Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 13 tháng 11 năm 2021

    Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ họp trực tuyến với Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình vào tối thứ Hai, 15/11 (theo giờ Hoa Kỳ), Tòa Bạch Ốc loan báo hôm 12/11.

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 13 tháng 11 năm 2021

    “Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các phương thức xử lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm giữa Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cũng như các cách hợp tác khi quyền lợi của đôi bên cùng hướng,” phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói.

    “Xuyên suốt, Tổng thống Biden sẽ nêu rõ những ý định và ưu tiên của Mỹ và sẽ rõ ràng, thẳng thắn về những quan ngại của chúng ta với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” bà Psaki nói.

    Washington và Bắc Kinh xích mích về những vấn đề từ nguồn gốc của đại dịch COVID-19 đến việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Các giới chức Mỹ tin rằng giao tiếp trực tiếp với ông Tập là cách tốt nhất để ngăn các quan hệ giữa hai nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng xung đột.

    Bắc Kinh cũng muốn tránh đối đầu vì ông Tập đang đối mặt trước một năm quan trọng trước mắt khi Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội mùa Đông và Đại hội đảng quan trọng mà qua đó ông Tập tìm cách đảm bảo một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ.

    Cuộc họp tối thứ Hai 15/11 đánh dấu những cuộc thảo luận cấp lãnh đạo sâu rộng nhất giữa Trung Quốc và Mỹ đối với chính quyền Biden cho đến nay.

    Cuộc gặp sẽ diễn ra sau khi ông Biden ký ban hành thỏa thuận cơ sở hạ tầng lưỡng đảng trị giá 1.000 tỉ đô la vào ngày 15/11 để đón mừng những kế hoạch nội địa mà chính quyền Biden tin là sẽ đặt Mỹ vào vị thế cạnh tranh vượt Trung Quốc

    Trung Quốc cảnh cáo Mỹ không nên ủng hộ Đài Loan độc lập


    Trong một tuyên bố do bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra hôm nay, 13/11/2021, ngoại trưởng Vương Nghị đã cảnh cáo Hoa Kỳ không nên ủng hộ Đài Loan độc lập.

    Cụ thể, ông Vương Nghị, kiêm Ủy viên Quốc vụ, đã tuyên bố với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là Washington không nên gởi “những tín hiệu sai lạc” đến “các thế lực đòi độc lập cho Đài Loan”. Ông Vương Nghị còn nói với đồng nhiệm Mỹ: “ Nếu muốn duy trì hòa bình ở vùng eo biển Đài Loan, Hoa Kỳ phải rõ ràng và kiên quyết chống lại bất cứ hành vi nào của phe đòi độc lập cho Đài Loan.”

    Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã gia tăng trong những tháng gần đây, với việc Đài Bắc tố cáo phi cơ quân sự Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

    Xin nhắc lại là hôm thứ Tư vừa qua, ông Blinken đã tuyên bố là Hoa Kỳ và các đồng minh phải có hành động, nếu Trung Quốc dùng vũ lực để làm thay đổi nguyên trạng của Đài Loan.

    Trong khi đó, trả lời phỏng vấn nhật báo The Australian hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Peter Dutton tuyên bố nước Úc phải trợ giúp Hoa Kỳ, nếu Washington có hành động để bảo vệ Đài Loan.

    Bắc Kinh đã ra lời cảnh cáo Mỹ về Đài Loan vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc vào sáng thứ Ba, 16/11, theo giờ châu Á.

    Toà án Mỹ khẳng định giữ nguyên quyết định chặn chính sách bắt buộc tiêm vaccine của chính quyền ông Biden


    Theo tin từ Reuters, toà án phúc thẩm Mỹ hôm thứ Sáu đã giữ nguyên quyết định của mình về việc chặn lại chính sách của chính quyền Joe Biden buộc tiêm vaccine hoặc xét nghiệm PCR hàng tuần với toàn bộ nhân viên tại các doanh nghiệp có quy mô hơn 100 lao động trở lên. Toà án chính thức bác bỏ thách thức đưa ra bởi chính quyền của ông Joe Biden

    Hội đồng 3 thẩm phán của Tòa án phúc thẩm thứ Năm ở New Orleans của Mỹ đã tái khẳng định quyết định của toà trước đó về việc chặn chính sách của chính quyền tổng thống Joe Biden buộc tiêm vaccine đầy đủ hoặc xét nghiệm PCR hàng tuần tại các doanh nghiệp có quy mô lao động trên 100 người.

    Việc tái khẳng định quyết định của Toà phúc thẩm thứ Năm được đưa ra hôm thứ Sáu (12/11) vừa qua sau khi Tòa đã nhận và xem xét hồ sơ phản hồi từ chính quyền Joe Biden.

