Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 11 tháng 12 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Mỹ: Lạm phát tiêu dùng cao nhất trong gần 4 thập niên

     


    Bảng giá xăng tại một trạm xăng ở thành phố Philadelphia, ngày 17 tháng 11, 2021.

    Giá cả tiêu dùng ở Mỹ tăng 6,8% trong tháng 11 so với một năm trước đó do chi phí thực phẩm, năng lượng, nhà ở, ô tô và quần áo tăng cao khiến người Mỹ chịu đựng tỉ lệ lạm phát hàng năm cao nhất trong 39 năm qua.

    Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Sáu cũng báo cáo rằng giá cả tăng 0,8% từ tháng 10 đến tháng 11 — một mức tăng đáng kể, dù có nhẹ hơn so với mức 0,9% từ tháng 9 đến tháng 10.

    Lạm phát đang đè nặng lên người tiêu dùng, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp và đối với các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, theo AP. Lam phát cũng làm xói mòn mức lương cao hơn mà nhiều người lao động nhận được, làm phức tạp kế hoạch giảm hỗ trợ cho nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed).

    Thúc đẩy lạm phát là một loạt những yếu tố bắt nguồn từ sự phục hồi nhanh chóng từ suy thoái do đại dịch: Chính phủ ồ ạt bơm tiền kích thích kinh tế, lãi suất cực thấp do Fed ấn định và tình trạng thiếu nguồn cung tại các công xưởng. Sản xuất đã trì chậm do nhu cầu của khách hàng cao hơn dự kiến, do các cơ sở đóng cửa liên quan đến COVID và do các hải cảng và bãi vận chuyển hàng hóa bị ùn ứ.

    Chủ thuê mướn lao động, vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu nhân công, cũng đã tăng lương, và nhiều người đã tăng giá để bù đắp chi phí lao động cao hơn, do đó làm tăng thêm lạm phát.

    Kết quả là giá cả các mặt hàng từ thực phẩm và xe đã qua sử dụng cho đến đồ điện tử, đồ gia dụng và xe hơi cho thuê đều tăng. Giá trung bình của một chiếc xe đã qua sử dụng đã tăng vọt gần 28% từ tháng 11 năm 2020 tới tháng trước — lên mức kỷ lục 29.011 đô la, theo dữ liệu do Edmunds.com tổng hợp.

    Ông Đỗ Nguyễn Quốc Vinh, ở gần thành phố Minneapolis thuộc bang Minnesota, cho biết giá cả xe đã qua sử dụng ở nơi ông sinh sống tăng cao đến mức người bán có thể hưởng lời. Ông nói bản thân ông là một ví dụ.

    “Chiếc BMW đời 650 tôi mua cách đây ba năm rồi, chạy hết khoảng chừng 7.000 dặm thôi, nhưng mà lúc đem bán thì lời được 3.000 mấy [đôla],” ông nói. “Mình thấy rõ ràng là nhiều người đang rất muốn xài tiền, người ta không ngại xài tiền, nhưng mà hàng thì không có để bán.”

    Ông Vinh, làm quản lý trong bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty bán hàng điện tử Best Buy và đồng thời cũng sở hữu một tiệm bán rượu bia, nói vấn đề nằm ở chuỗi cung ứng.

    “Ở Best Buy, mấy cái [bộ điều khiển trò chơi điện tử] PS5 mới nhất bây giờ hết hàng mà chờ hoài không thấy. iPhone 13 bây giờ đặt mua 10 ngày mới có mà danh sách đặt mua dài biết bao nhiêu người luôn. Quay về tiệm rượu, cũng có nhiều rượu cognac của Pháp người ta muốn mua quá trời mà cũng không có để bán,” ông cho biết.

    Tình trạng tăng giá, bắt đầu sau khi đại dịch xảy ra, đã lan sang lĩnh vực dịch vụ, từ tiền thuê căn hộ, bữa ăn ở nhà hàng đến các dịch vụ y tế và giải trí, AP cho biết. Ngay cả một số nhà bán lẻ vốn xây dựng hoạt động kinh doanh dựa trên sự hấp dẫn của mức giá cực thấp cũng đã bắt đầu tăng giá.

