Header Ads

  • Breaking News

    Lê Nguyễn – Những mẩu chuyện về Ky Ngoại Hầu Cường Để và cựu hoàng Duy Tân. Kỳ 5

    Bản án chung thân mà Hội đồng đề hình tuyên xử đối với cụ Phan Bội Châu đã tạo nên một làn sóng phản đối chưa từng có trong lịch sử chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam. Hàng chục hội đoàn, tổ chức, cá nhân đứng lên kêu gọi chính quyền trả tự do cho cụ, trong đó có thể kể: Hội Trung kỳ tương tế ở Hà Nội, Hội Việt Nam Thanh niên, Nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế), các du học sinh tại Pháp, ông Nguyễn Phan Long, nhân sĩ, chủ nhiệm báo Echo Annamite …

    Lê Nguyễn – Những mẩu chuyện về Ky Ngoại Hầu Cường Để và cựu hoàng Duy Tân

    Sau khi bản án chung thân được tuyên ra, cụ Phan Bội Châu đề nghị Hội đồng bảo hộ can thiệp. Hội đồng này không dám đi sâu, chỉ xét về tính hợp pháp của bản án. Đến người có thẩm quyền cao nhất tại Đông Dương là Toàn quyền Varenne cũng không tự quyết định về chuyện này. Ông ta chuyển yêu cầu xét lại bản án của cụ Phan về Pháp, xin lệnh Giám quốc (Tổng thống) G. Doumergue.

    Cuối cùng, ngày 24.12.1925, theo chỉ thị của Giám quốc Pháp, Toàn quyền Đông Dương Varenne ký nghị định tha bổng cụ Phan Bội Châu. Tuy nhiên, thực chất của quyết định tha bổng này là sự giam lỏng (hay an trí) cụ Phan tại Bến ngự, Huế, từ ấy cho đến khi cụ qua đời vào năm 1940.

    Năm 1925, cụ Phan bị an trí, thì năm 1926 tiếp theo lại xảy đến cái chết của cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh. Đó là hai tổn thất thật lớn của phong trào cách mạng Việt Nam. Còn lại một mình, Kỳ ngoại hầu Cường Để như con hổ mất hết nanh vuốt, cố dựa vào sự giúp sức của người ngoài, trong đó người đáng kể nhất là vị chính khách người Nhật Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoki).

    Cần nhắc lại là khi Kỳ ngoại hầu Cường Để vừa đặt chân lên đất Nhật năm 1906, hai trong những người Nhật đầu tiên mà ông gặp gỡ là Bá tước Đại ôi Trọng tín, lãnh tụ đảng Tiến bộ và vị chính khách lừng danh Khuyển Dưỡng Nghị. Ba năm sau (1909), khi chính quyền Đông Kinh bị áp lực của thực dân Pháp trục xuất các chính khách và sinh viên Việt Nam du học trong chương trình Đông Du, Kỳ ngoại hầu và cụ Phan Bội Châu phải di chuyển thường xuyên, song mối quan hệ giữa vị lãnh tụ VNQPH với ông Khuyển Dưỡng Nghị vẫn luôn gắn bó.

    Năm 1915, Kỳ ngoại hầu quay lại Nhật, sống tại đây một thời gian khá lâu. Tuy chẳng thể giúp được phong trào cách mạng Việt Nam theo đúng mong muốn, song trước những khó khăn về vật chất của Kỳ ngoại hầu Cường Để và các đồng chí, ông Khuyển Dưỡng Nghị vẫn dành cho họ sự hỗ trợ nhiệt tình trong suốt 17 năm dài. Khoản tiền ông giúp hàng tháng là 100 yen, về sau, khi vật giá đắt đỏ hơn, ông tăng lên 150 yen.

    Ngoài giá trị vật chất của những đồng yen, tấm lòng tốt hiếm có của vị chính khách người Nhật khiến cho mọi người vô cùng cảm kích. Theo lời kể của Kỳ ngoại hầu, từ những năm 1915-1932 đó, tiền chu cấp không bao giờ chậm trễ một lần. Tháng nào Kỳ ngoại hầu đến, ông Khuyển cũng đích thân trao tiền, gói kỹ trong một tờ giấy trắng và bỏ vào phong bì cẩn thận. Có tháng Kỳ ngoại hầu Cường Để vì bận nên đến chậm mấy ngày, ông Khuyển Dưỡng Nghị lo sợ người bạn Việt Nam đau yếu, đã thân hành đến thăm ông tại chỗ ở.

    Cuối năm 1931, cuộc đời chính trị của Khuyển Dưỡng Nghị lên đến tột đỉnh khi ông giữ cương vị Thủ tướng chính phủ. Kỳ ngoại hầu Cường Để và các đồng chí hi vọng vào một khúc quanh mới giúp thực hiện giấc mơ phục quốc, song không lâu sau, tia hi vọng tắt ngấm. Xin trích lại nguyên văn chuyện kể của Kỳ ngoại hầu Cường Để về cái chết đáng buồn của Thủ tướng Nhật, ông Khuyển Dưỡng Nghị, vào ngày 15.5.1932:

    “Chiều ngày 15, vào khoảng 5 giờ rưởi, tại dinh thủ tướng, có ba người thanh niên mặc binh phục hải quân đến xin ra mắt thủ tướng. Lính canh cửa hỏi danh thiếp thì một người rút súng lục ra bắn dọa, rồi cả bọn xông vào trong dinh. Họ lại bắn luôn mấy người lính canh ở trong dinh và sấn vào tận tư thất. Đồng thời có 5,6 người nữa cũng sấn vào đến đó.

    Bấy giờ là lúc sắp ăn cơm chiều, ông Khuyển Dưỡng Nghị đương ngồi nghỉ mát dưới hiên, ngay trước phòng ăn. Nàng dâu (tức Khuyển Dưỡng Kiện phu nhân) và mấy đứa cháu ngồi bên cạnh. (Hôm ấy bà Khuyển Dưỡng đi ăn cưới ở Hôtel Đế quốc. Con cả ông là Khuyển Dưỡng Kiện thì đi Thần Điền có việc). Bỗng nghe tiếng xôn xao rồi thấy người lính gác trẻ tuổi là Thôn Điền (Murata) hốt hoảng chạy vào kêu lên rằng:

    - Nguy to, quân hung đồ xông vào dinh. Xin cụ mau mau tạm lánh.

    Kiện phu nhân cũng khuyên ông Khuyển Dưỡng tạm lánh, song ông nói:

    - Không, không chạy, để chúng vào đây, ta nói mấy câu, chúng sẽ hiểu.

    Khi ấy bọn kia lùng khắp các buồng, rồi đến phòng ăn. Thấy ông Khuyển Dưỡng ngồi đó, một đứa chỉa súng bắn nhưng không nổ. Ông liền giơ tay phải lên, vẫy vẫy mà rằng:

    - Khoan đã, bắn thì lúc nào chả được. Hãy sang phòng bên kia, ta nói cho mà nghe.

    Thế rồi, ông khoan thai đứng dậy, đưa mấy người ấy sang phòng tiếp khách. Hình như ông lo rằng chỗ phòng ăn chật hẹp, súng bắn dễ vạ lây đến trẻ con, vì ông rất thương con nít, lúc nào cũng hết lòng che chở.

    Thôn Điền quân, Kiện phu nhân và người đầy tớ gái thấy tình hình nguy hiểm, toan đi theo để hộ vệ cho ông, nhưng một người trong bọn kia chỉa súng lục ra bảo rằng:

    - Nói mấy câu chuyện thôi, không được theo.

    Thôn Điền quân hỏi:

    - Thực ư? Chỉ nói mấy câu thôi ư?

    - Thực, nói mấy câu là xong. Không bắn đâu mà sợ

    Rồi Thôn Điền quân, Kiện phu nhân và người đầy tớ bị ngăn ở ngoài hiên.

    Khi ông Khuyển Dưỡng từ phòng ăn đi ra phòng khách, thái độ rất ung dung, chẳng khác chi những ngày thường tiếp khách. Đến nỗi Đốc-tờ Đại Dã (Ono), thầy thuốc chữa tai và mũi, hôm ấy cũng ở trong dinh, trông thấy thái độ ông ung dung như thế, ngỡ rằng quân hung đồ chỉ ở đâu ngoài cửa mà thôi, chứ mấy người quan binh này ắt là nhà đương chức sai đến hộ vệ ông, nên ông mời ra phòng khách.

    Ông Khuyển Dưỡng cùng mấy người quan binh ấy vào đến phòng khách rồi, lại có mấy người nữa ở đâu chạy đến. Một lát ở ngoài nghe thấy hô bắn, thì trong phòng súng nổ nhiều tiếng. Rồi, bọn kia ngang nhiên đi ra.

    Bấy giờ Kiện phu nhân vội vàng đi đánh điện thoại. Người đầy tớ gái chạy vào phòng khách thì thấy ông Khuyển Dưỡng chống tay trên bàn, ngồi không động đậy; ở thái dương và má máu me đầm đìa. Song ông rất tĩnh, bảo người đầy tớ gái:

    - Châm thuốc lá cho ta!

    Nhưng thuốc lá đã thấm máu. Người đầy tớ gái chân tay rụng rời, châm không được nữa. Ông lại nói:

    - Gọi mấy anh chàng kia trở lại đây, để ta nói cho họ nghe.

    Song ông ngã lăn ra liền. Sau, mời các vị danh y đến cứu chữa, đều vô hiệu. Kết cuộc hồi 16 giờ 26 phút đêm ấy ông từ trần, thọ 78 tuổi “ (hết trích)

    (Cuộc đời cách mạng Cường Để - sđd, trang 123-125)


    Sau những thất bại tại quê nhà, cái chết của người bạn lớn Nhật Bản khiến cho hoạt động của Kỳ ngoại hầu bị khựng lại một thời gian. Khi Mặt trận Bình dân thuộc cánh tả lên cầm quyền tại Pháp (1936), các nhà cách mạng Việt Nam nuôi hi vọng, song chỉ hai năm sau (1938), Mặt trận này giải thể, mọi hi vọng tắt ngấm.

    Năm 1939, Kỳ ngoại hầu, cải tổ VNQPH thành Việt Nam Phục quốc Đồng minh hội (VNPQĐMH) chủ trương kết hợp với quân đội Nhật đang gây thanh thế ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, đã có sự bất nhất của Đông Kinh trong đường lối đối ngoại, toan tính bước đầu là hỗ trợ Kỳ ngoại hầu Cường Để lên nắm chính quyền, song sau ngày lật đổ chính quyền thực dân Pháp (9.3.1945), họ vẫn tiếp tục ủng hộ hoàng đế Bảo Đại.

    Đó là nỗi thất vọng lớn nhất của Kỳ ngoại hầu Cường Để, ông sống u uất những năm còn lại và mất ngày 6.4.1951 tại Nhật Bản vì bệnh ung thư.

    Theo di nguyện của ông, hài cốt ông được phân ra ba phần, phần 1 giữ lại Nhật, về sau được chôn trong nghĩa trang Zōshigaya (Nhật Bản), nơi có ngôi mộ của Trần Đông Phong, một thanh niên yêu nước đã tự sát năm 1908 vì cảm thấy có lỗi đã không vận động quyên góp đủ tiền cho phong trào cách mạng; phần 2 do Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc, lãnh đạo Cao đài giáo, nhận về để tại Tòa thánh Tây Ninh vào năm 1954, do mối quan hệ gắn bó giữa Kỳ ngoại hầu với các chức sắc tôn giáo này trong thời gian hoạt động cách mạng; phần 3 được con trai ông là Tráng Liệt mang về Việt Nam năm 1957 trong một lễ rước trọng thể có sự chứng kiến của ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống chế độ Cộng hòa miền Nam, về sau được an táng tại một khu vực gần thành phố Huế.

    Theo một số tài liệu không chính thức, trong thời gian cư trú ở Nhật, Kỳ ngoại hầu Cường Để sống chung với một người phụ nữ Nhật tên Zōshigaya và có một người con trai.

    Không có nhận xét nào