Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 18 tháng 10 năm 2021

    Trung Quốc trưng bày một bệ phóng tên lửa siêu thanh trong cuộc diễu hành quân sự gần đây

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 18 tháng 10 năm 2021

    Trung Quốc bác bỏ cáo buộc nói nước này đã thử tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hồi đầu năm, và nói đó là hoạt động kiểm tra tàu không gian thường lệ.

    Tường thuật đăng trên tờ Financial Times cuối tuần qua đã khiến Washington quan ngại; cơ quan tình báo Hoa Kỳ dường như bị bất ngờ về tin này.

    Tên lửa siêu thanh di chuyển nhanh và lẹ làng hơn nhiều so với tên lửa thường, và điều đó có nghĩa là việc đánh chặn chúng cũng khó hơn nhiều.

    Tin tức được đưa ra giữa lúc đang có quan ngại gia tăng quanh năng lực hạt nhân của Trung Quốc.

    Hôm thứ Hai, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong buổi họp báo rằng một cuộc thử nghiệm định kỳ đã được thực hiện để thẩm định các loại công nghệ khác nhau liên quan tới việc chế tạo tàu không gian sử dụng được nhiều lần.

    "Không phải là tên lửa mà là một tàu không gian," ông nói. "Đây là điều rất quan trọng trong việc giúp cắt giảm chi phí sử dụng tàu không gian."

    Ông Triệu bổ sung thêm rằng trước đây đã có nhiều quốc gia từng tiến hành các vụ thử tương tự.

    Khi được hỏi có phải tường thuật của Financial Times là không chính xác không, ông nói, "đúng thế".

    Financial Time trong bài tường thuật hôm thứ Bảy dẫn năm nguồn tin khác nhau, nói một tên lửa siêu thanh đã được phóng đi trong dịp hè. Nó đã bay qua khoảng không gian quỹ đạo tầm thấp rồi bay xuống thấp và suýt trúng mục tiêu.

    "Thử nghiệm cho thấy Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, tân tiến hơn nhiều so với những gì các quan chức Hoa Kỳ nhận biết," tường thuật này nói.

    Một thành viên cao cấp trong Quốc hội Hoa Kỳ sau đó nói rằng cuộc thử hiển nhiên này cần phải bị coi như một lời thách thức hành động đối với Mỹ.

    Mike Gallagher, dân biểu Cộng hòa trong Ủy ban phụ trách các lực lượng có vũ trang của Quốc hội, nói rằng nếu Washington giữ nguyên cách tiếp cận hiện thời, chỉ trong vòng một thập niên nữa Hoa Kỳ sẽ thua trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc.

    Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang căng thẳng, với việc Bắc Kinh cáo buộc chính quyền của Tổng thống Joe Biden là có thái độ thù nghịch.

    Một số nước phương Tây cũng đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc gần đây phô trương sức mạnh quân sự.

    Michael Shoebridge, giám đốc phụ trách vấn đề quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia tại Viện Chiến lược Chính trị Úc, nói rằng nếu như có một tên lửa siêu thanh đã được thử nghiệm thì điều đó sẽ phù hợp với "mô hình leo thang vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí tấn công khác".

    Trung Quốc đã trưng bày một thứ trông có vẻ như bệ phóng tên lửa siêu thanh tại một triển lãm quân sự gần đây.

    Cùng với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và ít nhất năm quốc gia khác đang nghiên cứu phát triển công nghệ tên lửa siêu thanh.

    Loại tên lửa này có thể bay nhanh gấp năm lần tốc độ âm thanh, và rất giống với tên lửa đạn đạo, chúng có thể mang theo đầu đạn hạt nhâ.

    Hồi tháng trước, Bắc Hàn nói họ thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh.

    Trong tháng Bảy, Nga ra tuyên bố tương tự và nói tên lửa của họ đã được phóng đi từ một tàu hộ vệ ở Bạch Hải.