    Trong 12 tháng qua, chi phí mà một gia đình điển hình ở Mỹ phải trả đã tăng khoảng 4.000 đô la, theo tính toán của Jason Furman, nhà kinh tế học Đại học Harvard.

    Ông La Minh Trí, chủ nhà hàng Kim Sơn ở Houston, Texas, nói nhà hàng của ông đang chật vật duy trì các món ăn trên thực đơn vì giá cả những loại thực phẩm căn bản như thịt gà, thịt bò “lên dữ lắm,” trong khi một số nguyên liệu chế biến thức ăn như dầu hào giờ đang thiếu hụt trầm trọng do hàng nhập khẩu bị ứ đọng ở các hải cảng.

    “Mình cũng ráng chạy chỗ này, chạy chỗ kia. Thay vì hồi xưa mình mua số lượng lớn ở một chỗ thôi thì bây giờ mình phải mua số lượng rất là nhỏ ở nhiều chỗ. Mình phải gọi chỗ này chỗ kia vì chỗ này có một chút, chỗ kia có một chút. Hy vọng hết năm nay coi như thế nào chứ bây giờ mình cũng chỉ cố bám trụ,” ông nói.

    Nhưng giá cả tăng và thiếu hụt hàng hóa không phải là vấn đề duy nhất. Thiếu hụt nhân công cũng là vấn đề đang khiến việc kinh doanh của ông thêm phần vất vả.

    “Ở Houston mức lương tối thiểu là tám đồng mấy, mà bây giờ muốn kiếm tám đồng mấy chín đồng là không có, tối thiểu là 12 đồng mới có mà cũng rất là giới hạn,” ông cho biết. “Bây giờ lương mình phải tăng lên hơn 12 đồng rồi chấp nhận cho làm tăng ca để duy trì những nhân viên cũ. Phải vậy thì mới mở cửa được,” ông nói thêm.

    Đối với người tiêu dùng Mỹ, mức tăng lạm phát 6,8% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 11 là mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm trước, kể từ mức tăng 7,1% trong năm kết thúc vào tháng 6 năm 1982.

    Một số nhà kinh tế dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh trong những tháng tới và sau đó sẽ giảm dần và người tiêu dùng bớt căng thẳng, theo AP. Họ lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong một số lĩnh vực đã bắt đầu giảm dần. Và trong khi chi phí năng lượng cao hơn sẽ tiếp tục là gánh nặng cho người tiêu dùng trong những tháng tới, người Mỹ có thể sẽ không đối mặt với giá năng lượng cao kỉ lục trong mùa đông như những dự báo trước đó.

    Bài viết sử dụng một số thông tin của AP.

    Anh quốc: Omicron lây lan nhanh, quan chức giục dân đi tiêm mũi ba

     


    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Các quan chức y tế Anh tiếp tục kêu gọi người dân đủ điều kiện đi tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba)

    Phân tích số liệu ban đầu của Cơ quan An ninh Y tế Anh cho thấy liều vaccine Covid thứ ba giúp ngăn ngừa 75% số người mắc xuất hiện triệu chứng.

    Biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh ở Anh nên nhiều khả năng tất cả mọi người sẽ tiếp xúc với một người nhiễm biến thể này trong vài tuần tới, một nhà khoa học cho biết.

    Các quan chức y tế Anh tiếp tục kêu gọi người dân đủ điều kiện đi tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba).

    Hôm thứ Sáu 10/12, UK ghi nhận 58194 ca Covid mới, trong đó có 448 ca Omicron. Nhưng con số thực được ước tính là cao hơn nhiều.

    Số ca lây nhiễm hôm thứ Sáu là lớn nhất kể từ ngày 9/1 năm nay. Ước tính cứ hai đến ba ngày, số ca Omicron lại tăng gấp đôi.

