Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 07 tháng 12 năm 2021

    Mỹ loan báo không phái quan chức tới Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 



    Tượng điêu khắc Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 tại công viên Shougang, Bắc Kinh.

    Mỹ ngày 6/12 loan báo sẽ không phái quan chức chính phủ đến Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, sau khi Trung Quốc dọa sẽ có “những biện pháp trả đũa” sự tẩy chay ngoại giao như thế.

    Tổng thống Joe Biden tháng trước cho hay xem xét việc tẩy chay ngoại giao giữa những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm điều mà Washington gọi là diệt chủng người Hồi giáo thiểu số tại vùng Tân Cương ở phía tây nước này.

    “Chính quyền Biden sẽ không phái bất cứ đại diện ngoại giao hay đại diện chính thức nào đến Thế vận hội mùa Đông và Thế vận hội người khuyết tật Bắc Kinh 2022 vì nạn diệt chủng và các tội ác chống nhân loại tại Tân Cương cùng những vi phạm nhân quyền khác,” phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki tuyên bố tại một cuộc họp báo.

    “Đại diện ngoại giao hay đại diện chính thức của Mỹ [tới Bắc Kinh] sẽ coi các cuộc tranh tài này như thường lệ giữa lúc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vi phạm nhân quyền thô bạo và giữa những chuyện tàn bạo tại Tân Cương, và chúng tôi đơn giản không thể làm như thế.”

    Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

    Việc tẩy chay ngoại giao, được một số thành viên Quốc hội Mỹ khuyến khích trong nhiều tháng qua, sẽ không ảnh hưởng đến việc tham dự của các vận động viên Mỹ, bà Psaki nói thêm.

    “Các vận động viên đội tuyển Mỹ được sự ủng hộ hoàn toàn của chúng ta. Chúng ta hậu thuẫn họ 100% và chúng ta cổ vũ họ từ nhà.”

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng những người kêu gọi tẩy chay là lấn lối và nên dừng lại “để không ảnh hưởng đến đối thoại và hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong những lãnh vực quan trọng”.

    “Nếu Mỹ vẫn cương quyết giữ vững lập trường, Trung Quốc sẽ có những biện pháp đối phó mạnh mẽ,” ông nói nhưng không nêu chi tiết.

    Mỹ sẽ tổ chức Thế vận hội 2028 tại Los Angeles, chưa biết Bắc Kinh sẽ đối phó như thế nào.

    Các giới chức Trung Quốc nói họ nhận được 1.500 đơn từ Ủy ban Thế vận Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm đưa tên của các vận động viên Mỹ tham gia Thế vận mùa Đông được tổ chức vào tháng Hai năm 2022.

    Tuy nhiên Trung Quốc nêu lên những hạn chế gắt gao về COVID đối với kế hoạch giới hạn người xem, và truyền thông nhà nước Trung Quốc nói Bắc Kinh không có ý định mời các chính trị gia phương Tây đe dọa tẩy chay.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo duy nhất của một nước lớn đã chấp nhận lời mời tham dự của Trung Quốc.

    Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, nói Mỹ đang tham khảo với các đồng minh và đối tác về “phương án chung” đối với Thế vận hội Bắc Kinh trước những quan ngại về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.

    Ông Stefano Sannino, người đứng đầu ngoại giao của Liên hiệp châu Âu, ngày 3/12 sau khi gặp các quan chức Mỹ tại Washington cho hay điều quan trọng là phải tiếp tục áp lực lên Trung Quốc về vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, nhưng chuyện tẩy chay là vấn đề của từng nước thành viên, không phải là chính sách ngoại giao chung của EU.

