Header Ads

  • Breaking News

    Lynn Huỳnh - Tự do chính trị và quyền yêu cầu chính trị đa nguyên

    Một là, coi đa nguyên chính trị là điều kiện tiên quyết, là khai mở cho một nền dân chủ. Hai là, xã hội không nhất thiết phải có đa nguyên chính trị thì mới có dân chủ.

    Lynn Huỳnh - Tự do chính trị và quyền yêu cầu chính trị đa nguyên

    Một đảng duy nhất trong xã hội và đang cầm quyền, thật ra thì dù không bị gán ép về tội danh “phản động” đi nữa, thì ai cũng rõ về những nguy cơ của đe dọa độc tài toàn trị khi xét trong quá trình lãnh đạo và xét trên lĩnh vực bảo đảm và phát huy dân chủ trong toàn xã hội.

    Trước hết, nếu như bản thân Đảng chưa bảo đảm dân chủ – đặc biệt là trong khi thực thi nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng là tập trung dân chủ. Có bảo đảm được dân chủ trong Đảng thì mới có dân chủ ở xã hội. Do vậy, dân chủ trong Đảng chính là điều kiện tiên quyết để bảo đảm và phát huy dân chủ ngoài xã hội.

    Trình độ dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam được đo bằng chất lượng thể chế như Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết và các chủ trương khác, và đồng thời được đo bằng chất lượng hoạt động của mỗi tổ chức Đảng và của toàn Đảng, kể cả chất lượng của cả đội ngũ cán bộ, đảng viên.

    Một Đảng mà không có phản biện thì xuất hiện nguy cơ Đảng không nhận rõ được một cách thực chất những mặt tốt và những mặt hạn chế, yếu kém của bản thân mình, sẽ dễ mắc căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” như V.I.Lênin có lúc cảnh báo. Vì thế, phản biện xã hội, hay nói một cách trực diện là phản biện về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là rất quan trọng.

    Hơn nữa, cần tiến hành phản biện của toàn xã hội. Hiện nay, nguồn này trước hết là từ các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác. Tuy nhiên những tổ chức này lại phụ thuộc vào người đứng đầu Đảng bộ ở nơi đó, nên tính độc lập phản biện chịu sự hạn chế của chuyện ‘vuốt mặt nể mũi’.

    Nếu Đảng chấp nhận lắng nghe về các phản biện, thì có lẽ Đảng nên chấm dứt việc mặc định đa nguyên là chống lại sự lãnh đạo của Đảng.

    Thử cùng biện luận.

    Hệ thống chính trị là khái niệm của khoa học chính trị đương đại, là một trong những khái niệm phản ánh đặc trưng của những quan hệ quyền lực chính trị; cũng như các bộ phận, các nhân tố tham gia vào các quá trình, quy trình chính trị trong thể chế chính trị dân chủ hiện đại như dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ tư bản chủ nghĩa.

    Liên quan đến vấn đề này có nhiều quan niệm khác nhau.

    Hệ thống chính trị là tổng thể các tổ chức chính trị của xã hội được chính thức thừa nhận về mặt pháp lý nhằm thực hiện quyền lực chính trị của xã hội đó. Hệ thống này bao gồm Nhà nước, các chính đảng, các nghiệp đoàn và các tổ chức chính trị khác – trong đó Nhà nước là yếu tố cơ bản, trung tâm.

    Hệ thống chính trị là hệ thống các tổ chức mà thông qua đó giai cấp thống trị thực hiện quyền lực chính trị trong xã hội.

    Hệ thống chính trị là một chỉnh thể các tổ chức chính trị trong xã hội bao gồm nhà nước, các đảng chính trị, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức chính trị – xã hội hợp pháp được liên kết với nhau nhằm tác động vào mọi mặt của đời sống xã hội để củng cố, duy trì và phát triển chế độ xã hội đương thời phù hợp với lợi ích của chủ thể cầm quyền.

    Tuy nhiên, cách hiểu chung nhất và nhận được nhiều sự công nhận: Hệ thống chính trị là khái niệm dùng để chỉ một chỉnh thể bao gồm các tổ chức như đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội với những quan hệ tác động qua lại giữa các nhân tố đó trong việc tham gia vào các quá trình hoạch định và thực thi các quyết sách chính trị nhằm bảo đảm quyền thống trị của giai cấp, lực lượng cầm quyền, đồng thời đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển xã hội.

    Như vậy, khi đã có mục tiêu chung theo nội dung của Điều 3, Hiến pháp 2013, thì những việc sau đó, đảng chính trị nào ở Việt Nam khả năng làm tốt nhất, bền vững nhất thì người dân sẽ chọn đảng chính trị đó: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

    Không có nhận xét nào