Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 07 tháng 10 năm 2021

    Mỹ và Trung Quốc đồng ý trên nguyên tắc về cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo hai nước trước cuối năm nay, một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cho biết hôm 6/10, sau những cuộc thảo luận cấp cao nhằm cải thiện thông tin liên lạc giữa hai nước.

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 07 tháng 10 năm 2021

    Cuộc họp kín tại một khách sạn phi trường ở thành phố Zurich, Thụy Sĩ, giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Dương Khiết Trì, là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ cuộc chạm trán căng thẳng vào tháng Ba tại Alaska.

    Theo các giới chức Mỹ, cuộc họp này là bước tiếp theo sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 9/9.

    Cả Bắc Kinh và Washington đều nói cuộc thảo luận kéo dài 6 giờ có tính cách xây dựng và thẳng thắn.

    Với các quan hệ xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập niên, một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho hay ông Sullivan đã nêu quan ngại về các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, và lập trường của Trung Quốc về vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan.

    Hai nhà nghiên cứu chất xúc tác hữu cơ đoạt giải Nobel Hóa học 2021


    Hôm 6/10, hai nhà khoa học đoạt giải Nobel hóa học vì đã tìm ra một phương pháp mới “tài tình” để tạo ra các phân tử có thể được sử dụng để tạo ra nhiều thứ, từ thuốc đến hương liệu thực phẩm, theo AP.

    Ông Goran Hansson, tổng thư ký của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, cho biết ông Benjamin List người Đức và ông David W.C MacMillan sinh ra ở Scotland, đã phát triển “phương pháp thẩm phân hữu cơ không đối xứng” - công việc đã có tác động đáng kể đến nghiên cứu dược phẩm.

    Công cụ này cũng đã làm cho hóa học trở nên “xanh hơn”, các giám khảo cho biết.

    Bà Pernilla Wittung-Stafshede, một thành viên của hội đồng Nobel cho biết: “Nghiên cứu này đã mang lại lợi ích cho nhân loại rất nhiều”.

    Việc tạo ra các phân tử - đòi hỏi liên kết các nguyên tử riêng lẻ với nhau theo một cách sắp xếp cụ thể - là một nhiệm vụ khó khăn và chậm chạp.

    Ông List, thuộc Viện Max Planck và ông MacMillan, thuộc Đại học Princeton, đã thực hiện các báo cáo một cách độc lập rằng các phân tử hữu cơ nhỏ có thể được sử dụng để thực hiện công việc tương tự như các enzym lớn và chất xúc tác kim loại trong các phản ứng “chính xác, rẻ, nhanh và thân thiện với môi trường”, bà Wittung-Stafshede nói.

    Ông Johan Åqvist, chủ tịch Ủy ban Nobel Hóa học, cho biết: “Khái niệm xúc tác này đơn giản nhưng nó rất khéo léo, và thực tế là nhiều người đã tự hỏi tại sao chúng tôi không nghĩ ra nó sớm hơn”.

    Phát biểu sau khi công bố, ông List cho biết giải thưởng là một “bất ngờ lớn.”

    Hôm 4/10, Ủy ban Nobel đã trao giải thưởng về sinh lý học hoặc y học cho hai người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian vì những khám phá của họ về cách cơ thể con người cảm nhận nhiệt độ và xúc giác.

    Giải Nobel vật lý đã được trao hôm 5/10 cho ba nhà khoa học có công trình nghiên cứu giúp giải thích và dự đoán các lực phức tạp của tự nhiên, bao gồm cả việc mở rộng hiểu biết của chúng ta về biến đổi khí hậu.

    Trong những ngày tới, giải Nobel cũng sẽ được trao cho những cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực văn học, hòa bình và kinh tế.

    Mỹ sắp công bố tài liệu Hướng Dẫn Chiến Lược chống Bắc Kinh tấn công Đài Loan


    Bộ trưởng Hải Quân Mỹ trong tuần này sẽ công bố một tài liệu Hướng Dẫn Chiến lược, nêu rõ cách thức Hải Quân và Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ duy trì ưu thế hàng hải trên quy mô toàn cầu, tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược để chống Trung Quốc.

