Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 25 tháng 11 năm 2021

    Chính phủ Anh cho biết lại đề nghị phía Pháp tiến hành các hoạt động tuần tra chung của cảnh sát tại eo biển Manche, dọc theo bờ biển bên phía Pháp, để ngăn chặn các vụ vượt biên trái phép.

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 25 tháng 11 năm 2021

    Luân Đôn đã nhắc lại đề nghị này sau vụ 27 di dân bị chết đuối khi tìm cách vượt biên từ Pháp sang Anh. Và xác các nạn nhân được tìm thấy hôm qua, 24/11/2021, gây sốc lớn trong công luận.

    Quốc vụ khanh Anh, Tom Pursglove, phụ trách nhập cư, được AFP trích dẫn, cho biết, thủ tướng Boris Johnson trước đây đã đề nghị hai nước cùng phối hợp tuần tra chung bên phía bờ biển nước Pháp. Tuy nhiên, Paris đã bác bỏ với lý do chủ quyền. Hôm qua, nhân thảm kịch này, ông Johnson nhắc lại đề nghị nói trên.

    Từ Luân Đôn, thông tín viên Marie Boëda tường trình :

    Thủ tướng Anh Boris Johnson nói ông bị sốc và phẫn nộ. Dòng người di cư từ bờ biển Pháp vào Anh Quốc làm cho quan hệ hai nước căng thẳng từ nhiều năm qua. Bộ trưởng Nội vụ Anh chỉ trích Pháp không giám sát chặt chẽ bờ biển của mình.

    Nhưng sau vụ đắm thuyền, bây giờ không phải là lúc mâu thuẫn, thủ tướng Johnson kêu gọi mọi người đoàn kết.

    Ông cho biết : “Tôi nói với các đối tác bên Pháp và đây là lúc tất cả chúng ta phải cùng nhau chung sức làm hết khả năng của mình để triệt phá các băng nhóm buôn người này.”

    Một hiệp hội nhân đạo giúp đỡ người di cư cho rằng Vương quốc Anh là "đồng phạm của những kẻ đưa người nhập cư bất hợp pháp". Họ kêu gọi lập ra những con đường an toàn.

    Còn chính phủ Anh thì muốn ngăn cản những cuộc vượt biên bất hợp pháp này. Trong một dự luật gây tranh cãi, Luân Đôn muốn giảm bớt việc cấp quy chế tị nạn và tăng cường các trừng phạt đối với những kẻ buôn người.

    Tờ Financial Times sáng nay 25/11 viết rằng đây là thảm họa nghiêm trọng nhất tại biển Manche.

    Mùa đông vừa bắt đầu, biển động hơn, rủi ro vượt biển sẽ nhiều hơn. Năm nay, hơn 25.700 người đã vượt biển sang Anh.

    Hôm nay 25/11/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với thủ tướng Johnson. Nguyên thủ Pháp mong muốn hai nước hợp tác chặt chẽ và nhấn mạnh mọi hành động giữa 2 nước phải hết sức thận trọng, nhất là những việc liên quan đến mạng sống con người. Cũng trong hôm nay, bộ trưởng Nội Vụ Pháp và Anh gặp nhau để bàn cụ thể về hồ sơ di dân.

    Tranh cãi xoay quanh Bongbong Marcos, ứng viên tổng thống Philippines

    Vào thứ Sáu, cơ quan bầu cử Philippines sẽ bắt đầu nghe điều trần xoay quanh các kiến nghị ngăn Ferdinand “Bongbong” Marcos tranh cử tổng thống. Marcos – con trai của cố Tổng thống Ferdinand Marcos và bà Imelda – là người có khả năng cao nhất sẽ thắng cuộc bầu cử tháng 5 tới, theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây. Nhưng nhiều người dân Philippines có thái độ thù địch sâu sắc đối với ông và gia đình ông.

    Ba trong số các đơn kiến nghị là về một bản án hình sự của ông Marcos vào năm 1995, vì đã không khai thuế thu nhập từ năm 1982 đến năm 1985. (Trớ trêu thay, cha của ông cấm bất kỳ quan chức nào bị kết án liên quan đến thuế giữ chức vụ công; dù đến nay chưa lần nào luật này được sử dụng). Cơ quan bầu cử dường như không có thiện cảm với ông Marcos. Hầu hết họ đều được bổ nhiệm bởi Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte, người không hề tha thứ cho đối thủ tiềm năng của ông vì đã khiến con gái ông là Sara Duterte không tranh cử tổng thống. Thay vào đó, bà đang tranh cử phó tổng thống.

