Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 09 tháng 11 năm 2021

    Các nước đang phát triển đồng loạt lên án nhiều nước giàu nói không đi đối với làm, đó là thông điệp nổi bật trong đầu tuần lễ thứ hai của Hội nghị về Khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP26) ở Glasgow, Scotland, ngày 08/11/2021.

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 09 tháng 11 năm 2021

    Chủ tịch của nhóm hơn 40 quốc gia nghèo nhất hành tinh (LDC), chính trị gia Sonam Phuntsho Wangdi, người Butan, tuyên bố : « Nhóm các nước kém phát triển nhất lo ngại về việc hành động của một số quốc gia không ăn khớp với các tuyên bố. Có một sự tách rời giữa các tuyên bố trước công chúng và những gì diễn ra trong các cuộc đàm phán ».

    Chủ tịch của nhóm hơn 40 quốc gia nghèo nhất hành tinh đặc biệt lo ngại về các biện pháp để thực thi mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp), sẽ được xác định trong bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị COP26. Chính trị gia người Butan nhấn mạnh mọi « thỏa hiệp » về mục tiêu 1,5°C này đồng nghĩa với việc coi thường « sinh mạng của hàng tỉ người sống tại các quốc gia dễ bị tổn thương nhất như các nước chúng tôi ».

    Trả lời phỏng vấn AFP, ông Ahmadou Sebory Touré, chủ tịch Nhóm 77 và Trung Quốc (bao gồm 134 quốc gia đang phát triển và mới nổi lên) lên án các nước phát triển « luôn luôn đòi hỏi các nước dễ bị tổn thương làm nhiều hơn nữa », trong lúc lại không thực hiện lời hứa đóng góp đủ 100 tỉ đô la/năm cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực khí hậu kể từ năm 2021 (đưa ra từ năm 2009). Bà Lia Nicholson, chủ tịch Liên minh các đảo quốc nhỏ (Aosis), kêu gọi « hãy chấm dứt những tuyên bố suông về tài chính ».

    Kinh tế gia Pháp Laurence Taubina, chủ tịch Quỹ châu Âu vì Khí hậu, đặc biệt tố cáo các hành động của nhiều quốc gia và doanh nghiệp giả danh vì mục tiêu chống Biến đổi khí hậu, nhưng trên thực tế đang tiếp tục các hoạt động khai thác và sử dụng năng lượng hóa thạch (« greenwashing »). Người được coi là một trong các kiến trúc sư của Hiệp định Khí hậu Paris 2015 giải thích :

    « Chúng ta đang ở giai đoạn triển khai việc thực thi Hiệp định Khí hậu Paris. Rõ ràng là áp lực đã có tác dụng. Các quốc gia tới hội nghị bắt buộc phải đưa ra thêm những đóng góp mới. Nhìn chung, cơ chế này đã có tác dụng. Tuy nhiên, nếu các cam kết mới không đi liền với các kế hoạch cụ thể đủ mạnh, thì điều này cũng không có ý nghĩa gì cả. Các quốc gia như các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu khẳng định rằng họ sẽ vẫn tiếp tục xuất khẩu, cùng lúc hướng đến mục tiêu zero khí thải, và các doanh nghiệp khí đốt, dầu mỏ nói rằng họ sẽ hướng đến mục tiêu trung hòa khí thải, trong lúc tiếp tục khai thác dầu mỏ và khí đốt, như vậy điều này chắng có ý nghĩa gì. Đến một lúc nào đó, người ta sẽ không còn hiểu được mục tiêu mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế nói, giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C hay 2°C, có nghĩa là gì ».

    Theo AFP, trong tuần lễ thứ hai của Hội nghị, giới chức cấp bộ của các nước tham gia hội nghị sẽ phải tìm được các thỏa hiệp về các định hướng chính trị lớn trong lĩnh vực khí hậu, và đặc biệt là về nhiều điều khoản vẫn còn đang treo lại từ ba năm nay, liên quan đến các quy định thực thi Hiệp định Khí hậu Paris, nhất là về cơ chế vận hành của « các thị trường cacbon ». Còn rất nhiều việc cần làm, các đàm phán dự kiến sẽ kéo dài thâu đêm.

