Header Ads

  • Breaking News

    Dưới đáy Biển Đông, nơi diễn ra chiến tranh lạnh giữa Bắc Kinh và Washington (1)

    (Vincent Jauvert, L’Obs 11/11/2021) Tại Thái Bình Dương, Trung Quốc và Hoa Kỳ lao vào một cuộc đua dữ dội về vũ khí dưới đáy biển. Đó là khía cạnh ít được biết đến nhất của địa chính trị ngày nay, và điểm nhấn là Đài Loan.

    Dưới đáy Biển Đông, nơi diễn ra chiến tranh lạnh giữa Bắc Kinh và Washington (1)

    Thứ Bảy 02/10, ở đâu đó trên Biển Đông. Một con quái vật nặng 9.000 tấn bỗng trỗi lên từ đáy biển. Đó là một « Sói biển », « Seawolf » theo thuật ngữ của Hải quân Mỹ, một trong những tàu săn ngầm lớn nhất của Hoa Kỳ. Siêu nhanh và im lặng, tàu ngầm chạy bằng nguyên tử lực mang tên « USS Connecticut » khởi đầu sự nghiệp dưới những lớp băng Bắc Cực, nơi theo dõi các tàu ngầm xô-viết thời Liên Xô cũ. Giờ đây chiếc tàu với 110 thủy thủ đoàn và 40 ngư lôi tại Biển Đông, vùng biển nóng gần Thái Bình Dương, truy lùng kẻ thù mới số 1 của Hoa Kỳ : tàu ngầm Trung Quốc.

    Bỗng dưng còi cảnh báo vang rền : « USS Connecticut » vừa bị một vật nào đó tông mạnh vào. Vụ va chạm mãnh liệt đến nỗi 11 thủy thủ bị thương. Để đánh giá thiệt hại và chăm sóc các quân nhân, chỉ huy trưởng ra lệnh rút thật nhanh về đảo Guam, căn cứ Mỹ gần nhất nằm bên Thái Bình Dương và biển Philippines. Và giữ bí mật về tai nạn, cho đến khi chiếc tàu ngầm được đưa về một địa điểm an toàn. Bởi vì nếu lộ ra quá sớm, vụ này có thể trở nên trầm trọng – một sự tuyên chiến giữa Bắc Kinh và Washington.

     
    Theo nhiều chuyên gia, cú sốc có thể được gây ra – vô tình hoặc cố ý – bởi một trong số những robot thuộc kho vũ khí Trung Quốc : một thiết bị không người điều khiển (drone) dưới đáy biển. Thậm chí có thể là model mới nhất, HSU-001.

    Được giới thiệu với Tập Cận Bình lần đầu tiên nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2019, loại drone dài 7 mét được trang bị máy dò siêu âm và ngư lôi đã được đưa vào hoạt động vào đầu 2021 tại Biển Đông. Trừ phi, như một số người xầm xì, chiếc « USS Connecticut » đã bị một con « Sói Biển » phiên bản Trung Quốc tông vào. Bộ tham mưu Mỹ lập tức cải chính tin đồn này. Để tránh leo thang chăng ?

    Một kho vũ khí khổng lồ

    Dù sao đi nữa, vụ va chạm này bộc lộ khía cạnh ít được biết đến nhất, bí ẩn nhất của địa chính trị ngày nay. Không còn như thời đối đầu Đông-Tây, các vụ nổ được chuẩn bị trên những bình nguyên nước Đức mà mọi người đều nghi ngờ. Như Bruce Jones, giám đốc bộ phận đối ngoại của think tank Mỹ Brookings Institution đã viết trên « Wall Street Journal », « trận đấu thế kỷ 21 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra tại đáy biển Thái Bình Dương ».

    Trung tâm của trận đấu này đương nhiên là hòn đảo Đài Loan mà Tập Cận Bình nhất định muốn « thống nhất » với Trung Quốc, như ông ta đã nhắc lại hôm 09/10. Thế nhưng Washington không thể chấp nhận một vụ sáp nhập như thế. Đài Loan là một biểu tượng : một quốc gia dân chủ từ chối bị một chế độ độc tài nuốt chửng. Đó cũng là nhà sản xuất đứng đầu thế giới về chip bán dẫn, cần thiết cho mọi thiết bị điện tử. Cuối cùng, và nhất là, nếu quân đội Trung Quốc làm chủ được, họ có thể kiểm soát hải hành trên toàn bộ Thái Bình Dương, và các hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử sẽ xích lại gần hơn lục địa Mỹ.

    Một kịch bản không đời nào được Washington chấp nhận. Thế nên hôm 21/10, tổng thống Joe Biden trang trọng khẳng định Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan « bằng quân sự » nếu bị Trung Quốc tấn công.