    Theo trang Defense News, ông Carlos Del Toro, bộ trưởng Hải Quân Mỹ, đã giới thiệu sơ qua tài liệu Hướng Dẫn Chiến Lược cho học viên của Học viện Hải quân Hoa Kỳ vào tối thứ Ba 05/10/2021. Ông khẳng định : “Mục tiêu mong muốn không phải là chống lại Trung Quốc. Không ai muốn tham gia vào một cuộc xung đột ... Trách nhiệm cuối cùng của chúng tôi là ngăn cản họ thực hiện những gì họ đang cố gắng hoàn thành, bao gồm cả việc xâm lược Đài Loan. Vì thế, điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải đầu tư từ bây giờ, trong năm nay, khi cần thiết để có khả năng tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc và nhiều mối đe dọa khác trên khắp thế giới mà đôi khi chúng ta phải đối mặt”.

    Với mục tiêu đó, ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo chiến lược của bộ trưởng Del Toro là đưa ra những quyết định khó khăn về chi tiêu ngân sách quốc phòng vốn bị hạn chế theo những hướng có thể ngăn chặn Trung Quốc, với một lực lượng nhanh nhạy và luôn sẵn sàng, hiện đại hóa Lực lượng Thủy quân Lục chiến, mở rộng khả năng đội tàu của Hải Quân Mỹ. Quan chức này cho biết thêm là Hải Quân đang đầu tư vào các nhà máy đóng tàu và các cơ sở duy tu bảo dưỡng tàu, cũng như các thiết bị hỗ trợ khác, để đảm bảo phục vụ chiến đấu.

    Bộ trưởng Del Toro nhấn mạnh trí thông minh nhân tạo, an ninh mạng, thiết bị không người lái, vũ khí siêu thanh… là những lĩnh vực xác định lợi thế của Hải Quân Mỹ so với Trung Quốc, và điều quan trọng là phải khẩn trương phát triển các mảng này.

    Trước mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với các đồng minh và đối tác của Washington, ông Del Toro cho biết một ưu tiên khác trong chỉ đạo chiến lược là thúc đẩy các liên minh và đối tác trên toàn cầu. Riêng về Đài Loan, ông nhấn mạnh đến quan hệ đối tác với các quốc gia như Úc, Ấn Độ, Philippines, Indonesia và những nước khác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đang bị Trung Quốc đe dọa, cung cấp vũ khí và công nghệ cần thiết để Đài Loan có thể tự vệ, làm cho Trung Quốc thấy họ không có bạn hữu, không có đồng minh hàng hải, qua đó ngăn cản Bắc Kinh chiếm Đài Loan.

    Phát biểu trước báo giới, ông Del Toro nhận định : Vì Trung Quốc hiện diện khắp nơi, Hải Quân Mỹ cần hiện diện không chỉ ở Biển Đông mà trên toàn cầu, tìm hiểu và giúp đỡ các nước đang hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ dự án "Vành đai, Con đường" giải quyết các khó khăn, để không phải lệ thuộc vào Bắc Kinh cả về kinh tế và quân sự.


    Thị trường nghe ngóng ngân hàng trung ương Trung Quốc về quy định công nghệ

    Chỉ mới một năm trước chẳng ai nghĩ sẽ có người muốn nghe các nhà quản lý ngân hàng trung ương Trung Quốc nói về quy định công nghệ. Vì như thế không khác gì Jay Powell của Cục Dự trữ Liên bang cân nhắc số phận của Facebook. Song rất nhiều điều có thể xảy ra trong một năm. Người ta sẽ rất chú ý khi khi thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương phát biểu tại hội nghị Ngân hàng Thanh toán Quốc tế vào thứ Năm.

    PBoC đã trở thành một bên quan trọng trong các quy định công nghệ của Trung Quốc. Ngân hàng đã góp phần ngăn Ant Group IPO, trong khi các chính sách của họ cũng cắt giảm hoạt động cho vay fintech. Ngân hàng thậm chí đe dọa chia tách một số tập đoàn công nghệ – một quyền lực mà theo các chuyên gia là nằm ngoài phạm vi quản lý. Sau khi chứng kiến cuộc đàn áp công nghệ quét sạch hơn 1 nghìn tỷ đô la vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ Trung Quốc trong năm nay, giới đầu tư sẽ không bỏ sót một từ nào trong phát biểu của ông Dịch.

    Tesla họp cổ đông

    Thứ Năm này Tesla sẽ tổ chức online cuộc họp cổ đông thường niên, trực tiếp từ Gigafactory mới ở Austin, Texas. Các cổ đông có thể lạc quan. Trong quý gần nhất, công ty đã đánh bại dự đoán của giới phân tích khi xuất xưởng được 241,000 xe. Con số từ đầu năm đến nay là 627,000, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Một phần là do công ty đang khắc phục tình trạng thiếu chất bán dẫn tốt hơn các nhà sản xuất ô tô truyền thống khác.

    Các nhà đầu tư sẽ muốn biết nhiều hơn về kế hoạch sản xuất trong tương lai. Nhà máy Texas đã bắt đầu sản xuất mẫu SUV cỡ nhỏ Model Y. Nếu mọi việc suôn sẻ, một Gigafactory mới ở Berlin sẽ được chính quyền bang Brandenburg cấp phép sản xuất ô tô trước cuối năm nay. Nhưng cuộc khủng hoảng chip đã làm gián đoạn kế hoạch tung ra các mẫu xe mới của Tesla. Chiếc bán tải Cybertruck, mẫu Roadster thể thao, và một xe đầu kéo mới sẽ xuất xưởng muộn hơn dự tính.

    Diễn biến đàm phán chính phủ liên minh ở Đức

    Đàm phán thành lập chính phủ liên minh ba bên đầu tiên của Đức kể từ những năm 1950 sẽ bắt đầu từ thứ Năm. Sau khi thắng sít sao trong cuộc bầu cử 26 tháng 9 với ứng viên Olaf Scholz, Đảng Dân chủ Xã hội sẽ bắt đầu đàm phán với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do để xây dựng một liên minh “đèn giao thông,” theo màu sắc tương ứng của ba đảng.

    Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do đã đồng ý theo đuổi đàm phán sau khi kết luận vào thứ Tư rằng khối Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu, về thứ hai trong cuộc bầu cử, không phải là một đối tác đáng tin cậy. Armin Laschet, ứng viên Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo, vẫn nuôi hy vọng kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel. Nhưng triển vọng về một chính phủ “Jamaica” như vậy rất bất khả thi. Dù để thành lập một chính phủ “đèn giao thông” phải mất nhiều tuần đàm phán khó khăn, ưu thế vẫn đang nằm trong tay ông Scholz.

    Hiệp Hội Y Khoa cảnh bảo tân Thủ hiến về quyết định nới lỏng quá táo bạo


    Hiệp Hội Y Khoa Úc (AMA) chi nhánh Sydney vừa đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ đối với tân Thủ hiến Dominic Perrottet về quyết định nới lỏng quá táo bạo của ông – nhiều hơn cả những gì mà bà Gladys Berejiklian gợi ý trước đây.

    Chủ tịch của AMA NSW, Bác sĩ Danielle McMullen, nói rằng tiểu bang có một thủ hiến mới không phải là lý do chính đáng để không làm theo lộ trình như trước đây, cho rằng quyết định của ông Perrottet để lấy lòng dân chớ không phải là một quyết định an toàn.

    “Giữ cho người dân an toàn phải là ưu tiên hàng đầu của Thủ hiến. Chúng tôi biết là vi khuẩn vẫn còn trong cộng đồng. Bỏ những giới hạn quá sớm không phải là một quyết định đúng vì nó có thể làm cho nhiều người bị nhiễm và hệ thống y tế của tiểu bang bị quá tải,” Bác sĩ McMullen nói.

    “Tất cả chúng ta đều muốn cuộc sống trở lại bình thường càng sớm càng tốt, nhưng đi quá xa sẽ phí công lao và sự hy sinh của cư dân NSW để có thành quả như hôm nay.”

    Bác sĩ McMullen nói rằng NSW không thể hành xử như vi khuẩn Covid không còn nữa và những quyết nới lỏng quá nhiều như thế có thể sẽ làm cho số ca nhiễm gia tăng đột biến trở lại.