    GS Eleanor Riley, giáo sư về miễn dịch và bệnh truyền nhiễm của Đại học Edinburgh nói trong chương trình Today Programme của BBC Radio 4 rằng biến thể Omicron dường như dễ lây đến mức "bạn phải sống với giả định rằng tất cả những người bạn tiếp xúc đều nhiễm Omicron."

    "Tôi nghĩ Omicron đang lây nhanh đến mức trừ khi bạn ở ẩn, nhiều khả năng bạn sẽ gặp biến thể này trong vài tuần tới. Tôi nghĩ là mọi người không nên nghĩ họ sẽ không bị nhiễm, tình hình đã thay đổi," bà nói.

    Khi được hỏi liệu Omicron có nhẹ hơn các biến thể khác, như một số thông tin từ Nam Phi chỉ dấu, bà nói:

    "Ngay cả nếu nó nhẹ hơn, và vì thế chỉ một tỷ lệ nhỏ người nhiễm phải nhập viện, thì với thực tế là rất nhiều người sẽ tiếp xúc với biến thể này, tỷ lệ nhỏ của một số người lớn cũng có nghĩa là rất nhiều người sẽ phải vào viện."

    GS Peter Openshaw, một nhà miễn dịch học từ Đại học Imperial College London, nói với BBC biến thể Omicron là một "virus hết sức dễ lây".

    Ông nói mặc dù vaccine có lẽ vẫn hiệu quả để ngăn bị bệnh nặng, mọi người không thể chỉ dựa vào vaccine mà phải thực hiện các biện pháp khác như đeo khẩu trang.

    Bộ trưởng Michael Gove cho biết UK đang phải đối mặt với "một tình hình hết sức đáng ngại" do Omicron, và các biện pháp chống dịch đang được theo dõi và đánh giá.

    Cơ quan An ninh Y tế Anh ước tính tới giữa tháng 12, hơn một nửa số ca Covid trên toàn quốc sẽ là do biến thể Omicron và nếu tốc độ lây không giảm, thì cuối tháng 12 sẽ có tới 100000 ca mỗi ngày.

    Cơ quan này phân tích dữ liệu từ 581 ca Omicron và hàng ngày ca Delta để đánh giá hiệu quả của vaccine đối với biến thể mới.

    Phân tích này dựa trên dữ liệu nhỏ nhưng nó cho thấy có sự giảm sút đáng kể về hiệu quả của vaccine AstraZeneca cũng như của hai liều Pfizer.

    Sau khi tiêm mũi thứ ba, khả năng ngăn ngừa triệu chứng ở mức 75% là không cao so với các biến thể cũ.

    TS Mary Ramsay từ Cơ quan An ninh Y tế Anh nói: "Những ước tính ban đầu này cần phải được dùng một cách thận trọng nhưng nó cho thấy rằng vài tháng sau liều thứ hai, bạn có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron cao hơn so với biến thể Delta."

    Bà nói thêm: "Chúng tôi cho rằng vaccine sẽ có khả năng bảo vệ bạn tốt hơn trước những bệnh nặng, phức tạp do Covid -19, nên nếu bạn chưa đi tiêm hai mũi đầu, xin hãy đặt hẹn đi tiêm ngay."

    Nhân quyền: Mỹ trừng phạt nhiều quan chức và tổ chức Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Miến Điện

     



    Người biểu tình kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 bên ngoài nhà hát TCL Chinese Theatre ở Hollywood, Los Angeles, Mỹ, nhân Ngày Nhân quyền Thế giới, 10/12/2021. AP - Damian Dovarganes

    Hôm qua, 10/12/2021, nhân ngày Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Hoa Kỳ công bố một loạt danh sách các giới chức, tổ chức thuộc 8 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Miến Điện, bị trừng phạt do các xâm phạm nhân quyền. Tham gia trừng phạt cùng Mỹ có Anh và Canada.

    AFP cho biết cụ thể người đứng đầu khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), Erken Tuniyaz, và người tiền nhiệm Shohrat Zakir, bị bộ Tài Chính Hoa Kỳ trừng phạt vì trách nhiệm trong việc giam cầm « hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều người dân thuộc các sắc tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi » tại Tân Cương. 