    Khủng hoảng Ukraine phủ bóng thượng đỉnh Biden – Putin



    Khủng hoảng Ukraine phủ bóng thượng đỉnh Biden – Putin

    Những diễn biến gây lo ngại gần đây ở biên giới Ukraine được dự đoán là chủ đề sẽ đốt nóng thượng đỉnh trực tuyến Biden – Putin sắp diễn ra.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh tụ Nga Vladimir Putin tối nay sẽ cùng nhau thảo luận “các vấn đề toàn diện” trong cuộc họp trực tuyến được dự kiến kéo dài nhiều giờ, Nhà Trắng và Điện Kemlin cho biết. Động thái này diễn ra khi mối quan hệ Mỹ – Nga hiện ở mức thấp chưa từng có và căng thẳng giữa hai nước đang leo thang, đặc biệt vì vấn đề Ukraine.

    Nhà Trắng từng cảnh báo Moskva sẽ phải chịu “những hậu quả nghiêm trọng”, ngụ ý về những biện pháp trừng phạt sẽ cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, nếu nước này theo đuổi hành động quân sự chống lại Ukraine. Quan chức Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa Mỹ sẽ điều thêm quân tới Đông Âu nếu Nga tiến đánh Ukraine, cáo buộc mà Moskva luôn bác bỏ.

    Mỹ và Ukraine gần đây cáo buộc Nga tập trung khoảng 100.000 quân và nhiều khí tài hạng nặng gần biên giới phía tây, cho rằng nước này “đang lên kế hoạch tiến đánh Ukraine”. Kiev còn cho rằng Moskva sẽ đưa quân qua biên giới vào đầu năm sau.

    Nga phủ nhận thông tin lên kế hoạch tấn công Ukraine và cáo buộc phương Tây có hành động khiêu khích, đặc biệt với các cuộc tập trận quân sự của các thành viên NATO ở Biển Đen, nơi Moskva coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của nước này.

    Tổng thống Putin nhiều lần yêu cầu NATO đưa ra cam kết mang tính ràng buộc pháp lý rằng họ sẽ không mở rộng hiện diện về phía đông, kết nạp Ukraine làm thành viên hoặc đặt các hệ thống vũ khí tiến công quá gần lãnh thổ Nga. Putin cảnh báo đây là “lằn ranh đỏ” với Nga và nếu NATO vượt qua lằn ranh này, Moskva sẽ hành động.

    Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Stockholm, Thụy Điển, hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông không muốn suy đoán liệu “phương Tây có từ chối cân nhắc” các đề xuất từ Moskva hay không.

    “Tôi nghĩ tất cả mọi người đều đã hiểu những điều Tổng thống Putin muốn và nhận thức được rằng những đề xuất đó là nghiêm túc”, ông nói.

    Tuy nhiên, Tổng thống Biden hồi cuối tuần trước khẳng định ông “sẽ không chấp nhận lằn ranh đỏ của bất kỳ ai”.

    Theo một quan chức Mỹ giấu tên, trong thượng đỉnh trực tuyến tối nay, Tổng thống Biden dự định làm rõ với Tổng thống Putin về những hành động mà Mỹ và đồng minh sẽ thực hiện nếu Nga đưa quân vào Ukraine, nhưng đồng thời cũng mở ra một con đường ngoại giao giúp giải quyết mối lo ngại của các bên. /Wahsington Post

    Evergrande trước bờ vực vỡ nợ

    Vỡ nợ đối với chủ nghĩa tư bản cũng nghiêm trọng như địa ngục đối với Thiên chúa giáo: nó trừng phạt hành vi sai trái và giúp “tách lúa khỏi vỏ trấu.” Bằng cách nói này, thứ Ba sẽ là một ngày địa ngục với giới tư bản Trung Quốc. Evergrande, hãng bất động sản mắc nợ nhiều nhất trên thế giới, đã suýt vỡ nợ trái phiếu đô la trước đây. Nhưng đến tuần trước họ cho biết không thể đảm bảo đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình. Thứ Ba sẽ trả lời liệu họ có bỏ lỡ thời hạn thanh toán đối với trái phiếu nước ngoài do công ty con Scenery Journey phát hành hay không.