    Miến Điện thả hơn 5.000 người biểu tình chống đảo chính


    Hôm nay, 18/10/2021, tập đoàn quân sự Miến Điện thông báo sẽ trả tự do cho hơn 5.000 người bị bắt giam vì đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối vụ đảo chính đầu tháng 2.

    Theo tuyên bố của tướng Min Aung Hlaing trên đài truyền hình Nhà nước, được hãng tin AFP trích dẫn, tổng cộng 5.636 tù nhân sẽ được ân xá và phóng thích trước ngày lễ Phật Giáo Thadingyut bắt đầu từ ngày mai 19/10. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn quân sự không đáp ứng yêu cầu của AFP cung cấp chi tiết về những người nằm trong danh sách được trả tự do.

    Còn theo hãng tin Reuters, trong bài phát biểu, tướng Min Aung Hlaing lại bảo vệ các quyết định của chính quyền quân sự, nhấn mạnh đến những hành động “bạo lực và khiêu khích” của những người biểu tình chống đảo chính.

    Thông báo nói trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi hiệp hội ASEAN ra quyết định không mời lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự thượng đỉnh các nước Đông Nam Á tại Brunei cuối tháng này, do chính quyền Naypyidaw đã không thực hiện đầy đủ kế hoạch 5 điểm giúp nối lại đối thoại tại Miến Điện 9 tháng sau cuộc đảo chính quân sự. Tập đoàn quân sự đã chỉ trích quyết định của ASEAN, xem đây là một sự vi phạm nguyên tắc của hiệp hội về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên.

    Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, quân đội Miến Điện đã tiến hành một cuộc đàn áp đẫm máu, giết hại hơn 1.100 thường dân và bắt giam khoảng 7.000 người biểu tình phản đối đảo chính, theo số liệu của Hiệp hội trợ giúp các tù nhân chính trị.

    Vào cuối tháng 6, chính quyền quân sự Miến Điện đã trả tự do cho hơn 2.000 người biểu tình chống đảo chính, trong đó có cả những phóng viên Miến Điện đã viết bài chỉ trích tập đoàn quân sự.

    Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG), phe đối lập, hôm nay đã ra thông cáo hoan nghênh quyết định của ASEAN không mời lãnh đạo tập đoàn quân sự đến dự thượng đỉnh ở Brunei, tuyên bố họ mới xứng đáng là đại diện của Miến Điện đến dự thượng đỉnh này. Tuy nhiên, phát ngôn viên Chính phủ Đoàn kết Dân tộc nhấn mạnh họ sẵn sàng chấp nhận việc ASEAN mời một đại diện khác thật sự trung lập đến dự thượng đỉnh Brunei.

    Mỹ đối mặt với làn sóng đình công


    Kể từ hôm nay 18/10/2021, hàng ngàn nhân viên tại Mỹ khởi động phong trào đình công trong nhiều lĩnh vực, đòi cải thiện các điều kiện lao động và đòi giới chủ tăng lương. Trái với các dự báo, trong nhiều ngành nghề, thu nhập của các doanh nghiệp không bị sút giảm vì đại dịch.

    Thông tín viên đài RFI từ New York, Louba Anaki giải thích thêm :

    « Một số người gọi tháng 10 này là Striketober do nhiều cuộc đình công diễn ra mọi nơi trên toàn quốc. Nhà máy ngũ cốc, thợ lái máy cầy, trường học hay bệnh viên … hàng ngàn người lao động bãi công hoặc đe dọa tiến hành đình công. Phần lớn tố cáo điều kiện lao động cực nhọc, phản đối sửa đổi các hợp đồng. Nhiều công ty muốn hủy điều khoản bắt buộc phải điều chỉnh mức lương cho nhân viên theo thời giá, hay áp dụng rộng rãi một loại hợp đồng lao động mới bất lợi hơn cho nhân viên.

