Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 28 tháng 10 năm 2021

    Theo tiết lộ của nhật báo Pháp Le Figaro ngày 27/10/2021, Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ mới đây đã công bố một số tài liệu xác nhận rằng các phòng thí nghiệm tại Viện Virus Học Vũ Hán đã tiến hành việc nghiên cứu và biến đổi gien của các loại virus corona, điều mà Trung Quốc cho đến nay không hề chính thức công nhận.

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 28 tháng 10 năm 2021

    Trong một lá thư gởi đến Quốc Hội Mỹ vào tuần trước, Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ NIH đã thừa nhận sự kiện tổ chức phi chính phủ Mỹ EcoHealth Alliance, vốn làm việc chặt chẽ với NIH, trên thực tế đã tài trợ cho một số công trình nghiên cứu tại Viện Virus Học Vũ Hán, đặc biệt là nghiên cứu về việc tăng thêm chức năng cho các loại virus corona ở loài dơi, thường được xem là tiền thân của virus gây dịch Covid-19.

    Các công trình nghiên cứu đó nhằm biến đổi gien của virus, để gia tăng khả năng lây nhiễm qua người của loại virus này. Những nghiên cứu loại này thường bị giới khoa học phản đối vì rất nguy hiểm cho con người.

    Theo Le Figaro, lá thư của Viện Y Tế Quốc Gia cũng cho thấy là tổ chức EcoHealth Alliance đã vi phạm các điều kiện tài trợ được quy định, khi không báo cáo một kết quả nghiên cứu theo đó khả năng lây nhiễm của một mầm bệnh đã được nhân lên gấp mười lần.

    Hơn nữa, theo Le Figaro, EcoHealth Alliance còn bị tố cáo là thiếu minh bạch khi không tiết lộ bản chất kết quả của những nghiên cứu thao tác gien này, đã được Viện Y Tế Quốc gia Hoa Kỳ mô tả là "bất ngờ".

    Vấn đề đặt ra là tiền mà tổ chức EcoHealth Alliance đã sử dụng để tài trợ cho công việc của Viện Virus Học Vũ Hán lại là công quỹ của Hoa Kỳ.

    ASEAN nâng cấp quan hệ chiến lược với Trung Quốc, vẫn coi trọng Myanmar


    Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm thứ Năm 28/10 cho biết họ nhất trí cùng Trung Quốc nâng cấp quan hệ hai bên lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, một ngày sau khi ASEAN đạt được thỏa thuận tương tự với Australia.

    Thông báo này được Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đưa ra trong một cuộc họp báo, tại đó ông được hỏi về việc Myanmar sẽ tham dự các sự kiện ASEAN trong tương lai ra sao, sau khi người đứng đầu chính quyền quân sự là Min Aung Hlaing, cũng là người cầm đầu cuộc đảo chính hồi tháng 2, bị gạt khỏi một loạt các cuộc họp thượng đỉnh châu Á trong tuần này.

    Về câu hỏi liệu thậm chí Myanmar có thể bị khai trừ khỏi khối hay không, quốc vương Brunei trả lời: “Myanmar là một phần không thể thiếu trong đại gia đình ASEAN và chưa có chất vấn gì về tư cách thành viên của họ”.

    Ông nói thêm rằng "ASEAN sẽ luôn có mặt vì Myanmar và chúng tôi luôn ngỏ lời sẵn sàng giúp đỡ thông qua thực hiện danh sách 5 điểm đồng thuận".

    Ông Min Aung Hlaing bị gạt ra ngoài cuộc vì không thực hiện "danh sách đồng thuận" mà ông đã nhất trí với ASEAN hồi tháng 4, bao gồm cam kết chấm dứt xung đột, bắt đầu đối thoại và tạo điều kiện cho các nỗ lực hòa giải và viện trợ nhân đạo của một đặc phái viên ASEAN.

    Quốc vương Brunei cho biết: “Liên quan đến hội nghị này, chúng tôi đã tạo ra không gian cho Myanmar, đồng thời cũng giữ vững các nguyên tắc được ghi trong hiến chương ASEAN, bao gồm cả nguyên tắc không can thiệp”.

    Phát biểu trong một cuộc họp báo riêng rẽ, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết không rõ liệu Myanmar có tham gia các cuộc họp ASEAN trong tương lai hay không và nhấn mạnh rằng việc họ vắng mặt trong tuần này là quyết định của chính Myanmar.