    Truyền thông Trung Quốc cảnh báo ‘cuộc chiến sẽ đến’ nếu Mỹ, Đài Loan không ‘ thay đổi lộ trình


    Khi căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc về tương lai của Đài Loan leo thang, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo vè một “cuộc chiến sẽ đến” nếu Washington và Đài Bắc không thay đổi lộ trình.

    Theo đó, tờ Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận diều hâu của Bắc Kinh đã đưa ra lời cảnh báo trên vào cuối tuần trước sau khi các quan chức quân đội Mỹ không ngừng cảnh báo về mối đe dọa của Trung Quốc đối với quyền tự chủ của Đài Loan.

    Bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu nêu nhận xét của người đứng đầu lực lượng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro – người đã bày tỏ quan ngại trong tuần trước về “sự bành trướng nhanh chóng” của Hải quân Trung Quốc.

    Trung Quốc luôn xem Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất của Trung Quốc và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo – điều khiến Washington lẫn Đài Bắc lên án. Trong những năm gần đây, các nhà phân tích liên tục cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể tiến hành các hoạt động quân sự để giành quyền kiểm soát hòn đảo này bằng vũ lực.

    Bài xã luận viết: “Chúng ta cần phải làm cho Mỹ nhận thức được rằng bất kể họ có đe dọa hoặc sử dụng lực lượng nào thì việc tái thống nhất của Trung Quốc sẽ xảy ra”, bài báo cũng khẳng định Bắc Kinh thừa sức chống lại Mỹ và Đài Loan.

    “Khả năng của Trung Quốc trong việc áp đảo sự can thiệp quân sự của Mỹ vào khu vực này được đảm bảo bởi ý chí và nguồn lực chiến lược của Trung Quốc”.

    Tờ này còn cảnh báo: “Bất kỳ động thái nào nhằm ngăn chặn sự thống nhất của Trung Quốc đều dẫn đến một cuộc chiến tranh sinh tử, mà Mỹ sẽ phải chiến đấu và hy sinh mạng sống của người Mỹ”.

    Kết luận, bài xã luận khẳng định rằng, “nếu Mỹ tiếp tục khuyến khích chính quyền Đài Loan đi theo con đường riêng của họ, thì cuối cùng sẽ xảy ra một cuộc đọ sức quân sự. Khi ngày đó đến, một cuộc chiến bất phân thắng bại sẽ quyết định mọi thứ”.

    Bài xã luận được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc mới đây tuyên bố, họ sẽ bắt những người ủng hộ “Đài Loan độc lập” phải chịu trách nhiệm hình sự suốt đời. Hình phạt đó sẽ mở rộng đối với nhiều quan chức và lãnh đạo đang quản lý Đài Loan.

    Giám đốc CIA được cử đến Moscow sau khi lực lượng Nga tập trung gần biên giới Ukraine


    Tổng thống Joe Biden đã cử Giám đốc CIA Bill Burns tới Moscow vào tuần trước để cảnh báo với các quan chức cao cấp của Điện Kremlin rằng Hoa Kỳ đang theo dõi việc Nga bổ sung binh lính và thiết bị quân sự gần biên giới phía bắc của Ukraine.

    Theo CNN, trong một cuộc gặp hôm 02/11 tại Moscow, ông Burns đã truyền tải thông điệp tới các quan chức này rằng Hoa Kỳ đang theo dõi sát sao tình hình. Ông cũng đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm sau đó trong nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng, hãng thông tấn này cho biết thêm.

    Những lo ngại đã dấy lên sau khi các bức ảnh vệ tinh do Maxar Technologies, có trụ sở ở Westminster, Colorado, chụp cho thấy một lượng lớn bất thường gồm xe tăng, pháo binh, và binh lính ở thị trấn Yelnya của Nga.


    Dựa trên các báo cáo từ Bộ Quốc phòng Ukraine, có gần 90,000 quân Nga đã bố trí dọc theo biên giới Ukraine và gần các khu vực phía đông của nước này, nơi các phiến quân ly khai thân Nga đang kiểm soát.

    Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ các báo cáo về việc có bất kỳ sự gia tăng lực lượng quân đội nào, nói rằng không cần phải “lãng phí thời gian” cho các tuyên bố “kém chất lượng,” AFP đưa tin.