    Giới công đoàn và người làm công ăn lương lại càng phẫn nộ hơn do doanh thu của các công ty vẫn tăng mạnh ngay cả trong thời gian khủng hoảng y tế, trong khi người lao động thì phải làm việc nhiều hơn để các dịch vụ được liên tục. Giới làm công ăn lương không ngần ngại bãi công bởi họ ý thức được là đang ở thế mạnh. Hiện tại, giới chủ đang vất vả trong việc tuyển chọn nhân viên vào lúc trên thị trường đang có hàng triệu công việc chờ đón người lao động.

    Một số người cho rằng, khủng hoảng y tế lần nay đã giúp họ nâng cao nhận thức. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, người dân Mỹ không còn ngần ngại từ bỏ công việc hiện tại nếu như họ không hài lòng về chất lượng của cuộc sống như điều mà họ hằng mơ ước ».

    Covid-19: Lần đầu tiên zero ca tử vong tại Bombay, Ấn Độ


    Kể từ tháng 7/2021 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ đã giảm liên tục và hôm qua, 17/10/2021, là một ngày mang tính biểu tượng: Lần đầu tiên tại Bombay, thủ đô kinh tế của Ấn Độ, không có một ca tử vong nào được ghi nhận.

    Từ Bangalore, thông tín viên Côme Bastin tường trình:

    “Kể từ khi bùng phát đại dịch, không một ngày nào là không có người chết. Thành phố Bombay đông dân và bang Maharashtra cũng đã là tâm chấn của đợt dịch Covid thứ 2 làm tê liệt Ấn Độ từ tháng 3/2021.

    Hôm Chủ Nhật này, đã có 367 ca nhiễm mới được ghi nhận, nhưng không có một ca tử vong nào. Con số bệnh nhân được chữa khỏi đã tăng vọt lên thành 518 và hiện chỉ còn 5.000 ca nhiễm virus corona tại một thành phố có dân số bằng phân nửa dân số nước Pháp.

    Những con số nói trên phản ánh xu hướng giảm chung của dịch Covid-19 tại Ấn Độ, quốc gia đầu tiên biến thể Delta hoành hành.

    Trước đó, hôm thứ Sáu, thủ đô New Delhi cũng không ghi nhận một ca tử vong nào, giống như các thành phố lớn Bangalore và Calcutta vào tháng 7.

    Theo các số liệu chính thức, từ tháng 9, số ca nhiễm Covid mới mỗi ngày đã giảm từ 40.000 xuống còn 15.000. Vào đỉnh điểm của đợt dịch thứ hai, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã lên tới 350.000.

    Ấn Độ bắt đầu tin là sắp ra khỏi khủng hoảng, thể hiện qua việc gần đây chính phủ New Dehli đã mở cửa một phần cho du khách quốc tế, lần đầu tiên kể từ khi bùng phát đại dịch.”

    Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ công du các nước Hắc Hải để tăng cường liên minh


    Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin hôm nay, 18/10/2021, đến Gruzia mở đầu chuyến công du vùng Hắc Hải nhằm tăng cường liên minh với các nước trong vùng, vốn đang bị áp lực của nước Nga.

    Theo hãng tin AFP, trong chuyến đi đầu tiên của một lãnh đạo Lầu Năm Góc đến Gruzia từ năm 2014, ông Austin sẽ tìm cách triển hạn một chương trình huấn luyện quân sự và sẽ bày tỏ cam kết của Hoa Kỳ đối với Tbilissi, mà từ nhiều năm nay vẫn xin được làm thành viên toàn phần của khối NATO.

    Trước chuyến đi của ông Austin, một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Mỹ tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi trấn an và củng cố chủ quyền của các nước trên tuyến đầu đối phó với cuộc xâm lăng của Nga.”

    Tuy chiến lược hiện nay của Mỹ tập trung vào vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối phó với đà lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc, Washington vẫn phải quan tâm đến các quốc gia nằm sát cạnh Nga.