    Khi được hỏi liệu Myanmar có tiếp tục là một bên tham gia các sự kiện của ASEAN hay không, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah nói: "Đó là câu hỏi trị giá một triệu đô la mà tôi không thể trả lời được".

    Tướng hàng đầu của Mỹ xác nhận Trung Quốc thử vũ khí siêu thanh 'đáng lo ngại'


    Quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ, Tướng Mark Milley, vừa đưa ra sự xác nhận chính thức đầu tiên của Mỹ về vụ thử vũ khí siêu thanh của Trung Quốc mà các chuyên gia quân sự cho rằng nó dường như cho thấy Bắc Kinh theo đuổi một hệ thống bay trên quỹ đạo trái đất được thiết kế để né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

    "Chúng tôi đã thấy một diễn biến rất quan trọng trong cuộc thử nghiệm một hệ thống vũ khí siêu thanh. Và nó rất đáng lo ngại", ông Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói với kênh truyền hình Bloomberg, trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm thứ Tư 27/10.

    Các chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho rằng vụ thử vũ khí của Trung Quốc dường như được thiết kế để né các biện pháp phòng thủ của Hoa Kỳ theo hai cách. Thứ nhất, các phương tiện siêu vượt âm di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 6.200 km/h, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn hơn.

    Thứ hai, các nguồn tin nói với Reuters rằng Hoa Kỳ tin rằng vụ thử nghiệm của Trung Quốc liên quan đến một loại vũ khí lần đầu tiên bay trên quỹ đạo quanh Trái đất. Các chuyên gia quân sự nói đó là một khái niệm thời Chiến tranh Lạnh có tên là "oanh tạc theo phân đoạn từ quỹ đạo".

    Tháng trước, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall phần nào bày tỏ lo ngại về một hệ thống như vậy. Ông nói với các phóng viên về một loại vũ khí sẽ đi vào quỹ đạo và sau đó lao xuống mục tiêu.

    Ông nói: “Nếu ta sử dụng kiểu tiếp cận đó, ta không cần phải sử dụng đường bắn truyền thống của tên lửa liên lục địa, là loại có đường bắn đi trực tiếp từ điểm phóng đến điểm đầu đạn rơi xuống. Kiểu tiếp cận mới là một cách để tránh các hệ thống phòng thủ và báo động tên lửa".

    Oanh tạc theo phân đoạn từ quỹ đạo cũng sẽ là một cách để Trung Quốc tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Alaska.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ việc nước này thử vũ khí. Bộ nói Trung Quốc thực hiện một cuộc thử định kỳ vào tháng 7, nhưng nói thêm rằng: "Đó không phải là một tên lửa, nó là một phương tiện không gian".

    Hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ không đủ khả năng chống lại một cuộc tấn công quy mô lớn từ Trung Quốc hoặc Nga, có thể vượt quá khả năng của hệ thống.

    Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Mỹ công khai theo đuổi các hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng tiên tiến hơn đã khiến Moscow và Bắc Kinh phải tìm các cách thức đánh bại các hệ thống của Mỹ, bao gồm cả các phương tiện siêu vượt âm và vũ khí oanh tạc theo phân đoạn từ quỹ đạo.

    Cảnh sát Lào thu giữ lượng ma túy kỷ lục ở Tam giác Vàng


    Cảnh sát Lào vừa thu giữ được một lượng ma túy bất hợp pháp lớn kỷ lục ở vùng Tam giác Vàng, hai nguồn tin an ninh ở Thái Lan xác nhận hôm thứ Năm 28/10. Liên Hiệp Quốc cho rằng đây là vụ bắt giữ ma túy lớn nhất châu Á từ trước đến nay.

    Hai nguồn tin cho Reuters biết hôm 27/10 rằng hơn 55 triệu viên methamphetamine và hơn 1,5 tấn methamphetamine ở dạng “đá” đã bị cảnh sát Lào chặn bắt.

    Jeremy Douglas, đại diện của Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) ở khu vực Đông Nam Á, cho rằng đây là "vụ bắt giữ lớn nhất trong lịch sử Đông và Đông Nam Á cho đến nay".

    Vụ phá án diễn ra hôm 27/10 sau khi cảnh sát Lào tịch thu tổng cộng 16 triệu viên amphetamine trong hai vụ đánh án riêng rẽ cũng ở trong vùng, diễn ra trong một tuần.

