Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 14 tháng 12 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Nam – Bắc Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc đồng ý « về nguyên tắc » chấm dứt chiến tranh

     


    Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới thăm khu tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên tại Canberra, Úc, ngày 13/12/2021. AP - Lukas Coch

    Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, hôm qua, 13/12/2021, cho biết Seoul, Bình Nhưỡng, Washington và Bắc Kinh đã đồng ý « về mặt nguyên tắc » cho tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc xung đột này được kết thúc cách nay gần 70 năm bằng một hiệp định đình chiến mong manh. 

    Theo tờ The Guardian, tổng thống Hàn Quốc đã có phát biểu như trên trong một cuộc họp báo nhân chuyến thăm Úc bốn ngày, bắt đầu từ hôm qua. Tuy nhiên, ông Moon Jae In cũng cho biết thêm rằng phía Bình Nhưỡng xem việc Washington chấm dứt thái độ thù nghịch là điều kiện tiên quyết cho các cuộc thương lượng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên hay Mỹ và Bắc Triều Tiên « chưa thể ngồi vào bàn đàm phán về một tuyên bố chính thức », theo như phát biểu của tổng thống Moon trong cuộc họp báo với thủ tướng Úc. 

    Nguyên thủ Hàn Quốc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chấm dứt hiệp định đình chiến « không ổn định » được thiết lập từ gần 70 năm qua, cho phép cải thiện, thậm chí có bước đột phá trong các cuộc « đàm phán về phi hạt nhân hóa » và mang lại « hòa bình cho bán đảo Triều Tiên ». 

    The Guardian nhắc lại, tổng thống Moon xem việc cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên là điểm cốt lõi cho nhiệm kỳ của mình. Ông ra sức thúc đẩy một hiệp ước hòa bình trước khi nhiệm kỳ tổng thống 5 năm duy nhất kết thúc vào mùa xuân năm 2022. Theo các nguồn tin báo chí, đề xuất này của ông Moon được Trung Quốc ủng hộ, trong lúc Mỹ và Hàn Quốc đang trong giai đoạn cuối cùng của việc soạn thảo một tuyên bố. 

    Tuy nhiên, ý kiến này của nguyên thủ Hàn Quốc cũng gây chia rẽ trong nước, cho rằng tuyên bố này chẳng khác gì là một phần thưởng cho các hành vi khiêu khích của chế độ Bình Nhưỡng, đồng thời đe dọa sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.

    Cựu Thủ tướng Nhật: một ‘cuộc phiêu lưu’ quân sự của Trung Quốc có thể là ‘tự sát’

    Reuters

     


    Ông Shinzo Abe.

    Hôm 14/12, cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi Trung Quốc không khiêu khích các nước láng giềng hoặc tìm cách mở rộng lãnh thổ, và nói rằng bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nào của Trung Quốc đều có thể là “hành động tự sát”, theo Reuters.

    Ông Abe, người đã từ chức thủ tướng vào năm ngoái nhưng vẫn có ảnh hưởng với tư cách là người đứng đầu phe lớn nhất của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, đã đưa ra bình luận trên trong một thông điệp video tại một diễn đàn an ninh.

    “Một cuộc phiêu lưu trong các vấn đề quân sự, nếu được theo đuổi bởi một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, ít nhất có thể là hành động tự sát”, ông Abe nói.

    “Chúng ta phải hối thúc họ không theo đuổi việc mở rộng lãnh thổ và hạn chế khiêu khích, hạn chế thường xuyên bắt nạt các nước láng giềng của họ vì điều đó sẽ gây tổn hại đến lợi ích của chính họ”.

    Phát biểu như trên của ông Abe diễn ra sau một bình luận khác của ông trong tháng này rằng bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào đối với Đài Loan sẽ có nghĩa là tình trạng khẩn cấp đối với Nhật Bản cũng như đối với liên minh an ninh của nước này với Hoa Kỳ, và rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nên hiểu lầm điều đó.

    Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi nhận xét trước đó của ông Abe, được đưa ra vào ngày 1/12, là “sai lầm” và vi phạm các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ song phương.

    Trong thông điệp hôm 14/12, cựu Thủ tướng Abe bày tỏ ủng hộ việc Đài Loan tham gia hiệp định thương mại khu vực có tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

    Ông Abe nói: “Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia cùng chí hướng khác nên tích cực làm việc để đưa Đài Loan vào các tổ chức quốc tế có tầm liên quan toàn cầu. WHO đứng đầu danh sách này”.

    Trung Quốc buộc các công ty hủy niêm yết ở nước ngoài, kéo vốn về nước

    Vòng đời niêm yết ngắn ngủi của Didi Global, gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc, đang đi đến hồi kết. Sau đợt IPO 4,4 tỷ USD tại New York vào tháng 6, tập đoàn này đang chịu áp lực pháp lý từ chính phủ Trung Quốc để hủy niêm yết và quay về nước.

    Sự can thiệp chưa từng có của Trung Quốc vào các thị trường Mỹ là một phần của quá trình thay đổi lớn trong nền tài chính toàn cầu. Tất cả 2,1 nghìn tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc giao dịch tại New York có thể sẽ bị hủy niêm yết trong hai năm tới. Nhà đầu tư Mỹ sẽ thiệt hại trong quá trình này nhưng chính phủ Trung Quốc rất vui khi thấy các công ty kéo niêm yết về Hồng Kông, Thượng Hải hoặc Thâm Quyến. Mức đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu và trái phiếu trong nước đã tăng gấp đôi lên khoảng 6,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,1 nghìn tỷ USD) từ cuối năm 2018 đến tháng 9 năm nay. Chủ nghĩa tư bản Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường quê hương của nó.

    Omicron dễ lây lan, nhưng mức độ bệnh tương tự

    Không phải lúc nào cũng rõ tại sao một biến thể covid-19 lại đi vòng quanh thế giới trong khi biến thể khác thì không. Nam Phi hứng chịu một làn sóng biến thể Beta vào cuối năm 2020, nhưng rồi Beta không lan rộng. Trong khi đó Delta, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ khoảng một năm trước, cho thấy mức độ lây nhiễm hơn mọi chủng khác.

    Giờ đây, thế giới chuẩn bị đối phó Omicron. Có thể sẽ phải tiêm tăng cường. Dữ liệu ban đầu cho thấy chủng mới lây mạnh hơn Delta bốn lần và có khả năng lây nhiễm cao hơn cho những người đã được tiêm hai mũi vắc-xin tiêu chuẩn AstraZeneca và Pfizer-BioNTech.  Song sau một thời gian khả năng bảo vệ chỉ còn 70-75%. Omicron trông ít có khả năng gây bệnh nặng hơn các chủng khác. Nhưng nếu không tiêm nhắc lại, tốc độ lây nhanh của nó có thể khiến số ca nhiễm bệnh tăng kỷ lục.

    Chưa thể kết luận lốc xoáy thảm khốc ở Mỹ là do biến đổi khí hậu

    Hôm thứ Sáu, lốc xoáy đã xé toạc phía bắc miền Nam Hoa Kỳ, gây ra thiệt hại thảm khốc. Thảm họa này rất bất thường. Hệ thống bão tạo ra nó hoành hành trong nhiều giờ, để lại một vết sẹo dài gần 250 dặm (400km). Nếu thiệt hại thật sự chỉ do một lốc xoáy (twister), thì đây sẽ là lốc xoáy dài nhất từng được ghi nhận.

    Deanne Criswell, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang, cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan trở thành “bình thường mới.” Có lẽ; nhưng có ít bằng chứng cho điều đó. Lốc xoáy quá đặc trưng về mặt địa lý để có thể thực sự mô phỏng bằng các mô hình khí hậu. Các nhà khoa học cho rằng những cơn bão nghiêm trọng gây ra lốc xoáy có nhiều khả năng xảy ra hơn khi thế giới ấm lên. Nhưng nhiệt độ cao hơn cũng có thể làm giảm các yếu tố góp phần khác, chẳng hạn như làm thay đổi hướng gió. Không có bằng chứng nào cho thấy số lượng lốc xoáy đang tăng lên, dù đúng là chúng đang lần đầu xuất hiện ở một số vùng. Vẫn chưa ai biết tại sao.

