Header Ads

  • Breaking News

    Tại sao sai lầm khi gọi cạnh tranh Mỹ – Trung là ‘Chiến tranh Lạnh’?

    Một ý tưởng mới đang ngày càng phổ biến trong số các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách ở Washington là Hoa Kỳ đang ở trong một cuộc “Chiến tranh Lạnh” với Trung Quốc. Đó là một ý tưởng tồi trên cả khía cạnh lịch sử lẫn chính trị và không tốt cho tương lai của chúng ta.

    Tại sao sai lầm khi gọi cạnh tranh Mỹ – Trung là ‘Chiến tranh Lạnh’?

    Chính quyền Biden đã khôn ngoan đẩy lùi cách đóng khung như vậy. Nhưng hành động của tổng thống cho thấy chiến lược của ông để đối phó với Trung Quốc thực sự có thể đã bị ảnh hưởng bởi tư duy Chiến tranh Lạnh, điều khiến tâm trí của chúng ta bị khóa chặt vào mô hình bàn cờ hai chiều truyền thống.

    Tuy nhiên, cạnh tranh với Trung Quốc là một trò chơi ba chiều. Và nếu chúng ta tiếp tục chơi ván cờ hai chiều, chúng ta sẽ thua.

    Mặc dù xung đột với Liên Xô cũng như cuộc cạnh tranh hiện tại với Trung Quốc đều không dẫn đến chiến tranh toàn diện, nhưng các trò chơi rất khác nhau. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là mối đe dọa trực tiếp về quân sự và ý thức hệ đối với Hoa Kỳ. Hai bên hầu như không có mối liên hệ kinh tế hoặc xã hội nào, việc kiềm chế Liên Xô là một mục tiêu khả thi.

    Bởi vì trò chơi đó dựa trên một tiền đề hai chiều đơn giản, rằng cuộc chiến duy nhất là giữa quân đội hai bên, mỗi bên phụ thuộc vào khả năng bên kia không nổ súng trước. Nhưng với Trung Quốc, trò chơi ba chiều có một sự phân bổ quyền lực ở ba chiều kích khác nhau – quân sự, kinh tế và xã hội – chứ không chỉ một.

    Đó là lý do tại sao phép ẩn dụ Chiến tranh Lạnh, dù thuận tiện, nhưng lại thể hiện tư duy lười biếng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nó che khuất thực tế và đánh lừa chúng ta bằng cách khiến chúng ta đánh giá thấp các thách thức thực sự mà chúng ta phải đối mặt, và khiến chúng ta đưa ra các chiến lược không hiệu quả.

    Trên bình diện kinh tế, Hoa Kỳ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc. Hoa Kỳ đã có hơn 500 tỷ đô la kim ngạch thương mại với Trung Quốc trong năm 2020. Trong khi một số tiếng nói ở Washington kêu gọi việc “tách rời”, sẽ thật ngu ngốc khi nghĩ rằng chúng ta có thể phân tách hoàn toàn nền kinh tế của chúng ta khỏi nền kinh tế Trung Quốc mà không phải trả chi phí lớn. Và chúng ta cũng không nên mong đợi các quốc gia khác làm như vậy, vì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia hơn so với Hoa Kỳ.

    Các cơ cấu xã hội của Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng gắn bó với nhau sâu sắc: Có hàng triệu kết nối xã hội giữa hai quốc gia, từ sinh viên, khách du lịch và những người khác. Và về mặt vật lý, không thể tách rời các vấn đề sinh thái như đại dịch và biến đổi khí hậu.

    Sự phụ thuộc lẫn nhau là một con dao hai lưỡi. Nó tạo ra các mạng lưới nhạy cảm với những gì đang xảy ra ở quốc gia còn lại, từ đó khuyến khích sự thận trọng. Nhưng nó cũng tạo ra những điểm yếu mà cả Bắc Kinh và Washington có thể cố gắng thao túng như những công cụ gây ảnh hưởng.

    Bất chấp các yếu tố trên, một tư duy hai chiều cho rằng Hoa Kỳ có thể đối đầu với Trung Quốc phần lớn là nhờ ưu thế quân sự của nước này. Dù Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng quân sự, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc toàn cầu thực sự duy nhất. (Mặc dù chưa rõ điều đó sẽ kéo dài bao lâu.) Chúng ta phải cẩn thận vạch ra các bước đi ngang của mình, như cải thiện quan hệ với Ấn Độ và củng cố liên minh của chúng ta với Nhật Bản, trên bàn cờ quân sự truyền thống để duy trì cân bằng quyền lực ở châu Á. Đồng thời, chúng ta không thể tiếp tục bỏ qua các mối quan hệ quyền lực khác nhau trên các bàn cờ kinh tế hoặc xuyên quốc gia, và cách các bàn cờ này tương tác với nhau. Nếu chúng ta bỏ qua điều này, chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả.

