Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 02 tháng 11 năm 2021

    Các điều tra viên của Hải quân Hoa Kỳ đã xác định tàu ngầm nguyên tử USS Connecticut (SSN-22) đụng phải một núi ngầm dưới biển (seamound) chưa có trên bản đồ ở Biển Đông, bị hư hại phần đầu và phải quay về căn cứ ở Guam để sửa chữa, theo trang tin của Hải quân USNI News.

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 02 tháng 11 năm 2021

    Tàu USS Connecticut là một trong ba tiềm thủy đỉnh tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử lớp Seawolf của Hải quân, được chế tạo để hoạt động ở vùng biển sâu cũng như để săn đuổi các tàu ngầm của Liên Xô cũ trên các đại dương. Sau Chiến tranh Lạnh, ba tàu ngầm này được nâng cấp và chỉnh sửa để thực hiện những sứ mệnh nhạy cảm nhất của Hải quân Hoa Kỳ, theo USNI News.

    Sự cố xảy ra vào ngày 2 tháng Mười 2021 tại một vị trí không được tiết lộ ở Biển Đông: tàu Connecticut va chạm với một vật thể không xác định dưới đáy Biển Đông và bị hư hại. Thông tin về sự cố do Hải quân Hoa Kỳ công bố năm ngày sau đó đã làm cho các quan chức quốc phòng Trung Quốc lo lắng.

    Hải quân đã tổ chức điều tra nguyên nhân sự cố và kết quả của cuộc điều tra đã hoàn tất vào tuần trước, hiện đã được chuyển cho Phó Tư lệnh Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, Trung tướng Hải quân Karl Thomas để xem xét. Tướng Thomas cũng sẽ quyết định xem liệu có bất kỳ hành động trách nhiệm bổ sung nào đối với sự cố hay không.

    Phát ngôn viên của Hạm đội 7, Hải quân Trung tá Hayley Sims nói với USNI News trong một tuyên bố vào chiều thứ Hai 1 Tháng Mười Một: “Cuộc điều tra xác định USS Connecticut đã bị mắc cạn trên một núi ngầm chưa được ghi nhận khi hoạt động ở vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tư lệnh Hạm đội 7 của Hoa Kỳ sẽ quyết định có cần thiết có các hành động tiếp theo, bao gồm cả trách nhiệm giải trình, hay không.”

    Theo USNI News, thiệt hại ở phần phía trước của tàu ngầm đã làm hỏng các khoang chứa dằn và khiến tàu Connecticut phải thực hiện một chuyến đi dài một tuần trên mặt nước từ Biển Đông đến Guam. Hải quân đã nhiều lần nói rằng lò phản ứng hạt nhân và hệ thống đẩy của tàu ngầm không bị hư hại. Một số thủy thủ trên tàu bị thương từ nhẹ đến trung bình nhưng không nguy hiểm đến tính mạng do sự va chạm.

    Tàu Connecticut hiện đang sửa chữa ở Guam dưới sự giám sát của Bộ Tư lệnh Hải quân, nhà máy đóng tàu Hải quân Puget Sound và tàu bảo vệ tàu ngầm USS Emory S. Land (AS-39).

    Cho đến thứ Tư tuần trước, Hải quân Hoa Kỳ vẫn không chắc chắn tàu Connecticut va chạm với cái gì, mặc dù các quan chức quốc phòng nói với USNI News rằng các dấu hiệu ban đầu cho thấy Connecticut va chạm với một vỉa đá, một thực thể địa lý nhô lên từ đáy đại dương sau những vụ động đất lớn.

    Trung Quốc, thường có mâu thuẫn với Mỹ ở Biển Đông, đã tận dụng việc Hải quân Mỹ cung cấp thông tin hạn chế, nhất là vị trí nơi xảy ra sự cố, để cáo buộc Mỹ có hành vi che đậy, gọi đó là “gian dối” và “vô trách nhiệm”.

    Quân đội Mỹ đã phủ nhận cáo buộc họ che đậy vụ việc. Sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra cáo buộc, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói rằng “Thật là kỳ lạ khi tố cáo người ta che đậy điều gì đó sau khi họ đã đưa ra thông cáo báo chí về nó.”

    Tuy nhiên, Bắc Kinh, cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, tiếp tục chỉ trích Mỹ về sự “thiếu minh bạch”. Trung Quốc liên tục gọi Mỹ là “lực lượng lớn nhất quân sự hóa Biển Đông”, một cáo buộc thường nhằm vào Trung Quốc.