    Để hạn chế thiệt hại cho tâm lý nhà đầu tư, ngân hàng trung ương Trung Quốc nói tình hình của Evergrande là do công ty “quản trị yếu kém.” Dù vậy có rất nhiều công ty tương tự. Kaisa, một nhà phát triển bất động sản khác, cũng có thể sẽ vỡ nợ trái phiếu đô la đáo hạn vào thứ Ba, sáu năm sau khi vỡ nợ một loại trái phiếu nước ngoài khác. Nếu vỡ nợ là nhằm ngăn con người ta liều lĩnh, cũng như địa ngục ngăn người ta phạm tội, thì có lẽ lửa ở Trung Quốc vẫn chưa đủ nóng.

    Căng thẳng chính trị phủ bóng Olympic Mùa Đông 2022


    Ban điều hành của Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ nhóm họp vào thứ Ba để thảo luận về Thế vận hội Mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh. Họ sẽ thảo luận về ngày khai mạc, và nhiều khả năng sẽ bỏ qua những vấn đề nghiêm trọng hơn: Peng Shuai, một vận động viên quần vợt Trung Quốc, và việc các chính phủ phương Tây tẩy chay sự kiện.

    IOC đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích vì bác bỏ các lo ngại về việc bà Peng bị bịt miệng sau cáo buộc một quan chức cấp cao về hưu của Trung Quốc tấn công tình dục. Đến thứ Hai, chính quyền Biden tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội vì Trung Quốc vi phạm nhân quyền, bao gồm tội ác chống lại loài người xoay quanh chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Một số đồng minh của Mỹ dự kiến sẽ làm theo. Tuy nhiên, tất cả các nước vẫn sẽ gửi vận động viên của họ. Đó là điều mà IOC và Trung Quốc quan tâm nhất cho ngày khai mạc: sự kiện sẽ vẫn diễn ra.

    Biden và Putin họp trực tuyến trong bối cảnh căng thẳng Ukraine


    Joe Biden và Vladimir Putin sẽ họp online vào thứ Ba, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về Ukraine. Nga đã chiếm Crimea, một bán đảo ở miền nam Ukraine, vào năm 2014, với nhiều người Nga vẫn coi Ukraine như một phần lãnh thổ bị mất đi. Gần 100.000 quân Nga hiện đang tập trung về sát biên giới với nước này. Người ta ngày càng lo ngại Nga có thể chuẩn bị xâm lược vào tháng Giêng.

    Trong nỗ lực ngăn chặn điều đó, Tổng thống Mỹ sẽ cảnh báo ông Putin không để vướng vào một cuộc xung đột kéo dài, đe dọa trừng phạt nghiêm khắc và tăng cường triển khai quân NATO đến sát biên giới Nga. Đổi lại, nhà lãnh đạo Nga muốn được đảm bảo Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

    Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo vốn đã xấu (ông Biden từng gọi ông Putin là “kẻ giết người”). Nhưng ông Biden muốn đối thoại an ninh nghiêm túc để giảm thiểu rủi ro xung đột – một chủ đề của hội nghị thượng đỉnh của họ tại Geneva hồi tháng Sáu. Cuộc khủng hoảng mới giờ đây cho thấy nó cần thiết đến mức nào.

    Triển vọng Giáng sinh ảm đạm của EU

    Thứ Ba này, cơ quan thống kê EU Eurostat sẽ công bố số liệu chính thức về tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro và toàn bộ EU trong quý 3 năm 2021, cũng như số liệu thất nghiệp. Một ước tính nhanh vào tháng 11 cho thấy GDP điều chỉnh theo mùa tăng 2,2% ở khu vực đồng euro và 2,1% ở EU, so với quý trước đó. Người ta cũng ước tính số lượng lao động có việc làm tăng 0,9% so với quý trước ở cả khu vực đồng euro và EU trong quý 3 năm 2021.

