Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Hằng - Chiến lược nào cho Việt Nam khi Lào và Campuchia nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc?


    Ảnh tư liệu: Thủ tướng Campuchia Hun Sen (T) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi họp báo tại Hà Nội, ngày 04/10/20219. AP - Duc Thanh

    Cuối tháng 9/2021 vừa qua, dưới sự chủ trì của Hà Nội, một cuộc hội đàm ba bên đã diễn ra với sự hiện diện của lãnh đạo Vientiane và Phnompenh. Sau nhiều năm, sự kiện này được cho là một động thái quan trọng để Việt Nam tái khẳng định tầm ảnh hưởng của mối quan hệ lịch sử đối với Lào và Campuchia. Nhất là trong những năm gần đây, cả hai nước này đang nghiêng về Trung Quốc bởi lực hút kinh tế.

    Mối quan hệ này có ý nghĩa đặc biệt thế nào với Việt Nam; với những lo ngại đầy thách thức cho Hà Nội trước “mưu đồ” Trung Quốc tại Đông Dương; chiến lược của Hà Nội trước thế cờ “bao vây” của Bắc Kinh; cùng những vấn đề liên quan sẽ được làm rõ trong cuộc phỏng vấn giữa RFI Tiếng Việt và tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải*.

    **********

    RFI Tiếng Việt: Thưa ông, trong nhiều thập kỷ, Lào và Campuchia được xác định là mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt của Việt Nam. Nếu đặt trong bối cảnh bành trướng của Trung Quốc, mối quan hệ này càng có ý nghĩa như thế nào đối với Hà Nội?

    TS. Nguyễn Hồng Hải: Quan hệ của Việt Nam với hai nước này là đối tác chiến lược đặc biệt. Và, tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, xét về mặt chiến lược, Việt Nam không chỉ xem mà còn thể hiện trên thực tế quan hệ này còn “hơn cả đặc biệt”. Câu nói “môi hở răng lạnh” có lẽ đúng với cách đặt vấn đề của Việt Nam trong quan hệ với Lào và Campuchia.

    Giả định, nếu hai nước này hoàn toàn nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc thì sẽ khó khăn đủ đường cho Việt Nam. Khi đó, Trung Quốc ở phía Bắc, Lào ở phía Tây, Campuchia ở Tây Nam dưới sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, và Biển Đông cũng dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Thử hình dung, khi bị bao vây tứ bề như vậy, thì an ninh quốc gia của Việt Nam sẽ nguy hại nghiêm trọng đến thế nào. Vì thế, Việt Nam phải giữ và duy trì bằng được quan hệ tốt đẹp với hai nước này, và ý nghĩa của việc tôi nói “hơn cả đặc biệt” là như vậy. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố quan trọng khác, trong đó có vấn đề cộng đồng kiều dân Việt Nam ở Lào và Campuchia cũng góp phần làm nên ý nghĩa của quan hệ “hơn cả đặc biệt” này.

    Không phải ngẫu nhiên mà chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn đặt thứ tự ưu tiên trước hết trong quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới. Đó là chưa kể quan hệ truyền thống lịch sử của Việt Nam với chế độ cầm quyền ở hai nước Lào và Campuchia hiện nay. Có 4 trụ cột chính trong khuôn khổ quan hệ của Việt Nam với Lào và Campuchia, bao gồm: tin cậy chính trị, hợp tác quốc phòng - an ninh, hợp tác kinh tế, và giáo dục đào tạo. Trong đó, phương châm quan hệ Việt Nam - Lào được xác định bằng khuôn khổ 12 chữ: Hữu nghị vĩ đại - Đoàn kết đặc biệt – Hợp tác toàn diện. Và, khuôn khổ quan hệ Việt Nam - Campuchia được xác định bằng phương châm 16 chữ: Láng giềng tốt đẹp – Hữu nghị Truyền thống – Hợp tác toàn diện – Bền vững lâu dài. 

    Phương châm quan hệ với cả hai nước là như vậy. Tuy nhiên, để chốt lại, việc Việt Nam coi trọng quan hệ với Lào và Campuchia, tôi rút ra nhận xét và tạm gọi là “quan hệ hai nguyên tắc”. Thứ nhất, Việt Nam “có thể làm được gì thì sẽ cố hết sức làm”. Về điểm này, chúng ta có thể thấy sự hỗ trợ của Việt Nam cho hai nước như thế nào trong điều kiện Việt Nam cũng không phải “khá giả gì”. Ví dụ, vừa rồi Việt Nam đã tài trợ xây Tòa nhà Quốc hội cho Lào. Và, vài ngày tới đây, trong chuyến viếng thăm của chủ tịch nước, Việt Nam cũng sẽ tài trợ xây dựng Tòa nhà Hành chính mới của Ban thư ký Quốc Hội Campuchia.

    Thứ hai, Việt Nam “tránh được điều gì để không dẫn đến tổn thương quan hệ thì sẽ cố hết sức tránh”. Về điểm này, ta có thể thấy một số điểm khác biệt về lợi ích quốc gia khi Lào và Campuchia theo đuổi. Sự khác biệt có khi xung đột với lợi ích của Việt Nam. Dù vậy, Hà Nội cũng cố hạn chế bày tỏ để không tạo ra hố sâu khoảng cách. Cách tiếp cận chung là vậy, song trong quan hệ với từng nước, Hà Nội có cách ứng xử khác nhau.

    Thực tế, trong những năm gần đây, mối quan hệ “hơn cả đặc biệt” này được cho là đầy thử thách với Hà Nội khi Bắc Kinh ngày càng nâng cao tầm ảnh hưởng tại Đông Dương, chủ yếu thông qua sáng kiến “Một vành đai một con đường” (BRI). Vậy, theo ông, Hà Nội đang đứng trước những lo ngại nào?

    TS. Nguyễn Hồng Hải: Vì câu hỏi của chị đặt ra theo hướng giả định Bắc Kinh là nguy cơ đối với Việt Nam nên tôi sẽ trả lời theo hướng giả định đó, trong khi chúng ta cần có cơ sở vững chắc hơn để khẳng định điều này. Nếu không kể những lo ngại hiển nhiên khác như mất ảnh hưởng, mất lợi ích, v.v… Theo tôi, lo ngại duy nhất và lớn nhất đối với Việt Nam không phải là việc Vientiane hay Phnom Penh có chịu ảnh hưởng của Trung Quốc hay không, mà Hà Nội có thực sự hiểu và nắm bắt được ý đồ và mục đích của Bắc Kinh hay không để có ứng xử phù hợp với Lào và Campuchia.

    Nói cách khác, lo ngại của Hà Nội chính là lo ngại về khả năng và thực lực của chính mình. Không cần phải nhắc lại vì ai cũng biết đầu tư và sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng tăng ở Lào và Campuchia như thế nào, đặc biệt trong hai năm qua. Ảnh hưởng kinh tế sẽ dẫn đến ảnh hưởng về chính trị, là quy luật tất yếu. Thực tế, nói một cách thẳng thắn rằng, Việt Nam không phải là Mỹ để có tiềm lực hay khả năng huy động lực lượng đối trọng ảnh hưởng với Trung Quốc.

    Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nhà đầu tư duy nhất, và do vậy, đừng hoảng hốt khi chỉ thấy đầu tư của Trung Quốc tăng ở hai nước này. Hơn nữa, có thể Campuchia có sự thiên vị đôi chút với Trung Quốc, nhưng Lào có chính sách cân bằng hơn. Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc có thể có ảnh hưởng kinh tế nhất định đối với cả Lào và Campuchia. Nhưng, để có sự tin cậy đặc biệt cao về chính trị thì không dễ với Lào như Lào có với Việt Nam và với Campuchia, vì vai trò của Trung Quốc trong việc hậu thuẫn chế độ Pol Pot trước đây.

    Như chúng ta thấy, dù muốn hay không, Trung Quốc đã kéo dần Phnom Penh và Vientiane ra khỏi quỹ đạo của Hà Nội, cùng với những hành động xâm lấn ngang nhiên của Bắc Kinh tại Biển Đông. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, đây là một thế cờ địa chính trị mà Bắc Kinh dàn trận để “bao vây” Việt Nam trên cả đất liền và vùng biển. Chắc hẳn, điều này đã làm cho Hà Nội không ít khó chịu và thậm chí giận dữ. Việt Nam đã và sẽ có những chiến lược gì để đối phó với “mưu đồ” này của Trung Quốc, thưa ông?

    TS. Nguyễn Hồng Hải: Thế cờ của Bắc Kinh “bao vây” Việt Nam cũng là giả thiết mà tôi nêu ở trên. Theo tôi, để hóa giải thế cờ này, Hà Nội thực hiện chiến lược trên ba mặt. Thứ nhất, Việt Nam gìn giữ quan hệ tốt đẹp với cả hai nước Lào vào Campuchia, bằng cách thực hiện “quan hệ hai nguyên tắc” mà tôi đã rút ra ở trên. Thứ hai, Hà Nội tăng cường tiềm lực, sức mạnh tổng hợp, cũng như năng lực tự bảo vệ và răn đe của mình. Cuối cùng, Việt Nam phải trở thành trung tâm của khu vực và quốc tế.

    Nói “trung tâm” là để nhấn mạnh và dễ hiểu, chứ không phải là cách nói bốc đồng hay tự sướng. Muốn là và để là “trung tâm”, Việt Nam không chỉ vươn ra khu vực và thế giới, mà phải làm sao cho khu vực và thế giới đến với mình – nghĩa là phải có hai chiều. Chính sách hội nhập, đa dạng hóa và đa phương hóa, thu hút đầu tư nước ngoài, tham gia các cơ chế và ký kết các hiệp định khu vực và quốc tế, hay chủ trương nâng tầm ngoại giao đa phương, v.v… đều là những cách thức để trở thành “trung tâm”.

    Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ đang vươn ra thế giới, còn để thế giới đến với mình, có lẽ còn phải làm nhiều hơn những gì hiện nay. Việt Nam là nước nhỏ hơn, nếu đứng một mình thì sẽ bị bắt nạt. Nhưng, nếu Việt Nam trở thành một phần quan trọng của khu vực và thế giới, nghĩa là Việt Nam phải ở trong thế giới rộng lớn chứ không phải trong thế giới của Trung Quốc, Hà Nội sẽ vững vàng trước Bắc Kinh.

    Thưa ông, các nhà phân tích cho rằng, Hà Nội có thể sớm mất toàn bộ ảnh hưởng ở Vientiane vì Bắc Kinh không chỉ trở thành đối tác tin cậy nhất mà còn chính thức nắm giữ các tài sản chiến lược. Trong khi, dựa vào vị trí chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022, Phnom Penh sẽ nâng cao hơn nữa lợi ích với Bắc Kinh. Ông nghĩ sao về những vấn đề này?

    TS. Nguyễn Hồng Hải: Lào và Campuchia, cũng giống như Việt Nam, sau hàng thập kỷ bị nghèo đói do chiến tranh, nay đều có nhu cầu phát triển để không bị tụt hậu. Do đó, nếu họ có mở rộng làm ăn kinh tế với Trung Quốc cũng đúng thôi, chúng ta phải chấp nhận xu thế đó. Nhưng, như tôi đã nói, Trung Quốc có thể là nhà đầu tư lớn nhất, nhưng không phải là duy nhất ở hai nước này. Nếu không có sự tin cậy chính trị, thì các quan hệ kinh tế cũng chỉ là “quan hệ hôn nhân” vụ lợi. Ý của tôi nói ở đây không phải là họ không có sự tin cậy chính trị đặc biệt trong tương lai, mà theo tôi, họ không dễ gì gây dựng được ngay khi chỉ nhờ vào hàng tỷ đô la đầu tư như hiện nay.

    Trở lại câu hỏi, cũng như chị, có vẻ dư luận chung khi nhìn vào ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh và xét lại hai tiền lệ của Campuchia vào năm 2012 (với cương vị là chủ tịch ASEAN) và năm 2016 (sau phán quyết của Tòa án trọng tài ở La Hay về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc), Phnom Penh đều có những hành động có lợi cho Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, năm 2022 khi Campuchia ngồi vào vị trí chủ tịch ASEAN, tôi nghĩ kịch bản xấu nhất sẽ không xảy ra, nghĩa là ASEAN sẽ không ra được tuyên bố như năm 2012.

    Dù ASEAN là một tập thể phức tạp, nhưng không thiếu những nhà ngoại giao khôn ngoan và đã rút ra bài học nên họ không để mọi thứ lặp lại như năm 2012. Tại thời điểm này, nhìn vào những ưu tiên trong chương trình nghị sự của ASEAN năm 2022 do Campuchia công bố và những phát ngôn gần đây của họ liên quan đến vấn đề Biển Đông, chúng ta chỉ có thể hy vọng là mọi việc diễn ra suôn sẻ.

    Ngoài ra, sự kiện đáng chú ý khác đó là Mỹ vừa cấm vận vũ khí với Campuchia vì liên quan đến Trung Quốc và phát động tẩy chay Olympic Mùa Đông Bắc Kinh, nhưng lại đang có kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN dự kiến vào tháng 01/2022. Vậy, chúng ta hãy chờ xem phản ứng của Campuchia trên cương vị là chủ tịch ASEAN và trong vai trò là một thành viên của ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh. Đến lúc đó, chúng ta có thể đánh giá rõ hơn việc Phnom Penh đem lại lợi thế và đứng về phía Bắc Kinh như thế nào.

    RFI Tiếng Việt cảm ơn TS. Nguyễn Hồng Hải.


    * Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải là nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai Chính sách, thuộc Khoa Nhân văn và Xã hội học, Trường Đại học Queensland, Úc Châu.

    RFI

     

    Không có nhận xét nào