Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 17 tháng 12 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Tổng thống Biden cảnh báo Omicron sẽ lan nhanh tại Mỹ 

    Reuters 

    https://gdb.voanews.com/0F8FACE3-E227-40C4-AA40-1681EDB32D3A_w1023_r1_s.jpg

    Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/12 cảnh báo biến thể Omicron sẽ lây lan nhanh chóng hơn tại Mỹ và rằng một mùa đông chết chóc và nguy kịch đang trước mắt những ai chưa chích ngừa COVID.

    Được các cố vấn y tế cao cấp cập nhật tình hình đại dịch, Tổng thống Biden cũng khuyến cáo rằng đã tới lúc mọi người phải chích thêm mũi vaccine tăng cường và kêu gọi dân chúng khẩn trương đi tiêm thêm một mũi vaccine nữa càng nhanh càng tốt.

    Ít nhất 36 tiểu bang của Mỹ báo cáo có người nhiễm Omicron, quan chức Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh CDC cho biết ngày 15/12.

    “Nếu quý vị đã chích ngừa và tiêm mũi tăng cường, quý vị được bảo vệ khỏi bị bệnh nặng và tử vong,” Tổng thống Biden nhấn mạnh.

    Ông Biden nói biến thể Omicron chưa lây nhanh tại Mỹ nhờ các chính sách của chính quyền.

    “Nó đã có ở đây. Nó đang lây lan và sẽ gia tăng. Hãy tiêm mũi tăng cường. Điều đó cực kỳ quan trọng,” Tổng thống Biden thúc giục dân chúng.

    Khuyến nghị dùng vaccine Pfizer, Moderna thay vì J&J 

    Reuters 

    https://gdb.voanews.com/B78B0A3C-672E-4B3A-88B9-F4582DE9D256_w1023_r1_s.jpg

    Ủy ban Tư vấn về Chủng ngừa, một uỷ ban cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), ngày 16/12 biểu quyết khuyến nghị người dân Mỹ nên chích vaccine Pfizer hay Moderna thay vì Johnson & Johnson (J&J) vì các ca đông máu tuy hiếm thấy nhưng nguy hiểm tính mạng.

    CDC cần phải phê duyệt thông qua hướng dẫn này.

    Số người tại Mỹ tiêm vaccine J&J ít hơn nhiều so với số người chích vaccine Moderna và Pfizer.

    Trong hơn 200 triệu người đã tiêm chủng đầy đủ tại Mỹ, khoảng 16 triệu người chích vaccine J&J, theo dữ liệu từ CDC.

    Công ty J&J nói họ xem an toàn và sức khoẻ của những người đã chích vaccine J&J là ưu tiên hàng đầu và sẵn sàng làm việc với CDC trong các bước tiếp theo.

    Các ca bị đông máu và tiểu cầu thấp từng được báo cáo nơi những người được chích vaccine J&J. Tỉ lệ báo cáo cao nhất là nơi nữ giới, dưới 50 tuổi.

    CDC nói tỉ lệ các trường hợp này cao hơn ước tính trước đây, cả ở nam lẫn nữ. CDC đã xác nhận trên 50 ca bị huyết khối tại Mỹ, nghĩa là cứ 1 triệu liều J&J được tiêm thì có 3,83 ca.

    Tại Mỹ, ít nhất 9 người đã tử vong sau các trường hợp bị huyết khối, theo CDC.

    Các thành viên trong Ủy ban Tư vấn về Chủng ngừa cũng nói vaccine J&J ít hiệu nghiệm hơn so với hai vaccine kia trong việc ngừa COVID.

    Thuyết trình trước uỷ ban, tiến sĩ Penny Heaton, khoa học gia hàng đầu của J&J, nói vaccine J&J tạo ra đáp ứng miễn dịch lâu dài và mạnh mẽ với một mũi tiêm.

    Vaccine một liều của J&J được chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp vào tháng 3.

    Đến tháng 4, nhà chức trách Mỹ tạm dừng triển khai vaccine này trong 10 ngày để điều tra các báo cáo về huyết khối.

    Một khoa học gia của CDC ngày 16/12 cho biết tỉ lệ tử vong vì huyết khối không giảm sau thời gian đình chỉ hồi tháng 4.