    Nhiều loại hộ chiếu vắc-xin không đồng nhất gây khó khăn cho du lịch

    Du lịch quốc tế đang trở lại, nhưng không còn thư giãn như trước nữa. Nhiều nước đang mở lại biên giới của họ, bao gồm Israel, nước sẽ mở cửa cho du khách đã tiêm vắc-xin từ thứ Hai. Thái Lan cũng đang nới lỏng các hạn chế của mình.

    Rào cản lớn hiện nay là bằng chứng tiêm chủng. Hiện đang có vô số các loại thẻ kỹ thuật số khác nhau. EU có một, Ấn Độ có một cái khác trong khi Mỹ có tới mấy loại một lúc. Thực trạng này khiến các sân bay gặp khó khi phải đọc nhiều mã QR khác nhau, được xác minh bởi các ứng dụng khác nhau và đưa ra các thông tin cũng khác nhau. Số lượng khách du lịch giảm từ 85% đến 90% trong đại dịch. Nhiều sân bay đang có cùng một số lượng nhân viên như trước, nhưng hàng đợi nhập cảnh lại kéo dài tới 5 hoặc 6 tiếng. Dù vậy, nhiều người vẫn xem việc xếp hàng cũng như giấy tờ thủ tục là xứng đáng cho một chuyến đi nghỉ sau nhiều tháng ròng rã ở nhà.

    Tương lai đầy triển vọng của Pfizer

    Pfizer đã có một năm tốt đẹp. Việc vắc-xin covid-19 của họ được áp dụng rộng rãi đã giúp mang về lợi nhuận cao. Hãng đang trên đà sản xuất 3 tỷ liều trong năm nay. Cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ cũng vừa phê duyệt vắc-xin cho trẻ em 5-11 tuổi của họ. Năm tới, Pfizer dự kiến tăng gần gấp đôi doanh số bán vắc-xin covid. Quỹ đạo đi lên của họ chắc chắn sẽ không hề chậm lại khi hãng báo cáo kết quả quý vào thứ Ba.

    Hoạt động kinh doanh phi-covid của Pfizer cũng đang khởi sắc, với mức tăng trưởng theo năm khá mạnh trong quý hai. Xu hướng đó sẽ tiếp diễn, vì công nghệ mRNA mà vắc-xin covid của họ sử dụng còn có những ứng dụng khác. Thương vụ mua lại một công ty công nghệ sinh học điều trị ung thư gần đây với giá 2,3 tỷ đô la cho thấy Pfizer đang nhìn xa hơn cả đại dịch. Vào tháng 8, công ty đã nâng dự báo doanh thu năm 2021. Nhờ nhu cầu tiêm nhắc lại vắc-xin covid và khả năng các biến thể mới xuất hiện, Pfizer sẽ được rảnh tay nghĩ xa hơn nữa.

    Trưng cầu dân ý về cải cách cảnh sát ở Minneapolis

    Khi đi bỏ phiếu vào thứ Ba, người dân Minneapolis sẽ nghĩ về George Floyd. Họ bỏ phiếu không chỉ để bầu thị trưởng, mà còn cho một cuộc trưng cầu dân ý xuất phát từ cái chết của ông Floyd vào năm ngoái. Cụ thể, bỏ phiếu sẽ quyết định có nên thay thế sở cảnh sát bằng một Sở An toàn Công cộng mới “áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện về sức khỏe cộng đồng” và loại bỏ số lượng cảnh sát tối thiểu của thành phố hay không.

    Những người phản đối, bao gồm thị trưởng đương nhiệm Jacob Frey, coi đó là cái cớ để “giải tán cảnh sát”, một chính sách ngày càng không được người Mỹ ưa chuộng khi tội phạm bạo lực gia tăng. Phe cải cách ưa thích khẩu hiệu nhẹ nhàng hơn “Mở rộng an toàn công cộng”, với lập luận cố định một số lượng cảnh sát làm đánh mất cơ hội đầu tư vào những mục khác tốt hơn. Nếu cuộc trưng cầu dân ý được thông qua, nó sẽ hoàn toàn đi ngược lại xu hướng trên toàn quốc. Trước đó một số thành phố giảm chi tiêu cho cảnh sát, nhưng cuối cùng đều phải tăng lại.

    Căng thẳng Pháp-Anh về quyền đánh cá leo thang

    Thứ Ba này là hạn chót do Pháp đặt ra để Anh cấp thêm cho các thuyền nhỏ của Pháp giấy phép đánh cá trong vùng biển Anh. Emmanuel Macron tuyên bố bằng cách không cung cấp đủ giấy phép, Anh đang vi phạm thỏa thuận Brexit với EU. Tổng thống Pháp đã đe dọa ngăn tàu thuyền Anh cập cảng cá của Pháp, áp đặt các biện pháp kiểm soát hải quan chặt chẽ hơn và thậm chí là tăng giá xuất khẩu điện của Pháp. Ông nói chính phủ Anh hãy quyết định.