    Toà án cho rằng “Chính sách buộc tiêm vaccine đang bị lộng hành quá mức một cách đáng kinh ngạc”.

    Thẩm phán Kurt Engelhardt của Tòa thẩm phán thứ Năm đã viết cho hội đồng hội thẩm: “Chính sách này là một chiếc búa tạ giáng xuống bất kỳ doanh nghiệp nào [có quy mô trên 100 người] mà không hề cố gắng giải thích (hay thấu hiểu) về sự khác biệt trong điều kiện làm việc (và người lao động).”

    Chính sách bắt buộc tiêm vaccine đã gây chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ. Những người ủng hộ cho rằng vaccine là giải pháp duy nhất để kết thúc 2 năm đại dịch trong khi ý kiến phản đối cho rằng chính sách tiêm vaccine bắt buộc là vi hiến và vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân. Chưa kể, các hiệu quả ngày một suy giảm của vaccine trong việc phòng chống lại dịch bệnh; số liệu người nhiễm và chết vì Covid-19 sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine gia tăng và tác dụng phụ (thậm chí gây ra cái chết của hơn 6 ngàn người Mỹ sau tiêm, số liệu công bố của CDC) cũng làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt vaccine trong lòng nước Mỹ.

    Toà án phúc thẩm thứ Năm của nước Mỹ đồng tình với quan điểm phản đối chính sách buộc tiêm vaccine này.

    “Lợi ích cộng đồng cũng được phục vụ bởi việc duy trì hiến pháp và tự do cá nhân trong việc đưa ra các quyết định cá nhân mạnh mẽ theo niềm tin của họ, thậm chí – trong trường hợp đặc biệt – các quyết định đó khiến các quan chức chính phủ thất vọng”, thẩm phán Engelhardt viết.

    Chính sách bắt buộc tiêm vaccine ở các doanh nghiệp tư nhân có quy mô từ 100 lao động trở lên, hoặc phải tiêm phòng hàng tuần, được đưa ra bởi Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (OSHA); chính sách cũng yêu cầu phải đeo khẩu trang bắt buộc.

    Theo Reuters, các quan chức Nhà Trắng hiện chưa ngay lập tức đưa ra các bình luận về phán quyết, được ca ngợi như một chiến thắng pháp lý của Bộ trưởng Bộ tư pháp Texas Ken Paxton. Bang Texas, cùng với nhiều tiểu bang khác của Mỹ (27 bang), cùng với nhiều doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo đã đệ đơn thách thức pháp lý với chính sách này của chính quyền ông Biden.

    Bộ trưởng Bộ tư pháp Texas, ông Paxton cho biết trên Twitter: “Trích dẫn lập luận thuyết phục của Texas [s] ‘, Toà thẩm phán thứ Năm đã duy trì nhiệm vụ ngăn cản chính sách vi hiến và bất hợp pháp về vaccine cho các doanh nghiệp tư nhân”.

    Chính quyền ông Biden đã áp đặt chính sách bắt buộc tiêm chủng vào tháng Chín với lý do “sự kiên nhẫn của chúng tôi [chính phủ Mỹ] đang hao mòn bởi những người từ chối tiêm chủng.”

    Điện thoại di động của bạn có thể ngừng hoạt động vào năm 2022


    Lý do khiến các điện thoại cũ ngừng hoạt động là do nhiều nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ bắt đầu ngừng hỗ trợ mạng 3G trong năm mới. Ước tính vẫn có hàng triệu điện thoại đang được sử dụng dựa vào mạng 3G đó để hoạt động.

    Chúng ta đang nói về một số nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn, bao gồm AT&T, Verizon, T-Mobile và nhiều nhà cung cấp dịch vụ di động khác cho đến các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ hơn phụ thuộc vào các mạng lớn hơn hoạt động.

    Tại thời điểm này, vẫn chưa chắc chắn về thời điểm các nhà cung cấp dịch vụ 3G sẽ ngừng dịch vụ của họ. Điều này tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động của bạn, bạn có thể bị ngừng phục vụ, sớm nhất vào ngày 1 Tháng Giêng năm 2022.

    Tuy nhiên, việc mất dịch vụ của bạn có thể không xảy ra cho đến cuối năm. Trong thời gian này, nhiều nhà mạng đang bắt đầu nâng cấp miễn phí cho các thiết bị mới hơn để bạn không gặp bất kỳ sự gián đoạn dịch vụ nào.