    Nhưng khi châu Âu chìm trong cơn sóng dữ thứ tư của đại dịch covid-19, triển vọng của mùa Giáng sinh trở nên ảm đạm. Các hạn chế công cộng, nhà hàng và cửa hàng dần trở nên nghiêm ngặt hơn. Một số nước châu Âu đang cân nhắc làm theo Áo, quốc gia gần đây đã đề xuất phong tỏa chặt chẽ. Ngoài ra lạm phát cũng làm giảm tiêu dùng.

    Israel không kích gần căn cứ Nga ở Syria



    Israel không kích gần căn cứ Nga ở Syria


    Không quân Israel phóng tên lửa vào bãi container tại cảng Latakia, cách căn cứ không quân Khmeimim của Nga khoảng 25 km.

    “Khoảng 1h23 ngày 7/12 (6h23 giờ Hà Nội), Israel phóng tên lửa từ khu vực Địa Trung Hải phía tây nam Latakia, nhằm vào bãi container tại cảng thương mại. Hệ thống phòng không của chúng tôi đã đẩy lùi hành vi xâm lược của Israel ở Latakia”, một nguồn tin quân sự Syria cho biết.

    Vụ không kích nhằm vào một bãi container của cảng Latakia tại thành phố cùng tên, cách căn cứ không quân Khmeimim của Nga khoảng 25 km. Nhiều container bốc cháy và hư hại trong vụ không kích, song không có thương vong.

    Truyền thông Syria công bố video cho thấy một đám cháy lớn bốc lên trong bãi container sau vụ không kích. Lực lượng cứu hỏa địa phương sau đó dập tắt được ngọn lửa.

    Chưa rõ lý do Israel không kích. Không quân Israel hiếm khi tấn công cảng Latakia, cơ sở quan trọng tiếp nhận phần lớn hàng hóa nhập khẩu của Syria. Quân đội Israel chưa bình luận về sự việc, nước này từng tuyên bố không cho phép Syria trở thành nơi trú ẩn cho đối thủ Iran.

    Từ khi chiến sự bùng phát tại Syria năm 2011, Israel triển khai hàng trăm phi vụ không kích mục tiêu trong lãnh thổ Syria, bao gồm vị trí của quân chính phủ, lực lượng do Iran hậu thuẫn và nhóm dân quân Hezbollah.

    Israel hôm 24/11 không kích nhằm vào tỉnh Homs phía tây Syria khiến 5 người thiệt mạng. Trong hai cuộc tấn công riêng biệt hồi tháng 10, 5 dân quân thân Iran thiệt mạng gần thủ đô Damascus và 9 tay súng thuộc phe chính phủ Syria chết tại căn cứ không quân T4 phía nam Palmyra.

    Nguồn: AFP

    Liên Hiệp Châu Âu chi kỉ lục cho quốc phòng nhưng thiếu hợp tác trong khối



    (Ảnh minh họa) – Chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất, ảnh chụp ngày 11/09/2021. Christophe SIMON AFP/Archivos

    Các nước Liên Âu chi 198 tỉ euro cho quốc phòng trong năm 2020. Đây là mức chi cao nhất kể từ năm 2006. Tuy nhiên, theo báo cáo được Cơ Quan Quốc Phòng Châu Âu (AED) công bố ngày 06/12/2021, đầu tư cho các dự án chung của các nước châu Âu lại sụt giảm.

    Theo Reuters, chi phí cho quốc phòng năm 2020 của các nước Liên Hiệp Châu Âu đã tăng 5% so với năm 2019 và tương đương với 1,5% GDP của các nước thành viên, trừ Đan Mạch đã rút khỏi dự án phòng thủ chung châu Âu. Mức chi này gần đạt chỉ tiêu được Hoa Kỳ kêu gọi là chiếm 2% GDP mỗi nước thành viên NATO.

