Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 27 tháng 10 năm 2021

    Đại dịch Covid-19 “hãy còn lâu mới chấm dứt”, đó là cảnh báo của Ủy ban khẩn cấp về Covid của Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm qua, 26/10/2021. Ủy ban kêu gọi các nước nên công nhận toàn bộ các vac-xin đã được WHO phê duyệt.

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 27 tháng 10 năm 2021

    Đứng đầu là là ông Didier Houssin, người Pháp, Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 vẫn họp 3 tháng một lần để xem xét tình hình đại dịch trên toàn cầu. Sau cuộc họp mới nhất vào tuần trước, hôm qua, Ủy ban đã ra một tuyên bố nhấn mạnh, “ tuy đã có những tiến bộ nhờ việc sử dụng ngày càng nhiều vac-xin ngừa Covid-19 và các thuốc điều trị, kết quả phân tình hình hiện nay, cũng như các mô hình dự báo, cho thấy là đại dịch hãy còn lâu mới chấm dứt.”

    Chính Ủy ban khẩn cấp về Covid-19, trong cuộc họp lần thứ hai vào ngày 30/01/2020 đã khuyến cáo tổng giám đốc WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng trên toàn cầu, mức báo động cao nhất về dịch tễ. Lãnh đạo WHO đã làm theo lời khuyến cáo này.

    Trong bản tuyên bố hôm qua, Ủy ban cho biết trong cuộc họp tuần trước đã nhất trí ghi nhận đại dịch Covid-19 “vẫn là một sự kiện bất thường tiếp tục gây tác hại cho sức khỏe của người dân trên toàn thế giới, đòi hỏi một phản ứng có phối hợp của quốc tế.”

    Trong số các khuyến nghị gởi đến các quốc gia, Ủy ban vẫn chống lại nguyên tắc về chứng nhận vac-xin đối với việc đi lại giữa các nước, vì theo họ, việc phân phối vac-xin trên thế giới vẫn chưa công bằng. Ủy ban còn yêu cầu các quốc gia nên công nhận toàn bộ các vac-xin mà WHO đã phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp. Cho tới nay, WHO đã phê duyệt hai vac-xin công nghệ ARN messenger của Moderna và Pfizer/BioNtech, hai vac-xin Trung Quốc Sinopharm và Sinovac, vac-xin Johnson & Johnson của Mỹ, và nhiều phiên bản khác nhau của vac-xin Astrazeneca.

    Cố vấn FDA tán thành vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi


    Một ủy ban chuyên gia ngày 26/10 biểu quyết với đa số áp đảo khuyến nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA cho phép dùng vaccine Pfizer nơi trẻ em từ 5 đến 11 tuổi với lý do lợi nhiều hơn hại.

    Dù FDA không bắt buộc phải theo khuyến nghị của uỷ ban chuyên gia này nhưng họ vẫn thường làm như vậy.

    Sớm nhất là vào tuần tới vaccine Pfizer có thể được tiêm cho nhóm tuổi 5-11 tại Mỹ.

    Nếu FDA chuẩn thuận vaccine cho lứa tuổi này, một ủy ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ sẽ họp vào tuần sau để khuyến cáo nên sử dụng vaccine như thế nào. Giám đốc CDC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

    Hiện chỉ có một ít quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Cuba và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chấp thuận vaccine COVID cho lứa tuổi này hay nhỏ hơn.

    Đầu tuần này, Moderna công bố dữ liệu cuộc thử nghiệm lâm sàng nơi trẻ em từ 6 đến 11 tuổi và cho biết sẽ sớm xin thẩm quyền y tế cho phép sử dụng cho nhóm tuổi này.

    Pfizer cho hay có thể sẽ có dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng nơi trẻ em từ 2 đến 4 tuổi vào cuối năm nay.

    Mỹ kêu gọi các nước ủng hộ Đài Loan tham gia hệ thống của Liên Hợp Quốc


    Hoa Kỳ đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) ủng hộ “sự tham gia mạnh mẽ, có ý nghĩa” của Đài Loan vào hệ thống, với lý do thế giới có nhiều điều để học hỏi từ “câu chuyện thành công dân chủ” của quốc đảo tự trị này.

