Header Ads

  • Breaking News

    Lý do hệ thống độc đảng kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.




    Trung Quốc đã “hoàn thành một quá trình công nghiệp hóa”, tạo ra cả tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tự hào tuyên bố như vậy trong một “nghị quyết lịch sử” được thông qua vào ngày 11 tháng 11. Đảng tuyên bố rằng họ đang “tiên phong mở một con đường độc đáo của Trung Quốc để tiến tới hiện đại hóa, tạo ra một mô hình mới cho sự tiến bộ của con người”.

    Mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc thực sự ấn tượng, nhưng mọi người trên khắp thế giới không nên bị đánh lừa bởi hình dáng bên ngoài của nó. Thực tế là xã hội Trung Quốc rất mong manh vì chế độ độc tài độc đảng của nước này, và việc áp dụng các thực hành dân chủ sẽ giúp làm cho đất nước vững mạnh hơn.

    “Con đường độc đáo của Trung Quốc”, như cách gọi của đảng, không là gì khác ngoài tăng trưởng kinh tế không có kiểm soát dựa trên hạn chế nhân quyền và ô nhiễm môi trường tràn lan. Sự phát triển mang tính “săn mồi” này đã làm cạn kiệt tài nguyên của Trung Quốc, từ môi trường đến con người. Phép màu kinh tế chỉ là tạm thời, không bền vững. Về lâu dài, hệ thống độc đảng, bằng cách không cho phép các quan điểm khác nhau được thể hiện một cách công khai, sẽ là một thảm họa cho sự phát triển của Trung Quốc và xã hội loài người.

    Mục đích của đảng trong việc phát triển nền kinh tế không thực sự là để mang lại lợi ích cho người dân, mà là sử dụng tốc độ tăng trưởng nhanh để duy trì sự ổn định nội bộ. Đảng dành những ưu ái và lợi ích để thu phục công chúng trong khi nô dịch họ, để giữ quyền lực của mình. Đồng thời, đảng cũng đang tăng cường năng lực quân sự và khả năng sẵn sàng cho chiến tranh, để cạnh tranh với Mỹ nhằm giành quyền bá chủ toàn cầu và hiện thực hóa tham vọng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

    Đảng và chính phủ đã cố ý cướp đoạt tài sản tư nhân. Tham nhũng tồn tại phổ biến trong các quan chức đảng. Điều này khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa đảng và nhân dân, điều sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.

    Sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách cải cách và mở cửa vào cuối những năm 1970, nước này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và bốn con hổ kinh tế châu Á là Hong Kong, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Nhiều công ty của họ đã vào Trung Quốc, mang theo công nghệ tiên tiến và các phương thức quản trị tinh vi, qua đó giúp Trung Quốc phát triển công nghệ và lực lượng nhân tài cần thiết để hiện đại hóa. Tổ chức Thương mại Thế giới đã mở cửa kết nạp Trung Quốc vào năm 2001, giúp Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường thế giới rộng lớn.

    Sự phát triển kinh tế trong tương lai, được dẫn dắt bởi công nghệ, đòi hỏi Trung Quốc phải tăng cường giao lưu hữu nghị với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Nhưng bản chất bá quyền của hệ thống độc tài độc đảng, cùng chính sách ngoại giao “chiến lang” và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ vô đạo đức của Trung Quốc, đã khiến nhiều quốc gia phải dè chừng, thúc đẩy họ đoàn kết nhằm chống lại sự bành trướng và bắt nạt của Trung Quốc. Nó khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng tương đối bị cô lập trong cộng đồng quốc tế và thiếu một môi trường bên ngoài thuận lợi cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.

    Bản thân sự tăng trưởng của Trung Quốc đã gây ra các phí tổn lớn về mặt xã hội, điều mà các thực hành dân chủ có thể giúp ngăn cản. Để phát triển nhanh, đảng đã không ngại gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Điều này khiến các “làng ung thư” xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước. Số bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vì môi trường suy thoái tăng mạnh. Nhiều người đã trở nên bần cùng vì bệnh tật.

    Đảng cũng sử dụng quyền lực quản lý của mình để tước quyền thương lượng của người lao động Trung Quốc, dẫn đến giá nhân công thấp. Điều này có hại cho người dân. Tần Huy (Qin Hui), một sử gia thẳng thắn của Trung Quốc, coi đây là một “lợi thế so sánh không thể sao chép nếu không có bàn tay sắt”. Quyền lợi của đại đa số người dân Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng, còn đảng thì hưởng lợi lớn.

