Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 08 tháng 10 năm 2021

    Thêm 397.800 liều vaccine Pfizer-BioNTech được Mỹ viện trợ cho Việt Nam đã về đến Hà Nội vào sáng 8/10, nâng tổng số vaccine COVID-19 Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam đến nay lên gần 8,5 triệu liều.

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 08 tháng 10 năm 2021

    Theo thông báo của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam (trên Facebook): “Lô vaccine này là minh chứng cho cam kết của Mỹ đối với Việt Nam nhằm chống lại đại dịch COVID-19″.

    Tổng lãnh sự quán Mỹ cũng cho biết sẽ có thêm nhiều vaccine nữa trong vài ngày tới đến Việt Nam.

    Như vậy, tính cả lô vaccine này, riêng trong tháng 10/2021, Mỹ đã có 3 đợt chuyển vaccine COVID-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Trước đó, vào ngày 2/10, nhận 1.499.940 liều vaccine Pfizer-BioNTech; ngày 7/10, nhận 608.400 liều vaccine cũng của Pfizer-BioNTech.

    Ngoài việc viện trợ gần 8,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam, từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD để giúp Việt Nam ứng phó đại dịch.

    Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19 ngày 22/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố cam kết tặng thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech giúp thế giới đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Cam kết này đưa tổng số vaccine Mỹ tặng các nước trên thế giới lên hơn 1,1 tỉ liều.

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục trao tặng vaccine trên toàn cầu khi có thêm nguồn cung. Chúng tôi cũng đang hợp tác với các nhà sản xuất vắc xin của Mỹ nhằm tăng nguồn cung cho toàn thế giới, đồng thời hợp tác với các đối tác để mở rộng năng lực sản xuất vắc xin trên toàn cầu nhằm chấm dứt đại dịch này”, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt nam cho biết.

    Quân đội Myanmar gia tăng hoạt động, LHQ lo lắng cho dân thường


    Văn phòng về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc hôm thứ Sáu 8/10 về tình hình quân đội Myanmar triển khai vũ khí hạng nặng và binh sĩ tại nhiều khu vực của đất nước, nơi internet cũng đã bị ngừng hoạt động.

    Ravina Shamdasani, nữ phát ngôn viên về nhân quyền của LHQ, nói rằng họ đã thống kê được việc quân đội gia tăng các cuộc tấn công trong tháng qua ở bang Chin và các khu vực khác, kèm theo đó là các vụ giết chóc và đốt nhà, dường như đó là một nỗ lực nhằm truy tìm những người kháng chiến có vũ trang.

    Bà Shamdasani nói trong một cuộc họp báo của LHQ ở Geneva rằng bạo lực và việc tăng quân khiến văn phòng của Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet "thấy rất đáng báo động và lo ngại rằng có thể sẽ có một cuộc tấn công rất nghiêm trọng nhằm vào dân thường".

    Mỹ bí mật huấn luyện quân đội Đài Loan


    « Từ gần một năm nay », Mỹ kín đáo điều các toán đặc nhiệm sang Đài Loan, huấn luyện quân đội nước này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Đài Loan trước mối đe dọa Trung Quốc. Hãng tin AFP ngày 08/10/2021, trích lời một quan chức Hoa Kỳ xin được giấu tên, xác nhận tin được báo The Wall Street Journal loan tải. Bộ Quốc Phòng Mỹ và Đài Loan từ chối bình luận về tin trên.

    Vào lúc chiến đấu cơ Trung Quốc dồn dập thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, tình hình tại eo biển Đài Loan căng thẳng nhất từ « bốn thập niên qua », báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal trong ấn bản hôm 07/10/2021, trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo, cho biết Hoa Kỳ cử thủy quân lục chiến và khoảng 20 quân nhân thuộc các lực lượng đặc biệt sang Đài Loan huấn luyện cho Hải Quân và Lục Quân hòn đảo này.

    Vẫn nguồn tin trên nói rõ hơn là trong số các quân nhân được điều sang Đài Loan gồm một « toán đặc nhiệm và một toán thuộc các lực lượng chính quy ». Tránh nói rõ về thời điểm lính Mỹ hiện diện tại Đài Loan nhưng quan chức này khẳng định chiến dịch đã được khởi động từ « chưa đầy một năm nay ».

    Báo chí tại Đài Bắc trích dẫn một quan chức Hải Quân Đài Loan cho biết chiến dịch nhằm giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ đã diễn ra hồi tháng 11/2020.