    Trong một tuyên bố hôm 26/10 đánh dấu 50 năm kể từ khi LHQ bỏ phiếu loại bỏ Đài Loan để nhường chỗ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Khi cộng đồng quốc tế phải đối mặt với vô số vấn đề phức tạp và mang tính toàn cầu chưa từng có, điều quan trọng là tất cả các bên liên quan phải giúp giải quyết những vấn đề này. Việc này bao gồm 24 triệu người dân đang sinh sống ở Đài Loan”.

    Kể từ khi Đài Loan bị loại khỏi cơ quan toàn cầu vào năm 1972, ĐCSTQ vẫn luôn coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình và tuyên bố họ có quyền duy nhất đại diện cho Đài Loan trên trường thế giới. Thậm chí, chế độ Trung Quốc đã hoạt động tích cực để ngăn cản sự tham gia của Đài Bắc vào các diễn đàn quốc tế.

    Ông Blinken cho biết, việc Đài Loan tham gia LHQ “không phải là một vấn đề chính trị, mà là một vấn đề thực tế”. Ông nói: “Việc Đài Loan tham gia mạnh mẽ vào một số cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc trong phần lớn 50 năm qua là bằng chứng về giá trị mà cộng đồng quốc tế đặt ra đối với những đóng góp của Đài Loan”.

    Ông nhận định, việc Đài Loan bị loại khỏi các hoạt động của LHQ “làm suy yếu công việc quan trọng của LHQ và các cơ quan liên quan của nó”. Ngoại trưởng Mỹ lập luận: “Mặc dù chúng ta có nhiều điều để học hỏi từ phản ứng tầm cỡ thế giới của Đài Loan đối với đại dịch COVID-19, nhưng Đài Loan đã không thể tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới”. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken (CARLOS BARRIA/POOL/AFP / Getty Images)

    “Các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà giáo dục, sinh viên, người ủng hộ nhân quyền và những người dân khác của Đài Loan bị chặn không cho tiến vào và tham gia” vào các hoạt động của LHQ mà các thành viên xã hội dân sự trên khắp thế giới tham gia hàng ngày, “chỉ vì hộ chiếu mà họ đang nắm giữ”, ông nói thêm.

    Đài Loan tách khỏi Trung Quốc đại lục vào cuối những năm 1940 khi ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát đất nước rộng lớn này. Đài Bắc tiếp tục giữ một ghế thành viên tại Liên Hợp Quốc cho đến năm 1971, khi một nghị quyết của LHQ bỏ phiếu loại Đài Loan khỏi các cơ quan trực thuộc tổ chức này để tỏ rõ sự ủng hộ đối với Bắc Kinh.

    Do chiến dịch cô lập quốc đảo này của Bắc Kinh, Đài Loan đã không được mời tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới hàng năm – cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – kể từ năm 2017.

    Mặc dù không duy trì quan hệ ngoại giao với hòn đảo này, Hoa Kỳ có mối quan hệ bền chặt với Đài Loan và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của nước này. Vào ngày 22/10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức một cuộc họp cấp cao với các đối tác Đài Loan để thảo luận về việc mở rộng vai trò của Đài Loan trên trường quốc tế.

    Hôm 25/10, phát ngôn viên Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chính quyền này tin rằng Đài Loan, với tư cách là một nền dân chủ hàng đầu, có rất nhiều điều để cung cấp cho thế giới về những thách thức quan trọng này, bao gồm cả trong các diễn đàn quốc tế”.

    Cổ phiếu Alibaba mất 344 tỷ USD trong một năm do vụ xóa sổ mang tính lịch sử

    ​​
    Ông Jack Ma, Giám đốc Điều hành của Alibaba, nói chuyện trong chuyến thăm của mình tại hội chợ khởi nghiệp và cải tiến Vivatech ở Paris, hôm 16/05/2019. (Ảnh: Philippe Lopez/AFP/Getty Images) Trung Quốc

    Chỉ trong một năm, Alibaba Group Holding Limited đã mất khoảng 344 tỷ USD vốn hóa thị trường, mức giảm giá trị của cổ đông lớn nhất từ ​​trước đến nay trên toàn cầu, theo báo cáo của Bloomberg.

    Năm ngoái, người sáng lập Alibaba, ông Jack Ma, đã phải đối mặt với lệnh triệu tập của chính quyền Trung Quốc khi chính quyền này đình chỉ niêm yết của chi nhánh công nghệ tài chính Ant Group của Alibaba.

    Cùng với đó, cổ phiếu của Alibaba bắt đầu sụt giảm và các nhà chức trách thúc giục tái cấu trúc hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính của hãng. Cổ phiếu vẫn thấp hơn 43% so với mức đỉnh vào tháng 10/2020.

    Theo báo cáo của Wall Street Journal, thị phần của Alibaba trên thị trường thương mại điện tử bán lẻ Trung Quốc đã giảm từ 78% vào năm 2015 xuống còn 51% vào năm 2021.

    Tuy nhiên, các báo cáo gần đây cho thấy ông Ma đang ở Âu Châu đã khiến cổ phiếu của công ty tăng 6%.

    Alibaba cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường.

    Sự thay đổi trong định dạng mua sắm của người tiêu dùng chuyển từ tìm kiếm sang lướt web đã chống lại Alibaba.

    Vào tháng Năm, Giám đốc Điều hành Trương Dũng (Daniel Zhang) cho rằng sự cạnh tranh gia tăng là một trong những trở ngại lớn nhất của công ty trong năm qua.

    Ông Trương nói: “Bất kỳ lợi nhuận nào vượt quá năm ngoái sẽ được tái đầu tư vào việc cải thiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình”.

    Alibaba đang đầu tư nhiều hơn vào việc tạo nội dung, phát trực tiếp, và giảm giá hàng hóa để tạo động lực và khai thác lĩnh vực này.

    Alibaba sẽ báo cáo thu nhập vào ngày 05/11.

    Trung Quốc phong tỏa thành phố 4 triệu dân do bùng phát COVID-19


    Người dân thành phố Lan Châu, Tây Bắc Trung Quốc (thành phố có khoảng 4 triệu dân) được yêu cầu không ra khỏi nhà trừ trường hợp khẩn cấp sau khi có thêm 6 ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại đây trong ngày 26/10.

    Các dịch vụ xe buýt và taxi đã bị đình chỉ trong thành phố, ga Lan Châu đã đình chỉ hơn 70 chuyến tàu, bao gồm cả trên các tuyến đường quan trọng đến các thành phố lớn như Bắc Kinh và Tây An.

    Một đại diện của Southern Airlines nói với hãng tin AFP rằng tất cả các chuyến bay của hãng từ sân bay Đại Hưng của Bắc Kinh đến Lan Châu đã bị hủy vì lý do an toàn công cộng, không đưa ra ngày nối lại.

    Lệnh phong tỏa cũng được tái áp đặt đối với hàng triệu người dân tại 11 tỉnh sau khi Trung Quốc ghi nhận hơn 120 ca nhiễm COVID-19 trong tuần trước.

    Tại Bắc Kinh, chính quyền thủ đô cũng phong tỏa một số tòa nhà và các thành phố trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng trên khắp Trung Quốc.

    Người dân Bắc Kinh được yêu cầu hạn chế các chuyến đi không cần thiết, các địa điểm du lịch bị hạn chế, giải marathon với 30.000 người tham gia cũng bị hoãn lại. Các tòa nhà cư dân nơi ghi nhận các ca nhiễm bị áp phong tỏa 21 ngày. Tại một quận ở thủ đô, một thanh niên 20 tuổi đã bị bắt giam 10 ngày sau khi từ chối quét mã y tế.

    Về việc gần đây Bắc Kinh liên tục xuất hiện ca nhiễm, ông Từ Hòa Kiến (Xu Hejian), Phó trưởng Ban Tuyên truyền Thành ủy Bắc Kinh, đã thừa nhận vào ngày 25/10 rằng những nguy cơ và áp lực mà Bắc Kinh phải đối mặt đang ngày càng gia tăng.

    Nhật thành đồng minh được Mỹ ưu ái nhất tại điểm nóng Thái Bình Dương


    Nước nào là đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ trên thế giới? Một thời gian dài sau Đệ nhị Thế chiến, câu trả lời rất rõ: Anh quốc. Nhưng sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, khó thể định rõ quốc gia nào là ưu tiên số một của Mỹ : Đức, Israel hay Ả Rập Xê Út… Giờ đây khi Ấn Độ-Thái Bình Dương đã trở thành điểm nóng, Nhật Bản thành đồng minh số 1 của Mỹ.

    Trả lời câu hỏicủa La Croix, liệu Đài Loan có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ hay không ? Chuyên gia Antoine Bondaz trên nhận định Washington tìm cách tránh xung đột, còn theo chuyên gia Jean-Éric Branaa, Mỹ sẽ không đối đầu một cách đơn độc.

    Đài Loan : Mỹ muốn giữ nguyên trạng

    Theo ông Bondaz, tuy Mỹ cam đoan bảo vệ an ninh cho Đài Loan, nhưng không phải qua một liên minh chính thức hay hiệp ước. Mỹ công nhận Trung Quốc, nhưng giữ quan hệ không chính thức với Đài Loan. Mục tiêu là giữ nguyên trạng, nhìn nhận chỉ có một nước Trung Hoa, nhưng không coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

    Washington từ chối mọi thay đổi đơn phương nguyên trạng này, từ phía Trung Quốc (xâm lăng quân sự Trung Quốc) và cả từ phía Đài Loan. Nếu Đài Bắc tổ chức trưng cầu dân ý để đặt lại quốc hiệu là « Cộng hòa Đài Loan » hay đòi một ghế tại Liên Hiệp Quốc (như từng tranh luận thời Trần Thủy Biển vào đầu những năm 2000, Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ vì có thể coi như là khiêu chiến với Bắc Kinh.

    Tổng thống Thái Anh Văn cũng sẽ không bao giờ tuyên bố độc lập, vì thực ra Đài Loan đã là một Nhà nước độc lập (15 nước chính thức công nhận), với những mối quan hệ không chính thức rất quan trọng. Trong bối cảnh đó, Washington muốn ngăn Trung Quốc xâm lược Đài Loan nhưng cũng tránh đưa Đài Loan vào một cuộc xung đột mà Mỹ không muốn lao vào. Đài Bắc cũng ý thức rất rõ điều này, chỉ đơn giản đòi được tham gia công việc các tổ chức quốc tế với tư cách quan sát viên, tìm cách có được sự hỗ trợ tối đa của Hoa Kỳ. Trên thực tế, chính Bắc Kinh muốn thay đổi nguyên trạng chứ không phải Đài Loan.

    Điện nguyên tử : Giải pháp duy nhất để tránh thiếu hụt năng lượng ?


    Cuộc chạy đua lấy chữ ký giới thiệu để ra ứng cử tổng thống Pháp, Facebook trong vòng xoáy, lại phải thận trọng với Covid, vấn đề di dân, sự trả thù của điện nguyên tử, đó là những chủ đề chiếm trang nhất báo Pháp hôm nay. Tác giả Patrice Cahart trên trang Ý kiến của Le Figaro cho rằng để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng, chỉ có một giải pháp duy nhất là phát triển điện nguyên tử.

    Theo tác giả, trước hết cần cấm SUV (xe thể thao đa dụng, xe địa hình), bitcoin vốn ngốn nhiều năng lượng. Nhưng quan trọng nhất là mở mang nguồn điện nguyên tử vì có thể cung ứng số lượng lớn và thường xuyên. Tất cả các láng giềng châu Âu đã ngưng cả điện nguyên tử lẫn điện than, đều gặp khó khăn. Năng lượng gió và thủy điện đều thất thường, dùng khí đốt thì hiện đang đắt đỏ, lệ thuộc Nga và ô nhiễm.

    Tại Hoa Kỳ, sáu lò phản ứng có công nghệ tương tự Pháp được phép hoạt động cho đến sinh nhật thứ 80. Tuổi trung bình của các nhà máy Pháp là 40, vậy có thể « thọ » được 40 năm nữa. Hai lò phản ứng của Fessenheim đã bị đóng ở « tuổi » 43 trong lúc hoạt động rất tốt. Tính ra vì không được tiếp tục thêm 37 năm như ở Mỹ, tập đoàn điện lực Pháp thiệt mất 22 tỉ euro.

    Không có nhận xét nào