    Chưa có thông tin nào về việc chiếc điện thoại cũ không tương thích và sau đó sẽ mất dịch vụ. Suy đoán là các điện thoại nắp gập cũ hơn và một số điện thoại thông minh trước đó sẽ bị ảnh hưởng.

    Để bảo đảm an toàn, bạn nên liên hệ với nhà cung cấp của mình và tìm hiểu xem điện thoại của bạn có thể bị ảnh hưởng hay không. (Theo livestly.com)

    Rosneft bán toàn bộ cổ phần trong liên doanh khai thác ở lô dầu khí 06.1


    Hãng tin Nhà nước Nga TASS hôm 12/11 trích báo cáo tài chính của công ty Rosneft cho biết công ty này đã bán toàn bộ cổ phần của công ty trong liên doanh Rosneft Vietnam BV, liên doanh hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí ở lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn của Việt Nam đã từng bị tàu hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu từ năm 2019 đến nay.

    Rosneft nắm giữ 35% cổ phần trong Liên doanh Rosneft Vietnam BV, công ty ONGC của Ấn Độ nắm 45% cổ phần, 20% cổ phần còn lại do PVN của Việt Nam nắm giữ. Dự án khai thác khí và khí ngưng tụ ở lô 06.1 được thực hiện theo hợp đồng chia sẻ sản phẩm giữa ba bên và đã kéo dài khoảng 18 năm qua với ba mỏ là Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại.

    Từ khoảng giữa tháng 5/2019 đến gần cuối tháng 10 cùng năm, Trung Quốc đã điều tàu hải cảnh và tàu thăm dò Hải dương địa chất 8 vào quấy nhiễu hoạt động thăm dò khi công ty Rosneft Vietnam BV triển khai giàn khoan Hakuryu 5 ra thăm dò ở tại một giếng ở mỏ Phong Lan Dại, cách bờ biển Việt Nam khoảng 190 hải lý, tức nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời cũng nằm trong đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển.

    Vào tháng 6 năm ngoái, dưới sức ép của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã phải quyết định bỏ hợp đồng thuê giàn khoan Noble Clyde Boudreaux được sử dụng trong khoan thẩm lượng mỏ Phong Lan Dại của liên doanh Rosneft Vietnam BV.

    Trong thời gian qua, Trung Quốc đã cho các tàu khảo sát, tàu cá và tàu hải cảnh vào quấy nhiễu các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của các quốc gia láng giềng bao gồm Việt Nam, Malaysia và Philippines.

    Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển nhưng đã bị Toà Trọng tài Quốc tế bác bỏ tính hợp lệ trong một phán quyết vào năm 2016.

    Bắc Kinh không muốn các quốc gia láng giềng thực hiện thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông với các nước bên ngoài khu vực mà chỉ muốn hoạt động này được thực hiện với các công ty của Trung Quốc.

    Hoa Kỳ : Cựu cố vấn Steve Bannon bị buộc tội hình sự coi thường Quốc Hội


    Ông Stephen Bannon, cố vấn lâu năm của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu chiến lược gia trưởng của Tòa Bạch ốc, đã bị buộc tội hình sự vì không tuân thủ trát đòi của Ủy ban Hạ viện điều tra vụ tấn công ngày 6 Tháng Giêng vào Điện Capitol, Bộ Tư pháp cho biết vào hôm nay thứ Sáu 12 Tháng Mười Một.

    Ông Bannon đã từ chối thi hành trát đòi ra khai trước Hạ Viện và nộp các tài liệu liên quan, với lý do ông Trump đã nói rằng ông Bannon có quyền từ chối theo một nguyên tắc pháp lý được gọi là đặc quyền hành pháp. Quan điểm của ông Trump về đặc quyền này đã bị một thẩm phán bác bỏ.

    Vì hành động từ chối thi hành trát đòi, ông Bannon, 67 tuổi, bị buộc tội với một tội danh khinh thường Quốc hội và một tội danh khác liên quan đến việc ông ta từ chối xuất trình tài liệu, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết.

    Khinh thường Quốc hội là một tội nhẹ, có thể bị phạt một năm tù và $100,000.

    Ông Bannon đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

    Về vụ này, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland ra tuyên bố cho biết: “Kể từ ngày đầu tiên nhậm chức, tôi đã hứa với các nhân viên của Bộ Tư pháp rằng chúng ta sẽ cùng nhau chứng minh cho người dân Mỹ bằng lời nói và hành động rằng bộ tuân thủ pháp quyền, tuân theo sự thật và luật pháp và theo đuổi công lý bình đẳng theo luật pháp.”

