuộc đàm phán hôm qua, Chủ Nhật 10/10/2021, rốt cục đã không đạt kết quả. Như vậy, hai bên sẽ phải tiếp tục duy trì binh sĩ thêm một mùa đông khắc nghiệt thứ hai tại vùng đông Ladakh, dãy núi Himalaya.

    Theo hãng tin Ấn Độ ANI, cuộc đàm phán kéo dài 8 tiếng rưỡi đồng hồ tại Moldo, đông Ladakh, thuộc khu vực do Trung Quốc kiểm soát. Đàm phán chấm dứt vào lúc 7 giờ tối giờ địa phương, mà không đạt được bất cứ bước tiến nào.

    Sau cuộc đàm phán hôm qua, bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết đã đưa ra « những đề xuất mang tính xây dựng », nhưng phía Trung Quốc « không đồng ý » và « cũng đã không đưa ra bất kỳ đề xuất nào cho tương lai ».

    Về phần mình, một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc thông báo « phía Ấn Độ luôn đưa ra những đòi hỏi phi lý và phi thực tế, gây thêm khó khăn cho đàm phán », tuy nhiên phía Trung Quốc không nói rõ đây là các yêu cầu gì.

    Kết thúc buổi đàm phán thất bại, phía Ấn Độ cho biết cả hai bên đã cam kết « duy trì liên lạc và ổn định » tại khu vực tranh chấp. Đây là đợt thương lượng thứ 13, ở cấp chỉ huy quân khu, kể từ vụ đụng độ đẫm máu với các vũ khí thô sơ tại vùng đông Ladakh, cực bắc Ấn Độ, khiến 20 quân nhân Ấn Độ và nhiều binh sĩ Trung Quốc tử thương.

    Theo AFP, cuộc họp hôm qua diễn ra trong bối cảnh bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết đầu tháng 10, Trung Quốc đã đưa « một số lượng đáng kể » binh sĩ đến khu vực biên giới tranh chấp buộc New Delhi phải triển khai một lực lượng tương xứng. Truyền thông ở cả hai nước đã đưa tin về một cuộc đối đầu biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng trước, nhưng không bên nào xác nhận điều này.

    Kể từ đụng độ tháng 5/2020, hai bên đã đưa hàng chục nghìn binh sĩ với pháo binh, thiết giáp và máy bay chiến đấu áp sát khu vực « Đường kiểm soát thực tế » (Line of Actual Control – LAC). Vào mùa đông, nhiệt độ tại các khu vực này xuống thấp đến -30°C. Vào lúc không có tranh chấp, hai bên thường đưa quân đội rút khỏi khu vực rất khắc nghiệt này vào mùa đông.

    Báo chí Ấn Độ cũng cho biết kể từ chạm trán hồi năm ngoái, Trung Quốc đã xây dựng « hàng chục công trình lớn chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt » dọc theo đường LAC ở phía đông Ladakh. Truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin về việc Trung Quốc xây dựng nhiều sân bay trực thăng mới, đường băng được mở rộng, doanh trại mới, địa điểm đặt tên lửa đất đối không và vị trí radar mới tại khu vực tranh chấp.

    Trả lời báo chí Ấn Độ hôm thứ Bảy (09/10), tức một ngày trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ 13, tướng MM Naravane, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Ấn Độ, lo ngại việc Trung Quốc tiến hành « các hoạt động xây dựng quy mô lớn » và « phát triển nhiều cơ sở hạ tầng » quy mô tương đương để phục vụ cho các hoạt động xây dựng. Theo tổng tham mưu trưởng MM Naravane, Quân Đội Ấn Độ sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến, và ở lại khu vực tranh chấp chừng nào phía Trung Quốc vẫn duy trì lực lượng.

    Bảo vệ khí hậu thế giới trông chờ vào Mỹ-Trung hợp tác


    Chỉ riêng Hoa Kỳ và Trung Quốc hai nước đã chiếm một nửa lượng phát thải khi gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. Điều này cho thấy sẽ không thể có lối thoát khả dĩ nào cho cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu nếu hai cường quốc hàng đầu thế giới này không có những hành động chia sẻ trách nhiệm, bảo vệ môi trường khí hậu toàn cầu.