    ‘Nổi loạn’ trong đảng của thủ tướng Anh

    Tháng khó khăn của Boris Johnson đã trở nên tồi tệ hơn. Sau nhiều tháng biểu tình chống hạn chế covid-19, thủ tướng Anh giờ đang cố gắng thuyết phục đảng ông đồng ý với các hạn chế mới. Ở Anh, những người đến hộp đêm hoặc các địa điểm đông người khác sẽ phải chứng minh đã tiêm phòng đầy đủ hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính. Các nghị sĩ bảo thủ “ghế sau” đang phẫn nộ: khoảng 70 người dự kiến sẽ nổi dậy phản đối chính phủ vào thứ Ba, cuộc biểu tình lớn nhất của các nghị sĩ Bảo thủ kể từ chiến thắng năm 2019 của ông Johnson.

    Tuy nhiên nó nhiều khả năng sẽ được thông qua vì Công đảng ủng hộ các biện pháp này. Đó nên giúp thủ tướng thở phào, nhất là khi ông đang thể hiện không tốt trong các cuộc thăm xoay quanh bê bối tổ chức tiệc ở Phố Downing ngay giữa phong tỏa mùa đông năm ngoái — dù việc phải dựa vào các lá phiếu của phe đối lập báo trước nhiều điều không tốt. Dù vậy hạn chế mới có thể sẽ không ngăn cản được đà lây của Omicron, nên bất kỳ cái thở phào nào cũng sẽ chỉ là tạm thời.

    Intel đầu tư 7 tỷ USD vào nhà máy vi mạch bán dẫn Malaysia

     


    Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger tham dự một cuộc họp của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế tại Versailles, Pháp hôm 28/06/2021. (Ảnh: Stephane de Sakutin/Pool/Reuters)

    Hôm thứ Hai (13/12), các nhà chức trách Malaysia cho biết, Intel sẽ đầu tư 30 tỷ ringgit, tương đương hơn 7 tỷ USD vào nhà máy đóng gói chất bán dẫn hiện đại ở Penang, một tiểu bang ở phía tây bắc của nước này.

    Khoản đầu tư này sẽ tăng cường khả năng đóng gói vi mạch bán dẫn hiện có của công ty trên đảo quốc này. Dự kiến ​​s có thêm thông tin chi tiết v tha thun ti cuộc họp báo tại phi trường Kuala Lumpur hôm thứ Tư (15/12) với sự tham gia của Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cùng với Bộ trưởng Thương mại Malaysia, Azmin Ali, và Giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Malaysia, ông Arham Abdul Rahman.

    Mặc dù khoản đầu tư được quảng cáo là để định vị quốc gia này như một trung tâm sản xuất quan trọng, nhưng khả năng đóng gói sẽ bổ sung cho các hoạt động hiện có và hỗ trợ trung tâm dịch vụ toàn cầu của Intel.

    Thông báo được đưa ra cùng lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang có chuyến thăm đầu tiên tới Đông Nam Á.

    Doanh số bán thiết bị máy tính liên quan đến đại dịch đã góp phần làm tăng nhu cầu đối với vi mạch bán dẫn, trong đó các nhà sản xuất thiết bị và vi mạch bán dẫn toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu hụt trong các ngành sản xuất bao gồm điện tử và điện thoại thông minh đến các thiết bị gia đình và xe hơi.

    Các nhà đầu tư đã bổ nhiệm ông Gelsinger làm giám đốc điều hành vào đầu năm nay với hy vọng giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất vi mạch bán dẫn trên toàn thế giới. Hiện tại đại công ty sản xuất của Á Châu, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (tạm dịch: Công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan, TSMC) đang dẫn đầu [thị trường này].

    Ông Gelsinger sẽ đến Đài Loan để họp với công ty TSMC vào cuối tuần này khi ông cân bằng mối liên hệ phức tạp nhà cung cấp-đối thủ cạnh tranh với công ty này. Bên cạnh Intel, hầu hết các tập đoàn điện tử hàng đầu như AMD, Apple và Nvidia đều được TSMC cung cấp vi mạch bán dẫn. Intel có kế hoạch đối đầu trực tiếp với công ty này trong hoạt động kinh doanh xưởng đúc.

