Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 19 tháng 11 năm 2021

    Kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản xuất hiện giữa lúc Tokyo và các đồng minh phương Tây đang ứng phó với việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa ở châu Á - Thái Bình Dương.

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 19 tháng 11 năm 2021

    Nhật Bản có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục trong ngân sách bổ sung dự kiến sẽ được công bố cùng với gói kích thích kinh tế vào ngày 19/11, khi cựu thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi nâng hợp tác quốc phòng với đồng minh Australia lên “cấp độ mới”, theo Reuters.

    Diễn biến này xuất hiện giữa lúc Nhật Bản và các đồng minh phương Tây bao gồm Mỹ, Anh và Australia ứng phó với việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa ở châu Á - Thái Bình Dương.

    Nhật Bản dự tính phân bổ hơn 700 tỷ yên (6,12 tỷ đô la) cho quốc phòng trong ngân sách bổ sung, một phần của gói kích thích kinh tế sẽ được chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida công bố vào ngày 19/11, theo hai nguồn tin giấu tên từ chính phủ và liên minh cầm quyền vì kế hoạch không được công khai.

    Số tiền này sẽ tăng khoảng 50% so với mức chi tiêu cao được ghi nhận trước đó vào năm tài chính 2018, xét về chi tiêu quốc phòng hàng năm được phân bổ trong ngân sách bổ sung, nhật báo kinh doanh Nikkei cho biết.

    Một phần chi tiêu quốc phòng trong ngân sách bổ sung này sẽ được dành cho máy bay tuần tra, máy bay vận tải và mìn, các nguồn tin cho biết thêm.

    Việc phân bổ ngân sách bổ sung có khả năng đưa tổng ngân sách quốc phòng cho năm tài chính tính đến tháng 3 năm 2022 của Nhật Bản lên hơn 6 nghìn tỷ yên, vì ngân sách quốc phòng ban đầu là 5,34 nghìn tỷ yên.

    Lâu nay Nhật Bản cam kết giữ ngân sách quân sự của mình ở mức 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), con số nhằm giảm bớt lo ngại trong và ngoài nước về bất kỳ sự hồi sinh nào của chủ nghĩa quân phiệt đã khiến nước nào bước vào Đệ nhị Thế chiến.

    Nhưng nay với lo ngại ngày càng tăng về quân đội Trung Quốc ở Biển Hoa Đông đang trong vòng tranh chấp, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã đưa ra mục tiêu chi 2% GDP trở lên cho quân đội trong cương lĩnh chính sách của mình trước cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 31/10.

    Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn có tiền cho một chiến đấu cơ tàng hình nội địa và tên lửa có thể bay xa hơn 1.000 km, trong khi nước này cũng đang xây dựng khả năng về chiến tranh mạng, không gian và điện từ.

    Nhật Bản cũng đang hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ với các đồng minh và các quốc gia thân hữu như Australia, quan điểm mà cựu Thủ tướng Abe - người đã từ chức năm ngoái nhưng vẫn có ảnh hưởng trong LDP - đưa ra hôm 19/11 khi tham gia một hội thảo trực tuyến do một tổ chức tư vấn của Australia tổ chức.

    Ông Abe nói Nhật Bản nên hợp tác với các đối tác an ninh của AUKUS, là Hoa Kỳ, Anh và Úc, về trí tuệ nhân tạo, năng lực mạng và công nghệ lượng tử.

    Hiệp ước AUKUS được nhiều người coi là một phản ứng đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.

    TQ vận động để lãnh đạo quân đội Myanmar dự họp thượng đỉnh, ASEAN phản đối


    Tin độc quyền của Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết hôm thứ Năm 18/11 rằng một đặc phái viên Trung Quốc vận động các quốc gia Đông Nam Á để nhà cầm quyền quân sự của Myanmar được tham dự một hội nghị thượng đỉnh khu vực, do chủ tịch Trung Quốc chủ trì vào tuần tới, nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt.

    Tư cách của Myanmar là thành viên của hiệp hội 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành tâm điểm chú ý sau cuộc đảo chính hôm 1/2, khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân bầu của khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi, gây ra tình trạng hỗn loạn đẫm máu.