    Những người nông dân lên thành phố làm việc để lại con cái họ ở quê nhà, dẫn đến hơn 60 triệu “trẻ em bị bỏ lại” trong cảnh nghèo khó và không có cha mẹ cạnh bên ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Các vấn đề về tâm lý và nhân cách của họ, cũng như lối sống thiếu lành mạnh, bình thường và các cơ hội giáo dục tốt, gây ra những khó khăn rất lớn. Điều này cản trở việc nâng cao kỹ năng của thế hệ trẻ để họ có thể đáp ứng được các nhu cầu của đất nước.

    Ngoài ra, còn có vấn đề đổi mới sáng tạo, nền tảng của tăng trưởng trong tương lai. Điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự sáng tạo là tôn trọng nhân phẩm, bảo vệ các quyền cơ bản của con người và đề cao quyền tự do tư tưởng và ngôn luận. Để kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển, nước này cần tuân theo xu thế tự do, dân chủ chung trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hệ thống độc đảng về cơ bản chống lại tự do và dân chủ. Nó không chỉ là một trở ngại to lớn đối với sự phát triển của Trung Quốc, mà còn là một thảm họa về quyền tự do dân sự.

    Các trụ cột của chế độ độc tài độc đảng của Trung Quốc là bạo lực và khủng bố, dối trá và lừa lọc, đi kèm với sự giám sát chặt chẽ. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã sử dụng nhiều hơn các công nghệ kỹ thuật số để củng cố sự kiểm soát của đảng đối với đất nước. Các quan chức đã thực hiện một hình thức diệt chủng quy mô lớn ở các vùng dân tộc thiểu số như Tân Cương, cao nguyên Tây Tạng và Nội Mông.

    Ở phần còn lại của Trung Quốc, họ đã đàn áp mạnh tay những công dân chống lại chế độ độc tài toàn trị, kết án, bỏ tù hoặc tra tấn họ. Dưới sự khủng bố bạo lực như vậy, ý chí tự do của con người bị dập tắt và sức sáng tạo của cá nhân bị bóp nghẹt. Làm thế nào Trung Quốc có thể thành công trong tương lai nếu đè bẹp tinh thần của người dân ngày nay?

    Để tăng cường khả năng kiểm soát xã hội, đời sống trí thức và văn hóa, đảng đã củng cố các tiêu chuẩn chính trị và tư tưởng áp dụng ở mọi cấp học, từ tiểu học đến sau đại học. Như vào thời nhà Tần, khoảng năm 200 trước Công nguyên, ngày nay Đảng đã thực hiện một phiên bản hiện đại của chính sách “đốt sách chôn nho”.

    Đảng tịch thu các công trình học thuật xuất bản ở nước ngoài, và cấm thảo luận về các ý tưởng học thuật nước ngoài. Một số trường đại học thậm chí còn không cho phép các khoa ngoại ngữ sử dụng sách giáo khoa bằng tiếng nước ngoài. Việc tách biệt khỏi các thành tựu của nền văn minh nhân loại chắc chắn sẽ cản trở chân trời tri thức và trí tuệ của giới trẻ Trung Quốc, đồng thời khiến việc trau dồi tư duy sáng tạo trở nên khó khăn hơn. Kết quả là Trung Quốc sẽ thiếu những nhân tài cần thiết để dẫn dắt trong tương lai.

    Chế độ độc tài độc đảng là một trở ngại lớn đối với Trung Quốc. Nó thậm chí có thể gây ra những thảm họa xã hội hoặc chính trị không lường trước được. Chỉ bằng cách chấm dứt hệ thống quản trị độc tài này và tiến tới một nền dân chủ hợp hiến thì đất nước mới có thể phát triển kinh tế – xã hội một cách vững mạnh và lâu bền.

    Thái Hà là giáo sư lý luận chính trị tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh từ năm 1998 đến năm 2012. Từ năm 2019, bà sống lưu vong ở Mỹ.

    ( Chỉ cần thay chữ Trung Quốc bằng chữ Việt Nam chúng ta sẽ thấy toàn cảnh xã hội Việt nam ngày nay)

    Nguồn: “Cai Xia on why China’s one-party system holds back the country”, The Economist, 8/12/2021.

    Biên dịch: Phan Nguyên
    Nghiên Cứu Quốc Tế

    Không có nhận xét nào