    Về mặt công khai, Ukraine đã làm giảm nhẹ vấn đề với Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 02/11 nói rằng Nga đã có thông lệ “tích lũy các đơn vị quân đội nhằm mục đích duy trì căng thẳng trong khu vực này.”

    Nhưng một số thành viên của chính phủ Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc leo thang lớn.

    “Đó chắc chắn là một sự gia tăng lực lượng quân đội chưa từng có và nếu Nga muốn xâm lược Ukraine, họ có đủ khả năng và năng lực để áp đảo các lực lượng Ukraine.” Một phụ tá cao cấp của Quốc hội nói với CNN, “Với sự gia tăng lớn như vậy, ông Putin có thể ra lệnh tấn công bất cứ lúc nào và sẽ có rất ít cảnh báo.”

    Các dân biểu Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama) và Mike Turner (Cộng Hòa-Ohio) đã viết thư cho ông Biden để trình bày mối lo ngại của họ.

    Họ nói, “Với sự gia tăng lực lượng quân đội Nga gần đây ở biên giới Ukraine, chúng tôi kêu gọi chính phủ ông hãy lập tức hành động để hỗ trợ Ukraine dưới hình thức tình báo và vũ khí.”

    Họ cũng “thúc giục” chính phủ “khai triển sự hiện diện quân sự Hoa Kỳ ở Biển Đen để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Nga.”

    Sau khi Nga xâm lược bán đảo Crimea vào năm 2014, cộng đồng quốc tế đã trở nên cảnh giác với bất kỳ hành động nào của quân đội nước này. Kể từ khi sáp nhập, đã có các cuộc xung đột giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga.

    Sau đợt xung đột gần đây vào đầu năm nay, Nga đã bố trí khoảng 100,000 quân ở biên giới Ukraine. Cuối cùng các binh lính này đã được rút sau áp lực quốc tế nhưng việc rút quân này là có giới hạn. Cho đến nay, xung đột đã khiến hơn 14,000 người thiệt mạng.

    Hạo Văn biên dịch

    Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: Hội đồng Giám mục Pháp sẽ bồi thường các nạn nhân


    Một tháng sau khi Ủy ban độc lập về lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp công bố một báo cáo gây sốc, hôm nay, 08/11/2021, tại thành phố thánh địa Lourdes, trong một cuộc bỏ phiếu kín, Hội đồng Giám mục Pháp đã thông qua các nghị quyết về việc thực hiện các khuyến cáo của ủy ban này, trong đó có việc bồi thường các nạn nhân.

    Theo báo cáo của Ủy ban độc lập về lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, từ thập niên 1950, đã có 330.000 người là nạn nhân lạm dụng tình dục trong Giáo hội, khi họ còn là vị thành niên. Thủ phạm là các linh mục, tu sĩ hoặc những người có liên hệ với Giáo hội.

    Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu kết thúc cuộc họp, chủ tịch Hội đồng Giám mục Eric de Moulins-Beaufort thông báo là các giám mục đã quyết định thành lập một cơ chế quốc gia đặc trách việc bồi thường các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục trẻ em. Đứng đầu cơ chế này là bà Marie Derain de Vauvresson, nguyên là một nhà bảo vệ trẻ em.

    Để có nguồn tài chính cho quỹ bồi thường các nạn nhân, các giám mục đã quyết định sẽ bán những tài sản của Hội đồng giám mục và của các giáo xứ, và nếu cần sẽ vay tiền.

    Đức cha Eric de Moulins-Beaufort còn cho biết các giám mục đã xin giáo hoàng giúp họ bằng cách gởi một người đáng tin cậy đến để xem xét cách thức mà họ đối xử với những nạn nhân lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội, cũng như với những thủ phạm.

    Thứ Sáu tuần trước, 120 giám mục họp ở Lourdes đã nhìn nhận « trách nhiệm về mặt định chế » của Giáo hội Pháp trong các vụ lạm dụng tình dục « mang tính hệ thống » do các linh mục, tu sĩ gây ra.

    Theo lời đức cha de Moulins-Beaufort, việc nhìn nhận trách nhiệm này có nghĩa là Giáo hội phải có bổn phận thực thi công lý và bồi thường cho các nạn nhân.

