Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 06 tháng mười năm 2021

    Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Thụy Sĩ vào ngày 6/10, duy trì cam kết của cả hai nước nhằm tăng cường giao tiếp trong bối cảnh đối thủ chiến lược ngày càng sâu sắc.

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 06 tháng mười năm 2021

    Cuộc họp tại Zurich diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về một loạt các vấn đề, trong đó có Đài Loan. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan với ông Dương Khiết Trì kể từ cuộc trao đổi gay gắt của họ ở Alaska vào tháng 3.

    Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Emily Horne cho biết cuộc gặp này là “nhằm tìm cách quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm” giữa hai nước.

    Trong một tuyên bố ngắn hôm 6/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Dương và ông Sullivan sẽ “trao đổi quan điểm về quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ và các vấn đề liên quan” trong cuộc họp của họ ở Zurich.

    Tờ South China Morning Post của Hong Kong dẫn lời một quan chức thạo tin về cuộc gặp này cho biết mục tiêu là “xây dựng lại các kênh liên lạc và thực hiện sự đồng thuận đã đạt được” giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Biden.

    Global Times, một tờ báo do nhà nước Trung Quốc điều hành, cho biết Trung Quốc sẵn sàng xây dựng thương mại đôi bên cùng có lợi với Hoa Kỳ nhưng sẽ không nhượng bộ về nguyên tắc và không sợ một cuộc cạnh tranh kéo dài.

    Trang này viết: “Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đã kéo dài hơn 3 năm rưỡi. Thay vì bị suy yếu, nền kinh tế Trung Quốc đã tiến thêm một bước so với quy mô của Mỹ”.

    Tổng thống Biden nói ông và ông Tập đồng ý tuân theo thỏa thuận Đài Loan


    Hôm 5/10, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về Đài Loan và họ đồng ý tuân theo “thỏa thuận Đài Loan”, giữa lúc căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh gia tăng, theo Reuters.

    “Tôi đã nói chuyện với ông Tập về Đài Loan. Chúng tôi đồng ý ... chúng tôi sẽ tuân thủ thỏa thuận Đài Loan”, ông Biden nói. “Chúng tôi đã nói rõ rằng tôi không nghĩ ông ấy nên làm bất cứ điều gì khác ngoài việc tuân thủ thỏa thuận.”

    Ông Biden dường như đề cập đến chính sách lâu nay của Washington, theo đó họ chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc, và đề cập đến Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó nói rõ rằng quyết định của Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh thay vì Đài Loan dựa trên kỳ vọng rằng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các biện pháp hòa bình.

    Trong khi đạo luật đó ràng buộc Hoa Kỳ phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ, Washington chỉ thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng hòn đảo này thuộc về Bắc Kinh và có “một Trung Quốc”, đồng thời không có quan điểm nào về chủ quyền của Đài Loan.

    Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ đã tìm kiếm sự minh bạch từ Hoa Kỳ về các bình luận của Tổng thống Biden và được trấn an rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan không thay đổi, cam kết của Hoa Kỳ với họ là “vững chắc” và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp Đài Loan duy trì khả năng phòng thủ của mình.

    “Đối mặt với các mối đe dọa quân sự, ngoại giao và kinh tế của chính phủ Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ luôn duy trì các kênh liên lạc chặt chẽ và thông suốt”, Bộ Ngoại giao Đài Loan nói.

    Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình, có thể sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Đài Loan nói rằng họ là một quốc gia độc lập và sẽ bảo vệ các quyền tự do và dân chủ của mình.

    Đài Loan cho biết đã có 148 máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc ở khu vực phía nam và tây nam của vùng nhận dạng phòng không trong thời gian 4 ngày kể từ ngày 1/10, cùng ngày Trung Quốc kỷ niệm lễ Quốc khánh.

    Hôm 3/10, Hoa Kỳ hối thúc Trung Quốc ngừng các hoạt động quân sự gần Đài Loan.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết: “Hoa Kỳ rất lo ngại về hoạt động quân sự khiêu khích của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gần Đài Loan, gây mất ổn định, có nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm và phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực”.