    Tuy nhiên AFP nhắc lại là một đoạn video được quân đội Mỹ công bố năm 2020 đã cho thấy hình ảnh một số lính Mỹ tham gia vào chiến dịch thao diễn quân sự của Đài Loan mang tên « Balance Temper ». Mỹ là nguồn cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan

    Phản ứng giận dữ của Bắc Kinh

    Trả lời báo chí hôm 07/10, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ John Supple tuyên bố ông « không bình luận về các chiến dịch, các cuộc triển khai hay chương trình huấn luyện đặc biệt nhưng đồng thời nhấn mạnh Mỹ ủng hộ Đài Loan », quan hệ giữa Washington và Đài Bắc quan tâm đến « mối đe dọa hiện tại xuất phát từ Trung Quốc » đối với hòn đảo này. Cũng ông Supple một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh « tôn trọng những cam kết giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình ».

    Sáng 08/10, Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt trước các tin nói trên. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố Mỹ cần phải biết tình hình Đài Loan « nhạy cảm đến mức độ nào » và « cần ý thức được về mức độ nghiêm trọng » từ những hành động của Washington.

    Vẫn quan chức này khẳng định thêm là Hoa Kỳ « cần ngưng bán vũ khí cho Đài Loan, cần ngừng hợp tác về mặt quân sự với Đài Bắc » để tránh làm « tổn hại tới quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh », tránh làm tổn hại đến « hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan ». Bắc Kinh một lần nữa nhấn mạnh là sẽ làm tất cả để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

    NATO giải thích việc trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga


    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 7/10 cho biết, việc trục xuất 8 thành viên trong phái bộ của Nga tại NATO không liên quan đến một sự kiện cụ thể nào, nhưng nói rằng liên minh này cần phải cảnh giác khi đối mặt với hoạt động “ác ý” của Nga, Reuters cho hay.

    Ông Stoltenberg cho biết 8 người bị trục xuất được công bố hôm thứ Tư là “các sĩ quan tình báo Nga không được khai báo”. Ông nói thêm, các hoạt động của 8 người không phù hợp với quyền hạn của họ, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ với Nga đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

    Tổng thư ký NATO nói: “Đó là do hành vi của Nga. Chúng tôi đã thấy những hành động gây hấn của họ”. Ông Stoltenberg nhắc tới việc Nga xây dựng quân đội dọc biên giới Ukraine và những hành động vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

    Ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ tiếp tục cách tiếp cận “song phương” đối với Nga về quốc phòng và đối thoại.

    Ông nói: “Chúng tôi cũng sẵn sàng triệu tập một cuộc họp hội đồng NATO-Nga. Thực ra chúng tôi đã mời Nga từ lâu. Cho đến nay, Nga đã không có phản ứng tích cực”.

    Ông nói rằng ông đã thất bại trong cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước để đồng ý về một cuộc họp mới của hội đồng. Ông cho rằng cuộc họp này là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh căng thẳng cao độ hiện nay.

    Trước đó, vào hôm thứ Năm, Điện Kremlin cho biết các vụ trục xuất gần như hoàn toàn làm suy yếu hy vọng của họ về việc bình thường hóa quan hệ và nối lại đối thoại với NATO.

    Thượng viện Pháp công nhận ‘Chính phủ thống nhất quốc gia Myanmar’


    Thượng viện Pháp, đã nhất trí thông qua nghị quyết công nhận Chính phủ Thống nhất Quốc gia (phe phản đối chính quyền quân sự Myanmar) là chính phủ chính thức của Myanmar, theo Scoop.

    Tổng thư ký Tổng liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC) Sharan Burrow nói: “Thượng viện Pháp đã làm rất tốt vì đã thiết lập tiền lệ này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ noi theo ví dụ này và không chậm trễ trong việc công nhận Chính phủ Thống nhất Quốc gia là chính phủ chính thức và hợp pháp của Myanmar”.

    Bà Sharan nói thêm rằng, chính quyền quân sự của Myanmar đã không được các tổ chức như Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị Lao động Quốc tế, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận.

    Bà nhấn mạnh “Đã đến lúc chế độ [quân sự Myanmar] trả lại quyền lực cho các nhà lãnh đạo hợp pháp, được [dân] bầu và khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.”

    Trước đó, vào tháng 4/2021, phe phản đối chính quyền quân sự Myanmar đã tuyên bố thành lập “chính phủ thống nhất quốc gia”.

    Theo thông cáo phát trên Đài PTV, “chính phủ thống nhất quốc gia” gồm những nghị sĩ của chính phủ dân sự trước đảo chính, thành viên các nhóm thiểu số và những nhân vật trong phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự.

    Thăm dò: Gần 7/10 phụ huynh Mỹ phản đối tiêm vắc xin bắt buộc với học sinh


    Breitbart đưa tin, một cuộc thăm dò mới cho thấy, khoảng 7 trên 10 phụ huynh có con dưới 18 tuổi tin rằng, không nên có quy định tiêm vắc-xin bắt buộc cho học sinh.

    Cuộc thăm dò ý kiến ​​của đại học Quinnipiac cho thấy, 68% số phụ huynh có con dưới 18 tuổi cho biết họ không tin rằng, nên bắt buộc tiêm vắc-xin cho học sinh. Chỉ 30% số người tham gia khảo sát đồng ý rằng nên tiêm vắc-xin bắt buộc.

    Khảo sát dân số nói chung, 52% người được hỏi cho rằng, không nên tiêm vắc-xin bắt buộc với học sinh, trong khi 44% cho rằng, tiêm vắc-xin nên là một yêu cầu bắt buộc với học sinh.

    Cuộc thăm dò cũng cho thấy, nói chung, người Mỹ hiện đang không tán thành cách Tổng thống Biden xử lý đại dịch COVID-19. Theo đó, 48% số người được hỏi tán thành và 50% không tán thành cách chính quyền hiện tại phòng chống dịch.

    Khảo sát cũng đưa ra xếp hạng chấp thuận đối với tổng thống. Theo đó, 38% người được hỏi nói rằng, họ tán thành công việc mà tổng thống đã làm so với 53% không tán thành. Đây là mức xếp hạng chấp thuận thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức.

    Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 10, với hơn 1.300 người trưởng thành Hoa Kỳ được khảo sát trên toàn quốc. Cuộc khảo sát có sai số cộng hoặc trừ 2,7 điểm phần trăm.

    Thượng viện Mỹ đạt thỏa thuận về tăng trần nợ công đến tháng 12


    Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer hôm thứ Năm (7/10, giờ Mỹ) đã nói rằng ông và các nghị sĩ khác trong đội ngũ lãnh đạo Đảng Dân chủ đã đạt được thỏa thuận với các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa để gia hạn trần nợ công đến đầu tháng Mười Hai.

    Theo Just the News, Thượng viện Mỹ sẽ có thể bỏ phiếu về gia hạn trần nợ công vào tuần tới hoặc phiên bỏ phiếu có thể diễn ra ngay trước cuối tuần này.

    Thỏa thuận mà các bên vừa đạt được sẽ tăng trần nợ công thêm 480 tỷ USD. Theo Bộ Tư pháp, con số này là đủ để gia hạn nợ đến ngày 3/12/2021.

    Bộ Tư pháp cảnh báo rằng ngày 18/10 tới đây sẽ là hạn chót để Quốc hội Mỹ duyệt tăng hạn mực nợ, nếu không chính phủ sẽ rơi vào tình trạng phá sản kỹ thuật.

    Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell nói trong bài phát biểu tại Thượng viện hôm 7/10 rằng: “Thượng viện sẽ xúc tiến kế hoạch mà tôi đã đưa ra vào tối qua để giúp người dân Mỹ tránh bị rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ”.

    Để có thể bỏ phiếu về thỏa thuận này sớm ngay trong tuần này, tất cả các thượng nghị sĩ sẽ phải đồng ý đẩy nhanh tiến trình. Tuy nhiên, điều này khả năng khó diễn ra khi một số thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đã bày tỏ thất vọng về thỏa thuận vừa đạt được giữa ông Schumer và ông McConnell.

    Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên cấp cao của Ủy ban Ngân sách Thượng viện, phát đi tuyên bố hôm 7/10 cho hay: “Tôi không ủng hộ gói chi tiêu của Đảng Dân chủ và tôi không ủng hộ tăng trần nợ để tạo điều kiện cho thực hiện gói chi tiêu đó. Nếu Đảng Dân chủ muốn tăng trần nợ, thì họ có thể sử dụng tiến trình hòa giải”.

    Thượng nghị sĩ Rick Scott cũng nói rằng ông phản đối thỏa thuận tạm thời gia hạn trần nợ công đến tháng Mười Hai.

    Kinh tế Ấn Độ trở lại ấn tượng

    Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 4% tại cuộc họp thứ Sáu. Lạm phát đang ở mức 5,3%, và do đó thấp hơn mức trần trung hạn 6% của ngân hàng trung ương. Chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đã tăng tốc, cho phép các trung tâm thương mại và văn phòng mở cửa trở lại. Nhu cầu hàng tiêu dùng dự kiến tăng đột biến trong mùa lễ hội khai mạc hôm qua, trong khi ngành dịch vụ, vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sa thải, cũng đang tuyển dụng trở lại. Và mới tháng trước, Sensex, một chỉ số cổ phiếu gồm 30 công ty lớn nhất Ấn Độ, lên mức cao kỷ lục.

    Hôm thứ Ba hãng xếp hạng Moody’s đã nâng cấp xếp hạng quốc gia của Ấn Độ từ “tiêu cực” lên “ổn định.” Họ dự đoán GDP thực tế sẽ về lại mức tiền đại dịch trong năm nay. Song không phải mọi thứ đều tốt đẹp. Tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể tăng lên 15% tổng khoản vay cho đến cuối năm tài chính của Ấn Độ vào ngày 31 tháng 3. Đó sẽ là tỷ lệ nợ xấu tồi tệ nhất kể từ đầu thế kỷ này.

    Thị trường lao động Mỹ phục hồi chậm chạp

    Nước Mỹ đang thiếu hụt lao động trầm trọng, với khoảng 11 triệu vị trí vẫn đang trống. Các nhà kinh tế kỳ vọng con số này sẽ giảm vào tháng 9 khi trường học quay lại và trợ cấp thất nghiệp hào phóng hết hạn, thúc đẩy mọi người trở lại làm việc. Song biến thể Delta đang gây cản trở. Tuyển dụng đã chậm lại trong tháng 8, đặc biệt nặng nề trong các lĩnh vực có giao tiếp nhiều như giải trí và khách sạn. Khi Bộ Lao động báo cáo dữ liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 9 vào thứ Sáu này, giới quan sát dự đoán con số việc làm mới sẽ chỉ ở mức 300.000. Nếu vậy tỷ lệ thất nghiệp sẽ xuống còn 5,1%, nhưng vẫn cao hơn mức trước đại dịch là 3,5%.

    Cục Dự trữ Liên bang muốn có bằng chứng cho thấy thị trường lao động đã phục hồi trước khi khép lại chương trình mua trái phiếu khẩn cấp. Nhưng có lẽ họ đã thấy đủ. Dù thị trường lao động chưa phục hồi hoàn toàn, ngân hàng vẫn sẽ bắt đầu giảm tốc độ mua vào khi họp trong tháng 11. Chủ tịch Jerome Powell cho biết ông chỉ cần thấy mức tăng “khá,” không nhất thiết phải “ngoạn mục.” Mối quan tâm lớn hiện tại của Fed là kiềm chế lạm phát.

    Biển Đông: Tàu ngầm Mỹ va chạm 'vật thể lạ'


    Hơn một chục thủy thủ Mỹ đã bị thương sau khi tàu ngầm hạt nhân của họ đâm phải một "vật thể không xác định", khi tàu này đang ở trong vùng biển gần khu vực Biển Đông.

    Các quan chức Mỹ cho biết 15 thủy thủ đã bị thương nhẹ khi tàu USS Connecticut va chạm với vật thể này hôm thứ Bảy.

    Họ nói thêm rằng không rõ điều gì đã gây ra vụ va chạm.

    Vụ việc xảy ra khi căng thẳng gia tăng trong khu vực hiện đang căng thẳng, liên quan đến các cuộc xâm nhập ngày càng gia tăng gần đây của Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

    Người phát ngôn của Hải quân Mỹ cho biết hiện tàu ngầm đang tiến về lãnh thổ Guam của Mỹ.

    "Không gian và lò hạt nhân của USS Connecticut không bị ảnh hưởng và vẫn hoạt động,"người phát ngôn Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng mức độ thiệt hại đối với tàu ngầm này vẫn đang được đánh giá.

    Tại sao Biển Đông lại gây tranh cãi?

    USS Connecticut đang hoạt động tại một trong những khu vực hiện đang có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới.

    Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, nhưng các nước xung quanh và Mỹ không đồng tình.

    Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đều phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển trong nhiều thập kỷ nhưng căng thẳng gia tăng đều đặn trong những năm gần đây.

    Mỹ đã hậu thuẫn cho nhiều quốc gia trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này.

    Tại sao căng thẳng gia tăng ở châu Á - Thái Bình Dương?

    Vụ việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ, Anh và Úc đồng ý một hiệp ước an ninh lịch sử ở châu Á - Thái Bình Dương, trong một nỗ lực được coi là nhằm chống lại Trung Quốc.

    Hiệp ước Aukus sẽ chứng kiến việc Mỹ chia sẻ thông tin với Úc để đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của riêng mình.

    Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, nói rằng ông "quan ngại sâu sắc" về những hành động phá hoại hòa bình trên eo biển Đài Loan, nơi ngăn cách Đài Loan và Trung Quốc.

    Ông Jake Sullivan phát biểu sau khi Trung Quốc đưa một số lượng máy bay phản lực quân sự kỷ lục vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong ngày thứ tư liên tiếp.

    Khi được hỏi liệu Mỹ có chuẩn bị hành động quân sự nào để bảo vệ Đài Loan hay không, ông Sullivan nói: "Hãy để tôi nói điều này, chúng tôi sẽ hành động ngay bây giờ để cố gắng ngăn chặn ngày đó đến."

    Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nói rằng Trung Quốc có thể sẵn sàng tiến hành một cuộc xâm lược "toàn diện" vào hòn đảo này vào năm 2025.

    Đài Loan tự coi mình là một quốc gia độc lập, trong khi Trung Quốc coi đây là một tỉnh ly khai cần phải được thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết.

    Không có nhận xét nào