    Ông Bannon từng là chiến lược gia chính cho ông Trump sau khi đóng vai trò cấp cao trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump. Ông Bannon vẫn là cố vấn cho Trump ngay cả sau khi ông rời bỏ công việc ở Tòa Bạch ốc.

    Hôm 21 Tháng Mười, Hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo đã bỏ phiếu 229/202 cáo buộc ông Bannon khinh thường Quốc hội. Có chín dân biểu đảng Cộng hòa tham gia cùng đảng Dân chủ để đề nghị cáo buộc chống lại Bannon. Hầu hết các dân biểu đảng Cộng hòa trong Quốc hội phản đối việc thành lập một ủy ban độc lập hoặc một ủy ban được lựa chọn để điều tra các sự kiện xung quanh vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng.

    Vào ngày hôm đó, một đám đông những người ủng hộ ông Trump đã tấn công Điện Capitol nhằm ngăn chặn Quốc hội chứng nhận chính thức chiến thắng bầu cử của Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử Tháng Mười Một năm ngoái. Trước khi xảy ra vụ bạo loạn, ông Trump đã có bài phát biểu trước những người ủng hộ, nhắc lại những tuyên bố sai lầm rằng ông đã bị đánh cắp chiến thắng trong một cuộc bầu cử gian lận lan rộng và thúc giục người ủng hộ tuần hành đến Điện Capitol và “chiến đấu như địa ngục” để “ngăn chặn hành vi trộm cắp.”

    Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện cho rằng ông Bannon đã đưa ra các tuyên bố công khai cho thấy ông ta biết trước về “các sự kiện cực đoan” sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng. Bannon nói trên podcast ngày 5 tháng Giêng rằng “tất cả địa ngục sẽ tan rã trong ngày mai.”

    Báo Pháp: Cựu vô địch quần vợt Trung Quốc ‘mất tích’ sau khi tố cáo cựu phó thủ tướng tấn công tình dục


    Sau khi đăng một bài viết dài tố cáo ông Trương Cao Lệ, cựu Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quấy rối tình dục trên Weibo hôm 2/11, vận động viên quần vợt nổi tiếng Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai) đã ‘bặt vô âm tín’ cho đến nay. Đây cũng là chủ đề được đọc nhiều nhất trên kênh truyền thông Pháp vào ngày 11/11, theo Epoch Times.

    Hôm 11/11, Tờ Le Monde của Pháp đã đăng bài viết của phóng viên ở Trung Quốc Simon Leplâtre, nói rằng hiện không có tin tức gì về bà Bành Soái, sau khi cáo buộc cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ ép quan hệ tình dục.

    Theo kênh truyền thông Pháp, bà Bành vẫn hoàn toàn im lặng kể từ khi công khai vụ việc. Điều này khiến nhiều người bày tỏ lo lắng rằng, liệu bà có gặp phải chuyện xui xẻo gì không.

    Bài viết của bà Bành còn trụ được khoảng 20 phút trên Weibo rồi mới bị chặn, vụ việc khiến Internet náo loạn. Một lượng lớn cư dân mạng đã chụp ảnh màn hình nội dung bài đăng của bà và chia sẻ nó.

    Kể từ đó, bà Bành bị “phong sát” trên toàn bộ Internet, tài khoản Weibo của bà cũng không có nội dung cập nhật. Vào ngày bà tiết lộ thông tin chấn động này, ngay cả từ “quần vợt” cũng bị Weibo chặn, những cuộc thảo luận về các từ khóa bao gồm Bành Soái, phó thủ tướng, Trương Cao Lệ, v.v. cũng đều bị chặn.

    Bài báo của kênh truyền thông Pháp cũng cho biết, ở nước ngoài, cư dân mạng Hoa kiều sôi nổi suy đoán trên Twitter rằng: “Bành Soái còn sống ở Bắc Kinh không? Hay bà ấy đã trốn sang Mỹ rồi mới tung tin này?”. Việc bà Bành im lặng sau khi cáo buộc ông Trương tấn công tình dục, khiến nhiều người lo ngại cho sự an nguy của bà.

    Ông Vương Đan, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng sống ở nước ngoài nói rằng, việc ông Trương bị ngôi sao quần vợt vạch trần mối quan hệ bất luân không có gì đáng ngạc nhiên, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ không “tham của háo sắc” mới là điều kỳ lạ. Nhưng có hai điểm đáng chú ý là:

    Cần rất nhiều can đảm và tự tin để báo cáo tên thật của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (Trương Cao Lệ). Vậy ai đã cho Bành Soái can đảm như vậy?

    Vụ bê bối này nổ ra ngay trước thềm Phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 19, thời điểm này thực sự quá trùng hợp.

    Không có nhận xét nào