    Một số nước thành viên ASEAN bất bình về việc khủng hoảng lại nổ ra và về hoạt động đàn áp dân chủ ở Myanmar, và đã cố gây áp lực lên các tướng lĩnh của nước này bằng cách loại họ ra khỏi các cuộc họp ASEAN.

    Với một quyết định chưa từng có hồi tháng 10, các nhà lãnh đạo ASEAN không cho người đứng đầu quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN sau khi ông này không thực hiện cam kết cho phép một đặc phái viên ASEAN gặp các nhà lập pháp bị lật đổ trong cuộc đảo chính.

    Thay vào đó, các nhà lãnh đạo ASEAN nói rằng cần mời một nhân vật phi chính trị của Myanmar tham dự. Rốt cuộc, không có đại diện nào của Myanmar có mặt.

    Bốn nguồn tin ngoại giao và chính trị trong khu vực cho biết Indonesia, Brunei, Malaysia và Singapore muốn rằng ông Min Aung Hlaing không được tham dự hội nghị Trung Quốc-ASEAN vào ngày 22/11 do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm chủ nhà.

    "Malaysia, Indonesia, Singapore và Brunei đều nhất trí duy trì lập trường như tại hội nghị cấp cao ASEAN", một nguồn tin giấu tên thuộc chính phủ của một quốc gia ASEAN cho biết, đề cập đến yêu cầu là Myanmar chỉ có thể có đại diện là một nhân vật phi chính trị.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah, xác nhận lập trường vững chắc của họ về nhân vật phi chính trị làm đại diện cho Myanmar.

    Trong số những nước ASEAN chỉ trích Myanmar, Indonesia thuộc nhóm có tiếng nói thẳng thắn, rõ ràng nhất, với việc Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi, phát biểu rằng không chấp nhận việc Myanmar có đại diện chính trị cho đến khi nước này khôi phục nền dân chủ.

    Một nhà ngoại giao trong khu vực nắm thông tin về nỗ lực vận động hành lang của Trung Quốc cho biết Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề châu Á Sun Guoxiang (Tôn Quốc Tường) đã đến thăm Singapore và Brunei vào tuần trước nhưng được thông báo rằng ông Ming Aung Hlaing không được tham gia hội nghị thượng đỉnh qua mạng.

    Ông Sun, đối mặt với sự phản đối của ASEAN, sau đó nói với ông Min Aung Hlaing tại một cuộc họp ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar vào cuối tuần rằng Trung Quốc phải chấp nhận lập trường của ASEAN.

    Trong nhiều thập kỷ, ASEAN được biết tiếng về chính sách gắn kết và không can thiệp, nhưng cuộc đảo chính của Myanmar đã làm thay đổi điều đó.

    Thượng đỉnh Bắc Mỹ cam kết tiệt trừ lao động cưỡng bức, bảo vệ nhân quyền


    Trong cuộc họp thượng đỉnh Bắc Mỹ, ngày hôm qua, 18/11/2021, tại Washington, Mỹ, lãnh đạo ba nước Hoa Kỳ, Mêhicô và Canada tuyên bố loại bỏ lao động cưỡng bức khỏi các chuỗi cung ứng của mình và bảo vệ nhân quyền.

    Sau cuộc họp tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Canada Justin Trudeau và tổng thống Mêhicô Andres Manuel Lopez Obrador, trong tuyên bố chung, nêu rõ : « Một nền kinh tế Bắc Mỹ hiện đại, có khả năng phục hồi không có chỗ cho những hàng hóa được làm từ bóc lột người lao động. »

    Cụ thể, cả ba quốc gia này, đóng góp đến 1/3 hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, cam kết sẽ hỗ trợ việc bảo vệ mạnh mẽ quyền lao động và thực hiện cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức theo một hiệp định thương mại ba bên có sửa đổi và đã có hiệu lực từ năm 2020.

    Cả ba lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến cam kết bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là đối với những cộng đồng dễ bị tổn thương và bị gạt ra bên lề. Ba bên sẽ cộng tác để phát triển mô hình dân chủ ra toàn thế giới.

    Theo Kyodo, tuyên bố này thể hiện lo ngại của ba nước cũng như là quốc tế về những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, bao gồm cả việc sử dụng họ như là lao động cưỡng bức.