    Công ty Trung Quốc SenseTime, chuyên về các kỹ thuật nhận dạng gương mặt, có thể được sử dụng để kiểm soát đám đông, cũng là đối tượng trừng phạt. Theo bộ Tài Chính Mỹ, công nghệ của công ty SenseTime đã được chính quyền Tân Cương sử dụng để kiểm soát cư dân tại khu tự trị. Công ty SenseTime đang chuẩn bị lên sàn chứng khoán tại Hồng Kông ngày 17/12, với hy vọng huy động được 682 triệu euro. 

    Về loạt trừng phạt hôm qua, bộ Tài Chính Mỹ ra thông cáo khẳng định : « Hành động của chúng tôi hôm nay, với sự phối hợp của Anh và Canada, gửi đi một thông điệp, theo đó các nền dân chủ trên thế giới sẽ hành động chống lại những người sử dụng quyền lực Nhà nước để đàn áp ». Các trừng phạt nói trên của Washington nằm trong khuôn khổ « luật Magnitsky ». Luật mang tên của luật sư Nga Sergueil Magnitsky, biểu tượng của cuộc tranh đấu vì nhân quyền, chống lại các hành động lạm quyền của quan chức nhà nước, qua đời trong nhà tù Nga năm 2009.

    Ngoài Trung Quốc, các trừng phạt của Mỹ cũng nhắm vào công ty phim hoạt hình nổi tiếng của Bắc Triều Tiên SEK. Theo bộ Tài Chính Hoa Kỳ, công ty này đã « sử dụng các tổ chức bình phong để lách các trừng phạt quốc tế nhắm vào chính quyền Bình Nhưỡng, lừa dối các định chế tài chính quốc tế ». Bộ trưởng Quốc Phòng Bắc Triều Tiên Ri Yong Gil cũng nằm trong danh sách trừng phạt. Đây là loạt trừng phạt mới đầu tiên đối với Bắc Triều Tiên của chính quyền Biden.

    Đại học Nga European Institute Justo bị trừng phạt vì bảo trợ cho hàng trăm công nhân Bắc Triều Tiên sang Nga với tư cách « sinh viên ». Bộ Tài Chính Mỹ cho biết những người lao động này đã mang lại nhiều ngoại tệ để chính quyền Bắc Triều Tiên sử dụng phát triển các chương trình « bất hợp pháp » chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo.

    Về Miến Điện, Washington cũng trừng phạt bốn lãnh đạo vùng và ba tổ chức liên quan đến bộ Quốc Phòng, do « tham gia vào các cuộc tấn công của tập đoàn quân sự chống lại nền dân chủ và đàn áp tàn bạo » những người phản kháng.

    Loạt trừng phạt được đưa ra vào ngày thứ hai, tức ngày cuối cùng Thượng Đỉnh vì Dân Chủ trực tuyến do Hoa Kỳ tổ chức, với khách mời từ hơn 100 quốc gia.

    Tòa án Anh kết luận: ĐCSTQ phạm tội diệt chủng

     


    Quân đội ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (ảnh: Youtube/The Economist).

    NTD ngày 10 tháng 12 đưa tin, Tòa án Uyghur ở Vương quốc Anh đã ra phán quyết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.

    Tòa án Uyghur là một tòa án tư nhân được thành lập bởi các luật sư và chuyên gia nhân quyền. Tòa án này đã xem xét lời khai của hơn 500 nhân chứng và 40 chuyên gia về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Sau khi thảo luận, vào ngày 9/12, Tòa tuyên bố rằng ĐCSTQ đã sử dụng các hình thức đàn áp như cưỡng bức sinh đẻ, kiểm soát sinh đẻ và phá thai để giảm tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ nhằm đạt được cái gọi là mục tiêu “tối ưu hóa” dân số Tân Cương. ĐCSTQ có “ý định tiêu diệt một phần” người Duy Ngô Nhĩ, do đó ĐCSTQ “đã phạm tội diệt chủng.”

    Lặp lại kết luận của cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Tòa án nói rằng có thể có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ một cách vô lý và bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo. Những hành vi ngược đãi này diễn ra dưới sự xúi giục, đồng ý và đồng tình của các quan chức ĐCSTQ.

    Tòa án Uyghur được thành lập bởi chín luật sư và chuyên gia nhân quyền vào ngày 3 tháng 9 năm ngoái. Mặc dù phán quyết của tòa án này không có giá trị pháp lý và ràng buộc, các nhà tổ chức hy vọng rằng bằng cách trình bày công khai bằng chứng về tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ, Tòa án Uyghur sẽ buộc cộng đồng quốc tế lên tiếng và hành động.

    Phản ứng trước phán quyết của tòa án, Đại hội của người Duy Ngô Nhĩ Thế giới ngày 9 tháng 12 tuyên bố rằng Đối với người Duy Ngô Nhĩ, đây là một ngày lịch sử.

    Dorican Aisha, chủ tịch Đại hội Uyghur Thế giới, cho biết rằng một tòa án độc lập đã ra phán quyết công nhận tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, điều này cho phép người Duy Ngô Nhĩ và những người sống sót khác sau các cuộc đàn áp của ĐCSTQ lên tiếng.

    Dorican Aisha nói rằng phán quyết trên là một bước quan trọng để cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi hơn tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, chấm dứt nạn diệt chủng đang diễn ra, và buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm.

    Tình báo Mỹ: ĐCSTQ không bỏ qua cơ hội xây dựng căn cứ tại quốc gia nhỏ bé

     


    Một hệ thống tòa nhà ở Guinea Xích Đạo (ảnh: Từ video của Displore)

    Các quan chức Mỹ cho biết có thông tin tình báo bí mật cho rằng Trung Quốc có kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự thường trực ở nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo (Equatorial Guinea), một quốc gia châu Phi nhỏ bé trên bờ biển Đại Tây Dương.

    Tờ Wall Street Journal đưa tin, các quan chức Mỹ từ chối tiết lộ chi tiết về thông tin tình báo này. Nhưng họ nói rằng những báo cáo này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ có thể vũ trang và trang bị các tàu chiến trên khắp bờ biển phía đông của Hoa Kỳ.

    Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, đã đến thăm nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo vào tháng 10 năm nay với nhiệm vụ thuyết phục nước này từ chối đề nghị của Bắc Kinh.

    Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết: “Là một phần trong nỗ lực ngoại giao của chúng tôi nhằm giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải, chúng tôi đã nói rõ với Cộng hòa Guinea Xích Đạo rằng các bước đi tiềm năng nhất định liên quan đến các hoạt động của [Trung Quốc] ở đó sẽ làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia”.

    Tướng Stephen Townsend, Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của Hoa Kỳ, đã phát biểu tại Thượng viện vào tháng 4 rằng “mối đe dọa đáng kể nhất” từ Trung Quốc sẽ là họ có “một cơ sở hải quân quân sự trên bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi”. “Ý nghĩa của việc sử dụng quân sự không chỉ là một nơi mà họ có thể ghé cảng, lấy xăng dầu và hàng tạp hóa. Tôi đang nói về một cảng nơi họ có thể tái trang bị đạn dược và sửa chữa tàu hải quân”.

    Nước Cộng hoà Guinea Xích đạo có dân số 1,4 triệu người, từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và giành được độc lập vào năm 1968. Thủ đô Malabo nằm trên đảo Bioko, trong khi Bata, thành phố lớn nhất trong khu vực đất liền của đất nước, nằm giữa Gabon và Cameroon.

    Trên quy mô toàn cầu, Hoa Kỳ cho thấy họ đang cố gắng ngăn cản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng các căn cứ quân sự mới ở nước ngoài, điều mà họ đã làm được ở Campuchia hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

    Vào mùa xuân năm nay, các quan chức tình báo Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng ĐCSTQ đang xây dựng một căn cứ quân sự bí mật tại một cảng thương mại do Trung Quốc điều hành ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Chính phủ Biden đã thuyết phục các nhà chức trách UAE ngừng xây dựng, ít nhất là tạm thời.