    Châu Âu tiến thêm một bước tới dự luật thị trường kỹ thuật số

    Bộ trưởng của các nước châu Âu ​​vào thứ Năm sẽ đồng ý rằng Ủy ban châu Âu là cơ quan thực thi chính của các quy tắc mới để đảm bảo cạnh tranh công bằng và hạn chế quyền lực của các công ty “gác cổng” kỹ thuật số: như Amazon và Alphabet (công ty mẹ Google). Các hãng này hoạt động như bên trung gian giữa số lượng lớn doanh nghiệp và người dùng. Đó là một dấu hiệu khác cho thấy EU đang tiến tới thông qua Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số đầy tham vọng của mình. Tuần trước, các thành viên nghị viện châu Âu đã đồng ý mở rộng phạm vi dự luật để nó có thể áp dụng ra ngoài phạm vi năm công ty lớn nhất, tất cả đều của Mỹ.

    Nhưng Đạo luật còn lâu mới hoàn tất. Nó có thể sẽ thay đổi trong những tháng tới. Ủy ban châu Âu, các nước thành viên và nghị viện vẫn phải thống nhất một phiên bản chung. Trong khi họ cố gắng làm vậy, các công ty công nghệ lớn, đặc biệt là Google, sẽ vận động hành lang quyết liệt. Các quan chức muốn kết thúc thảo luận vào đầu năm tới, trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp.

    Pháp và Ý sắp ký hiệp ước quan trọng

    Châu Âu quen thuộc với những mối tình Pháp-Đức. Nhưng khi Tổng thống Emmanuel Macron tới Rome vào thứ Năm để gặp thủ tướng Ý Mario Draghi, điều đó sẽ đánh dấu một mối quan hệ xuyên biên giới khác. Vào thứ Sáu, hai người sẽ ký Hiệp ước Quirinale, một thỏa thuận Pháp-Ý được thiết kế nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh cũng như làm sâu sắc hoạt động giao lưu văn hóa, thanh niên và các hoạt động khác giữa hai nước. Nó được ví, ít nhất là về mặt biểu tượng, với Hiệp ước Elysée năm 1963 ràng buộc Pháp và Đức, đồng thời tạo cơ sở cho mối quan hệ song phương quan trọng nhất hiện nay trong Liên minh châu Âu.

    Thỏa thuận Pháp-Ý mới là một nỗ lực nhằm làm sâu sắc quan hệ giữa các nước lớn trong EU. Với việc Angela Merkel sớm rời nhiệm sở và nước Anh ra đi, điều này có thể báo trước một kỷ nguyên lãnh đạo nhiều thay đổi hơn. Ông Draghi và ông Macron có tầm nhìn chung, và đây là lý do hiệp ước ra đời. Nhưng các nhà lãnh đạo tương lai có thể không muốn có hiệp ước này.

    Trung Quốc: ‘Mỹ chớ nên có bất kỳ ảo tưởng nào về Đài Loan’


    Dứt khoát không có chuyện thỏa hiệp về Đài Loan và Hoa Kỳ chớ nên có bất kỳ ảo tưởng nào về việc này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25/11 tuyên bố, và nói rằng Washington đã có một loạt ‘khiêu khích’ trên nhiều vấn đề.

    Trung Quốc nói rằng Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc về họ, là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Mỹ, nước cung cấp vũ khí quan trọng nhất và hậu thuẫn lớn nhất cho Đài Loan.

    Những khác biệt sâu sắc về Đài Loan vẫn tiếp diễn trong cuộc gặp thượng đỉnh qua màn hình hồi đầu tháng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập nói rằng những người đòi độc lập ở Đài Loan, và những ai ủng hộ họ ở Mỹ, đang ‘đùa với lửa’.

    Tại một cuộc họp báo hàng tháng ở Bắc Kinh, khi được yêu cầu bình luận về mối quan hệ quân sự Trung-Mỹ nhìn từ cuộc đối thoại Biden-Tập, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói điều tốt cho cả hai nước là mối quan hệ lành mạnh và ổn định và đó cũng là điều thế giới mong đợi.

    Trung Quốc sẵn sàng duy trì trao đổi và hợp tác với Mỹ, ông nói thêm.

    “Tuy nhiên, có lúc, phía Mỹ đã nói rất nhiều điều vô trách nhiệm và khiêu khích rất nhiều về Đài Loan, Biển Đông, thực hiện các chuyến trinh sát gần bằng chiến hạm và phi cơ,” ông Ngô nói.

    Trung Quốc có nguyên tắc cho sự phát triển quan hệ giữa quân đội hai nước, và nguyên tắc đó nói rằng chủ quyền, phẩm giá và lợi ích cốt lõi của họ không thể bị xâm phạm, ông Ngô nói thêm.

    “Nhất là vấn đề Đài Loan, Trung Quốc không có chỗ cho thỏa hiệp và phía Mỹ không nên có bất kỳ ảo tưởng nào về điều này”.

    Đài Loan lên án Trung Quốc tăng cường áp lực ngoại giao và quân sự để ép buộc hòn đảo này chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc.

    Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tuyên bố sẽ bảo vệ hòn đảo và nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai hòn đảo.

    Mỹ đưa thêm một loạt công ty công nghệ Trung Quốc vào sổ đen


    Áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc không hề giảm bớt. Hôm qua, 24/11/2021, chính quyền Biden đã đưa thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen các thực thể bị trừng phạt về mặt thương mại. Trong số này có nhiều công ty công nghệ bị cáo buộc phục vụ cho quân đội Trung Quốc, gây hại cho an ninh Hoa Kỳ.

    Nổi bật trong số các công ty bị Mỹ đưa vào sổ đen lần này là 8 thực thể công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc, bị tố cáo về vai trò của họ trong việc hỗ trợ các chương trình tính toán lượng tử của quân đội Trung Quốc và mua lại hoặc cố gắng “mua lại các mặt hàng có xuất xứ từ Hoa Kỳ để hỗ trợ các ứng dụng quân sự”.

    Theo kênh truyền hình Mỹ CNBC, các quan chức Mỹ từ lâu nay luôn bày tỏ thái độ lo lắng trước việc các công ty Trung Quốc là bình phong giúp quân đội Trung Quốc thu thập các thông tin nhạy cảm. Bắc Kinh dĩ nhiên là luôn luôn phủ nhận việc can dự vào các hoạt động gián điệp công nghiệp.

    Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một thông báo của bộ Thương Mại Mỹ nói rõ là Washington muốn ngăn không cho quân đội Trung Quốc phát triển công nghệ chống tàng hình, radar tiên tiến và các ứng dụng chống tàu ngầm. Quyết định này cũng ngăn không cho tài liệu của Hoa Kỳ được sử dụng để giúp Trung Quốc phá vỡ hệ thống mã hoặc phát triển hệ thống mã không thể phá vỡ.

    Bắc Kinh đã lập tức phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ. Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ “cực lực phản đối” những hành động của Washington nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc và khuyên Mỹ nên “dừng việc lạm dụng hoặc phóng đại khái niệm an ninh quốc gia để trấn áp doanh nghiệp Trung Quốc”.

    Ngoài 8 thực thể tại Trung Quốc nói trên, bộ Thương Mại Mỹ hôm qua còn thêm vào danh sách trừng phạt 16 tổ chức và cá nhân đang hoạt động ở Trung Quốc và Pakistan, bị cáo buộc về vai trò trong chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của chính quyền Islamabad.

    Tổng cộng, sổ đen thương mại Mỹ có thêm 27 tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc, Pakistan, Nga, Nhật Bản và Singapore.

    Pháp tăng cường quan hệ với Indonesia để bảo toàn chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương


    Sau khi bị Úc bỏ rơi trong vụ hủy hợp đồng tàu ngầm, phải chăng Paris đang quay sang Jakarta để tìm đối tác thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp. Câu hỏi này đã được đặt ra vào lúc ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian vừa kết thúc vào hôm qua 24/11/2021 hai ngày công du Indonesia, quốc gia lớn nhất vùng Đông Nam Á.

    Mong muốn tăng cường và mở rộng quan hệ với Indonesia đã được ngoại trưởng Pháp công khai thể hiện vào hôm qua tại Jakarta khi ông loan báo việc Pháp dấn thân vào một “quan hệ đối tác tăng cường” với Indonesia. Để cụ thể hóa điều này, ông Jean-Yves Le Drian đã ký với đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi “một kế hoạch hành động nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược” đã có giữa hai nước từ năm 2011.

    Phát biểu tại thủ đô Indonesia, ngoại trưởng Pháp cho biết là quan hệ song phương sẽ được làm sâu sắc hơn “trong các lãnh vực quốc phòng và hàng hải, đặc biệt với việc thiết lập một cơ chế đối thoại hàng hải song phương” vào năm 2022, nhưng cũng bao gồm cả những địa hạt như y tế, năng lượng và biến đổi khí hậu.

    Trong cuộc họp báo, ngoại trưởng Pháp xác nhận rằng trọng tâm hợp tác được tăng cường giữa Paris và Jakarta chính là “tầm nhìn của chúng tôi – tức là Pháp và Indonesia - về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên pháp quyền và sự tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia”.

    Theo hãng tin Pháp AFP, quyết định của Paris tăng cường quan hệ với Jakarta được đưa ra trong bối cảnh chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp bị đảo lộn sau khi Úc đột ngột hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp và thông báo tham gia liên minh chiến lược AUKUS bao gồm ba nước Mỹ, Anh và Úc.

    Thất vọng trước việc mất đi một cột trụ quan trọng trong chiến lược của mình, Paris đã quay sang tăng cường quan hệ đồng minh với các đối tác truyền thống là Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như với Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand và khối ASEAN mà Pháp đã được công nhận là đối tác từ năm ngoái.

    Việc đẩy mạnh quan hệ với Indonesia vào lúc này cũng không phải là ngẫu nhiên. Vào tháng 12 tới đây, trọng lượng của quốc gia Đông Nam Á này sẽ tăng lên đáng kể khi họ bắt đầu đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Nhóm G20, ít lâu trước khi Pháp cũng lên làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu trong nửa đầu năm 2022.

    Paris đã không ngần ngại tuyên bố rằng một trong những ưu tiên của Pháp trong nhiệm kỳ chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu của mình là đẩy mạnh chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của toàn khối, với Paris sẽ đóng vai trò cầu nối giữa vùng châu Á với các quốc gia Liên Âu.

    Ngoài việc có thêm một đối tác nặng ký hậu thuẫn cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của mình, Pháp cũng có thể bù đắp phần nào mất mát xuất phát từ việc Úc hủy hợp đồng đóng tầu ngầm.

    Tại Jakarta, ngoại trưởng Pháp cũng đã gặp bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Prabowo Subianto hôm 23/11. Trong nhiều tháng gần đây, Indonesia đã đàm phán với Pháp về khả năng mua 36 chiến đấu cơ Rafale, đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm đến tàu ngầm, tàu hộ tống và các thiết bị quân sự khác trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và các nước giáp Biển Đông, trong đó có Indonesia.

    Phải nói là Indonesia không phải là đối tác nặng ký duy nhất mà Pháp mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của mình. Nước thứ hai được quan tâm chính là Ấn Độ, có quan hệ quốc phòng quân sự ngày càng được thắt chặt thêm với Pháp, cũng như là một khách hàng mua vũ khí quan trọng.

    Tòa án Anh xử vụ phá án ma tuý 2 triệu bảng với 5 người VN 'gác ổ cần sa'


    Vừa có năm người Anh bị xử tù sau các đợt cảnh sát truy bắt hồi năm 2019 và 2020 ở London và Essex, phá bốn điểm trồng cần sa trị giá 2 triệu bảng.

    Chừng 2000 cụm cần sa đã bị cảnh sát phá ở bốn điểm thuộc thủ đô London và hạt Essex ở về phía Đông.

    MyLondon News (23/11/2021) nói về vụ xử ở Basildon Crown Court hôm 16/11 rằng các bị cáo dùng luôn cả khu vực xử lý rác, London Recycling ở Barking làm điểm trồng cần sa.

    Các cơ sở khác được biến thành nơi trồng cần sa lậu gồm Rawreth Industrial Estate ở Rayleigh, Bromfords Farm ở Wickford, và một điểm nữa ở Melbourne Road, Clacton.

    Họ cũng phát hiện ra năm công dân Việt Nam bị "cưỡng bức trông trại cần sa".

    Khác với nhiều vụ trồng cần sa có nhóm chủ mưu là người Việt hoặc các sắc dân nhập cư, trong vụ việc này, cả năm bị cáo là người Anh.

    Họ là James Jacobs, Danny Hicks, Gary Calder và David Hall. Cả bốn bị xử án tù giam, với David Hall, 37 tuổi, nhà ở Caspian Walk, Newham nhận bốn năm và bốn tháng tù.

    Người thứ năm, Terrence Green, 34 tuổi, bị xử hai năm rưỡi án treo và phải thực hiện 100 giờ lao động công ích.

    Các nạn nhân người Việt bị cưỡng bức trông ổ cần sa được chuyển cho hội từ thiện Justice & Care để trợ giúp, theo bài báo của Seren Hughes.

    Vấn đề người Việt nhập cư lậu và nghề trồng cần sa

    Từ 2014 tới nay, hai chính phủ Anh Quốc và Việt Nam đã quan tâm đến chuyện phòng chống buôn bán người và nhìn nhận đây là vấn đề lớn.

    Hai chính phủ đã phối hợp với nhau và tăng cường hợp tác sau vụ án 39 tử thi người Việt vào Anh bằng xe thùng đông lạnh được phát hiện ở Essex tháng 10/2019.

    Kể từ đó, làn sóng người Việt vào Anh không dừng, và có thể không giảm, với một con số không nhỏ nay đi thuyền cùng các nhóm di dân trái phép và người xin tỵ nạn đổ bộ vào bờ biển Anh.

    Trong chuyến thăm mới nhất sang Anh đầu tháng 11/2021, Bộ trưởng Công an Tô Lâm của VN đã gặp cả người tương nhiệm Pháp, và Anh ở London để bàn về vấn đề này.

    Anh Quốc cũng hỗ trợ chính quyền Việt Nam các phương tiện để kiểm soát biên giới tốt hơn.

    Tuy thế, chuyến đi của ông Tô Lâm bị lu mờ bởi vụ "ăn thịt bò dát vàng" trong một quán sang trọng tại London (xem thêm: VN: Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn bò dát vàng gây bão dư luận).

    Nhiều báo Anh đã đăng tin vụ 'thịt bò với nhiều bình luận của người dân Anh - chỉ dưới bài của BBC News bản tiếng Anh là gần 4000 ý kiến sau vài ngày.

    Trong số này có cả ý nghi ngờ cam kết của chính phủ VN về việc chống buôn người khi mà quan chức chủ chốt nắm công tác đó sang Anh để "ăn hưởng xa hoa".

    Về lâu dài, để ngăn làn sóng di dân bất hợp pháp từ Việt Nam vào Anh, thì cần giáo dục tại chỗ, ở VN.

    Theo ông Georges Blanchard, người sáng lập Liên minh Phòng chống Mua bán người (Alliance Anti Traffic - AAT) nói với BBC News Tiếng Việt hôm 31/10/2019, thì "không có gì có thể tốt hơn là giáo dục cộng đồng, giáo dục phòng ngừa ở cộng đồng."

    Tổ chức AAT từ 2014 đã xin Anh có hỗ trợ đặc biệt để có các lớp tập huấn tại cộng đồng về buôn bán người, di cư không an toàn, nói về các chiêu lừa gạt để dạy cho cộng đồng có khả năng biết tự bảo vệ.

    Cũng có những người phải lao vào con đường đi bán sức lao động ở nước ngoài sau khi bị tước đoạt ruộng đất, mưu kế sinh nhai khả thi tại Việt Nam.

    Đó là ý kiến của một nhà văn gốc Việt tại Anh trong bài "Nhiều người Việt vẫn 'sẵn sàng đánh đổi mạng sống' để sang Anh" đăng gần đây trên BBC News Tiếng Việt.