    Nguyên thủ Mỹ kêu gọi các nền dân chủ trên toàn thế giới cùng hợp tác để chống lại những quốc gia như Trung Quốc mà chính quyền Washington cho là đang thách thức các luật lệ cơ bản lập nên trật tự thế giới.

    Hãng tin Nhật Bản nhắc lại đây là thượng đỉnh Bắc Mỹ đầu tiên kể từ năm 2016 do tổng thống Joe Biden chủ trì, một phần trong nỗ lực của tân chủ nhân Nhà Trắng nhằm khôi phục mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác sau bốn năm đầy biến động trong thương mại và ngoại giao dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.

    Vương Kỳ Sơn nói sẽ mở cửa với thế giới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đáp trả: Trước tiên hãy giữ lời hứa của mình


    Diễn đàn Kinh tế Mới của Bloomberg đã khai mạc tại Singapore vào hôm thứ Tư (17 tháng 11). Vương Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch nước của Trung Quốc, người tham dự trực tuyến, hứa rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa cho đầu tư nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ. Sau đó, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo tham dự cuộc họp đã tuyên bố rằng, trước tiên, Trung Quốc phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và “giữ lời hứa của mình.”

    Theo NTD, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã tham dự cuộc họp trực tuyến hôm thứ Tư, một lần nữa ám chỉ về việc Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào các hoạt động kinh tế thế giới.

    Ông Vương nói: “Trung Quốc không thể làm được nếu không có thế giới, và thế giới không thể làm được nếu không có Trung Quốc.

    Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Raymondo cũng đã tham dự cuộc họp trực tuyến hôm thứ Tư. Bà tuyên bố rằng Hoa Kỳ hy vọng sẽ có một “sân chơi bình đẳng” với Trung Quốc.

    “Trung Quốc cần tuân thủ các quy tắc, cần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi, và họ cần phải giữ lời hứa của mình. Họ đã hứa sẽ mua một lượng máy bay và nông sản nhất định. Họ đã không thực hiện điều này, họ đã không giữ lời hứa của mình”.

    Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người được mệnh danh là “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”, cho biết trong một cuộc họp trực tuyến hôm thứ Tư rằng, quan hệ Trung-Mỹ đã đi từ “chân núi của chiến tranh lạnh mới” cách đây 2 năm, từ 1 đến 2 năm gần đây thì chuyển lên tới “sườn núi”, và sau đó đã “leo lên vách đá cheo leo”, bước tiếp theo là xem nên chọn hướng nào.

    Ông cũng nói rằng, hội nghị thượng đỉnh video do các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ tổ chức trong tuần này đã đánh dấu một “khởi đầu tốt” cho hai nền kinh tế lớn trên thế giới, để tránh xung đột.

    Nhật Bản sắp công bố gói kích thích

    Chính phủ mới của Nhật Bản sẽ công bố một gói kích thích kinh tế lớn vào thứ Sáu. Với động thái này, họ kỳ vọng có thể khởi động lại cỗ máy kinh tế đã bị đại dịch làm cho đình trệ. GDP giảm 3% tính theo năm trong quý ba, trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làn sóng covid-19 hồi mùa hè. Gói mới dự kiến trị giá hơn 40 nghìn tỷ yên (350 tỷ USD) và bao gồm hỗ trợ cho ngành công nghiệp chip, nghiên cứu tại các trường đại học, sản xuất vắc-xin và công nghệ pin.

    Phần lớn gói sẽ đến tay các hộ gia đình và doanh nghiệp đang gặp khó khăn, bao gồm khoản tiền mặt phát trực tiếp 100.000 yên/trẻ em cho các gia đình và tăng lương cho nhân viên chăm sóc và y tá. Song có thể chỉ vô ích — khoảng 70% của gói kích thích trước đây được đưa vào tiết kiệm thay vì chi tiêu. Do đó kết quả cuối cùng có thể ít hơn nhiều số tiền đưa ra ban đầu, như mọi khi ở Nhật. Để chi trả cho gói này, chính phủ sẽ lấy một phần từ khoản tiền chưa sử dụng của ngân sách năm ngoái.