    Phụ tá của Tổng thống Biden làm Tổng giám đốc UNICEF

    Reuters

     


    Bà Catherine Russell, tân Tổng giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).

    Liên hiệp quốc ngày 10/12 loan báo bổ nhiệm bà Catherine Russell, phụ tá của Tổng thống Joe Biden, làm Tổng giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).

    Bà Russell hiện là giám đốc Văn phòng Nhân sự Tổng thống tại Tòa Bạch Ốc và phụ tá cho Tổng thống.

    “Bà Russell mang đến vị trí này nhiều thập niên kinh nghiệm phát triển những chính sách sáng tạo gia tăng quyền lực cho những cộng đồng chịu thua thiệt trên toàn thế giới,” phát ngôn viên Liên hiệp quốc Stephane Dujarric nói.

    Tổng thống Biden mô tả bà Russell hết sức sẵn sàng để lãnh đạo UNICEF. “Chúng ta sẽ thiếu vắng Cathy. Nhưng sự thiệt thòi của chúng ta đem lại lợi ích cho UNICEF.”

    Bà Russell từng làm đại sứ lưu động về các vấn đề phụ nữ toàn cầu tại Bộ Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Liên hiệp quốc nói.

    Một phát ngôn viên Liên hiệp quốc hồi tháng 7 loan báo Tổng giám đốc UNICEF Henrietta Fore muốn từ chức để giải quyết vấn đề sức khỏe gia đình.

    Kể từ khi UNICEF được thành lập vào năm 1946 tới nay, tất cả Tổng giám đốc đều là người Mỹ.

    Mỹ lại cạnh tranh với Pháp khi đề nghị bán tầu chiến cho Hy Lạp

     


    Ảnh minh họa : Chiến hạm lớp Meko A-200 của lực lượng hải quân Algérie, ngày 16/09/2015. © CC /Merzoug Gharbaz

    Sau tầu ngầm hạt nhân với Úc, Washington lại tiếp tục cạnh tranh với Paris tại Địa Trung Hải. Ngày 10/12/2021, chính phủ Mỹ bật đèn xanh cho phép bán 4 tầu chiến cho Hy Lạp. Chính phủ Athens từng ký kết một thỏa thuận sơ bộ vào cuối tháng 9/2021 để mua ba tầu chiến do Pháp lắp ráp. 

    Trong thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo đã phê duyệt trước một kế hoạch bán bốn chiếc khinh hạm chiến đấu cùng với các trang thiết bị khác cho Athens, trị giá khoảng 6,9 tỷ đô la. Washington còn thông qua việc hiện đại hóa những chiếc khinh hạm lớp MEKO, ước tính có giá trị 2,5 tỷ. Thông cáo nêu rõ rằng trong cả hai trường hợp, hợp đồng « sẽ được trao cho bên thắng trong cuộc gọi thầu quốc tế » để hiện đại hóa hải quân Hy Lạp.  

    AFP nhắc lại ngày 28/09, Paris đạt một thỏa thuận sơ bộ bán 3 tầu khu trục phòng thủ và can thiệp (được gọi là Balharra) cho Athens. Toàn bộ số tầu này đều do Naval Group thiết kế và lắp ráp tại Pháp, và có thể giao cho hải quân Hy Lạp vào khoảng 2025-2026.  

    Thỏa thuận còn bao gồm cả việc cung cấp các loại vũ khí (tên lửa phòng không Aster, chống tầu chiến Exocet và ngư lôi), đều do hãng chuyên về tên lửa MBDA cung cấp cũng như là các dịch vụ bảo trì trong vòng 3 năm. 

    Thông báo này được đưa ra sau chưa đầy ba tháng đúc kết thỏa thuận giữa Anh, Úc, và Mỹ, phá vỡ « hợp đồng thế kỷ » mua tầu ngầm Pháp của Úc. Vụ việc dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa Pháp với Mỹ và Úc.

    Không có nhận xét nào