Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 23 tháng 11 năm 2021

    Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc, ông Peter Jennings, đã kêu gọi Canberra ngừng cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm, nói rằng, cảng này sẽ có giá trị chiến lược trong trường hợp Bắc Kinh xâm lược Đài Loan, theo Taiwannews.

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 23 tháng 11 năm 2021

    Trong bài viết cho trang The Strategist, ông Peter Jennings, đã mô tả cảng Darwin ở phía bắc nước Úc là một “tài sản chiến lược quan trọng” mà Úc phải sở hữu.

    Ông Jennings viết: “Không có việc nào quan trọng hơn mà chính phủ Morrison có thể thực hiện, ngoài việc chấm dứt hợp đồng cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm.”

    Ông cho rằng biên giới phía bắc của Úc là “thành lũy phía nam thiết yếu của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

    Ông lưu ý, một khi Trung Quốc tấn công Đài Loan, họ sẽ phong tỏa các vùng biển và bầu trời xung quanh hòn đảo để ngăn lực lượng Mỹ và đồng minh tiếp cận vùng chiến sự, bằng cách cấm tàu thuyền qua lại, vô hiệu hoá vệ tinh, đóng cửa lưới điện bằng các cuộc tấn công mạng và các biện pháp đánh phủ đầu khác.

    Vì vậy, ông Jennings nhận định, cảng Darwin và các khu vực xung quanh sẽ rất cần thiết cho việc đóng quân của máy bay Mỹ trong trường hợp này.

    Để đạt được mục tiêu đó, ông nói rằng cảng này nên được cải tạo, và sau đó được tân trang lại, với các cơ sở và căn cứ hàng không mới trong khu vực.

    Ông cũng khuyến nghị Canberra mời các lực lượng quân sự từ Anh, Nhật Bản và Ấn Độ, thiết lập sự hiện diện ở miền bắc Úc, tham gia cùng với Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ.

    Ông Jennings kết luận: Chỉ thông qua sự thể hiện sức mạnh đoàn kết, Úc và các đối tác an ninh của họ, mới có thể thuyết phục Trung Quốc rằng việc đơn phương tấn công Đài Loan là quá rủi ro.

    Toà Bạch Ốc xác nhận ông Biden vẫn muốn làm tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo


    Trả lời truyền thông hôm 22/11, khi được hỏi, ông Biden có ý định tái tranh cử vào năm 2024 hay không, người phát ngôn Toà Bạch Ốc Jen Psaki cho biết: “Đúng. Đó là ý định của Tổng thống”, theo Straitstimes.

    Xác nhận trên được đưa ra trong bối cảnh, hãng tin Washington Post dẫn nguồn thạo tin cho biết, hồi đầu tháng này, ông Biden được cho là đã thông báo với các đồng minh ý định tái tranh cử vào năm 2024, bất chấp những ý kiến lo ngại về tuổi tác.

    Ông Joe Biden, 79 tuổi, là tổng thống đương nhiệm nhiều tuổi nhất trong lịch sử Mỹ. Ý định tái chạy đua vào Toà Bạch Ốc năm 2024, đồng nghĩa với việc ông Biden muốn tái tranh cử ở tuổi 82.

    Cuối tuần trước, ông Biden đã thực hiện đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1.

    Kết quả đánh giá của bác sĩ Kevin O’Connor cho thấy, ông Biden vẫn đủ sức khỏe để hoàn thành các nhiệm vụ của tổng thống. Bác sĩ O’Connor cho biết, chủ nhân Toà Bạch Ốc tập thể dục ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng lưu ý rằng ông Biden thường ho nhiều hơn khi phát biểu trong vài tháng trở lại đây, và nguyên nhân là do trào ngược dạ dày. Ngoài ra, dáng đi của ông Biden cũng kém uyển chuyển hơn trước.

    Kết quả kiểm tra thần kinh của ông Biden cho thấy, không phát hiện bất cứ rối loạn thần kinh trung ương nào, cũng như không phát hiện nguy cơ đột quỵ, đa xơ cứng, hay Parkinson. Về kết quả nội soi đại tràng, bác sĩ O’Connor cho biết ông Biden không gặp vấn đề gì lo ngại.