    Nam Hàn từ chối tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh

     


    Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nói chuyện với các ký giả trong và ngoài nước trong một cuộc họp báo trực tuyến mừng năm mới tại Thanh Ngõa Đài ở Seoul hôm 08/01/2021. (Ảnh: Jeon Heon-kyun/Pool Photo/AP)

    Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cho biết đất nước của ông sẽ không tham gia cuộc tẩy chay ngoại giao do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, với lý do cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để “có thể phi hạt nhân hóa” trên Bán đảo Triều Tiên.

    “Chúng tôi chưa nhận được yêu cầu từ bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Hoa Kỳ, để tham gia vào một cuộc tẩy chay ngoại giao. Hiện chúng tôi đang không cân nhắc thực hiện biện pháp tẩy chay nào cả,” ông Moon nói với các phóng viên sau một cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 13/12.

    Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh để phản đối “tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại đang diễn ra ở Tân Cương” của chính quyền Trung Quốc. Úc, Anh Quốc, Canada, Lithuania, và New Zealand đã làm theo. Tất cả các quốc gia tham gia cuộc tẩy chay ngoại giao này sẽ cho phép các vận động viên của họ thi đấu.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện “các biện pháp trả đũa kiên quyết” nhắm vào Hoa Kỳ vì nỗ lực tẩy chay này, mà không nêu cụ thể hơn.

    Ông Moon nói rằng trong khi Nam Hàn coi trọng quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ trên cơ sở ngoại giao và các vấn đề an ninh, chính phủ của ông cũng phải xem xét vấn đề “hòa bình và an ninh” trên Bán đảo Triều Tiên.

    Ông nói, “Chúng tôi cần những nỗ lực mang tính xây dựng của Trung Quốc để có thể phi hạt nhân hóa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Do đó, Nam Hàn tập trung vào mối quan hệ đồng minh bền vững với Hoa Kỳ và cả với Trung Quốc.”

    Ông Moon tiếp tục nêu rõ mối quan tâm của Nam Hàn trong việc đạt được một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở thông qua một “mối quan hệ hài hòa” với Trung Quốc.

    Nhật Bản và Pháp đàm phán không chính thức về hợp tác quân sự

     


    Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, quân đội Pháp và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, tổ chức diễn tập quân sự chung tại khu vực tập trận Kirishima, Nhật Bản (5/2021) AP - Charly Triballeau

    Đại sứ Pháp tại Nhật Bản, hôm qua, 13/12/2021, thông báo Paris và Tokyo đã bắt đầu các cuộc đàm phán không chính thức về một thỏa thuận tăng cường khả năng phối hợp tác chiến và hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của hai nước

    Theo trang mạng The Mainichi, trong giai đoạn đầu, đôi bên sẽ thảo luận về Thỏa Thuận Tiếp Cận Qua Lại, do việc Pháp có các đảo, lãnh thổ hải ngoại ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng quân sự.  

    Nếu Pháp bước vào đàm phán chính thức với Nhật Bản, đây sẽ là nước thứ ba sau Anh Quốc và Úc. Hiện nay, bộ Ngoại Giao Nhật Bản từ chối bình luận thông tin về các cuộc đàm phán đã được bắt đầu.  

    Trong cuộc họp báo, đại sứ Pháp Philippe Setton tuyên bố :

    « Chúng tôi muốn thúc đẩy các chương trình hợp tác quân sự và phòng thủ (với Nhật Bản). Đó là lý do vì sao chúng tôi hy vọng, nếu có thể, đạt được Thỏa Thuận Tiếp Cận Qua Lại. Tôi nghĩ rằng điều này là quan trọng, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa hai nước ».  

    Hồi tháng 5/2021, Lực lượng Phòng vệ bộ binh Nhật Bản (lục quân) lần đầu tiên đã có cuộc tập trận quy mô lớn với Mỹ và Pháp trên lãnh thổ Nhật Bản. Mục tiêu là nhằm ngăn cản hành động quân sự ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

    Không có nhận xét nào