    Mỹ phạt 3 công ty sản xuất thuộc giảm đau chứa chất gây nghiện nhập từ Trung Quốc

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2019/12/giamdau.jpg

    Hình minh họa thuốc giảm đau (ảnh: Từ video của ABC News). 

    Vào ngày 15/12, Hoa Kỳ cho biết đã áp các biện pháp trừng phạt đối với 3 công ty sản xuất thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện nhập từ Trung Quốc. Các loại thuốc giảm đau này được xem là nguyên nhân khiến khoảng 100.000 người Mỹ tử vong trong năm 2020, theo The Guardian.

    Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 công ty hóa chất Trung Quốc và một người Trung Quốc tên Chuen Fat Yip, 68 tuổi. Chen được giới chức Mỹ mô tả là “một trong những nhà sản xuất chất steroid [gây nghiện] lớn nhất thế giới”.

    Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng treo thưởng số tiền 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin để giúp bắt Chen. Hiện Chen được cho là đang sống ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

    Các công tố viên ở Dallas cho biết, vào tháng trước, các nhà chức trách Mỹ đã thu giữ số tiền điện tử tương đương 2,3 triệu USD của Chen.

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, những biện pháp trừng phạt sẽ giúp phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và mạng lưới tài chính cho phép thuốc giảm đau nhóm opioid chứa chất gây nghiện và các hóa chất độc hại nhập lậu vào Mỹ.

    Một báo cáo năm 2020 của Cơ quan Thực thi Ma túy Mỹ cho biết nguồn nguyên liệu chính sản xuất các loại thuốc giảm đau chứa ma túy được nhập từ Trung Quốc.

    Chính quyền các địa phương và các tiểu bang tại Mỹ đã thực hiện hơn 3.300 vụ kiện để buộc các công ty phải chịu một phần trách nhiệm gây ra vấn nạn lạm dụng thuốc giảm đau.

    Tháng 7 vừa qua, ba nhà phân phối dược phẩm lớn nhất của Mỹ, gồm McKesson Corp, Cardinal Health Inc và AmerisourceBergen Corp, cùng hãng sản xuất dược phẩm Johnson & Johnson đã đề xuất chi trả khoảng 26 tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện nhắm vào họ liên quan tới thuốc giảm đau.

    Nghiên cứu mới: Sinovac của Trung Quốc không có tác dụng với Omicron

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2020/12/vaccine-tq-700x366.jpgVaccine Covid-19 của hãng Sinovac, Trung Quốc (ảnh: Từ video của CNA/Youtube). 

    Một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông công bố trong tuần này cho thấy, không ai tiêm đủ hai liều vaccine Sinovac của Trung Quốc phát triển được kháng thể chống lại biến chủng Omicron, theo Taiwan News.

    Trong khi đó, nghiên cứu cho biết, một số ít người sau khi được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine Pfizer-BioNTech đã xuất hiện kháng thể chống lại biến thể Omicron.

    Các nhà khoa học tại Khoa Vi sinh, thuộc Đại học Hồng Kông công bố kết quả nghiên cứu này vào thứ Hai (13/12).

    Có 50 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Hồng Kông. Số tình nguyện viên này được chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 25 người. Nhóm thứ nhất được tiêm đủ hai liều Pfizer-BioNTech, và nhóm còn lại tiêm hai liều Sinovac.

    Ở nhóm thứ nhất, chỉ có năm người phát triển kháng thể chống lại biến thể Omicron. Đối với nhóm thứ hai, không có ai tạo ra kháng thể để chống lại Omicron.

    Các tác giả của nghiên cứu kết luận biến thể Omicron có thể làm giảm đáng kể hiệu quả của hai liều vaccine Covid cho dù đó là vaccine của hạng não. Vì thế các tác giả của nghiên cứu khuyến nghị nên phát triển các loại vaccine mới.

    Trung Quốc báo cáo đã ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể Omicron, trong bối cảnh hơn 80% dân số nước này đã tiêm đủ 2 liều vaccine nội địa, chủ yếu là vaccine Sinovac và Sinopharm.

    FBI giới thiệu phim vạch trần cách Bắc Kinh ăn cắp bí mật thương mại

    https://news.vietluan.com.au/wp-content/uploads/2021/12/ky-su-phan-mem-danh-cap-du-lieu-thuong-mai-tu-my-chuyen-ve-trung-quoc-1-368x192-1.jpg

    Kỹ sư IT Trung Quốc Diêu Húc Đông đã bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của công ty Mỹ và chuyển về Trung Quốc. FBI đã ban hành lệnh bắt giữ liên bang. (Ảnh chụp màn hình trang web FBI) 

    Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ cho biết họ sẽ cho ra mắt một bộ phim tài liệu tiết lộ cách chính quyền Trung Quốc sử dụng các phương tiện khác nhau để thực hiện hoạt động gián điệp kinh tế, đánh cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ, theo Epochtimes.

    Vào ngày 19/11, trang web của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo về việc thực hiện “Kế hoạch Hành động Trung Quốc ” sau ba năm thực hiện. Báo cáo cho biết, trong tất cả các vụ kiện gián điệp kinh tế do Bộ Tư pháp đệ trình, khoảng 80% các vụ việc và ít nhất 60% các vụ trộm cắp bí mật thương mại có liên quan đến Trung Quốc.

    Trước đó, vào ngày mùng 5/11, FBI cũng đã phát hành một trailer giới thiệu một bộ phim tài liệu có tiêu đề “Sản xuất Bắc Kinh: Kế hoạch thống nhất thị trường toàn cầu”.

    Bộ phim của FBI có thời lượng 30 phút sẽ cho thấy những thiệt hại và mối đe dọa mà các công ty Mỹ phải đối mặt sau các hoạt động gián điệp thương mại quy mô lớn của chính quyền Trung Quốc và các tổ chức được họ chống lưng.

    Bộ phim bao gồm các cuộc phỏng vấn với các giám đốc điều hành cấp cao của công ty Mỹ là nạn nhân của Trung Quốc.

    Vào tháng 7, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc gia (CSIS) đã đưa ra một báo cáo trong đó nói rằng họ đã điều tra 160 hoạt động gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào Hoa Kỳ kể từ năm 2000.

    Kết quả điều tra cho thấy 42% nghi phạm là thành viên của quân đội Trung Quốc, hoặc các nhân viên chính phủ Trung Quốc, 32% là công dân Trung Quốc, 26% là người Mỹ bị quan chức ĐCSTQ mua chuộc. 34% trong số các vụ việc gián điệp Trung Quốc tìm kiếm công nghệ quân sự, 51% vụ việc liên quan tới ăn trộm công nghệ thương mại của Hoa Kỳ.

    Một phái đoàn dân biểu Pháp công du Đài Loan

    Nghị sĩ Pháp François de Rugy (trước micro) với các đồng nghiệp khi đến sân bay Đào Viên, ở Đài Loan, ngày 15/12/2021. Handout M. Exteriores Taiwán/AFP 

    Cựu chủ tịch Quốc Hội Pháp François de Rugy dẫn đầu một phái đoàn gồm 6 dân biểu công du Đài Loan trong 5 ngày, từ 15 đến 19/12/2021. Đây là lần thứ nhì trong năm, một phái đoàn chính thức của Pháp đến Đài Loan. Trung Quốc « mạnh mẽ phản đối mọi trao đổi chính thức giữa Đài Loan » với các quốc gia có thiết lập bang giao với Bắc Kinh. 

    Theo trang mạng Taiwan Info, nguyên chủ tịch Quốc Hội Pháp, nghị sĩ François de Rugy tuyên bố, sau Thượng Viện, đến lượt Quốc Hội bày tỏ « đoàn kết với Đài Bắc » để Đài Loan được hiện diện trong các định chế đa quốc gia.

    Cựu chủ tịch Quốc Hội Pháp cũng bày tỏ mong muốn « Đài Loan và Liên Hiệp Châu Âu cũng như là với Pháp mở rộng quan hệ trên nhiều lĩnh vực ». Lời lẽ này được đưa ra vào lúc Paris chuẩn bị giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Âu kể từ ngày 01/01/2022. Sáng nay, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tiếp phái đoàn. Theo chương trình nghị sự trong 5 ngày làm việc tại Đài Bắc, các dân biểu Pháp có những buổi làm việc với thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội, ngoại trưởng và các bộ trưởng Kinh Tế, Y Tế, Môi Trường Đài Loan.