    Bắc Kinh có thể « phong tỏa các cảng biển và sân bay chính » của Đài Loan


    Trung Quốc có thể phong tỏa các cảng biển và sân bay chính của Đài Loan nhằm cắt đứt các mối liên hệ chính của hòn đảo với thế giới bên ngoài. Đó là cảnh báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan trong bản báo cáo quốc phòng, ra hai năm một lần, được công bố hôm nay, 09/11/2021.

    Hãng tin Pháp AFP dẫn lại nhận định của báo cáo quốc phòng Đài Loan, lên án việc Bắc Kinh « tăng cường khả năng tấn công bằng đường không, đường biển và trên bộ nhắm vào hòn đảo ». Bản báo cáo cho biết rõ việc « phong tỏa các cảng biển, sân bay, và các chuyến bay chiều đi (xuất phát từ Đài Loan), cũng như cắt đứt các tuyến thông tin liên lạc trên không và trên biển » là một phần của chiến lược tăng cường khả năng tấn công nói trên.

    Báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng nhấn mạnh đến việc Trung Quốc có khả năng tấn công hòn đảo với các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, và cho biết Bắc Kinh đang tăng cường lực lượng để có thể tiến hành tấn công đổ bộ.

    Bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng cảnh báo, ngoài việc sẵn sàng cho các cuộc can thiệp vũ trang, Trung Quốc đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các hành động gây hấn tại những « vùng xám », thuật ngữ mà giới chuyên gia quân sự thường sử dụng chủ yếu để nói về các hoạt động chiến tranh mạng và « chiến tranh tâm lý », bao gồm việc gieo rắc tin giả.

    Chiến lược tại các « vùng xám » cũng bao gồm việc đưa chiến đấu cơ liên tục thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, tổng cộng hơn 554 lần, tính từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021. Các chiến thuật gây hấn tại « vùng xám » có mục tiêu khiến hòn đảo suy yếu từ bên trong, và « Trung Quốc có thể chiếm được Đài Loan » mà không cần nổ súng, theo báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan.

    Báo cáo nhấn mạnh là chính quyền Trung Quốc đã cố gắng « đơn phương thay đổi trật tự quốc tế tự do và rộng mở, với các hoạt động thao túng tại vùng xám » trong bối cảnh thế giới đang bận đối phó với đại dịch Covid-19, và « Các hoạt động chuẩn bị về quân sự, huấn luyện và tập trận trên thực địa của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, cũng như các hành động và đe dọa nhắm vào Đài Loan dự kiến sẽ tiếp tục được tăng cường, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh ở khu vực eo biển Đài Loan ».

    Để đáp trả các đe dọa từ Trung Quốc, quân đội Đài Loan dự kiến nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, với việc mua thêm các hệ thống vũ khí mới từ nước ngoài và phát triển các vũ khí tự chế trong nước.

    Hãng tin Đài Loan CNA đặc biệt chú ý đến việc bản báo cáo quốc phòng lần đầu tiên công bố cùng lúc hai bản tiếng Hoa và tiếng Anh (có nhan đề « Resilience: ROC Armed Forces »). Trong gần 30 năm qua, bản dịch tiếng Anh chỉ xuất hiện nhiều tuần lễ sau khi báo cáo bằng Hoa ngữ được công bố. Theo CNA, mục đích của việc công bố sớm bản Anh ngữ là nhằm thúc đẩy phổ biến thông tin giữa các nước ngoài và Đài Loan, trong bối cảnh quốc tế cần thêm nhiều nỗ lực chung chống lại mối đe dọa quân sự gia tăng từ Trung Quốc.

    Phi hành gia Pháp Thomas Pesquet trở về Trái Đất an toàn


    Đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 09/11/2021 phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet đã trở về Trái Đất sau 6 tháng làm việc trên Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS). Cuộc hạ cánh diễn ra an toàn ở ngoài khơi bờ biển Florida, Hoa Kỳ.

