Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam - Bế mạc Hội nghị TƯ-4: Kêu gọi kền kền đừng ăn xác chết!

    Kết thúc Trung ương 4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi “kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

    Việt Nam - Bế mạc Hội nghị TƯ-4: Kêu gọi kền kền đừng ăn xác chết!

    Lời kêu gọi ấy chẳng khác nào bảo kền kền đừng ăn xác chết!

    Hội nghị TƯ-4 còn cho thấy, Việt Nam có một nền chính trị “tự huyễn hoặc” đặc thù. Tuy nhiên, điều này không loại trừ các đợt sóng ngầm đấu tranh nội bộ vẫn tiếp diễn.

    Tối 7/10, qua VTV1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở đầu bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 Đảng CSVN (TƯ-4): “Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, truyền thống đoàn kết, yêu nước, ‘thương người như thể thương thân’, ‘lá lành đùm lá rách’, ‘lá rách ít đùm lá rách nhiều’ của dân tộc ta lại tiếp tục được phát huy cao độ, nhờ đó đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ ba”.

    Tuy nhiên, từ đợt bùng phát dịch thứ tư bắt đầu ngày 27/4/2021 đến nay, trên cả nước đã có hơn 800.000 ca nhiễm Covid-19 và có hơn 20.000 người tử vong tính đến ngày 7/10 (Con số công bố).

    Dường như để cạnh tranh với các mạng xã hội, chính truyền thông nhà nước cũng lại công bố nhiều hình ảnh đói khát, rét mướt, mệt mỏi của những đoàn người lũ lượt về quê, trong số này có nhiều trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bố mẹ cõng, ẵm trên tay.

    Dịch Virus Covid như một trận đại hồng thuỷ tàn phá kinh tế, văn hoá, lối sống, tâm lý, tình cảm, tinh thần của hàng chục triệu người dân.

    Làn sóng hàng trăm ngàn lao động nhập cư đêm ngày lũ lượt bỏ chạy khỏi các miền “đất hứa” trong kiệt sức, nắng mưa, đường xa vạn dặm cùng cái chết rập rình dọc đường, thực sự là một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

    Đại dịch tuy vậy cũng để lại bức tranh toàn cảnh thực đến tàn nhẫn nhưng vô cùng cần thiết cho những ai đã và đang còn mơ mộng, ảo tưởng về tài năng quản trị cầm quyền của mình.

    Sự thật là cái tát tỉnh thức đối với những ai còn nhân tính, lương tâm, còn lòng tin vào chính quyền này. Sự thật còn là cái la-bàn định hướng cho những ai còn trí năng.

    Qua đại dịch, dân tộc càng nhận diện rõ kẻ nào, nhóm kẻ nào miệng xoen xoét vì dân tộc, quốc gia, nhưng mắt ráo hoảnh, chân rung đùi, miệng nhồm nhoàm trước thảm cảnh của dân.

    Sự thật phơi bày. Sự thật sàng lọc và sẽ tính sổ.

    Vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn cứ giọng cũ: “Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kế thừa, phát huy tốt những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và đời sống nhân dân, chăm lo việc học hành của học sinh, sinh viên…”

    Người nghe không khỏi sốc đến rùng mình, vì không thể chịu nổi sự dối trá. Chỉ có thể đưa ra hai giả thuyết: Hoặc ông Trọng mắc chứng hoang tưởng, hoặc ông bị bệnh “mớ giữa ban ngày”. Cũng có thể là cả hai!

    Cho đến khi đại dịch lần thứ tư đã bùng phát cả mấy tháng trời, vậy mà ngày 12/8/2021, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông Trọng vẫn “mớ giữa ban ngày”: “Chính phủ đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết… bản lĩnh đổi mới, sáng tạo, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững…”.

    Cũng như cuối bài diễn văn tối nay, từ VTV1 ông Trọng còn đe nẹt “xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của nhà nước” và kêu gọi “kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

    Ông Trọng vừa tống hàng tá tướng lĩnh Cảnh sát Biển vào “lò”, mà giờ này ông vẫn kêu gọi các đồng chí của ông đừng tham nhũng, lãng phí, thì khác nào ông bảo lũ kền kền trong rừng già đừng đụng đến các tử thi!

    Hỡi ôi, nếu Tổng bí thư Trọng bỏ chút thời gian, đọc những tổng kết của các chuyên gia “Xây dựng Đảng”, ông có bị sốc không khi so sánh danh sách dài các cán bộ cấp cao, gồm cả các Uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TƯ bị xử lý do tham nhũng?

    Mà nhiệm kỳ sau danh sách bao giờ cũng dài hơn và mức độ bị kỷ luật cũng nặng hơn nhiệm kỳ trước.

    Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có tới 127 vụ án, 91 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý; hơn 5.200 cán bộ, đảng viên bị xử lý theo pháp luật, tăng 18,5% so với nhiệm kỳ XI.

    Chưa bao giờ có một số lượng lớn cán bộ đảng viên sa sút về phẩm chất, vi phạm về đạo đức lối sống bị xử lý kỷ luật nhiều như vậy.

    Và cũng chưa bao giờ có một số lượng cán bộ cấp cao, bất kể là đương chức hay đã về hưu, bị đưa ra xử lý nghiêm khắc trước kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước nhiều như trong 5 năm qua.

    Tuy nhiên, các màn đấu đá nội bộ thường kết thúc bằng sự thoả hiệp giữa các phe phái, đã xuất hiện trong nhiều năm trước đó.

    Vào tháng 6/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị TƯ-6 được báo chí đồng loạt đăng tải đã không hề nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải phát biểu vòng vo rằng, Hội nghị TƯ-6 không áp dụng biện pháp kỷ luật đối với toàn thể Bộ Chính trị và một thành viên của Bộ Chính trị.

    Hội nghị kêu gọi sửa chữa sai lầm để các thế lực thù địch không thể bóp méo tình hình.

    Nhìn lại hơn một thập kỷ qua (2011 – 2021), tình trạng “thăng trầm quyền lực” trở nên bất thường, không thể che giấu, đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát chính trị.

    Một là, dịch chuyển vị trí quyền lực nội bộ trên đỉnh tháp quyền lực, đặc biệt quan hệ giữa Tổng bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

    Về nguyên lý, quyền lực Tổng bí thư là tối cao, nhưng thực tế đã bị suy giảm so với Thủ tướng, người trực tiếp chỉ đạo các quan chức chính phủ và điều hành nền kinh tế, có thực quyền và gần tiền.

    Bởi vậy, nguy cơ tiếm quyền sẽ hiện hữu. Hai là, tình trạng suy thoái của quan chức trong bộ máy chính quyền ngày càng trở nên nghiêm trọng.

    Biểu hiện rõ rệt là nhóm lợi ích, bảo trợ chính trị, quốc nạn tham nhũng, trục lợi, lãng phí, quan liêu, tiêu cực…

    Dù được coi là thành công trong tăng trưởng kinh tế, nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ là Thủ tướng “quá độ”.

    Đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính được giới quan sát quan tâm chú ý từ đầu nhiệm kỳ này (2021-2026), người xuất thân từ ngành an ninh, 10 năm kinh nghiệm công tác đảng với cương vị Bí thư tỉnh Quảng Ninh và Trưởng ban Tổ chức trung ương.

    Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến cả hệ thống chính trị đang “gồng mình” đối phó và, vì vậy ông Chính chưa có cơ hội thể hiện chính sách điều hành kinh tế thích ứng với điều kiện “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” đang được đề cao.

    Chuyển đổi kinh tế sang thị trường trước hết được hiểu đồng nghĩa với việc xoá bỏ công cụ kế hoạch hoá tập trung bao cấp, vốn là đặc trưng của chế độ toàn trị.

    Sự chuyển đổi này cần thiết phải mở rộng quyền tự do kinh doanh cho các chủ thể kinh tế, từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đến tư nhân, đồng thời cần tạo dựng các nguyên tắc cho thị trường vận hành có hiệu quả, đặc biệt về sở hữu tư nhân và giám sát quyền lực đối trọng.

    Tuy nhiên, điều sau này lại mâu thuẫn với các giá trị của hệ tư tưởng “nền tảng” mà chế độ dựa vào.

    Ý nghĩa sâu xa của cuộc vận động để thay đổi thể chế là ở chỗ này.

    Trong tình thế lưỡng nan hiện nay, lại vào giữa mùa đại dịch, lúc này chưa phải là thời điểm để các bên “rút kiếm” khỏi vỏ.

    Đó cũng là lý do chủ yếu, khiến Hội nghị TƯ-4 kỳ này, ít nhất là bề ngoài, các phe phải đều muốn “chơi” giai điệu “êm đềm” hơn so với các màn đấu đá nội bộ trước đấy.

    Thực ra tinh thần này chưa phải là chủ đạo trong chống dịch như ông Nguyễn Phú Trọng ca ngợi. Và cuộc chiến do “thăng trầm quyền lực” giữa các thành viên “Bộ Tứ” sẽ còn tiếp tục. Hãy đợi đấy.

    Không có nhận xét nào