    Mỹ, Anh, Nhật đưa hàng không mẫu hạm tuần tra vùng biển Đài Loan, kềm chân Trung Quốc


    Ba hàng không mẫu hạm của Mỹ, Anh và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở phía Bắc Đài Loan trong một ngày cuối tuần căng thẳng khi chứng kiến ​​93 máy bay quân sự Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan.

    Hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Mười, trong ngày quốc khánh Trung Quốc, 38 máy bay của Quân đội Trung Quốc (PLAAF) đã vi phạm ADIZ của Đài Loan, lập kỷ lục xâm phạm mới. Ngày hôm sau, kỷ lục này nhanh chóng bị vượt qua với 39 máy bay, và tiếp theo là thêm 16 máy bay vào Chủ Nhật, nâng tổng số ba ngày lên 93 máy bay xâm nhập.

    Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã đưa ra một tuyên bố, trong đó ông cho biết Mỹ “rất quan ngại” về các hành động quân sự “khiêu khích” của Trung Quốc gần Đài Loan. Ông cảnh báo rằng hoạt động này là “gây mất ổn định, có nguy cơ tính toán sai, phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực.”

    Hôm Thứ Hai, 4 Tháng Mười, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) thông báo rằng vào Thứ Bảy và Chủ Nhật, các hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN-76), USS Carl Vinson (CVN-70), HMS Queen Elizabeth (R08), và JS Ise (DDH-182) đã tham gia cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam Okinawa. Tham gia cuộc tập trận còn có các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Hà Lan, Hải quân Hoàng gia Canada và Hải quân Hoàng gia New Zealand, bao gồm tổng cộng 17 tàu từ sáu quốc gia.

    Theo JMSDF, mục tiêu của cuộc tập trận là nhằm “cải thiện các kỹ năng chiến thuật của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải và tăng cường hợp tác với các lực lượng hải quân tham gia.” Tuy nhiên, tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Nhật Bản Sankei Shimbun đã thẳng thừng tuyên bố rằng mục đích của các cuộc diễn tập quân sự là để “kiềm chế Trung Quốc” khi nước này hung hăng tìm cách mở rộng hoạt động ở các vùng biển xung quanh.

    Cùng ngày hôm đó, nhóm Hàng không mẫu hạm 21 của Vương quốc Anh (CSG21) do HMS Queen Elizabeth dẫn đầu thông báo trên Twitter rằng nó đã đi qua eo biển Luzon từ Biển Philippines trên đường tới Singapore, nơi có kế hoạch tập trận với Hải quân Singapore. Ngoài ra, tàu khu trục CSG21 HMS Richmond (F239) đã tham gia tập trận với tàu khu trục nhỏ Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) của Hải quân Việt Nam hôm Thứ Hai, trước khi lên đường đến Singapore.

    ASEAN thảo luận việc không mời lãnh đạo quân sự Myanmar dự hội nghị thượng đỉnh


    Các nước Đông Nam Á đang thảo luận về việc không mời người đứng đầu quân đội Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này, do thiếu tiến bộ về một lộ trình như đã thống nhất để khôi phục hòa bình, Reuters dẫn lời một phái viên khu vực cho biết hôm 6/10.

    Ông Erywan Yusof, đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đặc trách Myanmar, cho biết trong một cuộc họp báo rằng việc không hành động của chính quyền đối với kế hoạch 5 điểm mà họ đã đồng ý vào tháng 4 là “một bước lùi”.

    Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 do chỉ huy quân sự Min Aung Hlaing lãnh đạo và sự trở lại của chế độ quân sự đã gây ra sự phẫn nộ trong và ngoài nước.

    Ông Erywan cho biết ASEAN đang “thảo luận sâu sắc” về việc không mời chính quyền quân sự Myanmar tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến từ ngày 26-28/10, sau khi vấn đề này được Malaysia và một số thành viên khác nêu ra.

    Ông Erywan nói: “Cho đến hôm nay, không có tiến triển nào về việc thực hiện đồng thuận 5 điểm, và điều này đã làm dấy lên lo ngại”.

    Phát ngôn viên quân đội Myanmar Zaw Min Tun không phản hồi các yêu cầu bình luận Reuters hôm 6/10. Tuần trước, ông nói trong một cuộc họp báo rằng Myanmar đang hợp tác với ASEAN “mà không ảnh hưởng đến chủ quyền của đất nước”.

    Theo Liên Hợp Quốc, hơn 1.100 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính ở Myanmar, nhiều người trong cuộc trấn áp của lực lượng an ninh đối với các cuộc đình công và biểu tình ủng hộ dân chủ, trong đó hàng nghìn người đã bị bắt giữ.

    Lộ trình của ASEAN bao gồm cam kết đối thoại với tất cả các bên, cho phép tiếp cận nhân đạo và chấm dứt các hành động thù địch.

    Frances Haugen: ‘Facebook xem lợi nhuận hơn người dùng'


    Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 5/10, Frances Haugen, cựu Giám đốc Sản phẩm của Facebook cho rằng lãnh đạo tập đoàn này biết cách làm mạng xã hội này an toàn hơn nhưng đã không thay đổi.

    Cựu nhân viên của Facebook cho rằng lý do là Facebook đã đặt lợi nhuận khổng lồ lên trên con người dù biết có thể giúp nền tảng này trở nên an toàn hơn cho người dùng.

    Cô Frances Haugen nói Facebook biết được những bảng xếp hạng dựa theo thuật toán, dựa trên mức độ tham gia để giúp người dùng lưu lại Facebook lâu hơn. Và khi đó, Facebook sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

    Bình luận về việc Facebook, WhatsApp, Instagram ngừng hoạt động ngày 4/10, cô nói "Hôm qua chúng ta chứng kiến Facebook ngừng hoạt động. Tôi không biết lý do vì sao. Tôi biết là trong hơn 5 giờ không có Facebook, thế giới đã bớt đi sự chia rẽ, bất ổn, các cô gái trẻ và phụ nữ bớt cảm thấy tệ về cơ thể của mình".

    Cô Frances Haugen khẳng định đã đến lúc phải thay đổi, nhưng Facebook không muốn tự thay đổi dù điều đó là khả thi.

    Phản hồi trước các công bố từ bà Haugen, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook cho biết tập đoàn này có mối quan tâm sâu sắc đến những vấn đề như an toàn, hạnh phúc và sức khỏe tinh thần của người dùng.

    Trong quá khứ Quốc hội Mỹ đã thất bại trong việc thông qua các điều luật mới dành cho các nền tảng xã hội. Tuy nhiên hôm 5/10 các thượng nghị sỹ cho biết sau những hé lộ về Facebook thì đã đến lúc phải hành động.

    Mỹ đình chỉ vận chuyển vật liệu cho công ty điện hạt nhân lớn nhất Trung Quốc


    Theo hãng tin Reuters, cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân của Mỹ vào tháng trước đã đình chỉ vận chuyển vật liệu phóng xạ và đồng vị hydro được sử dụng trong các lò phản ứng cho Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc. Động thái này phản ánh những lo ngại của Washington về việc tích trữ vũ khí nguyên tử của Trung Quốc.

    Ủy ban điều tiết hạt nhân cho biết trong sắc lệnh đề ngày 27/9 rằng, Tòa Bạch Ốc xác định việc đình chỉ là “cần thiết để tăng cường lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và để tăng cường quốc phòng và an ninh chung của Hoa Kỳ phù hợp với Đạo luật Nguyên tử Năng lượng năm 1954”.

    Theo sắc lệnh mới, Mỹ đình chỉ xuất khẩu các vật liệu phóng xạ và đơteri cho Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc hoặc các công ty con, tổ chức liên quan của tập đoàn này. Đơteri là một đồng vị không phóng xạ của nguyên tố hydro được sử dụng trong các lò phản ứng phân hạch nước nặng trong các nhà máy điện hạt nhân.

    Động thái trên của Washington nối tiếp các biện pháp kiểm soát do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra vào năm 2018 nhằm ngăn các lô hàng công nghệ hạt nhân đến Trung Quốc, không cho phép Bắc Kinh sử dụng cho mục đích quân sự hoặc các mục đích trái phép khác. Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vào tháng 8/2019 vì đã cố gắng lấy công nghệ và vật liệu tiên tiến của Hoa Kỳ dùng cho mục đích quân sự.

    Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, Đô đốc Hải quân Charles Richard, đã cảnh báo các nhà lập pháp trong năm nay rằng một thế hệ nhà máy điện hạt nhân mới mà Trung Quốc đang phát triển có thể tạo ra một lượng lớn plutonium có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

    Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố chương trình điện hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình.

    Telegram có thêm 70 triệu khách hàng nhờ Facebook ‘sập toàn cầu’


    Ngày 5/10, nhà sáng lập Telegram, ông Pavel Durov cho biết ứng dụng tin nhắn Telegram đã có hơn 70 triệu người dùng mới trong một ngày sau khi Facebook trục trặc toàn cầu.

    “Telegram đã ghi nhận sự gia tăng kỷ lục về số lượng người dùng đăng ký và hoạt động. Chúng tôi chào đón hơn 70 triệu người tị nạn từ các nền tảng khác trong một ngày”, ông Durov thông báo.

    Theo công ty giám sát SensorTower, Telegram đã tăng từ hạng 56 trong danh sách ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất ở Mỹ lên hạng 5.

    Hai anh em Pavel và Nikolai Durov đã thành lập Telegram năm 2013. Telegram đã từ chối hợp tác với các nhà chức trách về việc giao nộp các chìa khóa mã hóa. Đây cũng là lý do Telegram bị cấm ở nhiều nước, trong đó có Nga.

    Vào khoảng 5h sáng 5/10 (giờ Việt Nam), Facebook thông báo khôi phục các dịch vụ gồm mạng xã hội Facebook, tin nhắn Messenger, ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video Instagram và ứng dụng WhatsApp sau khoảng 6 giờ gián đoạn.

    Facebook hôm 4/10 dính bê bối chấn động khi tên thật, ID, địa chỉ email, số điện thoại và vị trí của hơn 1,5 tỷ người dùng mạng xã hội này bị rao bán trên mạng Internet đen.

    Số dữ liệu cá nhân này được rao bán với giá 5.000 USD cho một triệu tài khoản. Đây được coi là “đợt rò rỉ dữ liệu Facebook lớn nhất và nghiêm trọng nhất tính đến thời điểm hiện tại”.

    Hiện các nhà lập pháp Hoa Kỳ và châu Âu sẽ có phiên điều trần làm rõ các cáo buộc của người tố cáo và có thể đưa ra các quyết định lập pháp chặt chẽ hơn với hoạt động mạng xã hội.

    Ông Biden đảo ngược lệnh cấm của ông Trump về phá thai


    Thei hãng tin Newsmax, vào thứ Hai (ngày 4/10), chính quyền ông Biden đã đảo ngược lệnh cấm các phòng khám kế hoạch hóa gia đình giới thiệu dịch vụ phá thai cho bệnh nhân, và quay lại cách làm dưới thời chính quyền Obama.

    Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cho biết, quy định mới cho phép các phòng khám kế hoạch hóa gia đình do liên bang tài trợ, có thể giới thiệu phụ nữ muốn phá thai đến những cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai. Chính sách mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 8/11.

    Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, các phòng khám bị cấm giới thiệu dịch vụ phá thai với bệnh nhân. Điều này khiến một loạt các tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai phải rút khỏi thị trường.

    Những người tôn trọng truyền thống và tuân thủ tôn giáo ca ngợi chính sách của ông Trump vì đã áp đặt sự tách biệt chặt chẽ giữa các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và việc phá thai. Theo luật liên bang, các phòng khám không được dùng tiền liên bang để chi trả cho hoạt động phá thai.

    Trong năm 2018, các phòng khám kế hoạch hóa gia đình đã phục vụ khoảng 3,9 triệu khách hàng, nhưng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ ước tính con số đó đã giảm gần 40% sau khi chính sách của Trump có hiệu lực. Điều này cho thấy số trẻ sơ sinh được cứu sống đã tăng lên.

    Ngày 22/12 năm ngoái, Tổ chức bảo vệ sự sống thai nhi Operation Rescue đã trao tặng giải thưởng Malachi Nhân vật của năm 2020 cho tổng thống Donald Trump, vì những nỗ lực của ông trong các chính sách công nhằm phản đối phá thai, bảo vệ sinh mệnh thai nhi.

    Shinzo Abe vẫn giựt dây tân chính phủ Nhật


    Cũng tại châu Á, Les Echos cho biết « Từ trong bóng tối, ông Shinzo Abe vẫn duy trì ảnh hưởng trên tân chính phủ Nhật ». Được bầu là tân thủ tướng Nhật Bản hôm nay, ông Fumio Kishida có trợ thủ là những người thân cận của nhà cựu lãnh đạo, và tiếp tục các chủ trương chính của Abe về chính trị, kinh tế.

    Cựu thủ tướng Abe từ chức hồi tháng 9/2020 vì lý do sức khỏe sau tám năm cầm quyền. Cánh tay phải của ông là Yoshihide Suga lên thay cũng có cùng đường hướng, và nay Fumio Kishida tuy không nằm trong số các nhân vật thân cận nhất với Shinzo Abe, nhưng là người trung thành với đảng Dân chủ Tự do (PLD) và biết rằng cựu thủ tướng đã đóng góp rất lớn cho chiến thắng của mình.

    Cuối tuần qua, Kishida đã bổ nhiệm nhiều người thân cận của ông Abe vào các chức vụ chính trong đảng. Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi vẫn được tại vị, cũng như bộ trưởng Quốc phòng. Nhà kinh tế Naohiko Baba nhận định Fumio Kishida vẫn sẽ kế tục « Abenomics ». Trong những tuần lễ tới, chính phủ sẽ xem xét việc tăng ngân sách, trong đó có một món tiền trợ cấp mới cho tất cả các cư dân trên 18 tuổi bất kể thu nhập. Biện pháp này sẽ làm hài lòng người dân trước cuộc bầu cử ngày 30/10 tới mà PLD có nhiều hy vọng chiến thắng.

    Về lâu về dài, tân thủ tướng không hứa hẹn một cải cách lớn nào, nhưng cho biết sẽ gia tăng chống bất bình đẳng xã hội. Lần đầu tiên, Nhật Bản sẽ có một bộ về « an ninh kinh tế », với nhiệm vụ không chính thức là đối phó với Trung Quốc trên nhiều lãnh vực chiến lược (nguồn cung các thiết bị quan trọng, tình báo công nghệ…). Ở chiến dịch vận động trong nội bộ đảng, Fumio Kishida cũng đã rắn giọng trước Bắc Kinh. Như vậy cũng như thời Shinzo Abe, Nhật Bản tiếp tục liên minh với Hoa Kỳ và xích lại gần các nước châu Á đang lo ngại trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc

    Kim Jong Un khiêu khích Joe Biden


    Cũng theo La Croix, tại Bắc Á, « Bắc Triều Tiên chơi trò cân não với Joe Biden ». Bốn hỏa tiễn chỉ trong bốn tuần qua, rõ ràng Bình Nhưỡng đã tính kỹ để gia tăng áp lực lên chính quyền Dân Chủ của Biden. Loạt hỏa tiễn này cho thấy Bắc Triều Tiên đã mất kiên nhẫn, muốn thử xem giới hạn của việc khiêu khích đến mức nào. Từ đầu năm, ngoại trưởng Mỹ luôn nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng mở đối thoại mà không đòi hỏi điều kiện tiên quyết, nhưng Kim Jong Un bác bỏ.

    Nhà nghiên cứu Ahn Chan cho rằng Bình Nhưỡng muốn hiện hữu trên trường quốc tế đồng thời tìm cách câu giờ. Đang phải chống chọi với Covid và nạn đói, Kim Jong Un mong được Mỹ bỏ cấm vận. Với việc bắn hỏa tiễn, ông ta hy vọng có được đối thoại trong điều kiện tốt nhất cho mình. Đối với Joe Biden, Bắc Triều Tiên vẫn là hồ sơ ưu tiên, nhưng khó thể giải quyết. Ý thức được khả năng quấy nhiễu của mình, Kim Jong Un - sẽ kỷ niệm 10 năm cầm quyền vào tháng 12 - còn tiếp tục khiêu khích cho đến khi có hy vọng được xóa cấm vận.

    Không có nhận xét nào