Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 01 tháng 11 năm 2021

    Các nhà lãnh đạo G20 đã đồng ý làm việc để đạt được mức độ trung hòa carbon “vào khoảng giữa thế kỷ” và cam kết chấm dứt tài trợ cho các nhà máy than ở nước ngoài vào cuối năm nay.

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 01 tháng 11 năm 2021

    Thông cáo cuối cùng được đưa ra hôm Chủ nhật (ngày 31/10) khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài hai ngày, trước các cuộc đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, COP26, vào tuần này tại Glasgow, Scotland.

    Các nhà lãnh đạo ở Rome đã trao đổi về nỗ lực đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

    Nhóm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu chiếm hơn 3/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới.

    Hơn hai chục quốc gia trong tháng này đã tham gia nỗ lực do Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu dẫn đầu nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải khí mê-tan so với mức năm 2020 vào năm 2030.

    Tuy nhiên, than là một điểm gây tranh cãi lớn. Các thành viên G20 gồm Trung Quốc và Ấn Độ đã chống lại nỗ lực đưa ra tuyên bố về việc loại bỏ dần tiêu thụ than nội địa.

    Trả lời các phóng viên trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh, một quan chức cấp cao trong chính quyền Hoa Kỳ cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác đang hy vọng đạt được cam kết chấm dứt tài trợ nước ngoài cho sản xuất nhiệt điện than.

    Tài trợ về khí hậu, cụ thể là cam kết từ các quốc gia giàu có cung cấp 100 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm tài trợ về khí hậu để hỗ trợ các nỗ lực của các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, là một mối quan tâm chính khác.

    Indonesia, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch G20 vào tháng 12, đang thúc giục các nước phát triển thực hiện các cam kết tài chính của họ ở cả Rome và Glasgow.

    Ngoại trưởng Blinken: Hoa Kỳ thảo luận với đồng minh về việc đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân


    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm Chủ nhật nói rằng Hoa Kỳ "hoàn toàn đồng hành" với Anh, Đức và Pháp về việc đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân, nhưng nói thêm rằng không rõ liệu Tehran có sẵn sàng tái tham gia các cuộc đàm phán "một cách có ý nghĩa” hay không.

    Ông Blinken nói như vậy trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm Chủ nhật, một ngày sau khi Mỹ, Đức, Pháp và Anh thúc giục Iran nối lại việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để "tránh một sự leo thang nguy hiểm".

    Thỏa thuận, theo đó Iran cắt giảm hoạt động hạt nhân được coi là có nguy cơ phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trên toàn cầu, đã đổ vỡ vào năm 2018 sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận, dẫn tới việc Tehran vi phạm các giới hạn về làm giàu uranium được đặt ra trong thỏa thuận.

    Ông Blinken nói về khả năng Iran tái tham gia thỏa thuận: “Điều đó thực sự phụ thuộc vào việc Iran có nghiêm túc làm điều đó hay không”.

    Ông nói thêm: “Tất cả chúng tôi, cùng với Nga và Trung Quốc, tin tưởng mạnh mẽ rằng đó sẽ là con đường tốt nhất”.

    Các nhà lãnh đạo của bốn quốc gia hy vọng thuyết phục Tehran ngừng làm giàu uranium tới gần mức có thể sản xuất vũ khí, hôm thứ Bảy cho biết họ muốn có một giải pháp thương lượng.

    "Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết liệu Iran có sẵn sàng quay trở lại để tham gia một cách có ý nghĩa hay không", ông Blinken nói hôm Chủ nhật. "Nhưng nếu không, nếu không, thì chúng tôi cùng nhau xem xét tất cả các phương án cần thiết để giải quyết vấn đề này”.

    Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Iran nói riêng rẽ rằng nếu Hoa Kỳ nghiêm túc trong việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc thế giới, Tổng thống Joe Biden có thể chỉ cần ban hành "mệnh lệnh hành pháp", tờ báo nhà nước Iran đưa tin.

    Bầu cử Nhật Bản: Liên minh cầm quyền đạt kết quả đỡ tồi hơn dự báo


    Theo các thẩm định mới nhất được công bố hôm nay, 01/11/2021, liên minh cầm quyền tại Nhật Bản đã mất ít ghế hơn là dự báo trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 31/10, được xem là trắc nghiệm lớn đầu tiên của đối với thủ tướng Fumio Kishida.

    Trong một cuộc họp báo, ông Kishida cho rằng cuộc bầu cử đã “rất khó khăn”, nhưng cử tri đã cho thấy họ mong muốn “một chính phủ ổn định” của phe đa số mãn nhiệm để xây dựng tương lai cho đất nước.

    Theo tổng kết mới nhất của truyền thông Nhật Bản, đảng Dân Chủ Tự Do, đảng bảo thủ và đối tác là đảng cánh trung hữu Komeiko đã giành được 293 ghế trên tổng số 465 ghế của Hạ Viện Nhật Bản. Tuy có số ghế ít hơn số 305 ghế trong Hạ Viện cũ, liên minh cầm quyền vẫn giữ được một đa số đáng kể để bảo đảm sự ổn định cho chính phủ của thủ tướng Kishida.

    Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường trình:

    “Đảng bảo thủ vốn ngự trị chính trường Nhật Bản từ sau Thế Chiến thứ hai đã lãnh vài đòn trong cuộc bầu cử này. Ông Akira Amari, nhân vật lãnh đạo số hai của đảng, đã không tái đắc cử. Ông chính là nhà kiến tạo chiến lược tăng trưởng kinh tế Abenomics. Đảng bảo thủ cho tới nay đã không tiến hành các cải tổ cần thiết để tiếp sức sống mới cho nền kinh tế thứ ba thế giới.