    AFP nhắc lại, phi hành gia người Pháp 43 tuổi đã trở về Trái Đất lần này bằng khoang thuyền Dragon của SpaceX, cùng với ba đồng nghiệp khác là phi hành gia người Nhật Akihino Hoshide, và hai phi hành gia Mỹ Shane Kimbrough và Megan McArthur. Sau chuyến làm việc đầu tiên 2016-2017 trên ISS, Thomas Pesquet đã đáp xuống thảo nguyên Kazakhstan với chiếc Soyouz của Nga.

    Khoang thuyền của tập đoàn Elon Musk mang về Trái đất khoảng 240kg thiết bị và các thí nghiệm khoa học. Hành trình trở về Trái đất được thực hiện qua nhiều bước. Khoang thuyền bắt đầu rời trạm ISS vào lúc 19 giờ 5 phút, giờ quốc tế.

    Từ Miami, thông tín viên đài David Thomson mô tả cảnh hạ cánh:

    « Một ngôi sao chổi sáng rực xuất hiện trên bầu trời đêm ở Florida. Khi đi vào bầu khí quyển, khoang thuyền Dragon biến thành một quả cầu lửa to lớn. Với vận tốc 600 km/giờ, bốn chiếc dù được bung ra để giảm tốc độ rơi đến chóng mặt, và trong chưa đầy một phút sau đó, là tiếng nước bắn tung tóe, khoang thuyền đã hạ cánh xuống vùng biển êm đềm của Vịnh Mêhicô, trong tiếng hò reo phấn khởi của các kỹ sư SpaceX trong phòng điều khiển.

    Cuộc hạ cánh xuống biển thành công hoàn hảo đúng như giờ đã định, tức vào lúc 04 giờ 33 phút ở Pháp. Một trong số các phi hành gia nói với một đài phát thanh: « Thật là tốt khi trở về Trái đất ». Chiếc khoang phi thuyền hình chóp sau đó được bốc lên tàu.

    Sau 198 ngày trên quỹ đạo, cánh cửa cuối cùng cũng được bật ra. Thomas Pesquet, bên trong khoang thuyền, nở một nụ cười rạng rỡ, ra dấu hiệu thắng lợi. Cùng với ba phi hành gia khác, anh trở về Trái đất an toàn mạnh khỏe, sau 8 giờ hành trình từ Trạm Không gian Quốc tế.

    Dù vậy, người ta cũng khiêng đặt các phi hành gia trên những chiếc cáng, bởi vì sau 6 tháng trong trạng thái không trọng lượng, mỗi một cử động là cả một thử thách. »

    Cựu đại sứ Mỹ nhận định Miến Điện sẽ mở cửa cho viện trợ nhân đạo


    Sau chuyến thăm Miến Điện được đánh giá là « hiếm có » vào tuần trước, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Bill Richardson hôm qua, 08/11/2021, cho rằng tập đoàn quân sự Miến Điện sẽ đồng ý mở cửa, chấp nhận một số hợp tác với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy viện trợ nhân đạo.

    Ông Bill Richardson, cựu đại sứ Hoa Kỳ, là quan chức cấp cao nhất của Mỹ công du Miến Điện kể từ khi quân đội nước này làm đảo chính hồi tháng Hai, lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Chuyến đi này nhằm thảo luận với lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện về việc cung cấp vac-xin, thiết bị y tế, và đáp ứng các nhu cầu về y tế cộng đồng.

    Theo AP, ông Richardson tỏ ra hài lòng về kết quả của chuyến đi « mang tính xây dựng », đã giúp phóng thích một phụ nữ từng làm việc cho trung tâm của ông « Trung tâm Richarson về gắn kết toàn cầu ». Các cuộc gặp với giới chức Miến Điện cũng giúp tăng cường khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo và vac-xin ngừa Covid-19 cho người dân Miến Điện, cho phép nối lại các chuyến thăm của Hội Chữ Thập Đỏ đến các nhà tù tại Miến Điện.

    Trong khi đó, theo AFP, giới hoạt động nhân quyền chỉ trích chuyến đi này, vì họ cho rằng ông Richardson đã tạo « tính hợp pháp » cho chính quyền quân sự Miến Điện. Nhà cựu ngoại giao Mỹ phản bác những cáo buộc này và cho biết ông được « mời đến để nói chuyện trong những tình huống liên quan đến bạo lực, nhu cầu nhân đạo » và trong cuộc gặp kéo dài 90 phút với lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, hai bên chỉ bàn về trợ giúp nhân đạo và tránh bàn luận về chính trị.