    Đáp lại, chính phủ Anh cho biết sẽ không lùi bước. Họ yêu cầu người Pháp rút lại những lời đe dọa, vì làm vậy vi phạm thỏa thuận thương mại Brexit. Một số bộ trưởng Anh cho rằng ông Macron đang cố tình leo thang tranh chấp để cải thiện hình ảnh trong nước trước thềm cuộc bầu cử tổng thống phức tạp vào tháng 4 tới. Sức nóng chính trị lớn hơn nhiều lợi ích kinh tế thực chất- thủy sản chỉ chiếm chưa đến 0,1% nền kinh tế của hai nước.

    32 quốc gia bao gồm cả EU sẽ hủy bỏ đãi ngộ thương mại đối với Trung Quốc


    Tổng cục Hải quan của Trung Quốc gần đây đã ban hành một thông báo cho biết, việc cấp giấy chứng nhận GSP (Mẫu A) cho hàng xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Âu Châu (27 nước), Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein sẽ hoàn toàn bị đình chỉ từ ngày 01/12, gián tiếp xác nhận rằng 32 quốc gia này đã hủy bỏ đãi ngộ thương mại đối với Trung Quốc.

    GSP là từ viết tắt của Hệ thống ưu đãi phổ cập (Generalized System of Preferences). Đây là một hệ thống mà theo đó các nước phát triển (được gọi là các nước cho hưởng) cho các nước đang phát triển (được gọi là các nước được hưởng) hưởng chế độ ưu đãi bằng cách giảm hoặc miễn thuế. Chế độ ưu đãi này được xây dựng trên cơ sở đãi ngộ Tối huệ quốc, không có sự phân biệt đối xử và không đòi hỏi bất kì nghĩa vụ nào từ phía các nước đang phát triển.

    Đãi ngộ Tối huệ quốc (Most Favoured Nation, MFN) đề cập đến việc một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau (về thương mại, thuế quan, vận chuyển, địa vị pháp lý của công dân, v.v.).

    Vào ngày 28/10, Tổng cục Hải quan của Trung Cộng (ĐCSTQ) đã ban hành “Thông báo về việc không cấp giấy chứng nhận GMP cho hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein”.

    Thông báo này nói rằng kể từ ngày 01/12/2021, hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein sẽ không còn được ưu đãi thuế quan, Tổng cục Hải quan sẽ không cấp giấy chứng nhận GSP (Mẫu A).

    Nói cách khác, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc không còn được hưởng các ưu đãi thuế quan với Mẫu A nên việc ban hành giấy này sẽ bị dừng lại đối với các nước liên quan.

    Ông Thẩm Vinh Khâm – Phó giáo sư tại Đại học York ở Canada – đã chia sẻ tin tức này trên Facebook và nói rằng, “32 quốc gia bao gồm EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein đã bãi bỏ GSP đối với hàng hóa thương mại từ Trung Quốc, và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/12. Trung Quốc đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình”.

    Tổng cục Hải quan cho biết kể từ năm 1978, đã có 40 quốc gia thực hiện GSP cho Trung Quốc, bao gồm 27 quốc gia EU, Vương quốc Anh, 3 quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (Nga, Kazakhstan và Belarus), Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Canada, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Nhật Bản, Na Uy, New Zealand và Úc.

    Theo khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới, các nước đang phát triển có thể được hưởng sự đãi ngộ đặc biệt. Trung Quốc vốn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nước này vẫn khẳng định vị thế của mình là một “quốc gia đang phát triển” để có được những đãi ngộ. Nếu Trung Quốc được cho là một nước phát triển, hàng hóa xuất khẩu của nó có thể sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn và các ưu đãi khác sẽ bị hủy bỏ.

    Trong những năm gần đây, đã ngày càng có nhiều quốc gia tuyên bố hủy bỏ GSP đối với Trung Quốc. Vào ngày 12/10/2021, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã không còn được hưởng các ưu đãi thuế quan của Nga, Kazakhstan và Belarus (các thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu).

    Bắt đầu từ ngày 1/4/2019, Nhật Bản cũng đã ngừng cấp GSP đối với hàng hóa Trung Quốc. Thụy Sĩ là ngày 1/7/2014. Cho đến hiện tại, chỉ còn Na Uy, New Zealand và Úc là những quốc gia vẫn thực hiện GSP đối với Trung Quốc.

    Tại Hoa Kỳ, nhiều nhà lập pháp đã đề xuất Đạo luật Quan hệ Thương mại Trung Quốc (China Trade Relations Act), theo đó sẽ tước bỏ quy chế “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (PNTR) mà Trung Quốc đang được hưởng, nghĩa là thu hồi quy chế MFN vĩnh viễn của Trung Quốc và quay trở lại tình trạng trước những năm 2001.

    Khảo sát: Hơn 70% cử tri Mỹ tin rằng đất nước đang đi sai hướng


    New York Post đưa tin, theo một cuộc thăm dò được công bố hôm Chủ nhật (ngày 31/10), hơn 50% người Mỹ không tán thành hiệu suất làm việc của Tổng thống Biden và 71% cử tri tin rằng, đất nước đang đi sai hướng.

    Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, tỷ lệ tán thành tổng thống ở mức 42% so với 54% cử tri không tán thành.

    Chỉ số chấp thuận của ông Biden cũng đang giảm do cách thức xử lý đại dịch COVID-19 và điều hành nền kinh tế của ông.

    Vào tháng 4, khảo sát cho thấy có 69% cử tri được hỏi tán thành cách xử lý dịch COVID -19 của ông và 27% cử tri không tán thành. Tuy nhiên, cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ chấp thuận đã giảm xuống 51% và tỷ lệ không chấp thuận đã tăng lên 47%.

    Về kinh tế, vào tháng 4, ông Biden được tán thành với tỷ lệ 52%. Nhưng con số này giảm xuống còn 40% tán thành vào tháng 10. Tỷ lệ không tán thành cách giải quyết của tổng thống về vấn đề kinh tế cũng tăng thêm 14% trong 6 tháng.

    Khảo sát còn cho thấy, 71 % người Mỹ nói rằng đất nước đang đi sai hướng. Trong đó có 48 % đảng viên Dân chủ, 93% đảng viên Cộng hòa và 70 % người không theo đảng phái đồng ý với nhận định này.

    Cuộc thăm dò đã khảo sát 1.000 người lớn trong khoảng thời gian từ 23-26 tháng 10.

    Nobel Hòa bình năm nay sẽ tổ chức lễ trao giải trực diện


    Các khôi nguyên giải Nobel Hòa bình sẽ có thể nhận giải tại Oslo vào tháng 12 năm nay, Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, không giống như ở Stockholm, nơi lễ trao các giải Nobel khác đã bị hủy năm thứ hai liên tiếp do đại dịch.

    Các nhà báo Maria Ressa và Dmitry Muratov, những người bất chấp sự thịnh nộ của các nhà lãnh đạo Philippines và Nga để phơi bày cho công chúng về tham nhũng và quản lý yếu kém, đã đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay, một động thái ủng hộ cho tự do ngôn luận vốn đang bị tấn công trên toàn thế giới.

    Tất cả các giải Nobel trừ Nobel Hòa bình được trao tại Stockholm. Nobel Hòa bình là Giải Nobel duy nhất được trao tại Oslo.

    Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định lễ trao giải Hòa bình năm nay sẽ là sự kiện gặp trực diện diễn ra tại Tòa thị chính Oslo vào ngày 10/12.

    “Ủy ban mong đợi cả bà Maria Ressa và ông Dmitry Muratov sẽ tham dự buổi lễ,” ủy ban cho biết trong một tuyên bố.

    Quyết định này khác với quyết định của Quỹ Nobel không tổ chức lễ trao giải trực tiếp và tiệc cho những người đoạt giải ở Stockholm sang năm thứ hai liên tiếp.

    Năm ngoái, không có buổi lễ trực diện nào diễn ra ở Oslo do đại dịch. Khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc được trao giải.

    Người đứng đầu WFP, ông David Beasley, sẽ tham dự buổi lễ năm nay tại Oslo, ủy ban cho biết thêm.

    Kêu gọi biểu tình ở Cuba : Đối lập và chính quyền tố cáo lẫn nhau


    Nhóm các nhà đối lập Cuba từng kêu gọi biểu tình ngày 15/11, hôm 01/11/2021 tố cáo việc nhiều thành viên bị đàn áp, trong khi chính quyền cáo buộc họ là người của Mỹ.

    Trong một thông cáo, nhóm thảo luận chính trị Archipiélago (Quần đảo) tố cáo « Các dạng đàn áp vẫn tiếp diễn kể từ ngày 11/07 ». Đó là ngày diễn ra các cuộc biểu tình lịch sử làm rúng động Cuba, người dân ở 50 thành phố kêu đòi « Tự do », « Chúng tôi đói ». Nhóm đối lập có 31.500 thành viên, hình thành trên Facebook từ tháng Bảy, đã lập ra một ủy ban để lưu giữ sự kiện.