    Việc dòng người vào Anh xin cứu trợ nhân đạo, làm giấy tờ hôn nhân giả hoặc nhận con giả cho phụ nữ Việt có thai được ở lại đang ngày càng làm nhức nhối dư luận Anh.

    Vì không có việc làm, không biết tiếng Anh, một số không nhỏ tới Anh Quốc đã ngay lập tức gia nhập đội quân trồng cần sa lậu để có thu nhập cao, dù có rủi ro là vi phạm pháp luật và bị trục xuất.

    Ông Olaf Scholz sẽ là thủ tướng Đức


    Liên minh ba đảng của Đức đã đồng ý thành lập chính phủ mới với tân thủ tướng là ông Olaf Scholz, theo New York Times.

    Đảng Dân chủ Xã hội của ông Olaf Scholz cùng đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do dự kiến công bố thỏa thuận liên minh và kế hoạch quản lý nước Đức trong 4 năm tới vào lúc 15h giờ Berlin. Ông Scholz được cho là sẽ tuyên thệ nhậm chức vào đầu tháng tới.

    Ba đảng đã bắt đầu đàm phán kể từ sau cuộc bầu cử ngày 26/9. SPD giành 25,7% số phiếu, cao hơn đảng Liên minh Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel với 24,1% số phiếu. SPD phải liên minh với đảng khác để có tỷ lệ quá bán để đủ điều kiện thành lập chính phủ mới.

    Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Scholz sẽ lập tức phải giải quyết những vấn đề cấp bách, như tình hình đại dịch Covid diễn biến xấu và căng thẳng biên giới Belarus – Ukraine.

    “Chính phủ mới về cơ bản sẽ là sự tiếp nối, chứ không phải thay đổi”, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg, đửa ra nhận định sau khi có tin ông Scholz lên thay thế nữ Thủ tướng Merkel, người đã tại vị suốt 16 năm liên tục.

    Nhiều nước Châu Âu đối mặt nguy cơ bùng dịch trở lại dù tỷ lệ tiêm chủng hơn 80%


    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng số người chết vì Covid ở châu Âu có thể tăng thêm 700.000 người trong mùa đông năm nay. Hiện tình hình dịch ở châu Âu đang diễn biến theo chiều hướng xấu, theo News.

    Nhiều người tin rằng khó có thể phòng ngừa COVID chỉ bằng việc tiêm vắc-xin, vì châu Âu vốn đã bắt đầu tiêm vắc-xin từ sớm để đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng giờ đang phải đối mặt với một đợt dịch bùng phát mạnh.

    Theo AP, AFP và CNBC, vào ngày 23/11, WHO dự đoán rằng nếu sự lây lan Covid ở châu Âu tiếp tục, tính tới 1/3 năm sau, sẽ có thêm 700.000 ca tử vong tại 53 quốc gia ở châu lục này, và số người chết tích lũy có thể lên tới 2,2 triệu. Tính đến hết ngày 24/11, số người chết tích lũy ở châu Âu là 1,5 triệu người.

    Tuần trước, số người chết vì Covid hàng ngày ở châu Âu là 4.200 người, gấp đôi con số vào cuối tháng 9. Có hơn 3,5 triệu ca Covid mới được xác nhận trên toàn thế giới, trong đó hơn 2,4 triệu ca ở châu Âu, chiếm 67% tổng số.

    Số trường hợp được xác nhận nhiễm Covid ở châu Âu tăng 11% so với tuần trước. Tại 24 trong số 61 quốc gia, số trường hợp dương tính với Covid đã tăng hơn 10%. Đặc biệt, Covid đang có chiều hướng lan rộng ở Đức, Anh, Nga và Pháp, những quốc gia đã triển khai mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng. WHO cho biết đây là bằng chứng cho thấy hiệu quả của vắc xin đang giảm sút.

    Theo Our World in Data, tính đến 8 giờ ngày 23, Bồ Đào Nha ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 87,78%. Iceland (81,56%) và Tây Ban Nha (80,32%). Đan Mạch, Ireland, Bỉ, Hà Lan và Ý cũng có tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi trên 70%. Pháp, Anh và Đức cũng chiếm gần 70%.

    Không có nhận xét nào