    Anh thử nghiệm mô hình kinh tế “cảng tự do”

    Từ thứ Sáu Anh bắt tay vào một thử nghiệm chính sách mới: “Freeports” (cảng tự do) ở sông Thames, Teesside và Humber. Các khu vực này – về mặt pháp lý là các khu vực ngoại quan – mang lại các khoản giảm thuế hào phóng cho các nhà đầu tư mới, trị giá từ 15-25% chi phí thiết lập tùy thuộc vào loại hình đầu tư, theo Lewis Atter của hãng kế toán KPMG.

    Những người phản đối nói các nỗ lực giảm thuế trước đây để thúc đẩy đầu tư vào những nơi đang khó khăn đều thất bại, và việc cắt giảm thuế ở một địa điểm sẽ khuyến khích các công ty rời bỏ những nơi khác. Trong khi đó phe ủng hộ nói “freeports” giúp đơn giản hóa thủ tục hải quan, và rằng chuyển các doanh nghiệp từ nơi giàu sang nơi nghèo hơn có thể không quá tệ. Thêm vào đó, có những hạn chế cụ thể về địa điểm đối với những lĩnh vực được nhận lợi ích thuế, với những ngành được ưu đãi bao gồm, ví dụ, sản xuất năng lượng carbon thấp ở Teesside. Không điều gì trong số đó xoa dịu được những người lo ngại “freeports” sẽ chỉ giúp các nhà đầu tư trốn thuế.

    Tình hình Đảng Cộng hòa Pháp trước thềm bầu cử tổng thống

    Thế giới trung hữu của Pháp bị kẹp giữa một bên là Tổng thống Emmanuel Macron và một bên là những người chống nhập cư ồn ào. Năm ứng viên muốn ra đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 4 tới đều đang chật vật ghi dấu ấn của mình. Họ kỳ vọng sẽ nổi bật hơn trong cuộc tranh luận thứ ba trên truyền hình vào Chủ nhật này hơn hai lần trước.

    Ba người dẫn đầu là: Michel Barnier, cựu nhà đàm phán Brexit của EU; Xavier Bertrand, người đứng đầu vùng Hauts-de-France; và Valérie Pécresse, người đứng đầu khu vực xung quanh Paris. Bộ ba này gần gũi với ông Macron về chính sách kinh tế nhưng khác biệt về nhập cư. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Bertrand sẽ có kết quả tốt nhất vào tháng 4 tới. Nhưng chỉ các đảng viên, những người có xu hướng hữu khuynh hơn cử tri, mới là người bầu chọn ứng viên. Do đó, ông Barnier đang áp dụng lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư dù bảo vệ quyền tự do đi lại trong EU.

    Nhật sắp cho phép người lao động nước ngoài gia hạn visa vô thời hạn


    Reuters đưa tin rằng một quan chức của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết hôm thứ Năm (18 tháng 11) rằng Nhật Bản đang xem xét cho phép một số người lao động nước ngoài làm việc ở một số lĩnh vực được ở lại vô thời hạn, bắt đầu sớm nhất vào năm tài chính 2022. Đây là một sự thay đổi lớn đối với một quốc gia đã đóng cửa với người nhập cư trong một thời gian dài.

    Theo một luật có hiệu lực vào năm 2019, “những người lao động có tay nghề cụ thể” trong 14 ngành, bao gồm nông nghiệp, điều dưỡng và vệ sinh, có thể xin thị thực lên đến 5 năm ở Nhật Bản, nhưng họ không thể mang theo thành viên gia đình của mình, ngoại trừ ngành xây dựng và đóng tàu.

    Chính phủ Nhật Bản đã và đang tìm cách nới lỏng những hạn chế này.

    Nếu các sửa đổi có hiệu lực, những người lao động này sẽ được phép gia hạn thị thực vô thời hạn, và họ cũng có thể mang theo các thành viên trong gia đình. Nhiều người trong số những người lao động nước ngoài này đến từ Trung Quốc và Việt Nam.

    Tuy nhiên, người phát ngôn hàng đầu của chính phủ Hirokazu Matsuno nhấn mạnh rằng bất kỳ thay đổi nào như vậy không có nghĩa là quyền thường trú nhân tự động, mà yêu cầu phải nộp đơn riêng.

