Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Lê – Những mẫu chuyện về Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và cựu hoàng Duy Tân. Kỳ 4

    Như đã đề cập ở phần trên, câu chuyện kể của Kỳ ngoại hầu Cường Để về chuyện người thanh niên tên Tản Anh trừ khử kẻ phản bội Phan Bá Ngọc bằng hai phát súng trong đêm hoa đăng ngày rằm tháng giêng 1922 tại Hàng Châu đã dừng lại ở chi tiết này. Vị hội chủ của VNQPH không kể thêm về những gì xảy ra cho Tản Anh sau đó

    Nguyễn Lê – Những mẫu chuyện về Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và cựu hoàng Duy Tân

    Mãi cho đến năm 1933, trong bộ hồ sơ số 5 của Phủ Toàn quyền Đông Dương có tên La terreur rouge en Annam – 1931-1932 (Khủng bố đỏ ở An Nam, 1931-1932 ), người ta đọc thấy một tài liệu trích trong tập san của Ủy ban ân xá người Đông Dương ( Comité d’amnistie aux Indochinois) đề cập đến bản án của Tòa đề hình (cour criminelle) Vinh (Nghệ An) xét xử người từng sát hại Phan Bá Ngọc vào năm 1922. Nạn nhân được tập hồ sơ nêu rõ là Phan Bá Ngọc, còn người bị truy tố có tên Lê Văn Phan, tự Hồng Sơn, trùng với tên Hồng Sơn trong hồi ức của Kỳ ngoại hầu Cường Để, song khác biệt hẳn với tên Võ Nguyên Trinh và bí danh Tản Anh như Cường Để đã kể. Điều đó cũng dễ hiểu vì vào thời kỳ này, hầu hết những người hoạt động cách mạng đều có nhiều tên khác nhau.

    Trong vụ án do tòa đề hình Vinh xét xử vào ngày 24.2.1932, Lê Văn Phan (hay Tản Anh trong hồi ký của Cường Để) phạm vào các tội chính như sau:

    - Ngày 11.2.1922, theo lệnh của Kỳ ngoại hầu Cường Để, Lê Văn Phan đã hạ sát Phan Bá Ngọc bằng 5 phát súng lục (theo Cường Để là hai phát) tại một công viên ở Hàng Châu, Trung Quốc.

    - Tháng 12.1926, với sự tiếp sức của Hồ Tùng Mậu, trong vùng ngoại ô Quảng Đông, Lê Văn Phan đã sát hại Kim Quang Ich, bị nghi ngờ là một kẻ phản bội lại phong trào cách mạng

    - Đầu năm 1930, Lê Văn Phan qua Nhật hoạt động cạnh Kỳ ngoại hầu Cường Để và đã giúp vị hoàng thân này tự tay dìm chết một người tên Nguyen Thoi Hien tự Lai Minh (tài liệu của Pháp không bỏ dấu). Theo lời khai của Phan trong hồ sơ điều tra, Hien vốn là một thuộc hạ cũ của Kỳ ngoại hầu và vụ dìm chết người được Kỳ ngoại hầu dàn dựng trong một cuộc đi chơi tay ba trên sông nước.

    Tất nhiên, không loại trừ nghi vấn lời khai của Phan là kết quả sự mớm cung hay ngụy tạo chứng cứ của cơ quan mật thám Pháp hòng làm hạ giảm uy tín của Kỳ ngoại hầu Cường Để.

    Với những chứng cứ trên, Lê Văn Phan bị tòa đề hình Vinh kết án tử hình, bản án được thi hành ngày 20.2.1933 trước sự chứng kiến của các quan tỉnh và đông đảo người xem ( La terreur rouge en Annam 1931-1932 – Phủ Toàn quyền Đông Dương – Hà Nội 1933, trang 164 -165 )


    Trong mấy thập niên đầu thế kỷ XX, hai nhà hoạt động cách mạng Cường Để và Phan Bội Châu di chuyển như con thoi qua nhiều nước và lãnh thổ, từ Việt Nam qua Xiêm, đến Trung Quốc, rồi Hồng Kông, Nhật Bản. Mục đích chính của những cuộc di chuyển liên tục vừa nhằm để liên lạc với các cơ sở cách mạng trong và ngoài nước, vừa tránh sự đeo bám của mật thám Pháp và những kẻ chỉ điểm cho Pháp.

    Nhưng rồi cũng có lúc họ không thoát khỏi lưới giặc giăng mắc khắp nơi. Nhận lời mời của Lâm Đức Thụ, người cộng sự đắc lực của nhà Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ, ngày 18.6.1925, cụ Phan Bội Châu lên tàu hỏa từ Hàng Châu đi Thượng Hải, để từ đó xuống tàu thủy đi Quảng Châu, nhân kỷ niệm về liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại đây. Song khi vừa bước xuống một ga gần Thượng Hải, cụ Phan đã bị cảnh sát ở tô giới Anh bắt giữ và giải giao cho cảnh sát ở tô giới Pháp. (Bùi Đình -Vụ án Phan Bội Châu – NXB Tiếng Việt – Hà Nội 1950, trang 6 – Cuộc đời cách mạng Cường Để - sđd, trang 121).

    Sau khi bí mật chuyển cụ Phan về Việt Nam bằng đường thủy, giam vào nhà tù Hỏa Lò, ngày 25.11.1925, thực dân Pháp đưa cụ ra xét xử trước Hội đồng đề hình (Commission criminelle) với thành phần gồm hầu hết là viên chức Pháp, chỉ có một người Việt Nam là cụ Bùi Bằng Đoàn (lúc ấy là một công chức của Pháp) giữ cương vị thông ngôn.

    Phiên xử thu hút một khối công chúng lên đến hàng ngàn người. Theo các nhà sử học Trần Huy Liệu và Bùi Công Trung, đồng tác giả quyển “Việc ông Phan Bội Châu” do nhà in Xưa-Nay xuất bản tại Sài Gòn năm 1926, thì đây là lần đầu tiên công chúng được dự khán tự do một phiên xét xử của Hội đồng đề hình.

    Căn cứ vào cáo trạng mà Hội đồng này công bố trong phiên xử, ngoài những “tội trạng” có tính chung chung như khuấy rối trị an trong nước, tạo rối loạn về chính trị, cụ Phan còn bị kết tội về hai sự việc cụ thể sau:

    - Cung cấp bom và xúi giục Phạm Văn Tráng sát hại Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn vào ngày 12.4.1913

    - Cung cấp bom cho Nguyễn Khắc Cần ném vào Hotel-Hà Nội vào ngày 26.4.1913, giết chết hai sĩ quan Pháp là Montgrand và Chapus.

    Cần nhắc lại là ngay sau hai vụ ném bom này, cụ Phan Bội Châu và Kỳ ngoại hầu Cường Để đều bị kết tội chủ mưu và bị kết án tử hình khiếm diện.

    Không có nhận xét nào