    Trong cuộc chiến tranh lạnh mới này, những điểm nóng mang những cái tên lạ lẫm không quen thuộc với chúng ta, nhưng ngày mai sẽ rền vang đầy đe dọa không kém Dantzig năm 1939 hay Cuba năm 1962 : Luzon, Palawan, Miyako…Đó là một nhúm eo biển nằm giữa Nhật Bản, Đài Loan và Philippines, mà nhà địa lý François-Xavier Bonnet đã lập ra danh sách đầy đủ năm 2020 : những hành lang đủ sâu để các tàu ngầm phương Tây đi vào Biển Đông mà không bị nhận dạng, và tàu ngầm Trung Quốc có thể âm thầm xuất phát để ra Thái Bình Dương.

    Để thắng được trận đấu ở hàng trăm địa điểm dưới đại dương, Bắc Kinh và Washington từ vài năm qua đã lao vào một cuộc chạy đua vũ trang gay gắt dưới đáy biển. Hai siêu cường đã có được kho vũ khí khổng lồ. Theo báo cáo của Ngũ Giác Đài tháng 9/2020, Hải quân Mỹ có ít nhất 68 tiềm thủy đĩnh, và hầu hết trong số đó vẫn tuần tra tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Về phía quân đội Trung Quốc, với số tàu chiến nhiều nhất thế giới, sở hữu 60 tàu ngầm khá thô sơ, trong đó có 50 chiếc vẫn còn chạy bằng diesel.

    Để rút ngắn khoảng cách, Bắc Kinh đã mở ra một công xưởng đóng tàu quy mô bên bờ sông Dương Tử, gần Vũ Hán, cứ mỗi 15 tháng lại cho ra đời một chiếc tàu ngầm. Nhanh cho đến nỗi từ nay đến 2030, Trung Quốc có thể thay mới toàn bộ và có được 70 tàu ngầm loại hiện đại nhất. Nhưng chưa hết. Hai cường quốc đối địch chi ra những khoản tiền khổng lồ cho nghiên cứu để triển khai các loại vũ khí có thể phát hiện và phá hủy các thiết bị của kẻ thù, ngay cả ở độ sâu vài trăm mét dưới biển.

    Vạn lý trường thành dưới đáy biển

    Cuộc chiến chống tàu ngầm còn diễn ra trên…vũ trụ. Hoa Kỳ triển khai phía trên Ấn Độ-Thái Bình Dương, và đặc biệt trên Biển Đông, nhiều vệ tinh hồng ngoại mà người ta nói rằng có thể phát hiện tàu ngầm. Hải quân Mỹ còn sở hữu năm tàu giám sát tiềm thủy đĩnh đặt tại Nhật Bản, và bốn phi cơ Poseidon có nhiệm vụ theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc bằng cách đo lường những từ trường khác nhau khi chúng đi qua.

    Trong cuộc chiến công nghệ sinh tử này, Trung Quốc không chịu thua. Năm 2017, Bắc Kinh triển khai công trình mà các chuyên gia gọi là « Vạn lý trường thành dưới đáy biển ».

    Theo nhật báo Hồng Kông « South China Morning Post », đó là một hệ thống cảm biến bố trí dưới đáy Biển Đông, có khả năng theo dõi các tàu ngầm « ngay lập tức, với độ chính xác cao và ba chiều ». Những thông tin thu thập được sẽ được gởi đi bằng cáp quang đến một trung tâm chỉ huy đặt tại Thượng Hải. Các chuyên gia của quân đội Trung Quốc khẳng định đã chế tạo một drone trang bị laser có thể phát hiện một tàu ngầm ở độ sâu 160 mét.

    Vì sao phải nỗ lực đến như vậy ? Đó là vì tàu ngầm đóng vai trò trung tâm trong cuộc xung đột mà tất cả các nhà chuyên môn đều lo ngại : cuộc chiến Đài Loan. Matthew Kroenig, giáo sư về chiến lược của đại học Georgetown (Washington) giải thích : « Để ngăn chận một cuộc tấn công vào hòn đảo, phải khả năng phá hủy tất cả các chiến hạm Trung Quốc trong vòng chưa đầy 72 tiếng đồng hồ ». Trong khi các tàu ngầm tấn công có thể dễ dàng đánh đắm các tàu chiến hoặc tàu vận tải quân sự.

    Theo Matthew Kroenig, đó là một trong những lý do khiến Úc hồi tháng Chín đã hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm diesel của Pháp. Với các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử được Hoa Kỳ hứa hẹn, nhanh hơn và chủ động hơn, Hải quân Úc « có thể đến Biển Đông trong ngày và tham gia hiệu quả vào việc bảo vệ Đài Loan ». Nói cách khác, nhờ các tàu ngầm made in USA, Úc có thể đánh chìm đúng lúc nhiều chiến hạm Trung Quốc đang trên đường đến Đài Loan. Cũng theo giáo sư Kroenig, Úc không thể làm được điều này với các tàu ngầm Barracuda của Pháp.

    Không có nhận xét nào