    Tháng 9/2021 thượng nghị sĩ Alain Richard, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, đã dẫn đầu một phái đoàn của Thượng Viện đến Đài Loan và trong thời gian làm việc tại Đài Bắc, ông đã nhiều lần gọi Đài Loan là « một quốc gia ». Điều này đã khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối. Lần này, Trung Quốc có phản ứng tương tự về sự hiện diện của phái đoàn các đại biểu Quốc Hội Pháp. Trong cuộc họp báo sáng nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố « Trung Quốc mạnh mẽ chống đối mọi trao đổi chính thức và chính trị giữa Đài Loan với những quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh ».

    Về phía Đài Loan, Reuters cho biết, tiếp phái đoàn Pháp, tổng thống Thái Anh Văn hy vọng nhanh chóng kết thúc đàm phán về một hiệp định tự do mậu dịch giữa Đài Bắc và Bruxelles. Bà mong muốn trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Âu, Paris sẽ thúc đẩy đối thoại kinh tế, thương mại và đầu tư với Đài Loan để « mở ra một chương mới trong quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu ». Tránh nêu đích danh Trung Quốc, nhưng lãnh đạo Đài Loan gián tiếp kêu gọi các nền dân chủ đẩy mạnh hợp tác « trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và trước ảnh hưởng ngày càng lớn của các chế độ chuyên chế ». Sau cùng tổng thống Thái Anh Văn nhấn mạnh Đài Bắc « chia sẻ với Pháp và Liên Âu những giá trị chung để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình và ổn định trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ».

    Thượng Viện Mỹ thông qua luật cấm nhập các sản phẩm của lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ

    Nhà máy OLFIM ở Nam Xương, Trung Quốc sử dụng phần lớn công nhân là người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số Hồi Giáo ở Trung Quốc AP - Ng Han Guan 

    Thượng Viện Hoa Kỳ, hôm qua 16/12/2021 đã nhất trí thông qua dự luật cấm nhập khẩu một loạt các sản phẩm được sản xuất tại tỉnh Tân Cương Trung Quốc nhằm chống lại chính sách lao động cưỡng bức đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.  

    Đây là một thắng lợi của những người ủng hộ chính sách tích cực chống lại việc vi phạm nhân quyền. Bởi vì một số công ty đã tiến hành vận động hành lang, ngăn cản với lý do lệnh cấm này sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu áp lực từ đầu đại dịch. 

    Đồng thời, chính quyền Mỹ cũng gia tăng áp lực, trừng phạt các công ty công nghệ của Trung Quốc. Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :   

    Bộ Thương Mại Hoa Kỳ là cơ quan đầu tiên hành động. Khoảng 30 thực thể bao gồm cả Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc, đã bị đưa thêm vào danh sách các công ty bị cấm nhập các sản phẩm nhạy cảm của Mỹ. Bộ Thương Mại Mỹ giải thích: Các nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học và đổi mới y tế có thể cứu sống nhiều người. Tuy nhiên, Trung Quốc lại sử dụng những công nghệ này để kiểm soát người dân và đàn áp thành viên các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo.

    Ngoài ra, Bộ Tài chính đưa thêm 8 công ty Trung Quốc, trong đó có tập đoàn sản xuất drone (máy bay không người lái) số 1 thế giới, vào danh sách cấm các công dân Mỹ đầu tư. Các doanh nghiệp Trung Quốc này bị cáo buộc tham gia giám sát người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. 

    Chính quyền Biden không ngừng tố cáo các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, và đặc biệt là ở Tân Cương. Theo một số tổ chức phi chính phủ, hơn một triệu người bị giam trong các trại. Nhà Trắng thường xuyên sử dụng từ « diệt chủng » để mô tả tình hình ở đó. Còn tại Thượng Viện, hiếm khi tất cả các thượng nghị sĩ đều bỏ phiếu tán thành cấm nhập khẩu các sản phẩm do người Duy Ngô Nhĩ sản xuất. Đạo luật hiện đang nằm trên bàn tổng thống Biden để chờ ký công bố.


    Không có nhận xét nào