    Theo AFP, đàn áp gia tăng sau khi có thông báo sẽ xuống đường ngày 15/11 tại La Habana và sáu tỉnh khác, đòi trả tự do cho tù nhân chính trị. Chính quyền cấm cuộc biểu tình này và cáo buộc đó là hành động nhằm lật đổ chế độ với sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Từ ngày 25 đến 30/10, đã có 22 trường hợp thành viên Archipiélago bị đàn áp, gồm sa thải, hăm dọa, bắt bớ, cắt internet.

    Về phía chính quyền trong bản tin thời sự truyền hình tố cáo Yunior Garcia, người sáng lập nhóm và tổ chức biểu tình, muốn tạo « không khí bất ổn » và « đảo chính êm ái », sau khi được huấn luyện ở nước ngoài, chủ yếu từ các tổ chức của Mỹ.

    Trong một video, một bác sĩ thực ra là nhân viên an ninh đội lốt, nói rằng hồi tháng 9/2019 đã cùng với ông Garcia tham gia một sự kiện về vai trò của lực lượng vũ trang trong tiến trình chuyển đổi, trong đó có sự tham gia của hai vị tướng. Người này cáo buộc Yunior Garcia kêu gọi biểu tình ôn hòa nhưng lại « tìm cách để quân đội đối đầu với nhân dân ».

    Chính quyền cảnh cáo sẽ khởi tố nếu các thủ lãnh của nhóm nhất quyết tổ chức xuống đường. Chủ tịch Miguel Diaz-Canel đe dọa : « Có đủ những người cách mạng ở Cuba để đối phó với mọi kiểu biểu tình », trong khi đó trên mạng xã hội các hình ảnh và video cho thấy những người mặc thường phục trang bị gậy gộc thậm chí súng ống, đang tập luyện tấn công.

    Một trường thuộc ĐH Oxford 'muốn đổi tên thành 'Thảo College' sau khoản hiến tặng 155 triệu bảng


    Trường Linacre cho biết số tiền từ Tập đoàn SOVICO sẽ "chuyển biến" ngôi trường

    Trường Linacre - đào tạo sau đại học, trực thuộc Đại học Oxford của Anh đã đồng ý nhận khoản tài trợ mang tính "chuyển biến" trị giá 155 triệu bảng Anh từ một tập đoàn Việt Nam - SOVICO, do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch.

    Trường Linacre cho biết họ đã ký một bản ghi nhớ với tập đoàn SOVICO vào Chủ nhật tại Edinburgh.

    Theo đó, Linacre College dự tính sẽ đổi tên thành Thao College sau khi nhận được khoản tài trợ đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh.

    Tập đoàn đã lập ra Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam và HDBank, một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

    Linacre College cho biết số tiền này sẽ dùng để chi trả cho một trung tâm sau đại học mới và cho các suất học bổng bậc sau đại học.

    Một phần "đáng kể" khác của khoản quyên góp sẽ được dành cho quỹ tài trợ chung của trường nhằm giúp hỗ trợ hoạt động hàng ngày.

    Trường đào tạo sau đại học Linacre được thành lập vào năm 1962 và được đặt theo tên của học giả thế kỷ 16 - Thomas Linacre.

    Theo bản tin BBC tiếng Anh, việc đổi tên - sẽ cần được Hội đồng Cơ mật thông qua - sẽ được thực hiện để vinh danh bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO.

    Trường Linacre cho biết SOVICO cũng đã cam kết rằng tất cả các công ty trực thuộc của họ đạt đến mức không carbon vào cuối năm 2050 "với đóng góp từ các nhà nghiên cứu hàng đầu của Oxford".

    Một phòng hòa nhạc mới trị giá 150 triệu bảng ở Oxford, sẽ được hoàn thành vào năm học 2024/25, sẽ được tài trợ bởi doanh nhân người Mỹ Stephen A. Schwarzman.

    College là gì?

    Đại học Oxford thực chất là một tập hợp của các viện nghiên cứu (institutes) và 39 colleges, còn gọi là học viện, hoặc trường.

    Các college tồn tại độc lập, có quyền tự chủ tài chính, quản lý, trong hệ thống mang tính liên minh bình đẳng (federal structure) của mô hình 'collegiate university' -đại học lớn gồm các học viện chuyên ngành.

    Truyền thống 'collegiate university' hiện chỉ còn được duy trì ở Oxford, Cambridge, Durham...và phần nào còn được áp dụng Đại học London (Confederation) và một số nơi khác ở Anh.

    Không có nhận xét nào