    Trên bàn cờ kinh tế, sự phân bổ quyền lực là đa cực, với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản là những người chơi lớn nhất. Và trong bàn cờ xuyên quốc gia, khi đề cập đến các vấn đề như biến đổi khí hậu và đại dịch, các tổ chức phi chính phủ cũng đóng vai trò lớn và không quốc gia nào có thể kiểm soát bàn cờ này.

    Ngoài ra, Mỹ có một chính sách thương mại không thỏa đáng đối với Đông Á, khiến Trung Quốc có khoảng trống để kiểm soát cuộc chơi. Về các vấn đề xuyên quốc gia, Hoa Kỳ có nguy cơ để mối quan hệ bất đồng với Bắc Kinh gây nguy hiểm cho các mục tiêu khí hậu. Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất. Ngoại trưởng Vương Nghị đã cảnh báo Mỹ không nên mong đợi các cuộc đàm phán về khí hậu sẽ tiếp tục là một ốc đảo trong một sa mạc của các mối quan hệ tổng thể song phương.

    Không quốc gia nào có thể một mình giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu và đại dịch. Và do đó, khía cạnh chính trị của sự phụ thuộc lẫn nhau về sinh thái liên quan đến quyền lực trong mối liên kết với những nước khác cũng như ảnh hưởng đối với họ.

    Cuộc cạnh tranh chính trị ngày nay cũng khác. Hoa Kỳ và các đồng minh hiện không bị đe dọa bởi việc xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản giống như thời Stalin hay Mao. Hiện cũng có ít nỗ lực tuyên truyền ý thức hệ hơn; ngày nay ít người xuống đường để ủng hộ “tư tưởng Tập Cận Bình.”

    Thay vào đó, Trung Quốc thao túng hệ thống phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc về kinh tế và chính trị để hỗ trợ cho chính phủ độc tài của mình và tác động đến quan điểm trong các nền dân chủ, qua đó phản bác và ngăn chặn những lời chỉ trích. Để có bằng chứng về điều đó, chúng ta chỉ cần nhìn vào sự trừng phạt kinh tế của Trung Quốc đối với các đồng minh của chúng ta là Na Uy và Úc vì đã dám chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền. Một chiến lược ba chiều sẽ ghi nhận và phản ứng với thực tế rằng những hành động này của Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho chúng ta thực hiện các bước đi hỗ trợ các nước bị Trung Quốc bắt nạt, từ đó gia tăng ảnh hưởng của chúng ta. Các hiệp định thương mại sẽ hữu ích, cũng như thỏa thuận gần đây để xuất khẩu công nghệ tàu ngầm hạt nhân của chúng ta cho Australia.

    Dù muốn hay không, chúng ta bị mắc kẹt trong tình trạng “đối đầu hợp tác” với Trung Quốc, điều đòi hỏi một chiến lược có thể đạt được hai mục tiêu trái ngược đó – vừa cạnh tranh, vừa hợp tác – cùng một lúc.

    Ở trong nước, Hoa Kỳ phải củng cố lợi thế công nghệ của mình bằng cách tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Về mặt quân sự, điều này có nghĩa là cần phải tái cấu trúc các lực lượng truyền thống để tích hợp các công nghệ mới và củng cố các liên minh đã nói ở trên.

    Về mặt kinh tế, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương để lại lỗ hổng trong một khu vực thương mại quan trọng. Còn về các vấn đề xuyên quốc gia, chúng ta cần củng cố và phát triển các thể chế và các hiệp ước quốc tế, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp định khí hậu Paris, để đối phó với các vấn đề sức khỏe và khí hậu.

    Những người bi quan nhìn vào quy mô dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rồi tin rằng Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế. Nhưng nếu chúng ta coi các đồng minh của mình như tài sản giá trị, thì sức mạnh tổng hợp về quân sự và kinh tế của các nền dân chủ liên kết với phương Tây – gồm Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản – sẽ vượt xa sức mạnh của Trung Quốc trong suốt thế kỷ này.

    Tổng thống Biden đã đúng khi cho rằng luận điệu Chiến tranh Lạnh có nhiều tác động tiêu cực hơn tích cực. Nhưng ông cũng cần đảm bảo rằng chiến lược Trung Quốc của mình sẽ phù hợp với bối cảnh một trò chơi ba chiều.

    Không có nhận xét nào