    Tam giác Vàng - vùng ở đông bắc Myanmar tiếp giáp với các phần đất của Thái Lan và Lào - từ lâu khét tiếng là nơi sản xuất ma túy quy mô lớn.

    Lâu nay, nó đóng vai trò là môt trung tâm lớn sản xuất các chất kích thích dạng amphetamine, đặc biệt là methamphetamine, được các tổ chức tội phạm châu Á sử dụng với mạng lưới phân phối đến tận Nhật Bản và New Zealand.

    Ông Douglas thuộc LHQ nói rằng có sự gia tăng đột biến về lượng ma túy bị bắt giữ ở Lào là do các tuyến đường buôn lậu bên trong Myanmar phải dịch chuyển vì tình trạng bất ổn ở các vùng biên giới kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 2.

    Ông Douglas nói thêm: “Điều này liên quan đến sự đổ vỡ về an ninh và bộ máy quản trị ở vùng Tam giác Vàng và vùng của người dân tộc Shan – dẫn đến ảnh hưởng lan tỏa tới cả khu vực”.

    Thượng Đỉnh Đông Á: Mỹ cam kết sát cánh cùng đối tác bảo vệ tự do hàng hải


    Trong cuộc họp trực tuyến ngày hôm qua 27/10/2021 của các lãnh đạo trong khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS (East Asian Summit), có sự tham dự của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại cam kết cùng với các đối tác trong khu vực bảo vệ tự do trên biển và dân chủ.

    Trong một bản thông cáo báo chí, Nhà Trắng cho biết là tổng thống Mỹ đã nhắc rằng Hoa Kỳ luôn luôn gắn bó với “trật tự dựa trên luật pháp quốc tế” đồng thời bày tỏ thái độ “quan ngại trước các mối đe dọa trật tự đó”. Ông Joe Biden cũng nói rõ là nước Mỹ "sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác để hậu thuẫn cho dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và quyền tự do hàng hải”.

    Thông điệp của tổng thống được cho là nhắm vào các hành động của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh không ngần ngại dùng biện pháp mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trên gần như toàn bộ vùng biển, bất chấp phản đối của các láng giềng Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines hay Malaysia.

    Hoa Kỳ đã công khai ủng hộ các nước Đông Nam Á trong hồ sơ Biển Đông, thường xuyên cho chiến hạm tiến hành các chiến dịch nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng.

    Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, tại hội nghị, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng nêu lên vấn đề Biển Đông. Phát biểu với báo chí sau hội nghị trực tuyến, ông Kishida cho biết là ông đã chuyển đến các lãnh đạo khác “lập trường kiên định” của Nhật Bản về an ninh trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

    Đại diện Bắc Kinh tham gia Thượng Đỉnh Đông Á, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã biện minh cho các hành động của Trung Quốc. Hãng tin Kyodo, trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết là phát biểu với hội nghị vào hôm qua, ông Lý Khắc Cường đã khẳng định rằng nhờ nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, “tình hình ở Biển Đông nhìn chung đã duy trì được sự ổn định, và chưa bao giờ có vấn đề gì xảy ra đối với tự do hàng hải và hàng không”

    Ngoài vấn đề an ninh hàng hải, trong phát biểu hôm qua tại Thượng Đỉnh Đông Á, tổng thống Mỹ Biden cho biết Washington sẽ bắt đầu đàm phán với các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương về việc phát triển một khuôn khổ kinh tế khu vực, điều được cho là thiếu sót lớn trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hiện nay.

    Theo Reuters, một quan chức Mỹ cao cấp trong chính quyền Biden đã nói ngay sau đó là sáng kiến mà ông Biden loan báo “không phải là một thỏa thuận thương mại”, theo kiểu như Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Hoa Kỳ đã từ bỏ.

    Thượng Đỉnh Đông Á là cơ chế tập hợp 10 nước Đông Nam Á ASEAN, ba nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), một nước Nam Á là Ấn Độ, hai nước châu Đại Dương (New Zealand và Úc) cùng với Mỹ và Nga.

    Hoa Kỳ công bố thuế tài sản mới

    Các Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ công bố một loại thuế tài sản mới cùng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% để giúp tài trợ cho gói chi tiêu xã hội đầy tham vọng của họ. Khoảng 700 người có tài sản 1 tỷ đô la hoặc thu nhập 100 triệu đô la trong ba năm liên tiếp sẽ phải trả thuế một lần cho các tài sản có thể giao dịch.