    Trung Quốc yêu cầu các công ty Đài Loan phải chọn bên


    Tân Hoa xã, hôm thứ Hai (22/11), đưa tin, Far East Group của Đài Loan đã chính thức bị điều tra vì một loạt vi phạm pháp luật và quy định của Trung Quốc. Cùng ngày, Reuters cho hay, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công ty Đài Loan hoạt động tại Trung Quốc cần vạch ra ranh giới giữa họ và những người ủng hộ Đài Loan độc lập.

    Theo Tân Hoa Xã, các cơ quan thực thi pháp luật tại 5 tỉnh, thành phố gồm Thượng Hải, Giang Tô, Giang Tây, Hồ Bắc, Tứ Xuyên đã tiến hành kiểm tra và phát hiện các doanh nghiệp dệt sợi hóa học và xi măng do Far East Group Đài Loan đầu tư tại địa phương có hàng loạt vi phạm.

    Cơ quan ngôn luận của CCP cho biết, các công ty liên quan đến Far East Group thừa nhận rằng họ đã vi phạm pháp luật và các quy định, nói rằng họ đã nộp hoặc đang nộp tiền phạt và thuế theo đúng thủ tục. Việc điều tra các hành vi vi phạm pháp luật và các quy định đối với Far East Group vẫn đang được tiến hành.
    Far East Group bắt đầu thực hiện một loạt các dự án đầu tư vào Trung Quốc từ nhiều năm trước.

    Theo Caixun, Far East Group đã tiếp quản chuỗi Cửa hàng bách hóa Pacific Sogo với 9 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2002. Từ năm 2005, Far East Group liên tục đầu tư vào nhiều địa phương ở Trung Quốc.

    Năm 2010, tổng doanh thu bán lẻ của Far East Group từ các cửa hàng bách hóa của Trung Quốc đạt 5,6 tỷ NDT (gần 900 triệu USD). Vào thời điểm đó, Xu Xudong, chủ tịch của Far East từng nói về tham vọng mở thêm 15 cửa hàng trong 10 năm để tập đoàn này trở thành một thực thể lớn ở Trung Quốc.

    Tuy nhiên thời gian qua, các cửa hàng bách hóa của Far East Group liên tục thua lỗ. Sau khi đánh giá tổng thể, họ buộc phải đóng cửa một số cửa hàng khi mức lỗ lũy kế mà họ đối mặt lên tới gần 9 tỷ NDT.

    Vào cuối ngày thứ Hai, trả lời câu hỏi về việc liệu sự việc đối với Far East Group có liên quan đến việc chính phủ Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các lực lượng ủng hộ Đài Loan độc lập hay không, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc (CTAO) không đưa ra câu trả lời trực tiếp, thay vào đó, họ lặp lại những cáo buộc của Tân Hoa xã chống lại tập đoàn của Đài Loan.

    Tuy nhiên, trong một phát biểu riêng biệt sau đó, CTAO nói rằng những người ủng hộ Đài Loan độc lập đe dọa hòa bình, ổn định và làm tổn hại lợi ích của người dân Trung Quốc.

    Đại diện của CTAO nói: “Họ và nhà cung cấp tài chính cùng các công ty liên quan của họ phải bị trừng phạt theo quy định của pháp luật”.

    CTAO cho biết thêm, Trung Quốc hoan nghênh các công ty Đài Loan, nhưng không cho phép những người ủng hộ Đài Loan độc lập kiếm tiền ở Trung Quốc.

    CTAO nói: “Đa số doanh nhân và doanh nghiệp Đài Loan phải phân biệt đúng sai, giữ vững lập trường, vạch rõ ranh giới với lực lượng ly khai đòi độc lập Đài Loan và có những hành động thiết thực để duy trì sự phát triển hòa bình của quan hệ hai bờ eo biển”.

    Chính phủ Đài Loan vẫn chưa đưa ra bình luận về sự việc này.

    Đài Loan thường xuyên tuyên bố rằng họ là một quốc gia độc lập và Bắc Kinh không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của họ cũng như gây áp lực đối với họ.

    Tàu chiến Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan nhạy cảm


    Hôm 23/11, một tàu chiến của Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan nhạy cảm trong khuôn khổ của hoạt động mà quân đội Mỹ gọi là hoạt động thường lệ nhưng luôn khiến Trung Quốc lên án rằng Washington đang tìm cách khuấy động căng thẳng trong khu vực, theo Reuters.

    Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu khu trục Milius mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã tiến hành “quá cảnh định kỳ qua eo biển Đài Loan” đi qua các vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế.