    Hiện nay, lực lượng Nga vẫn trú đóng tại hai vùng ly khai của Gruzia Abkhazia và Nam Ossetia. Cho tới nay, Matxcơva vẫn chống lại mọi quyết định làm thay đổi quy chế của Gruzia thành một thành viên toàn phần của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

    Từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ vẫn tiến hành các chương trình huấn luyện quân sự với quân đội Gruzia. Chương trình hiện nay sẽ chấm dứt vào tháng 12.

    Theo nhận định của nhà nghiên cứu David Kramer, Đại học Quốc tế Florida, “chính quyền của tổng thống Joe Biden phải chú ý không để cho Gruzia nghiêng về phía Nga hoặc Trung Quốc”.

    Sau Tbilissi, bộ trưởng Austin sẽ đến hai quốc gia khác ở bên bờ Hắc Hải : Ukraina và Rumani.

    Đối với Lầu Năm Góc, Hắc Hải là một điểm nóng tiềm tàng, đặc biệt kể từ khi Nga sát nhập vùng Crimée của Ukraina vào năm 2014. Lực lượng hải quân và không quân của Nga ngày càng có nhiều hành động thách thức các nước thành viên NATO tại vùng này. Vào tháng 6/2021, quân đội Nga đã đe dọa các chiến hạm của Hà Lan và của Anh hoạt động ở ngoài khơi Crimée.

    Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell qua đời vì biến chứng COVID-19


    Ông Colin Powell, ngoại trưởng da màu đầu tiên của Hoa Kỳ và là tướng lĩnh quân đội hàng đầu, đã qua đời hôm 18/10 ở tuổi 84, do biến chứng COVID-19, gia đình của ông cho biết trong một tuyên bố, theo Reuters.

    “Ông đã được tiêm ngừa đầy đủ. Chúng tôi muốn cảm ơn các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Quốc gia Walter Reed vì sự điều trị tận tình của họ. Chúng tôi đã mất đi một người chồng, người cha, người ông và một người Mỹ tuyệt vời và thân yêu”, gia đình của ông Powell cho biết trong một thông báo đăng trên Facebook.

    Là một tướng quân đội bốn sao, ông là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George H.W. Bush trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khi ấy các lực lượng do Hoa Kỳ dẫn đầu đã trục xuất quân đội Iraq khỏi Kuwait láng giềng.

    Ông Powell, một người theo Đảng Cộng hòa ôn hòa và theo chủ nghĩa thực dụng, sau này giữ chức ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush.

    Hơn 20 người chết do lũ lụt ở miền nam Ấn Độ


    Hôm 18/10, các nhà lãnh đạo ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ phải mở các đập gần tràn, sau khi ít nhất 22 người chết do mưa lớn ập đến bang này vào cuối tuần qua, theo Reuters.

    Lượng mưa trên khắp bang đã dẫn đến lũ quét và sạt lở đất ở một số khu vực, trong khi quân đội và hải quân Ấn Độ được điều động để giải cứu người dân.

    Việc mở các con đập có thể làm giảm nguy cơ xảy ra thảm họa tràn bờ như những trận lũ lụt tồi tệ nhất trong một thế kỷ của bang vào năm 2018, khi ấy ít nhất 400 người thiệt mạng và 200.000 người phải di dời. Nhưng bằng cách xả nước xuống hạ lưu, động thái này cũng có thể khiến tình hình ở các khu vực đã trải qua lũ lụt trở nên tồi tệ hơn.

    Nhà chức trách mở các đập nhỏ hơn để ngăn lũ lụt, trong khi Bộ trưởng Điện lực bang K Krishnankutty cho biết trong một tuyên bố rằng đập Idukki, đập lớn nhất của bang, cũng sẽ được mở nếu mưa vẫn tiếp tục.

    Các quan chức và nhân chứng cho Reuters biết ít nhất 13 người thiệt mạng do lở đất ở làng Kuttikkal.

    Chính quyền bang Kerala cho biết hôm 18/10 rằng bang này sẽ hứng chịu các trận mưa trên diện rộng, bao gồm mưa lớn cô lập ở nhiều nơi, trong hai đến ba ngày tới kể từ ngày 20/10.

    Không có nhận xét nào