    Ngoài ra họ cũng phải chịu thuế lợi nhuận đầu tư. Song thượng nghị sĩ Tây Virginia Joe Manchin, người nắm trong tay lá phiếu quyết định, phản đối đề xuất này.

    Samsung sắp công bố kết quả quý 3

    Samsung Electronics sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào thứ Năm. Phó chủ tịch công ty, Lee Jae-yong, vừa mới ra tù. Vị lãnh đạo thế hệ thứ ba của gia đình sáng lập Samsung trước đó phải ngồi tù vì liên quan đến một vụ bê bối hối lộ. Dù sao thì các con số của Samsung chắc chắn sẽ rất mạnh mẽ: đầu tháng này, công ty cho biết lợi nhuận hoạt động quý sẽ tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái lên 15,8 nghìn tỷ won (13,2 tỷ USD).

    Công ty được hưởng lợi trong đại dịch do nhu cầu thiết bị điện tử tăng cao cũng như tình trạng thiếu chip bán dẫn. Chi tiết về hiệu suất của bốn mảng kinh doanh chính — bộ nhớ và chip logic, màn hình, điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng — sẽ giúp giải đáp lo lắng của giới quan sát rằng mảng lợi nhuận nhất của Samsung, chip nhớ, đang khó khăn. Dự đoán kết quả xấu đã đè nặng lên giá cổ phiếu của công ty, vốn giảm 23% kể từ mức đỉnh hồi tháng 1. Công ty cũng có thể thông báo thêm về về nhà máy bán dẫn 17 tỷ đô la họ dự định xây ở Texas, cũng là nhà máy thứ hai trên đất Mỹ của Samsung.

    Kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi dù chậm lại

    Kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 3% trong quý ba, giảm so với mức 6,7% của quý hai, theo dữ liệu công bố vào thứ Năm. Có hai sự cố chính. Đầu tiên là biến thể Delta lan rộng đúng thời điểm người Mỹ bắt đầu kì du lịch hè. Thứ hai là tắc nghẽn chuỗi cung ứng đè nặng lên sản lượng.

    Tuy nhiên thông tin về suy giảm tăng trưởng không phản ánh đúng bức tranh toàn cảnh. Bản chất của báo cáo tăng trưởng — tức việc xác định tỷ lệ tăng trưởng quý theo năm — làm phóng đại sự biến động. Trên thực tế, số liệu đầu tháng 10 cho thấy niềm tin tiêu dùng phục hồi khi biến thể Delta giảm nhẹ. Các cảng vẫn tắc nghẽn nhưng tăng chi tiêu cho các dịch vụ, chẳng hạn như nhà hàng, và giảm mua sắm trực tuyến sẽ giảm bớt một phần áp lực. Ngay cả khi tăng trưởng yếu hơn, nền kinh tế vẫn đang phục hồi.

    Magnésium: Châu Âu lệ thuộc Trung Quốc


    Trung Quốc chiếm 87% sản lượng magnésium trên thế giới, 93% lượng tiêu thụ của châu Âu. Giá magnésium tăng gấp 5 lần chỉ trong năm qua, và đến cuối tháng 11, châu Âu không còn dự trữ.

    Trang Ý kiến của Le Figaro đặt vấn đề « Magnésium : Khi châu Âu lệ thuộc vào Trung Quốc ». Sau đỉnh dịch, tất cả đều thiếu. Nhân công một số đã chuyển nghề khác, hoặc vẫn chưa quay lại thị trường lao động. Nguyên vật liệu được lùng sục sau thời gian ít được đầu tư. Vận chuyển chậm lại do ảnh hưởng của chuỗi hậu cần cung ứng toàn cầu. Chất bán dẫn là mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất, nằm trong tay một số ít nhà sản xuất. Và một mặt hàng mới kéo dài thêm danh sách khiếm hụt đang đe dọa sự hồi phục kinh tế, mang số 12 trong bảng tuần hoàn Mendeleiev : đó là magnésium.