    “Việc tàu quá cảnh qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Hoa Kỳ có thể hoạt động, phái tàu chiến và máy bay đến bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.

    Chưa có phản hồi ngay lập tức từ phía Trung Quốc về động thái mới này.

    Tháng trước, quân đội Trung Quốc đã lên án Hoa Kỳ và Canada phái tàu chiến qua eo biển Đài Loan, nói rằng các nước này đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.

    Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc, và đã nhiều lần bay máy bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong hơn một năm qua, khiến Đài Bắc tức giận.

    Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan.

    Bắc Kinh gọi Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ với Washington.

    Hàng tháng các tàu Hải quân Hoa Kỳ đi qua eo biển này, trước sự tức giận của Bắc Kinh.

    Các đồng minh của Hoa Kỳ đôi khi cũng phái tàu qua eo biển này, như Anh đã phái tàu chiến đến đây hồi tháng 9.

    Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, công nghệ Mỹ - Nga chưa có


    Hồi mùa hè năm 2021, Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng phóng đầu đạn, một công nghệ mà cả Mỹ và Nga, hai cường quốc về tên lửa, cho đến nay vẫn chưa đạt được.

    Báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 22/11/2021, xác nhận thông tin mà báo Anh Financial Times công bố hôm Chủ Nhật 20/11, theo đó vào hồi tháng 7/2021, Trung Quốc đã thực hiện một vụ thử liên quan đến một "hoạt động tinh vi trong đó một đầu đạn được bắn ra từ một tên lửa siêu thanh đang bay".

    The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ ẩn danh nhận định vụ thử nghiệm này cho thấy năng lực chế tạo tên lửa siêu thanh của Trung Quốc tốt hơn những gì được biết đến từ trước đến nay.

    Còn theo Financial Times, "các chuyên gia của DARPA, Cơ quan nghiên cứu của Lầu Năm Góc, không biết nhờ cách nào Trung Quốc đã bắn thành công được một đầu đạn từ một thiết bị bay ở tốc độ siêu thanh", tức là với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Các chuyên gia có quyền truy cập thông tin từ các cơ quan tình báo Anh cũng không biết đầu đạn rơi xuống biển thuộc loại nào. Một số chuyên gia cho rằng đó là tên lửa không đối không, một số khác lại nghĩ rằng đó là loại pháo mồi được bắn ra để bảo vệ tên lửa siêu thanh trong trường hợp tên lửa này bị nhắm bắn.

    AFP nhắc lại là vào tháng 10/2021, Financial Times loan tin hồi tháng 8, Bắc Kinh đã phóng một tên lửa siêu thanh bay quanh quỹ đạo Trái đất trước khi tên lửa lao xuống mục tiêu, nhưng bị chệch vài km. Bắc Kinh khi đó phủ nhận vụ phóng thử tên lửa, khẳng định đó chỉ là thử nghiệm công nghệ tàu vũ trụ có thể tái sử dụng.

    Tuy nhiên, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Mark Milley, vài ngày sau đó đã nói về một "vụ thử nghiệm rất quan trọng về một hệ thống vũ khí siêu thanh", nhưng không nêu rõ ngày tháng. Tướng Mark Milley so sánh vụ thử nghiệm đó với vụ phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Liên Xô hồi tháng 10/1957, khiến nước Mỹ bị bất ngờ và phải phát động cuộc chạy đua chinh phục không gian.

    80% nguồn nước ngầm ở Trung Quốc đang bị ô nhiễm nghiêm trọng


    Epoch Times đưa tin, chính quyền Bắc Kinh gần đây đã ban hành các quy định về quản lý nước ngầm, làm dấy lên lo ngại về ô nhiễm nước ngầm ở Trung Quốc. Trước đây, một cuộc khảo sát chính thức cho biết hơn 80% nguồn nước ngầm ở Trung Quốc đại lục đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Trung Quốc đại lục là kết quả của các chính sách sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là thảm họa do con người gây ra.

    Vào ngày 22 tháng 11, tại một cuộc họp giao ban chính sách do Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức, Bộ Tài nguyên nước và Bộ Tư pháp đã giới thiệu Quy chế quản lý nước ngầm, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1 tháng 12 năm nay. Bộ Tài nguyên nước thừa nhận rằng “quá trình tái tạo nước ngầm diễn ra chậm chạp, khai thác quá mức và các vấn đề ô nhiễm là rất khó quản lý và khắc phục”.

    Các quan chức TQ đã tiết lộ tại cuộc họp rằng nguồn tài nguyên nước ngầm của Trung Quốc đã lên tới hơn 855 tỷ mét khối vào năm 2020.

    Các nguồn tin cho biết: Tổng diện tích khai thác quá mức nước ngầm ở TQ là 280.000 km vuông, với mức khai thác quá mức trung bình hàng năm là 15,8 tỷ mét khối. Tình trạng khai thác nước ngầm nghiêm trọng nhất là ở miền Bắc TQ.

    Việc khai thác quá mức nước ngầm đã dẫn đến sự suy giảm mực nước ngầm, rút ​​cạn tầng chứa nước, khiến nguồn nước ngày càng cạn kiệt, gây sụt lún mặt đất, thu hẹp sông hồ, nước biển xâm thực, suy thoái sinh thái và các vấn đề khác.

    Các quan chức cũng nói rằng vấn đề ô nhiễm nước ngầm cũng rất đáng lưu tâm. Nguyên nhân gây ô nhiễm nước ngầm chủ yếu là do nước thải từ các khu công nghiệp và nước thải sinh hoạt ở các khu đô thị

    Hiện nước ngầm ở “Đồng bằng sông Châu Giang” của Quảng Đông chứa asen gấp 15 lần giới hạn cho phép .

    Asen là một chất giống như kim loại với độc tính mạnh gấp 4 lần thủy ngân. Asen dễ dàng hòa tan trong nước để tạo thành các dung dịch có tính axit. Việc hấp thụ lượng lớn asen trong một thời gian dài có thể dẫn tới ngộ độc. Asen nằm ở lớp trầm tích của vỏ trái đất do vậy thường xuất hiện trong các tầng nước ngầm và nước bề mặt. Ngoài ra, Asen xuất hiện trong nước ngầm cũng có thể là hậu quả của ô nhiễm nguồn nước.

    Trong một cuộc phỏng vấn với East.com, giáo sư John A. Cherry, nhà địa chất thủy văn nổi tiếng người Canada nói rằng nước ngầm ở nhiều vùng nông thôn ở Trung Quốc đại lục hiện đang bị ô nhiễm và có tới 80% nguồn nước ở một số vùng nông thôn có vấn đề.

    Ngay từ năm 2012, ông Cherry cùng với các chuyên gia từ Hồng Kông và đại lục đã đến khu vực đồng bằng sông Châu Giang để khai thác nước ngầm mang về phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác kiểm tra. Sau khi kiểm tra phát hiện ra rằng nguồn nước địa phương này chứa tới 161 microgram asen / lít, vượt qua tiêu chuẩn an toàn của WHO gấp 15 lần. Nếu uống nước có chứa trên 50 microgam asen / lít , về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ; còn nếu trực tiếp khai thác để dùng cho việc canh tác, nhất định sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, khiến cây trồng mang độc tố.

    TNS Mỹ kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh


    Thượng nghị sĩ Tom Cotton hôm thứ Hai kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, một phần là vì ‘TT Biden không thể bảo đảm sự an toàn của’ người Mỹ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Ông Cotton nói với Fox News: “Ủy ban Olympic Quốc tế đang hoạt động như một bình phong cho đảng cộng sản Trung Quốc. Tuần trước, tôi đã kêu gọi tẩy chay toàn bộ và hoàn toàn thế vận hội này một phần vì chính quyền Biden không thể bảo đảm an toàn cho các vận động viên, huấn luyện viên và nhân viên của chúng tôi”.

    Thượng nghị sĩ Mỹ nói thêm: “Nếu đảng cộng sản Trung Quốc bắt các vận động viên của chính họ và cho những người này biến mất, sau đó lại cho xuất hiện trong các video bắt con tin như thế này, vậy thì họ sẽ làm gì với các vận động viên của chúng ta? Đây là một chế độ đang thực hiện tội ác diệt chủng đối với chính người dân của mình. Chúng ta không nên làm bất cứ điều gì để ăn mừng hoặc tôn vinh Trung Quốc với các thế vận hội Olympic này. Chúng ta có thể bỏ phiếu lại. Có lẽ khoảng nửa tá quốc gia châu u có thể tổ chức thế vận hội vào tháng Hai nếu chúng ta chuyển địa điểm đăng cai bây giờ”.

    Không có nhận xét nào