    “Những gì mà chúng ta không muốn thấy là mở cửa bây giờ và lockdown trở lại vào dịp Giáng Sinh. Tiểu bang này đã có một quá trình làm những quyết định dựa trên những lời khuyên của các cố vấn y tế và chúng tôi muốn điều đó được tiếp tục,” bà nói.

    “Các nhân viên y tế làm việc không mệt mỏi trong nhiều tháng qua. Một số người chưa lấy holiday trong gần hai năm qua. Nếu hệ thống bệnh viện bị quá tải sẽ làm cho họ bị kiệt sức (burn out), chưa kể những hậu quả về kinh tế và xã hội.”

    “Cả nước Úc đang nhìn vào NSW. Một quyết định sai không chỉ gây cho ảnh hưởng cho tiểu bang mà còn cho cả nước,” bà nói.

    “Chúng tôi kêu gọi Thủ hiến phải suy nghĩ lại vấn đề này, quyết định một cách hết sức cẩn thận và nếu cần phải biết đạp thắng kịp thời.”

    Australia giúp Việt Nam mua thêm 3,7 triệu liều vaccine COVID-19


    Đại sứ Australia Robyn Mudie chính thức trao 300.000 liều vaccine, 614.400 khẩu trang và 40.800 bộ quần áo bảo hộ cho Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Trương Quốc Cường, ngày 6/10/2021. Photo Facebook Australian Embassy Vietnam.

    Chiều ngày 06/10, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie bàn giao cho Bộ Y tế Việt Nam thêm 300.000 liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại Australia, đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam mua thêm 3,7 triệu liều vaccine trong thời gian tới.

    “Australia sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam đảm bảo khoảng 5,2 triệu liều vaccine ngừa COVID19, nâng tổng giá trị đóng góp của Australia trong việc giúp Việt Nam tiếp cận vaccine lên 60 triệu đôla Úc,” Đại sứ quán Australia tại Hà Nội viết trong một thông báo.

    Đại sứ Mudie đưa ra thông báo trên khi cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường có mặt tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để chính thức bàn giao 300.000 liều vaccine ngừa COVID-19 do Australia sản xuất vừa đến Hà Nội tuần trước.

    Đại sứ quán cho biết đây là lô vaccine thứ hai Australia hỗ trợ cho Việt Nam. Tính đến nay, Australia đã chuyển giao hơn 700.000 liều vaccine cho Việt Nam.

    Cũng hôm 6/10, phía Australia bàn giao thiết bị bảo hộ cá nhân cho Việt Nam, bao gồm hơn 600.000 khẩu trang N95 và khẩu trang phẫu thuật, và hơn 40.000 bộ quần áo bảo hộ.

    Ngoài ra, Đại sứ Mudie còn thông báo rằng chính phủ Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam mua khoảng 3,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua một thỏa thuận mua với UNICEF cùng hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam.

    Số lượng khoảng 3,7 triệu liều vaccine mới này sẽ bổ sung thêm cho 1.5 triệu liều mà Australia đã đồng ý chia sẻ với Việt Nam, nâng tổng số vaccine mà Australia sẽ đảm bảo cho Việt Nam lên khoảng 5,2 triệu liều.

    Hôm 7/10, Ngoại trưởng Australia Marise Payne viết trên Twitter: “Australia đang làm việc với người bạn & đối tác chiến lược Việt Nam để ứng phó với COVID-19. Sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ giúp những người sống ở Việt Nam, bao gồm công dân Australia, nhận được vaccine như một phần của chương trình triển khai tiêm ngừa của Việt Nam”.

    Theo Cổng Thông tin Chính phủ Việt Nam, trước đó, tại cuộc điện đàm ngày 25/5 với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã cảm ơn Australia cam kết viện trợ cho Việt Nam 40 triệu đôla Úc để tiếp cận vaccine COVID-19 và khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Australia để triển khai hiệu quả khoản viện trợ này, đồng thời đề nghị Australia ưu tiên cho Việt Nam tiếp cận trong thời gian sớm nhất nguồn vaccine AstraZeneca sản xuất tại Australia.