    Tình trạng đáng lo ngại đến nỗi chủ đề này đã được nêu ra trong cuộc họp các nhà lãnh đạo châu Âu thứ Sáu tuần trước tại Bruxelles. Giá magnésium từ 2.000 đô la/tấn đã vọt lên trên 10.000 đô la chỉ trong một năm, và đến cuối tháng 11, châu Âu không còn dự trữ. Chất này cần thiết để sản xuất nhôm và các hợp kim khác cho ngành bao bì, xe hơi và hàng không. Sản lượng magnésium cho kỹ nghệ hiện đang tập trung tại Trung Quốc, đặc biệt tại Ngọc Lâm (Yulin) thuộc tỉnh Quảng Tây. Trung Quốc chiếm 87% sản lượng magnésium trên thế giới, 93% lượng tiêu thụ của châu Âu.

    Sự lệ thuộc vào Trung Quốc không phải do tình cờ : sản xuất magnésium dùng cho kỹ nghệ cần rất nhiều năng lượng. Nhờ giá năng lượng rẻ, Bắc Kinh đã hất cẳng các nước : nhà sản xuất cuối cùng của châu Âu tại Na Uy đã bỏ cuộc cách đây 10 năm, còn nhà sản xuất cuối của Pháp rời cuộc chơi từ 15 năm trước. Magnésium không trữ được lâu (bị oxy hóa, dễ cháy), nên hai nhà máy nhôm lớn nhất nước Pháp chỉ có thể cầm cự đến giữa tháng 12. Châu Âu chỉ còn cách « ngoại giao » để Bắc Kinh nới lỏng hạn chế quota khí thải cho Ngọc Lâm.

    China Telecom bị cấm hoạt động tại Mỹ


    Cũng về Trung Quốc, Les Echos cho biết Hoa Kỳ hôm qua 26/10/2021 rút giấy phép của chi nhánh China Telecom vì lý do an ninh quốc gia. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc có 60 ngày để chấm dứt hoạt động trên lãnh thổ nước Mỹ.

    Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC) nhận định « việc China Telecom America được chính quyền Trung Quốc nắm giữ và kiểm soát gây ra rủi ro đáng kể cho an ninh quốc gia và thực thi luật pháp ». Phía Trung Quốc có thể « xâm nhập, lưu trữ, cắt ngang hoặc chuyển hướng cuộc gọi ở Mỹ, và như vậy có thể tiến hành các hoạt động tình báo hoặc những hành động khác có hại cho Hoa Kỳ ».

    Loan báo trên đã làm thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm sút sáng nay, và có thể làm tăng thêm căng thẳng Mỹ-Trung. China Telecom, công ty điện thoại cố định lớn nhất Trung Quốc đã phải rời Wall Street hồi tháng Giêng cùng với các đồng hương cạnh tranh China Mobile và China Unicom, do sắc lệnh của tổng thống Donald Trump cấm công dân Mỹ đầu tư vào các công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc. Sự kiện ông Joe Biden đắc cử không làm căng thẳng này giảm bớt.

    Mạng xã hội của ông Trump mê hoặc Wall Street


    Liên quan đến mạng xã hội, chuyên trang kinh tế của Le Figaro ghi nhận « Mạng xã hội của ông Trump mê hoặc Wall Street ». Trong khi chờ đợi những người sử dụng đầu tiên, mạng xã hội tương lai Truth Social của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump thu hút hàng loạt nhà đầu tư.

    Từ khi loan báo dự tính sáp nhập với công ty mới của ông Trump là Trump Media and Technology Group (TMTG), cổ phiếu của một SPAC mang tên Digital World Acquisition Corp (DWAC) tăng vọt 740%, sau hai đợt giao dịch sôi động vào cuối tuần qua. Chưa bao giờ một SPAC (Special Purpose Acquisition Company), tức một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán chỉ với mục đích duy nhất là nhằm hợp lại với một công ty khác, lại được đổ xô mua bán cổ phiếu đến thế.

    Lên sàn Nasdaq từ cuối tháng Chín, công ty được đặt biệt danh là « Trump SPAC » nay có giá trị lên đến trên 8 tỉ đô la ! Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, DWAC đã trở thành cái tên được nêu nhiều nhất trên diễn đàn WallStreetBets của trang Reddit. Những người chơi chứng khoán tài tử muốn kiếm lời nhanh đã bổ sung vào khối lượng người ủng hộ Donald Trump và các quỹ đầu cơ ngay từ giờ đầu, tạo nên lượng cầu khổng lồ. Một người viết trên Reddit : « Cám ơn Donald Trump, tôi kiếm được 17.000 đô la hôm qua ».

    Không có nhận xét nào