    Thế nhưng hai đại cường của thế giới này đang lao vào một cuộc đọ sức không khoan nhượng trên mọi mặt trận từ kinh tế chính trị, cho đến ngoại giao. Cuối tháng 10 này tại Glasgow, Scotland sẽ diễn ra Hội nghị Khí hậu Quốc tế COP26 với nhiều mục tiêu tham vọng bảo vệ bầu khí hậu trái đất. Ngay từ lúc này đã xuất hiện những lo ngại trong dư luận quốc tế rằng quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng cao độ như hiện nay có thể gây cản trở cho những cuộc thương lượng tại thượng đỉnh khí hậu tới đây.

    Tất cả mọi người đều nhận thấy, một sự đồng thuận giữa Bắc Kinh và Washington tại Glasgow sẽ tạo một cú hích thực sự để đạt được một thỏa thuận lịch sử. Theo nhiều chuyên gia, quan hệ căng thẳng Mỹ -Trung không phải là trở ngại không vượt qua được trong lĩnh vực chống hâm nóng bầu khí hậu. Trong cuộc cạnh tranh dai dẳng này, cả hai đều muốn chứng tỏ mình là cường quốc có trách nhiệm với thế giới, và đôi khi lại đua nhau hành động. Có điều theo nhà nghiên cứu Mary Nichols, thuộc Columbia University, New York thì nếu như không có thỏa thuận rõ ràng giữa Mỹ và Trung Quốc thì có nguy cơ các nước khác cũng sẽ lưỡng lự hành động hơn.

    Về phía Hoa Kỳ, ngay khi bước chân vào Nhà Trắng hồi tháng Giêng năm nay, tổng thống Joe Biden đã xác định 2 ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại là ngăn chặn đà bành trướng sức mạnh của Trung Quốc và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Để làm được 2 mục tiêu này, chính quyền Biden chủ trương vừa « cạnh tranh chiến lược » vừa sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực với Trung Quốc. Ông John Kerry, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về đàm phán khí hậu đã hai lần đến Trung Quốc trong nỗ lực thuyết phục chính quyền Bắc Kinh từ bỏ các trung tâm nhiệt điện chạy than. Dù tỏ sẵn sàng hợp tác, nhưng ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị cảnh báo « không thể đặt hợp tác Trung-Mỹ về khí hậu lên trên bầu không khí chung của các mối quan hệ Mỹ-Trung ».

    Giới quan sát tại Washington nhìn thấy khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng chuyện hợp tác khí hậu để mặc cả hay thậm chí làm con tin để có được các nhượng bộ của Mỹ trong các vấn đề khác gai góc hơn.

    Thi thoảng chính quyền Bắc Kinh lại đưa ra một dấu hiệu như để chứng tỏ thiện chí. Hồi tháng 9 năm nay, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một động thái đang chú ý với thông báo Trung Quốc chấm dứt cấp vốn cho việc xây dựng các nhà máy điện chạy than ở nước ngoài.

    Theo Alex Wang, thuộc Đại học California, tại Los Angeles, cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa hai cường quốc đối thủ có khi lại thành một cuộc « đua tranh lành mạnh » về vấn đề môi trường.

    Nước nào cũng muốn chứng tỏ mình là tác nhân thúc đẩy tiến bộ. Đặc biệt là trong bối cảnh hình ảnh trên trường quốc tế ngày càng xấu đi vì những tham vọng thống trị thế giới thì tỏ ra tích cực bảo vệ môi trường chung toàn cầu sẽ giúp Trung Quốc lấy lại uy tín quốc tế.

    Trên diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tháng trước, tổng thống Joe Biden, người đã đưa nước Mỹ trở lại với Thỏa thuận Khí hậu Paris, thông báo sẽ tăng gấp đôi khoản tiền viện trợ quốc tế cho các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, tức là Hoa Kỳ sẽ phải chi 11 tỷ đô la mỗi năm cho mục tiêu chung bảo vệ bầu khí hậu.Như vậy cả hai cường quốc ít nhiều đều có thiện chí hành động trong lĩnh vực bảo vệ bầu khí hậu chung. Giới quan sát hy vọng, hội nghị COP26, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc là một diễn đàn đa phương để hai nước thể hiện cam kết hợp tác, gánh vác trách nhiệm bảo vệ bầu khí quyển trên tư cách là những cường quốc đồng thời cũng là hai nước phát thải lượng khí gây ô nhiễm bầu khí quyển lớn hàng đầu thế giới. Chỉ khi đó, các cuộc thương lượng khác xung quanh vấn để bảo vệ bầu khí hậu trái đất mới trở nên dễ dàng hơn.

    Không có nhận xét nào