    Tuy nhiên, báo cáo của Cơ Quan Quốc Phòng Châu Âu (AED) ghi nhận ngân sách cho các dự án chung bị giảm, ví dụ chi phí cho mua chung trang thiết bị quốc phòng là 4,1 tỉ euro, giảm 13% so với năm 2019. Ông Jiri Sedivy, giám đốc AED, cho rằng « xu hướng giảm chi phí cho các dự án chung châu Âu là điều quan ngại đặc biệt » vì từ cuối năm 2017, Liên Hiệp Châu Âu có Hiệp ước phòng thủ chung nhằm huy động chung ngân sách và chấm dứt tình trạng cạnh tranh trong ngành công nghiệp quốc phòng mỗi nước.

    Cơ quan AED cũng ghi nhận các khoản đầu tư cho nghiên cứu và công nghệ quốc phòng cũng rời rạc và thiếu hợp tác, trong khi Liên Hiệp Châu Âu có 60 dự án quân sự chung và hướng đến việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh.

    Chi phí quân sự năm 2020 lại lập kỷ lục bất chấp Covid-19

    Việc tăng chi phí cho quân sự của Liên Hiệp Châu Âu cũng nằm trong xu hướng chung của thế giới. Ngành công nghiệp quốc phòng là một trong những lĩnh vực hiếm hoi không bị đại dịch Covid-19 tác động

    Theo báo cáo ngày 06/12 của Viện Nghiên cứu quốc tế về Hòa bình (SIPRI), trụ sở tại Stockholm, năm 2020 là năm thứ 6 liên tiếp mà 100 đại tập đoàn sản xuất vũ khí ghi nhận doanh thu kỉ lục, lên đến 531 tỉ đô la, tăng 1,3% so với năm 2019, trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 3%.

    Hoa Kỳ có 41 công ty nằm trong danh sách 100 công ty hàng đầu, có tổng doanh thu là 285 tỉ đô la, chiếm hơn một nửa số hợp đồng vũ khí của top 100. Trung Quốc đứng thứ hai về số doanh nghiệp bán nhiều vũ khí nhất, với tổng doanh thu tăng 1,5% so với năm 2019, bỏ xa các nước Anh, Nga và Pháp. Theo SIPRI, sự phát triển ấn tượng của Trung Quốc là do nước này muốn « tự chủ trong sản xuất và nhờ vào các chương trình đầy tham vọng về hiện đại hóa » quân đội.

    Covid-19 : WHO kêu gọi châu Á-Thái Bình Dương đối phó với số ca nhiễm Omicron gia tăng



    Ngay khi Omicron mới xuất hiện vào cuối tháng 11/2021, Tổ chức Y Tế Thế Giới đã cảnh báo đây là biến thể « đáng lo ngại ». Ed JONES AFP/Archivos

    Biến thể Omicron của SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở hơn 40 nước trên thế giới. Ngày 03/12/2021, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo các nước châu Á-Thái Bình Dương, nơi áp dụng các biện pháp chống dịch khắt khe hơn phương Tây, cần chuẩn bị đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron gây ra.

    Biển thể Omicron đã xuất hiện ở Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Ấn Độ khiến nhiều nước quyết định thắt chặt việc đi lại. Tuy nhiên, theo ông Takeshi Kasai, giám đốc WHO phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương, « việc kiểm soát biên giới có thể kéo dài thời gian nhưng mọi quốc gia và mọi cộng đồng phải chuẩn bị cho những đợt bùng phát ca nhiễm mới ». Thực tế ở Úc cho thấy, dù đóng cửa biên giới trong nhiều tháng và còn tiếp tục kéo dài đến ngày 15/12, biến thể Omicron vẫn lây lan trong cộng đồng.

    Trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Takeshi Kasai nhấn mạnh đến việc rút kinh nghiệm từ việc đối phó với biến thể Delta và kêu gọi các nước tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, cũng như thực hiện các biện pháp phòng dịch như quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

    Tổ Chức Y Tế Thế Giới xếp Omicron vào « biến thể đáng lo ngại ». Các nhà khoa học vẫn đang thu thập dữ liệu để xác định mức độ lây lan và nguy hiểm của Omicron. Tính đến ngày 05/12, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 5,2 triệu người chết trên khắp thế giới. Tuy nhiên, WHO thẩm định con số thực tế phải cao hơn gấp 2-3 lần số liệu thống kê

    Diễn tiến COVID trên thế giới

    Reuters



    Minh họa cảnh báo biến thể Omicron.

