Header Ads

  • Breaking News

    Liệu Việt Nam có thể dựa vào Nga ở Biển Đông?

    Việt Nam và Nga đang tìm cách tăng cường quan hệ về nhiều mặt. Năm 2020, Việt Nam và Liên bang (LB) Nga kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2021 tròn 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – LB Nga, và năm 2022 hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

    Liệu Việt Nam có thể dựa vào Nga ở Biển Đông?

    Quan hệ kinh tế thương mại Việt - Nga đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, cho dù Đại dịch COVID-19. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2020 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu từ LB Nga sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 42,9%; nhập khẩu hàng hóa của LB Nga từ Việt Nam tăng đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 6,9%. Năm 2021, thương mại Việt Nam - LB Nga tiếp tục tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước 7 tháng đầu năm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Nga đạt 924 triệu USD, tăng 13,3%; xuất khẩu của Việt Nam đạt 28,1%. Dự kiến trong năm nay, thương mại song phương Việt Nam - LB Nga sẽ đạt mức khoảng 6,5 tỷ USD .

    Các công ty dầu khí lớn của Nga như Rosneft, Zarubezhneft và Gazprom đều có các dự án đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Chỉ tính riêng liên doanh Vietsovpetro đã chiếm khoảng 1/3 sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam .

    Quan hệ quốc phòng là nền tảng

    Trong 20 năm qua, Điện Kremlin đã và đang từng bước gia tăng ảnh hưởng tại Việt Nam, mặc dù còn kém xa so với quan hệ Việt - Xô trước đây. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hải quân Liên Xô đã tích cực sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh - Một căn cứ quan trọng án ngữ ở Biển Đông, từ năm 1979. Căn cứ này đã từng được Hoa Kỳ xây dựng và sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam. Năm 1984, Việt Nam và Liên Xô đã ký thỏa thuận về việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồn trú quân sự trên vịnh. Theo thỏa thuận, các cơ sở được xây dựng sẽ được Hải quân Liên Xô vận hành cho đến năm 2004. Nhưng đến năm 2002 - chưa đầy ba năm sau khi Vladimir Putin lên nắm quyền - hạm đội Nga đã rời khỏi Cam Ranh, chuyển giao tất cả các cơ sở cho phía Việt Nam.

    Nga hiện đang là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đông Nam Á, trong đó riêng Việt Nam là khách hàng lớn về vũ khí của Nga. Mặc dù người ta ước tính rằng trong suốt những năm 1980, Moscow đã cung cấp cho Việt Nam trung bình một tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm và một tỷ USD hỗ trợ kinh tế hàng năm, sau khi Liên Xô sụp đổ, Điện Kremlin đã mất đi ảnh hưởng đáng kể tại quốc gia này. Giờ đây, Nga đang tìm cách lấy lại vị thế đã mất.

    Việt Nam cũng tìm thấy ở Nga những lợi ích nhất định. Các hợp đồng khai thác dầu khí với Nga là một cách để cân bằng quan hệ các cường quốc tại khu vực Biển Đông đầy biến động. Đồng thời, Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam trước bối cảnh Trung Quốc càng ngày càng hung hăng, đe doạ Việt Nam ở Biển Đông. Để chống lại sức mạnh của Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu cần các khoản đầu tư vũ khí và năng lượng của Nga ở Biển Đông. Ngoài vũ khí, các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước hoặc bán nhà nước của Nga còn vận hành các công ty con ở nước ngoài tại những nơi mà Trung Quốc tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn”.

    Hợp tác quốc phòng dường như là một trụ cột chính trong nỗ lực của Nga nhằm tăng cường quan hệ quân sự với Hà Nội và đảm bảo Moscow có một ảnh hưởng đáng kể ở Đông Nam Á.

    Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc gặp với hầu hết những người đồng cấp ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần thứ tư vào ngày 28/10 vừa qua. Cuối hội nghị, hai bên nhất trí Kế hoạch hành động toàn diện cùng với các sáng kiến khác nhằm “tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gồm hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội và phát triển”. Sự tham gia của Tổng thống Putin cho thấy Nga đặt ưu tiên tương đối cao vào việc mở rộng dấu ấn của Moscow trong khu vực.

    Với mối quan hệ truyền thống đã có từ thời Liên Xô, Việt Nam được coi là cầu nối quan trọng giữa Nga đối với thị trường của nhiều nước khu vực Đông Nam Á này.


    Liệu Việt Nam có thể dùng Nga để đối trọng với Trung Quốc?

    Mặc dù không phải là một liên minh chính thức, nhưng Việt Nam hy vọng mối quan hệ với Nga sẽ giúp Việt Nam có được sự hậu thuẫn quốc tế khi Hà Nội tìm cách đẩy lùi sự gây hấn của Trung Quốc và có một số chỉ dấu cho thấy mối quan hệ này có giá trị. Khả năng chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2AD) của Việt Nam có được nhờ Nga phần nào giảm thiểu sự mất cân bằng quân sự nghiêm trọng giữa Hà Nội và Bắc Kinh bằng cách tạo ra một chiến lược phong tỏa biển bất đối xứng cho một cuộc xung đột tiềm ẩn trên biển. Phía Việt Nam vẫn nghĩ rằng, tại Biển Đông, Trung Quốc mặc dù vẫn có thể gây áp lực với các công ty năng lượng của Nga, nhưng những công ty này của Nga sẽ có khả năng “chống lại” sự đe doạ của Bắc Kinh tốt hơn các công ty của các quốc gia khác mà không đủ sự hậu thuẫn chính trị đằng sau. Việc Nga đang hoạt động ở Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc phải suy nghĩ thận trọng trước những động thái quá hung hăng (3).

    Tuy nhiên, hy vọng này của Hà Nội rõ ràng phải đối mặt với một số rào cản vì “Moscow quan tâm đến “quan hệ với Bắc Kinh để chống lại Mỹ” hơn là “ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á”. Không có kịch bản nào dự đoán rằng Nga sẽ hy sinh quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng với Trung Quốc vì Hà Nội hoặc Naypyidaw .

    Cụ thể, Nga công khai duy trì lập trường trung lập được tính toán cẩn thận đối với tranh chấp Biển Đông phù hợp với mong muốn của Trung Quốc, cho dù Nga cũng đang triển khai các dự án năng lượng trên vùng biển này. Theo Grigory Lokshin, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga: “Chính sách của Nga ở Đông Nam Á nói chung, bao gồm cả Việt Nam, là một phần của cuộc chơi toàn cầu tuyệt vời mà ở đó, với tư cách là một đối tác, không thể chống lại Trung Quốc và thường ám chỉ Trung Quốc và đôi khi ủng hộ khá cởi mở về một số vấn đề. Tuy nhiên, vì hợp tác Nga-Trung vẫn còn lâu mới tạo thành một liên minh quân sự, nên quan hệ Nga-Trung và Nga-Việt ở giai đoạn này vẫn là hoạt động kinh doanh song phương thuần túy của các quốc gia này.”

    Chính vì vậy, trò chơi “đu dây” của Việt Nam khi muốn dùng Nga làm đối trọng với Trung Quốc trên biển Đông khó mà thực hiện được, bởi vì với sự gần gũi ngày càng tăng của Nga với Trung Quốc có nghĩa là sự giúp đỡ của Moscow đối với Hà Nội chỉ ở mức thấp vì rốt cuộc, Nga sẽ không để quan hệ với Bắc Kinh bị tổn hại.

    Không có nhận xét nào