    Pháp muốn thấy kết quả vào cuối tháng 10 trong các động thái hàn gắn quan hệ với Mỹ


    Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian muốn có kết quả cụ thể vào cuối tháng 10 về ba vấn đề cần đàm phán với Hoa Kỳ trong bối cảnh hai đồng minh tìm cách hàn gắn quan hệ sau khi Canberra hủy hợp đồng tàu ngầm 40 tỷ USD vì thỏa thuận với Washington và London, theo hãng tin Reuters.

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có mặt tại Paris để gặp các quan chức cấp cao của Pháp nhằm xây dựng lại mối quan hệ.

    Phát biểu với các nhà lập pháp Pháp, Ngoại trưởng Le Drian hôm thứ Tư cho biết ông đã có các cuộc đàm phán thẳng thắn và thực chất với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.

    Trước khi rời Paris, ông Blinken đã mô tả các cuộc nói chuyện của mình, bao gồm cả việc gặp Tổng thống Emmanuel Macron, là “rất tích cực, rất hiệu quả”.

    Ngoại trưởng Pháp Le Drian cho biết hai bên đang làm việc để đạt được kết quả vào cuối tháng 10 khi Tổng thống Biden và Tổng thống Macron sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Rome.

    Ông cho biết các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào ba điểm được nêu ra trong một thông cáo chung giữa hai nhà lãnh đạo: tầm quan trọng chiến lược của sự hiện diện của Pháp và châu Âu ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tầm quan trọng của một nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ, có khả năng hơn và cách Washington có thể củng cố sự hỗ trợ cho các hoạt động chống khủng bố ở khu vực Sahel của châu Phi do các quốc gia châu Âu tiến hành.

    Khi được hỏi chi tiết về những gì Paris đang tìm kiếm và liệu đã có bất kỳ kết quả cụ thể nào cho đến nay về những vấn đề đó hay chưa, một phóng viên có được nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết vẫn còn quá sớm để nói.

    Pháp cử phái viên trở lại Úc để làm rõ mối quan hệ

    Reuters cho hay, Ngoại trưởng Pháp sẽ cử đại sứ của mình trở lại Úc để đánh giá lại mối quan hệ sau khi Canberra hủy hợp đồng tàu ngầm với Paris để hợp tác với Anh và Mỹ.

    Pháp đã cáo buộc các đồng minh của mình đâm sau lưng nước này khi Úc chọn các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được chế tạo theo công nghệ của Mỹ và Anh thay vì chương trình tàu ngầm trị giá hàng tỷ đô la của Pháp. Sau đó, Pháp đã triệu đại sứ của nước này ở Mỹ và Úc dựa trên “mức độ nghiêm trọng đặc biệt của những thông báo” từ hai nước này.

    Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại phiên điều trần trước quốc hội hôm thứ Tư rằng: “Tôi hiện đã yêu cầu đại sứ của chúng tôi trở lại Canberra với hai nhiệm vụ, để giúp đánh giá lại các điều khoản trong mối quan hệ của chúng tôi với Úc trong tương lai … và để bảo vệ lợi ích của chúng tôi trong việc thực hiện cụ thể quyết định của Úc về việc kết thúc chương trình tàu ngầm trong tương lai”.

    Pháp coi quan hệ đối tác với Úc từ năm 2016 là nền tảng của chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và các quan chức Pháp nói rằng họ cảm thấy bị Canberra phản bội. Pháp cho rằng Canberra không thể hiện dấu hiệu nào mặc dù đã khởi động kế hoạch chuyển đổi thỏa thuận 18 tháng trước đó.

    Ông Le Drian cho biết Paris đã xem xét lại hoàn toàn mối quan hệ song phương với Úc vì thỏa thuận tàu ngầm là một phần của chiến lược rộng lớn hơn. Ông nói: “Bắt đầu lại mối quan hệ song phương sẽ không có bất kỳ tác động nào đến quyết tâm tiếp tục tham gia của hai bên ở Thái Bình Dương”.

    Úc cho biết họ lấy làm tiếc về việc đại sứ bị triệu hồi, và họ coi trọng mối quan hệ với Pháp và muốn tiếp tục hợp tác với Paris về các vấn đề bao gồm cả Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

    Các nhà ngoại giao cho biết cuộc khủng hoảng niềm tin sẽ cần một số hành động mạnh mẽ có lợi cho Pháp từ Canberra.

    Không có nhận xét nào