    Bất ngờ của cuộc bầu cử lần này đến từ Đảng Phục Hồi Nhật Bản (Ishin no kai), đã tăng gấp ba số dân biểu ở nghị viện. Đảng này quy tụ các chính khách bảo thủ trẻ chủ trương các cải tổ sâu rộng cho nền kinh tế Nhật Bản, một nền kinh tế có quy định chặt chẽ nhất thế giới và cũng là nền kinh tế có năng suất kém nhất trong nhóm G7.

    Đảng Phục Hồi Nhật Bản sẽ thúc đẩy thủ tướng Fumio Kishida tự do hóa nền kinh tế để đối phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc, đồng thời buộc đảng bảo thủ từ bỏ thái độ tự mãn”.

    Hội nghị khí hậu COP26 khai mạc


    Khi COP26, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, khai mạc tại Glasgow vào Chủ nhật, các lãnh đạo thế giới cũng vừa hoàn thành thượng đỉnh G20 tại Rome. Tuyên bố bế mạc của họ dường như không sáng sủa lắm trước thềm hội nghị khí hậu. Cụ thể, các nước G20 – chiếm khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính – tái khẳng định cam kết của họ với thỏa thuận Paris 2015 nhằm “theo đuổi nỗ lực” giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng họ né tránh cách làm cụ thể, và chỉ đưa ra cam kết “hỗ trợ” các nước loại bỏ than và tăng cường kế hoạch quốc gia để cắt giảm khí thải “nếu cần.”

    Phong cách né tránh như vậy trái ngược với sự khẩn trương của Alok Sharma, chủ tịch COP26. Bài phát biểu khai mạc của ông nhấn mạnh cần thiết phải đảm bảo “cái gì Paris hứa, Glasgow phải thực hiện.” Những người tham gia tại COP26 có hai tuần để tìm cách duy trì các mục tiêu của thỏa thuận Paris. Không thể trì hoãn được nữa.

    Tổng thống Pháp hối thúc Trung Quốc gửi tín hiệu rõ ràng về biến đổi khí hậu


    Bất chấp việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi nhà lãnh đạo độc tài của Trung Quốc Tập Cận Bình gửi một “tín hiệu rõ ràng” tới thế giới về biến đổi khí hậu trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Scotland, Trung Quốc đã không đệ trình một mục tiêu phát thải rõ ràng, và ông Tập đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh này.Hôm 26/10, Phủ Tổng thống Pháp cho biết trong một tuyên bố rằng ông Macron thúc giục ông Tập nâng cao đáng kể các mục tiêu của Trung Quốc trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và đạt được tiến bộ “cụ thể” nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào than đá.

    Trung Quốc, quốc gia góp phần phát thải CO2 lớn nhất thế giới, vẫn chưa đưa ra mục tiêu phát thải vì biến đổi khí hậu. Trung Quốc đã cam kết đạt được mức trung lập carbon vào năm 2060 và ngừng gia tăng lượng khí thải vào năm 2030, nhưng nước này vẫn chưa xác định được ngày mà lượng khí thải của họ sẽ đạt mức cao nhất.

    Chính quyền Trung Quốc không những không đưa ra bất kỳ cam kết mới nào trong các mục tiêu giảm phát thải của họ, mà ông Tập còn không tham dự hội nghị thượng đỉnh. Ông chỉ tham gia qua cuộc gọi hội nghị trực tuyến.

    Hôm 27/10, chỉ vài ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu Toàn cầu COP26 diễn ra, chính quyền Trung Quốc đã công một bố bạch thư về “Các Chính sách và Hành động của Trung Quốc để Giải quyết vấn đề Biến đổi Khí hậu,” tuyên bố rằng họ đã vượt quá mục tiêu cắt giảm carbon “5 Năm lần thứ 13”, và sẽ thực hiện các mục tiêu quốc gia nhằm tăng cường kiểm soát phát thải khí nhà kính.

    Bạch Thư do Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành cho biết rằng việc ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được “những kết quả tích cực.” Cường độ phát thải carbon năm 2020 giảm 18.8% so với năm 2015, về cơ bản đang ngăn chặn được tốc độ tăng nhanh của việc phát thải carbon dioxide.

    Bạch thư này cũng nêu rõ rằng hôm 16/07/2021, thị trường carbon quốc gia đã chính thức khởi động giao dịch trực tuyến, biến nó trở thành thị trường carbon lớn nhất thế giới. Tính đến ngày 30/09/2021, khối lượng giao dịch tích lũy của các khoản cho phép phát thải carbon trên thị trường carbon quốc gia là khoảng 17.65 triệu tấn, và giá trị giao dịch tích lũy là khoảng 801 triệu RMB (125 triệu USD).

    Nguồn cung cấp điện của Trung Quốc chủ yếu dựa vào than và nước này hiện đang hứng chịu cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất trong 20 năm. Những lo ngại xung quanh tình trạng thiếu hụt năng lượng dài hạn và không cung cấp đủ năng lượng trong mùa đông này đang gia tăng. Nhà cầm quyền này đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì một mặt phải ứng phó với áp lực quốc tế đòi hỏi Trung Quốc phải tăng tốc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhưng mặt khác cũng phải duy trì nguồn cung cấp năng lượng ổn định trong nước.

    Một số phương tiện truyền thông quốc tế đã suy đoán rằng sự vắng mặt của ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh có thể là do ông không chuẩn bị thực hiện nhiều cam kết hơn nữa để chống biến đổi khí hậu hoặc tăng các mục tiêu quốc gia về giảm lượng khí thải.

    Không có nhận xét nào