    Hôm qua, 08/11/2021, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã họp kín, thảo luận về hồ sơ Miến Điện. Theo Reuters, Liên Hợp Quốc nhắc lại lời kêu gọi quân đội Miến Điện « tôn trọng ý kiến của người dân và đưa đất nước trở lại con đường chuyển đổi dân chủ. »

    Facebook nói đang điều tra lý do ‘bò dát vàng’ bị chặn


    Đầu bếp Nusret Gökçe tức Salt Bae, đi lên từ quán thịt nướng ở quê nhà Thổ Nhĩ Kỳ

    Công ty sở hữu Facebook hôm thứ Ba cho biết họ đã bỏ chặn hashtag (thẻ) '#saltbae' cho biệt danh đầu bếp nổi tiếng Nusret Gokce, sau khi phát hiện hashtag này bị chặn trên toàn cầu, sau khi một video trực tuyến cho thấy Gokce đút một miếng bò bít tết nạm vàng cho một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam tại London, Reuters đưa tin ngày 9/11.

    "Chúng tôi đã bỏ chặn hashtag này trên Facebook và chúng tôi đang điều tra lý do tại sao lại xảy ra việc này," một người phát ngôn của Meta, công ty điều hành Facebook nói với Reuters, đồng thời xác nhận rằng hashtag này đã bị chặn đối với tất cả người dùng Facebook trên toàn cầu chứ không chỉ bị chặn ở Việt Nam.

    Hiện hashtag này có vẻ đã được dùng trở lại không gặp vấn đề trên trang Facebook.

    Bài tường thuật của James Pearson, Trưởng văn phòng hãng tin Reuters tại Hà Nội cho biết không rõ tại sao hashtag từng bị chặn và người phát ngôn của Meta từ chối bình luận về lý do có thể xảy ra.

    "Trong khi nó ['#saltbae'] bị chặn, việc tìm kiếm hastag cho kết quả thông báo rằng có việc vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng".

    "Trong một cuộc điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ vào đầu năm nay, CEO của Meta là Mark Zuckerberg cho biết trí tuệ nhân tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc "kiểm duyệt nội dung", chịu trách nhiệm gỡ bỏ hơn 90% nội dung được coi là vi phạm các qui định của Facebook" bài tường thuật mà Reuters cho biết.

    Đoạn video, khởi đầu được đăng trên tài khoản TikTok chính thức của đầu bếp Gokce và sau đó bị xóa, cho thấy Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Tô Lâm, được đầu bếp nổi tiếng Gokce đút một miếng bít tết nạm vàng tại nhà hàng của Gokce ở London.

    Mặc dù không ai rõ giá bữa ăn là bao nhiêu, nhưng báo chí tiếng Anh nói một phần bít tết như vậy được cho là có giá lên tới 1.450 bảng Anh (1.960 USD).

    Hiện chưa rõ ai trả tiền cho bữa ăn gây chú ý nhiều của dư luận.

    Trong bài tường thuật của Reuters, James Pearson cho biết đã liên lạc với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam để lấy bình luận phục vụ cho bài viết nhưng không nhận được phản hồi.

    Người dùng TikTok Việt Nam nói với Reuters rằng các bản sao của video kể trên sau khi được tải lên mạng xã hội Tiktok đã bị xóa vì vi phạm "tiêu chuẩn cộng đồng",.

    TikTok và anh Gokce từ chối bình luận trong khi Facebook từ chối bình luận về việc liệu chính phủ Việt Nam có yêu cầu xóa video hay không, theo Reuters.

    Cho tới hôm 9/11, báo chí nhà nước và chính phủ Việt Nam không nói gì về video này.

    Còn trên mặt báo tiếng Anh, câu chuyện vẫn đang được nhiều trang tin tường thuật.

    Hürriyet Daily News của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/11 đăng bài với tựa "Salt Bae's treat for Vietnamese minister stirs anger in Asian country".

    Báo Independent của Anh ngày 8/11 thì chạy tít "Vietnamese minister fed £1,450 gold-plated steak after laying flowers at Karl Marx's grave".

    Không có nhận xét nào