Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Nam - Khi Tổng bí thư là ‘nhà bào chế thuốc’




    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ‘biệt dược’ mang tên “Quy định mới về những điều đảng viên không được làm”.

    Sáng 9-12, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện kết luận và quy định của Ban Chấp hành trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo hình thức trực tuyến.

    Khi Tổng bí thư là ‘nhà báo chế thuốc’

    Trong bài “phát biểu chỉ đạo hội nghị” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có các đoạn nhấn như sau:

    Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức là văn minh”; phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn, trong đó có việc phát huy những tác động tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế.

    Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 lần này về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã bám sát nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng của các nghị quyết trung ương trước đây, đặc biệt là nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

    Tinh thần mới, nội dung mới của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, là đã mở rộng, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị. Không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức Đảng, mà còn mở rộng ra cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những đối tượng có chức, có quyền, những nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đúng theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

    Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, còn phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực… Đồng thời bổ sung, làm rõ hơn hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực”, sát hợp với tình hình mới.

    “Để chống chủ nghĩa cá nhân, cùng với nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, chúng ta có thêm Quy định mới về những điều đảng viên không được làm – một căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

    Đây là những quy định được ví như những ‘biệt dược’ giúp chúng ta phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng và hệ thống chính trị, giúp cho cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

    Đặc biệt là ngày 3-11-2021 mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, cho từ chức đối với những người có sai phạm, không còn đủ uy tín, năng lực làm việc; không cần đợi đến hết nhiệm kỳ hoặc đến thời hạn bổ nhiệm lại”, Tổng bí thư nói.

    Phải bao nhiêu liều ‘biệt dược’ để không còn cảnh “tự diễn biến”?

    Trong 5 năm 2016 – 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị xử lý kỷ luật, chiếm 0,5% tổng số đảng viên trên cả nước.

    Thông tin được bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức trung ương, cho biết tại hội nghị. Theo bà Trương Thị Mai, trong số hàng chục ngàn đảng viên có biểu hiện hư hỏng trong 5 năm 2016 – 2020, có hơn 15.100 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, khoảng 8.200 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và khoảng 1.700 đảng viên biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

    Đảng đã xử lý kỷ luật 8.281 đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, trong đó có 6.838 đảng viên không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả…

    Về suy thoái đạo đức, lối sống, Đảng đã xử lý kỷ luật hơn 15.100 đảng viên, trong đó có gần 7.700 đảng viên đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.

    Khoảng 2.200 đảng viên bị kỷ luật vì gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên, đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định, chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc.

    Hơn 1.600 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

    Về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong 5 năm Đảng đã kỷ luật 1.722 đảng viên.

    Với những con số mang tính thống kê nêu trên, liệu có phải là quá tự tin như “phát biểu chỉ đạo” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta có thêm Quy định mới về những điều đảng viên không được làm – một căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

    Sở dĩ gọi là “quá tự tin”, vì như một bài viết gần đây trên trang Việt Nam Thời Báo, tác giả Phú Nhuận đã thử thống kê cho thấy ngoài điều lệ đảng, còn có 9 quy định của đảng, tiếp theo đó là 8 quyết định và 3 chỉ thị. Và để thực hiện loạt các văn bản đó, còn có 8 văn bản hướng dẫn…

    Việt Nam Thời Báo

    Không có nhận xét nào