    Nhật Bản có dân số 125,8 triệu người. Từ lâu, “ nhập cư ” đã bị coi là điều cấm kỵ, bởi nhiều người chủ trương đồng nhất chủng tộc. Tuy nhiên, do dân số ngày càng giảm và dân số già, thiếu lao động trầm trọng, quốc gia này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc mở cửa biên giới.

    Toshihiro Menju, giám đốc điều hành của Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, một tổ chức tư vấn, nói với Reuters: “Khi dân số ngày càng thu hẹp trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn, nếu Nhật Bản muốn được coi là một lựa chọn tốt với người lao động nước ngoài, thì nước này cần phải truyền đạt rằng nó có một cấu trúc thích hợp để chào đón họ”

    Theo dữ liệu của chính phủ, luật năm 2019 đặt mục tiêu thu hút khoảng 345.000 “lao động có tay nghề đặc biệt” trong vòng 5 năm, nhưng trước khi biên giới bị đóng cửa do đại dịch COVID-19, con số đã bị thu hẹp rất nhiều, xuống chỉ còn 3.000 người / tháng.

    Tính đến cuối năm 2020, Nhật Bản có 1,72 triệu lao động nước ngoài, chiếm 2,5% dân số lao động của cả nước.

    Mỹ thúc đẩy quy tắc về thương mại kỹ thuật số, AI ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương


    Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo hôm thứ Tư cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden muốn tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, để thiết lập các quy tắc minh bạch quản lý thương mại kỹ thuật số và công nghệ. Động thái này của Mỹ diễn ra trong bối cảnh, Trung Quốc đang nỗ lực gia nhập nhiều khối kinh tế khu vực hơn.

    Trang Nikkei đưa tin, bà Raimondo nói trong một diễn đàn Bloomberg ở Singapore: “Ai sẽ viết các quy tắc cho công nghệ mới nổi? Chúng tôi muốn viết các quy tắc với các đồng minh cùng chí hướng của chúng tôi trong khu vực này.”

    Bộ trưởng Raimondo đã đến Singapore vào thứ Ba trong lượt về của chuyến công du châu Á. Bà cũng đã gặp Thủ tướng Lý Hiển Long và Bộ trưởng Thông tin Josephine Teo vào ngày hôm đó.

    Chuyến thăm của bà diễn ra sau khi Trung Quốc nộp đơn gia nhập Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 9.

    Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ cho biết bà đã thảo luận về việc xây dựng quy tắc về trí tuệ nhân tạo với bà Teo.

    Bà Raimondo phát biểu: “Chúng ta nên đặt ra các tiêu chuẩn công nghệ và mô hình quản trị, để sử dụng AI một cách thích hợp và an toàn”. Bà nói thêm, các quy tắc nên “theo từng trường hợp cụ thể” và linh hoạt cho các ngành khác nhau để phát huy hết tiềm năng của AI.

    Bộ trưởng Raimondo cũng đã tổ chức các cuộc họp riêng vào thứ Tư với Dan Tehan và Damien O’Connor, những người đồng cấp của bà từ Úc và New Zealand. Theo Raimondo, mối quan hệ chung giữa ba quốc gia là sự đồng thuận của họ, trong việc xây dựng quy tắc trong không gian kỹ thuật số.

    Bà Raimondo dự kiến có chuyến thăm Malaysia vào thứ Năm. Bà sẽ gặp Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob, để thảo luận về việc hợp tác trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các chủ đề khác.

    Việc TT Biden theo đuổi mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với các quốc gia thân thiện ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, phản ánh mong muốn chống lại Trung Quốc. Cường quốc châu Á này là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, có hiệu lực vào tháng Giêng. Bắc Kinh đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9 và sau đó gia nhập DEPA vào ngày 1 tháng 11.

    Các quan chức Mỹ lo ngại rằng, nếu không có phản ứng, Trung Quốc sẽ dẫn đầu trong việc định hình trật tự thương mại quốc tế. Nhưng các liên đoàn lao động, nơi mà Đảng Dân chủ của TT Biden thu hút được sự ủng hộ, rất nghi ngờ về các hiệp định thương mại tự do như CPTPP.

    Không có nhận xét nào