    Nam Phi chuẩn bị sẵn sàng các bệnh viện để nhận thêm bệnh nhân trong lúc biến thể Omicron đưa nước này vào trận dịch thứ tư, Tổng thống Cyril Ramaphosa loan báo ngày 6/12.

    Số ca nhiễm hàng ngày ở Nam Phi tăng mạnh trong tuần qua, lên hơn 16.000 ca hôm 3/12 so với gần 2.300 ca hôm 30/11.

    Nước láng giềng Namibia phát hiện biến thể Omicron trong 18/19 mẫu phân tích gen từ 11-26 tháng 11, Bộ Y tế cho hay.

    Omicron lây lan tại Ấn Độ

    Số ca biến thể Omicron tăng lên 21 tại Ấn Độ và người dân phải nhanh chóng tiêm chủng, các giới chức cảnh báo ngày 6/12.

    Nước láng giềng Nepal đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, Bộ Y tế loan báo.

    Thái Lan phát hiện ca Omicron đầu tiên

    Thái Lan phát hiện ca biến thể Omicron đầu tiên nơi một công dân Mỹ. Người này từ Tây Ban Nha đến Thái Lan hồi cuối tháng trước, một giới chức y tế cho biết hôm 6/12. Ca bệnh này khiến Thái Lan trở thành quốc gia thứ 47 phát hiện biến thể Omicron, ông Opas Karnkawinpong, Tổng giám đốc Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, tuyên bố tại một cuộc họp báo.

    Omicron xuất hiện tại Argentina

    Argentina phát hiện ca biến thể Omicron đầu tiên nơi một người từ Nam Phi đến, Bộ Y tế quốc gia Nam Mỹ này cho hay cuối ngày 5/12.

    Hành khách vừa kể là một cư dân của tỉnh San Luis, miền tây Argentina, từ Nam Phi đến đây hôm 30/11 trên một chuyến bay ghé Mỹ và đã bị cách ly kể từ đó.

    Ý siết chặt hạn chế đối với những ai chưa chích ngừa

    Ý ngày 6/12 thắt chặt các hạn chế đối với những người chưa chích ngừa COVID, hạn chế việc tiếp cận của họ đối với một loạt các dịch vụ và nhiều địa điểm.

    Các biện pháp được loan báo vào tháng rồi, trước khi phát hiện biến thể Omicron, và được đưa ra trong lúc số ca nhiễm bắt đầu leo thang trên toàn quốc, dù ở tỉ lệ thấp hơn so với nhiều nước châu Âu.

    Ba Lan sắp loan báo thêm những hạn chế

    Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết chính phủ ông sẽ đưa ra một loạt hạn chế mới trong tuần này để đáp ứng với biến thể Omicron và đang xem xét cách xử trí trong mùa lễ Giáng Sinh sắp tới.

    CDC Mỹ khuyến cáo dân chớ tới Pháp, Jordan

    Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 6/12 khuyên người dân Mỹ chớ du hành đến Pháp, Jordan, Bồ Đào Nha, và Tanzania, viện dẫn quan ngại về COVID.

    CDC hiện liệt kê 83 điểm đến ở “Mức 4: rất cao” và hôm 6/12 bổ sung thêm Andorra, Cyprus và Liechtenstein vào mức khuyến cáo du hành cao nhất.

    Có hiệu lực từ ngày 29/11, Tòa Bạch Ốc cấm nhập cảnh hầu hết người nước ngoài đến từ 8 nước miền Nam Châu Phi vì lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron nhưng không nới rộng những hạn chế này đối với các nước khác, nơi biến thể Omicron cũng đã được phát hiện.

    Pháp ngày 6/12 cho hay đã xác định 25 ca dương tính với biến thể Omicron.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào