Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 24 tháng 12 năm 2021

    Omicron gây bệnh nhẹ và ít nhập viện hơn Delta, theo nghiên cứu Anh



    Biến thể Omicron của virus corona gây ra làn sóng dịch mới trên toàn thế giới

    Hai nghiên cứu mới của Anh đưa ra một số gợi ý ban đầu rằng biến chủng Omicron của virus corona có thể gây ra tác động nhẹ hơn biến chủng Delta.

    Các nhà khoa học nhấn mạnh ngay cả những phát hiện của các nghiên cứu ban đầu này vẫn đúng, bất kỳ sự suy giảm mức độ bệnh nặng nào cần phải được suy xét trước thực tế rằng Omicron lây nhanh hơn nhiều so với Delta và có khả năng lẩn tránh vaccine. Số ca nhiễm vẫn có thể làm quá tải các bệnh viện.

    Tuy nhiên, các nghiên cứu mới được công bố hôm 22/12 dường như củng cố nghiên cứu trước đó vốn cho thấy Omicron có thể không tai hại như biến thể Delta, ông Manuel Ascano Jr., nhà hóa sinh ở Đại học Vanderbilt, cho biết.

    “Lạc quan thận trọng có lẽ là cách tốt nhất để xem xét điều này”, ông nói.

    Một phân tích từ nhóm phản ứng COVID-19 của Đại học Hoàng gia London ước tính nguy cơ nhập viện đối với ca nhiễm biến thể Omicron ở Anh, phát hiện ra những người nhiễm biến thể này ít có khả năng nhập viện hơn khoảng 20% so với những ai nhiễm biến thể Delta.

    Phân tích này bao gồm tất cả các ca nhiễm COVID-19 được xác nhận bằng xét nghiệm PCR ở Anh trong nửa đầu tháng 12, trong đó có thể nhận diện biến thể: 56.000 ca nhiễm Omicron và 269.000 ca nhiễm Delta.

    Một nghiên cứu riêng biệt từ Scotland do các khoa học gia tại Đại học Edinburgh và các chuyên gia khác cho thấy nguy cơ nhập viện của Omicron ít hơn 2/3 với so với biến thể Delta. Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng gần 24.000 ca nhiễm Omicron ở Scotland chủ yếu ở những người trẻ trong độ tuổi 20-39. Những người trẻ tuổi ít có khả năng bị bệnh COVID-19 nặng.

    “Nghiên cứu quốc gia này là một trong những điều tra đầu tiên cho thấy Omicron ít có khả năng dẫn đến nhập viện hơn so với Delta”, các nhà nghiên cứu viết. Mặc dù những phát hiện này chỉ là những quan sát ban đầu, ‘chúng rất đáng khích lệ’, các tác giả viết.

    Những phát hiện này vẫn chưa được các chuyên gia khác đánh giá lại.

    Ascano lưu ý các nghiên cứu có những hạn chế. Chẳng hạn, những phát hiện này chỉ cụ thể ở một thời điểm nhất định giữa tình hình thay đổi nhanh chóng ở Anh và các nước khác có thể diễn biến tương tự.

    Ông Matthew Binnicker, giám đốc virus học lâm sàng tại Mayo Clinic ở Rochester, bang Minnesota, cho biết trong nghiên cứu của Scotland, tỷ lệ người trẻ nhiễm Omicron cao gần gấp đôi so với nhóm nhiễm Delta, và điều đó ‘có thể đã làm sai lệch kết luận về kết quả bệnh do Omicron gây ra ít nặng hơn’.

    Tuy nhiên, ông cho biết số liệu này rất thú vị và cho thấy Omicron có khả năng gây ra bệnh nhẹ hơn. Nhưng ông nói thêm: “Điều quan trọng cần nhấn mạnh là nếu Omicron có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều so với Delta, con số tuyệt đối người nhập viện vẫn có thể tăng, mặc dù bệnh nhẹ hơn trong hầu hết các trường hợp”.

    Dữ liệu từ Nam Phi, nơi biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên, cũng cho thấy nó có thể nhẹ hơn. Salim Abdool Karim, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm lâm sàng ở Nam Phi, cho biết hồi đầu tuần này rằng tỷ lệ nhập viện của Omicron thấp hơn nhiều so với Delta

    Mỹ - Nhật lập kế hoạch chung can thiệp khẩn cấp nếu Đài Loan bị tấn công


    Hải quân Mỹ, Anh, Nhật Bản diễn tập trong vùng Biển Đông ngày 03/10/2021, sau khi Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự đe dọa Đài Loan. Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp. AP - Michael Jarmiolowski

    Trong bối cảnh căng thẳng tại eo biển Đài Loan gia tăng, hãng tin Kyodo ngày 23/12/2021 trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết lực lượng quân sự Mỹ và Nhật Bản đang chuẩn bị một kế hoạch chung để can thiệp trong trường hợp « khẩn cấp ».

    Kyodo trích lời nhiều quan chức trong chính quyền Nhật cho biết kế hoạch chung với Hải Quân Hoa Kỳ dự trù tạm thời nâng cấp các căn cứu quân sự thuộc chuỗi đảo Nansei, đi từ Kyushu, một trong bốn đảo chính của Nhật Bản đến tận Đài Loan.

    Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ Đài Loan về mặt hậu cần từ việc cung cấp đạn dược đến tiếp tế xăng dầu. Vẫn theo các nguồn tin trên, kế hoạch can thiệp hỗ trợ Đài Loan này có nhiều khả năng được ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản và Mỹ đề cập đến trong khuôn khổ đối thoại 2+2 diễn ra vào đầu năm tới.

    Trước mắt, bộ Quốc Phòng Nhật từ chối bình luận về tin trên. Tuy nhiên Kyodo nhắc lại Nhật Bản đã nhiều lần cảnh báo sẽ không « khoanh tay đứng nhìn » trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc thôn tính. Tokyo cũng đã từng mạnh mẽ lên án Bắc Kinh uy hiếp Đài Loan.

    Về phía Hoa Kỳ, có nhiều tin Washington ngầm huấn luyện cho quân đội Đài Loan để nâng cao khả năng tác chiến trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công. Tuy nhiên, trong thông cáo chung sau cuộc tiếp xúc giữa tổng thống Biden với thủ tướng Nhật Suga hồi tháng 3/2021, hai lãnh đạo đã nhấn mạnh « cam kết duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan ».

    Nhật-Mỹ chấp thuận gia hạn thỏa thuận đồn trú cho quân đội Hoa Kỳ


    Một bức ảnh tư liệu chụp Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thuộc Lực lượng Viễn chinh Thủy quân Lục chiến III, Tiểu đoàn đổ bộ không vận được khai triển từ căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở Okinawa, Nhật Bản tham gia chiến dịch đổ bộ ở Pohang, Hàn Quốc vào ngày 12/03/2016. (Ảnh: Woohae Cho/Getty Images)

    Chính phủ Nhật Bản cho biết họ đã đồng ý tăng hỗ trợ tài chính lên 1.8 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026 để tiếp tục giữ cho hàng chục ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đóng quân đồn trú theo một thỏa thuận 5 năm mới bắt đầu từ năm tài khóa 2022.

    Thỏa thuận trước đó, được ký vào năm 2016, vốn trang trải cho 54,000 binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú tại Nhật Bản, đã hết hạn từ tháng 03/2021. Hoa Kỳ và Nhật Bản sau đó đã ký gia hạn thêm một năm vào tháng Hai trong bối cảnh chuyển giao quyền lực giữa chính phủ cựu Tổng thống Trump và chính phủ Tổng thống Biden.

    Theo thỏa thuận mới nhất này, Tokyo sẽ trả 1.05 nghìn tỷ JPY (tương đương 9.2 tỷ USD) đến năm 2026 để tiếp đón quân đội Mỹ và gia đình của họ — tăng 75 tỷ JPY (657 triệu USD) so với thỏa thuận trước đó, Kyodo News đưa tin.

    Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố, “Hợp tác quốc phòng song phương theo thỏa thuận Khoản ủng hộ của Quốc gia Sở tại (gọi tắt là HNS, về việc đài thọ chi phí đồn trú cho quân đội Mỹ tại Nhật) sẽ góp phần củng cố khả năng sẵn sàng và sự vững chắc của Liên minh, bao gồm cả việc cải thiện khả năng tương tác giữa Lực lượng Hoa Kỳ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.”

    Các khoản chi này cũng bao gồm các chi phí tiện ích cũng như tiền lương của nhân viên Nhật Bản tại các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.

    Năm 2019, Cựu Tổng thống Donald Trump được cho là đã tìm cách yêu cầu Nhật Bản tăng các khoản thanh toán hàng năm cho lực lượng quân đội Mỹ đóng tại nước này, như một phần trong nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm thúc bách các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng của mình.

    Theo Kyodo, các quan chức Nhật Bản đã nói với ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump vào thời điểm đó, rằng mức tăng này là “không thực tế”, cho biết Nhật Bản vốn dĩ đã trang trải phần chi phí đồn trú lớn hơn các đồng minh khác.

    Tỉnh Okinawa ở cực nam Nhật Bản là nơi có 70% căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1951.

    Thoả thuận mới này sẽ được ký kết trong cuộc gặp giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ vào tháng Một tới, The Japan Times đưa tin.

    Theo The Hill, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản của mình vào ngày 07/01.

    Một nguồn tin biết về cuộc họp hồi tháng Một này nói với hãng thông tấn trên rằng Ngoại trưởng Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, dự kiến ​​sẽ có cuộc họp đầu tiên kể từ tháng Ba (03/2021).

    Trung Quốc âm thầm tích trữ một nửa số ngũ cốc trên thế giới


    Hình ảnh minh họa từ video của Bloomberg Quicktake: Now.

    Dân số Trung Quốc chưa đến 20% dân số thế giới, nhưng Bắc Kinh đang chủ động dự trữ hơn một nửa lượng ngô và các loại ngũ cốc khác của thế giới, điều này có thể khiến giá ngũ cốc tăng mạnh và nạn đói ở nhiều quốc gia hơn.

    Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, ước tính đến nửa đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ có 69% dự trữ ngô, 60% gạo và 51% dự trữ lúa mì của thế giới.

    Tờ Nikkei News ngày 22/12 đưa tin COFCO là công ty chế biến thực phẩm quốc doanh lớn nhất ở Rung Quốc. Công ty này vận hành 310 kho lúa lớn ở Cảng Đại Liên và lưu trữ đậu và ngũ cốc được thu gom từ trong và ngoài nước. Sau đó, nó được vận chuyển đến tất cả các vùng của đất nước bằng đường sắt hoặc tàu thủy.
    Qin Yuyun, Giám đốc Cục Dự trữ Ngũ cốc của Trung Quốc, cho biết vào tháng 11 rằng dự trữ ngũ cốc trong nước được duy trì ở “mức cao trong lịch sử”.

    Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu thực phẩm (không bao gồm đồ uống) của TQ là 98,1 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái, gấp 4,6 lần so với mười năm trước. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2021, con số cũng đạt mức cao nhất so với dữ liệu từ năm 2016.

    Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã mua rất nhiều từ Hoa Kỳ, Brazil và các nước cung cấp khác, và nhập khẩu đậu nành, ngô và lúa mì đã tăng gấp 2 đến 12 lần. Nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, các sản phẩm từ sữa và trái cây đã tăng từ 2 đến 5 lần.

    Theo phân tích của Nikkei, dự trữ lương thực của Trung Quốc đã tăng khoảng 20% ​​trong 10 năm qua, điều này cho thấy rõ ràng việc Trung Quốc tiếp tục tích trữ lương thực vì sản xuất trong nước không đủ.

    Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng ngũ cốc như gạo và lúa mì cũng như diện tích trồng trọt của các loại cây trồng đạt đỉnh và giảm sau năm 2015. Nikkei dẫn lời Goro Takahashi, một chuyên gia nông nghiệp và là giáo sư danh dự tại Đại học Aichi, Nhật Bản cho biết: “Đất nông nghiệp rải rác và ô nhiễm đất ở Trung Quốc đã dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Ngoài ra, lao động nhập cư đổ xô đến các thành phố nên việc sản xuất lương thực sẽ tiếp tục bị đình trệ. “

    Ngoài việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, chính quyền Trung Quốc cũng tiến hành một số lượng lớn các hoạt động mua bán liên quan tới lương thực ở nước ngoài. Ví dụ, vào năm 2021, Wanzhou International mua lại một công ty chế biến thịt của Châu Âu và vào năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Yili Nội Mông đã mua lại một công ty sữa lớn của New Zealand.

    Người dân Trung Quốc đã trải qua nạn đói do thiếu lương thực trầm trọng trong những năm 1958-1961, hàng chục triệu người đã chết đói. Các chuyên gia cho rằng nạn đói này là do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra sau một thời gian dài yêu cầu người dân thực hiện chiến dịch “Đại nhảy vọt”, tập trung vào sản xuất công nghiệp mà không chăm lo cho nông nghiệp. ĐCSTQ không thừa nhận, họ gọi nạn đói này là “3 năm thiên tai”. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần gián tiếp thừa nhận nạn đói khủng khiếp do Đại nhảy vọt khi liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực. Ông từng nói: “Thế hệ chúng tôi ít nhiều có ký ức về việc không có đủ thức ăn và bị đói”.

    Theo phân tích của Nikkei, trong suốt lịch sử, tình trạng thiếu lương thực đã nhiều lần gây ra tình trạng hỗn loạn và lật đổ vương triều. Khi mối quan hệ của ĐCSTQ với Hoa Kỳ và Úc trở nên xấu đi, ĐCSTQ hiện đang đối mặt với tình trạng không chắc chắn về lương thực và đây có thể là lý do tại sao họ tăng dự trữ lương thực.

    Nikkei cũng tin rằng việc tích trữ lương thực của ĐCSTQ là nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá lương thực ở khắp mọi nơi. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, chỉ số giá lương thực trong tháng 11 cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 30%. Akio Shibata, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Thực phẩm Nhật Bản cho biết: “Hành vi tích trữ của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân làm tăng giá.


    Trung Quốc: Tây An bất ngờ phong tỏa 13 triệu dân, người dân đổ xô đi mua đồ


    Hôm 22/12, chính quyền Tây An tuyên bố sẽ phong tỏa thành phố 13 triệu dân này từ 0h ngày 23/12, khiến người dân vô cùng hoảng loạn. (Ảnh chụp màn hình video)

    Gần đây, thành phố Tây An của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã bùng phát một đợt COVID-19 mới. Đợt xét nghiệm axit nucleic thứ hai phát hiện 127 ca dương tính. Hôm 22/12, chính quyền bất ngờ thông báo, từ 0h ngày 23/12, các gia đình ở Tây An chỉ được phép “cử một thành viên trong nhà ra ngoài hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm”. Tối hôm đó, người dân thành phố đã đổ xô đến các siêu thị tranh mua, tạo nên cảnh tượng vô cùng hỗn loạn.

    Theo Jimu News, khoảng 18h ngày 22/12, rất đông người dân đã đến các siêu thị xung quanh để mua nhu yếu phẩm. Trong một siêu thị thực phẩm tươi hoạt động 24/24 ở quận Vị Ương, thành phố Tây An, hai lối vào của siêu thị đã chật kín khách xếp hàng chờ thanh toán, nhân viên thu ngân liên tục bận rộn. Các sản phẩm trên kệ như mì gói, mì ống, v.v. đều đã bị mua hết.

    Khách hàng tranh mua ngay khi một nhân viên bán hàng lấy ra một bó rau cải Thượng Hải và đặt lên kệ.

    Nhân viên bán hàng nói: “Thực ra chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều rau rồi, ngày mai đến mua chúng tôi vẫn còn”.

    Một khách hàng là anh Hồ cho biết, thấy tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, 3 ngày trước anh đã vội vã chạy đến cửa hàng gần đó để mua đồ, nhưng thấy rằng các kệ hàng gần như trống rỗng. Chủ cửa hàng nói mì gói, rau, các sản phẩm từ đậu nành, trứng, v.v. gần như bị tranh mua hết chỉ trong một hoặc hai giờ.

    Video lan truyền cho thấy, vào ngày 22/12, một giờ trước khi Tây An phong tỏa, người dân đã đổ xô đến các siêu thị để mua nhu yếu phẩm. Siêu thị tấp nập người đến mua thực phẩm, rau, củ, quả, đồ hộp, gạo, dầu đậu nành và các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, một số thực phẩm đã bị tranh mua hết. Để sinh tồn, người dân dường như đã bất chấp sự lây lan của virus.

    Theo thông báo của chính quyền thành phố trên tài khoản Weibo chính thức hôm 22/12, bắt đầu từ 0h ngày 23/12/2021, các cộng đồng (thôn), đơn vị ở thành phố Tây An sẽ bị phong tỏa để quản lý.

    Vào đêm trước phong tỏa, có người dân đã bị lạc con do người đổ ra siêu thị mua sắm quá đông, một người đàn ông đã bế đứa trẻ bị lạc lên để tìm người nhà cho cháu.

    Theo tờ Economic View đưa tin, Trần Trác, một người giao đồ ăn ở quận Nhạn Tháp, thành phố Tây An cho biết, hôm 22/12, sau khi thông tin Tây An bị phong toả, đông đảo nhiều người dân đã đổ xô đến siêu thị mua đồ. Trước đây, mỗi ngày siêu thị có khoảng 200 đơn hàng, đến ngày 22/12, đã có khoảng 500 đơn hàng được đặt. “Rau, dầu gạo, đồ ăn nhanh có lượng đặt nhiều hơn. Một số siêu thị đã bị tranh mua hết những mặt hàng này. Hôm nay (23/12) thì đỡ hơn”.

    Có cư dân mạng bức xúc cho biết:

    “Đột ngột phong toả. Chợ rau chật cứng người, siêu thị chật cứng người, cửa hàng cũng chật cứng người, chúng tôi không biết nên khóc hay cười đây. Tôi biết mình không nên chạy theo trào lưu vì dịch bệnh, nhưng cũng không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chính quyền thông báo quá đột ngột, tôi không biết các cơ quan liên quan sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy cảnh tượng này. Đột nhiên một lượng lớn người tập trung lại, và mọi người đều tỏ ra hoảng sợ”.

    Thông tin công khai cho thấy, từ 0h ngày 22/12 đến 8h00 ngày 23/12, Tây An đã ghi nhận 84 ca nhiễm địa phương. Kể từ đầu đợt dịch mới ngày 9/12 đến nay, Tây An đã ghi nhận tổng cộng 227 ca nhiễm địa phương. Tính đến ngày 22/12, địa phương này có 1 khu vực nguy cơ cao và 40 khu vực có nguy cơ.

    Mỹ : Giá tiêu dùng tăng 5,7% trong năm qua, nhanh nhất trong 39 năm



    Ảnh chụp một cửa hàng bán lẻ tại Morton Grove, tiểu bang Illinois, ngày 21/7/2021. Giá tiêu dùng tăng 0,4% trong tháng trước, cao hơn tháng 8 một ít, và đẩy lạm phát hàng năm tăng cao nhất trong 13 năm.

    Giá tiêu dùng Mỹ tăng 5,7% trong năm qua, nhịp độ tăng nhanh nhất trong 39 năm, vào lúc người Mỹ phải đối đầu với nạn lạm phát tăng mạnh với mùa mua sắm trong những ngày lễ đang diễn ra.

    Mức tăng trong tháng 11, Bộ Thương mại phúc trình ngày 23/12, tiếp sau một mức tăng 5,1% trong 12 tháng chấm dứt vào tháng 10, tiếp tục một chuỗi giá cả hàng năm gia tăng trên mức mục tiêu lạm phát 2% do Quỹ Dự trữ Liên bang ấn định. Chi tiêu của Người tiêu dùng chiếm 70% hoạt động kinh tế Mỹ, tăng 0,6% trong tháng 11, một mức tăng tốt cho GDP nhưng vẫn dưới mức tăng 1,4% trong tháng 10.

    “Chi tiêu của người tiêu dùng ít đi trong tháng 11 vì họ chuyển việc mua hàng hóa ngày lễ vào sớm hơn trong mùa; với giá cả tiếp tục leo thang cùng khả năng sản xuất thì giảm xuống,” bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế tài chánh tại Khoa kinh tế Đại học Oxford, nhận định.

    Lợi tức cá nhân, cung cấp năng lượng cho việc gia tăng tiêu dùng trong tương lai, tăng 0,4% vào tháng 11, thấp hơn một ít so với 0,5% gia tăng trong tháng 10. Cả hai mức đạt được diễn ra sau khi giảm 1% lợi tức trong tháng 9, tháng mà những chương trình phúc lợi của chính phủ, chẳng hạn chương trình nới rộng trợ cấp thất nghiệp, chấm dứt.

    Tăng mạnh trong thước đo giá cả của Bộ Thương mại cũng tương tự như việc gia tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng 6,8% trong 12 tháng chấm dứt vào tháng 11, cũng là mức tăng mạnh nhất của việc đo lường này trong 39 năm.

    Trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI được biết đến là thước đo giá cả, Quỹ Dự trữ Liên bang thích theo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân trong việc thiết lập chính sách lãi xuất để chống lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE theo dõi mức mua thực sự của người tiêu dùng hàng tháng trong khi CPI dựa theo một “rổ hàng hóa” trên thị trường cố định.

    Đối với tháng 11, chỉ số giá PCE tăng 0,6%, thấp hơn một ít so với 0,7% đạt được hàng tháng trong tháng 10.

    Lạm phát cốt lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm vốn hay dao động, tăng 0,5% trong tháng 11. Lạm phát cốt lõi đã gia tăng 4,7% trong 12 tháng qua. Đây là nhịp độ nhanh nhất của lạm phát cốt lõi kể từ mức tăng 5,1% trong 12 tháng chấm dứt vào tháng 9/1983.

    Mức tăng 5,7% đối với lạm phát tổng thể là nhanh nhất trong 12 tháng kể từ khi đạt mức tăng 5,8% trong 12 tháng chấm dứt vào tháng 7/1982.

    Phe Cộng hòa cho rằng mức đạt được có mức độ là bằng chứng cho thấy các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden không thành công và thực sự làm hại người Mỹ mà lợi tức không theo kịp giá cả gia tăng.

    Tuy nhiên chính quyền chỉ ra rằng việc tái mở cửa nhanh chóng đất nước tiếp sau đại dịch gây suy thoái, một sự kiện kinh tế chưa từng có trước đây trong thời đại kinh tế chúng ta.

    Mức cung không theo kịp mức cầu, đẩy giá tăng mạnh và làm nghẹt các cảng biển với hàng hóa không thể bốc dỡ đủ nhanh.

    Quỹ Dự trữ Liên bang tuần trước loan báo là sẽ gia tăng nhịp độ thay đổi để chống áp lực lạm phát với kỳ vọng là có thể nâng lãi suất 3 lần trong năm tới để làm chậm đà tăng trưởng và kiểm soát được lạm phát.

    Trong khi Quỹ Dự trữ Liên bang gọi lạm phát là gia tăng chuyển đổi, các quan chức chính quyền ông Biden tiếp tục cho rằng giá cả gia tăng chứng kiến hiện nay sẽ bắt đầu xuống dần trong năm tới khi các vần đề của chuỗi cung cấp được giải quyết. Họ nói rằng giá năng lượng, trong đó có giá xăng dầu, đã bắt đầu sụt giảm.

    Chính phủ phúc trình vào ngày 22/12 là nền kinh tế tổng thể, được đo bằng tổng sản phẩm nội địa, tăng ở mức 2,3% hàng năm trong quý tháng 7-tháng 9, tăng nhẹ so với ước lượng trước đây là 2,1%.

    Trung Quốc củng cố đội tầu sân bay, mở đường không chế Biển Đông


    Ảnh tư liệu: Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải Quân Trung Quốc nâng cấp từ tàu cũ mua lại, mang tên Liêu Ninh, tại cảng Đại Liên, ngày 30/10/2012. AP

    Cả hai tầu sân bay hiện có của Trung Quốc đang thao dượt để nâng cao khả năng tác chiến: Tầu Liêu Ninh (Liaoning) tổ chức huấn luyện ở Thái Bình Dương, còn Tầu Sơn Đông (Shandong) diễn tập sát thực tế chiến đấu ở Biển Đông, nhưng địa điểm cụ không được nêu rõ. Giới chuyên gia nhận định những hoạt động này “phản ánh sự tự tin của Trung Quốc về lực lượng tầu sân bay”.

    Từ ngày 13/12, nhóm tầu Liêu Ninh, thuộc Chiến Khu Đông Bộ, với năm chiến hạm hộ tống (một khu trục hạm Type 055, một khu trục hạm Type 052D, hai khinh hạm Type 054A và một tàu tiếp liệu Type 901) tiến hành huấn luyện thông thường ở ngoài khơi Thái Bình Dương với các bài tập chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh từ tầu sân bay.

    Đối với ông Song Zhongping, một cựu sĩ quan huấn luyện Trung Quốc, trả lời báo mạng South China Morning Post ngày 22/12, đợt thao dượt này cho thấy tầu Liêu Ninh “đã đạt được hiệu quả chiến đấu với nhiều loại máy bay hơn ở trên tàu” (tầu Liêu Ninh có thể chở 24 chiến đấu cơ J-15, cùng với nhiều loại máy bay trực thăng như Z-9, máy bay cảnh báo sớm Z-18), “hoàn chỉnh được hệ thống chiến đấu theo đội hình” sẵn sàng cho “các hoạt động độc lập trên không và trên biển ở những vùng biển xa”.

    Gần như cùng lúc, nhóm tầu Sơn Đông, rời cảng Tam Á, cực nam đảo Hải Nam, diễn tập sát thực tế chiến đấu ở Biển Đông, trong đó có những bài tập chiến đấu cơ cất và hạ cánh từ tầu sân bay, kiểm soát thiệt hại và tìm kiếm cứu nạn hàng hải, theo trang Global Times ngày 19/12. Giới phân tích nhận định những hoạt động hỗn hợp này cho thấy năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã gia tăng.

    Trung Quốc ngày càng tự tin phô trương sức mạnh hải quân

    Còn đối với nhà nghiên cứu Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, trả lời trang Benarnews ngày 20/12, “việc cả hai tầu sân bay gần như cùng lúc hoạt động ngoài khơi cùng với đội tầu hộ tống cho thấy Hải Quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (APL) ngày càng tự tin trong việc sử dụng lực lượng phục vụ cho những lợi ích chiến lược của Trung Quốc”.

    Không chỉ dừng ở hoạt động riêng lẻ của từng nhóm tầu sân bay, báo chí chính thức của Trung Quốc đã nêu lên khả năng hai tầu sân bay “có thể thao dượt chung” trong thời gian tới ở Biển Đông. Đây sẽ là dịp để Trung Quốc phô trương sức mạnh hải quân và hăm dọa các nước trong vùng, bởi vì vẫn theo nhà nghiên cứu Ivan Storey, “các tầu sân bay rất phức tạp, tốn kém, nên rất ít được hải quân các nước khai thác. Nhưng sở hữu tầu sân bay cho phép những nước đó phô trường sức mạnh ra khắp thế giới mà không chiến hạm nào có thể làm được. Tầu sân bay là biểu tượng cuối cùng cho vị thế cường quốc”.

    Sẽ còn đóng những tầu sân bay lớn hơn

    Một điểm quan trọng khác cần nhấn mạnh là Trung Quốc đã làm chủ công nghệ đóng tầu sân bay. Liêu Ninh, tầu sân bay đầu tiên (type 001), được tân trang từ một sân bay đóng dở cho Hải Quân Liên Xô và mua lại từ Ukraina năm 1998, được đưa vào hoạt động năm 2012. Bảy năm sau, tháng 12/2019, Trung Quốc hạ thủy tầu sân bay thứ hai (type 002), được đặt tên Sơn Đông, hoàn toàn được sản xuất trong nước.

    Nhưng chưa dừng ở đó, tầu sân bay thứ ba có thể “sẽ đi vào hoạt động từ đây đến năm 2024”, sau đó sẽ còn nhiều tầu sân bay khác. Trong báo cáo về quân đội Trung Quốc được công bố tháng 11/2021, bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh tầu sân bay thứ hai do Trung Quốc sản xuất sẽ còn lớn hơn tầu Sơn Đông và sẽ được trang bị thêm hệ thống phóng máy bay. Vẫn theo báo cáo của Mỹ, “thiết kế này sẽ cho phép tầu sân bay mang thêm nhiều chiến đấu cơ, máy bay cảnh báo sớm, cũng như thực hiện hoạt động bay nhanh hơn, do đó sẽ mở rộng phạm vi hoạt động và hiệu quả của chiến đấu cơ trên tầu sân bay”.

    Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với 355 tầu chiến các loại, nhưng hiện chỉ có hai tầu sân bay, trong khi Hoa Kỳ có 11 tầu. Việc Trung Quốc đẩy mạnh đội tầu sân bay đang kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng. Nhật Bản cải tiến tầu chở trực thăng Izumo thành tầu sân bay. Đầu tháng 11/2021, Hàn Quốc công bố thiết kế 3D tầu sân bay hạng nhẹ dự kiến sẽ được đóng vào năm 2033. Tại Đông Nam Á, Singapore cũng có tham vọng sở hữu tầu sân bay.

    Nhật Bản không cử quan chức cấp bộ dự Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh


    Chánh văn phòng, phát ngôn viên chính phủ Nhật, Hirokazu Matsuno họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/12/2021. © AP - Sadayuki Goto

    Sau tuyên bố tẩy chay ngoại giao của Mỹ, Anh, Úc và Canada, chính quyền Nhật Bản thông báo hôm 24/12/2021, không cử quan chức cấp bộ đại diện nước này đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022.

    Theo AFP, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno khẳng định quyết định này không phải là một sự tẩy chay, nhưng cho biết Nhật Bản "không có kế hoạch cử quan chức chính phủ" tới Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh, diễn ra vào đầu tháng 2/2022. Ông Matsuno cho biết, điều quan trọng đối với Nhật Bản là « các giá trị chung được cộng đồng quốc tế chia sẻ, như tự do, nhân quyền và pháp quyền. Các giá trị này cũng phải được tôn trọng ở Trung Quốc ».

    Tuy nhiên, chủ tịch ủy ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020, bà Seiko Hashimoto, sẽ đến Bắc Kinh cũng như chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản, ông Yasuhiro Yamashita. Bà Hashimoto sẽ đến Bắc Kinh để « bày tỏ lòng biết ơn và sự tôn trọng đối với các vận động viên và những người đã ủng hộ Thế vận hội Tokyo vào mùa hè năm ngoái ».

    Vài giờ sau thông báo của Nhật Bản, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên « hoan nghênh sự có mặt » của Ủy ban Olympic Nhật Bản và các quan chức liên quan, cũng như các vận động viên Nhật Bản, đồng thời khẳng định rằng Trung Quốc thúc giục Nhật Bản "tôn trọng những cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong việc tổ chức Thế Vận Hội và không chính trị hóa môn thể thao này ".

    Theo AFP, quyết định nói trên được đưa ra sau khi Tokyo « cân nhắc kỹ lưỡng » vấn đề, vài tuần sau khi Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc và Canada thông báo tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, tức là chỉ cử vận động viên, chứ không cử các nhà ngoại giao đến, nhằm tố cáo các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Trung Quốc đã cảnh báo các nước đó sẽ phải trả giá vì quyết định của mình, nhưng chưa nêu rõ biện pháp trả đũa.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào