Header Ads

  • Breaking News

    Bình Phương - Đức thân thiện hơn với Mỹ, lo ngại Trung Quốc

    Một cuộc khảo sát ý kiến người dân Đức mới đây ghi nhận người Đức nhìn nhận mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tích cực hơn nhiều so với cách đây 12 tháng. Đồng thời khảo sát cũng cho thấy người dân nghi ngờ khả năng của ông Olaf Scholz – người có thể sẽ lên làm thủ tướng – trong việc đại diện cho nước Đức trên toàn cầu và bộc lộ mối quan tâm ngày càng tăng về Trung Quốc.
    Bình Phương - Đức thân thiện hơn với Mỹ, lo ngại Trung Quốc

    Khảo sát do Viện nghiên cứu Kantar thực hiện theo yêu cầu của Körber Foundation; kết quả được công bố hôm nay Thứ Hai 22 Tháng Mười Một, theo trang DW của Đức.

    Thiện cảm với nước Mỹ gia tăng

    Khi Tổng thống Donald Trump còn ngự trị ở Tòa Bạch Ốc, chỉ có 18% người Đức lạc quan về quan hệ giữa Đức và Hoa Kỳ. Nhưng khi ông Joe Biden lên làm tổng thống, có tới 71% người Đức nhìn nhận quan hệ giữa hai nước là “tốt” hoặc “rất tốt”.

    Khảo sát cho thấy người Đức coi trọng mối quan hệ của Berlin với Washington hơn các mối quan hệ toàn cầu khác, có 44% người tham gia coi Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Đức, vượt qua Pháp ớ mức 27%.

    Nora Müller, Trưởng phòng Chính trị Quốc tế tại Körber Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề chính trị và xã hội, nhận định: “Thật vui mừng vì những năm Trump cầm quyền đã không dẫn đến sự xa lánh không thể đảo ngược giữa người Đức và người Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng tích cực có tiếp tục hay không là điều vẫn còn phải xem xét vì một số vấn đề xuyên Đại Tây Dương vẫn chưa được giải quyết”.

    Người Mỹ cũng có thiện cảm với Đức hơn trước. Một nghiên cứu song song do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện nhằm đánh giá dư luận Mỹ về quan hệ toàn cầu cho thấy 85% người Mỹ được hỏi nói mối quan hệ của Mỹ với Đức là tốt hoặc rất tốt, tăng 11% so với một năm trước.

    Nghi ngờ khả năng người kế nhiệm Merkel

    Cuộc khảo sát có tên “Nhịp đập Berlin”, được thực hiện vào Tháng Chín và Tháng Mười với hơn 2,000 cử tri Đức đủ điều kiện, đã xem xét một loạt các vấn đề quốc tế, bao gồm cả triển vọng chính sách đối ngoại của Đức dưới thời thủ tướng tiếp theo.

    Nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Olaf Scholz đang ở vị trí thuận lợi cho vai trò thủ tướng sau khi đảng của ông giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử quốc hội hồi Tháng Chín, nhưng những người được hỏi không chắc liệu ông có thể đại diện cho lợi ích của nước Đức trên trường toàn cầu hay không, đặc biệt là so với người mà ông hy vọng kế vị: nữ Thủ tướng Angela Merkel.

    Chỉ 14% số người được hỏi tin rằng ông Scholz có thể làm tốt hơn bà Merkel về mặt này, trong khi có gần gấp đôi số người cho rằng ông sẽ tệ hơn so với thủ tướng hiện tại.

    Khi được hỏi về các mục tiêu quan trọng liên quan đến Liên minh châu Âu (EU) mà thủ tướng sắp tới của Đức sẽ phải giải quyết thì vấn đề tăng cường chính sách đối ngoại và an ninh của EU được xếp hạng ưu tiên cao nhất (65%), tiếp theo là thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu (58%).

    Mối lo ngại Trung Quốc

    Những người tham gia được hỏi về những thách thức mà Đức phải đối mặt liên quan đến chính sách đối ngoại toàn cầu, trong đó mối quan tâm nhất là sự bất ổn ở Afghanistan.

    Thách thức lớn thứ hai là chống lại những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

    Lần đầu tiên kể từ năm 2017, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc bị đa số người Đức (55%) nhìn nhận là tiêu cực, trong khi chỉ có 9% cho rằng những nỗ lực của Bắc Kinh là tích cực và 34% người tham gia nhìn nhận vấn đề này một cách trung lập.

    Trung Quốc cũng được coi là mối đe dọa lớn hơn là Nga đối với các giá trị của Đức. Trong khi 26% coi Bắc Kinh là một mối đe dọa lớn, chỉ 16% người được hỏi cũng nói như vậy về Moscow.

    Trước khi chính thức rời nhiệm sở trong vài tháng tới, Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận Đức có thể đã quá ngây thơ trong một số lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc khi chọn chiến lược hợp tác và đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức, định hình cả lập trường của châu Âu về Trung Quốc, ngay cả khi lo lắng về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và gián điệp công nghiệp của Bắc Kinh.

    Nhận thức muộn màng của bà Merkel và thái độ của người dân Đức có dẫn tới những thay đổi lớn trong chính sách của Đức đối với Mỹ và Trung Quốc trong tương lai là điều giới quan sát quốc tế hết sức quan tâm.

    Không có nhận xét nào