Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 08 tháng 12 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Thượng đỉnh Biden-Puntin : Hai bên giữ nguyên lập trường trong hồ sơ Ukraina

     


    Tổng thống Mỹ Joe Biden ngồi tại Nhà Trắng (Washington - Hoa Kỳ) tham gia cuộc họp trực tuyến với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin ngày 07/12/2021. © The White House/Handout via REUTERS

    Lập trường và bất đồng về tình hình Ukraina là chủ đề chính trong cuộc họp ngày 07/12/2021 qua cầu truyền hình của hai nguyên thủ Mỹ và Nga. 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden dọa áp dụng trừng phạt Matxcơva nếu Nga tấn công Ukraina. Trong khi tổng thống Vladimir Putin giữ nguyên lập trường không để nước láng giềng gia nhập NATO. Đối với điện Kremlin, đây là « chủ đề nhạy cảm », đồng thời cho rằng « khó đạt được những tiến bộ quan trọng ngay lập tức » nhưng « sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại » với Hoa Kỳ. 

    Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington tóm tắt thượng đỉnh nhìn từ phía Nhà Trắng : 

    « Chí ít thì hai nhà lãnh đạo đồng ý về giọng điệu. Cuộc thảo luận kéo dài hơn hai tiếng, được điện Kremlin đánh giá là « thẳng thắn » và « chuyên nghiệp ». Ông Joe Biden đã đề cập trực tiếp vấn đề mà không vòng vo. 

    Tuy nhiên, về nội dung thì các bất đồng vẫn tồn tại. Tổng thống Mỹ nhắc lại những quan ngại về việc quân đội Nga dồn quân ở biên giới với Ukraina. Nhưng đồng nhiệm Nga trả lời rằng binh sĩ vẫn ở trên lãnh thổ Nga, nên không đe dọa ai cả. Nguyên thủ Nga cũng không nhận được bảo đảm là Ukraina sẽ không gia nhập NATO. 

    Như đã dự báo trước, ông Joe Biden cho biết là nếu Nga tấn công Ukraina, thì sẽ có những hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, cho rằng ông Vladimir Putin chưa đưa ra quyết định, và thắc mắc rằng liệu Nga có sẵn sàng chấp nhận rủi ro hy sinh việc bán khí đốt, theo dự kiến, cho châu Âu thông qua đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 hay không. Đó là một mặt khác trong lập trường của Mỹ. 

    Sau khi rút khỏi Afghanistan một cách đơn phương và hỗn loạn, chính quyền Washington đặc biệt chú ý đến việc thể hiện tinh thần phối hợp với các đồng minh châu Âu. Vì thế, ngay sau cuộc thảo luận với tổng thống Nga, ông Joe Biden đã liên lạc với các đồng nhiệm Pháp, Anh, Đức và Ý. Tất cả đều ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina và khuyến khích Nga chọn con đường ngoại giao ». 

    Nga lo ngại NATO mở rộng về phía đông   

    Cũng trong cuộc đối thoại thượng đỉnh Nga-Mỹ, với những lời lẽ thẳng thừng và thực dụng, điện Kremlin vẫn phủ nhận mọi cáo buộc về kế hoạch tấn công Ukraina và tố cáo thái độ « phá hoại » của chính quyền Kiev. Phía Nga vẫn chờ đợi phản ứng của Hoa Kỳ về yêu cầu đảm bảo an ninh của Nga ở biên giới phía tây tiếp giáp với Ukraina và phía nam hướng ra Biển Đen và tiếp giáp với Gruzia.   

    Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin giải thích thêm :   

    « Vladimir Putin bày tỏ mối quan tâm sâu sắc với Joe Biden về các hành động khiêu khích của Kiev tại Donbass. Theo tổng thống Nga, đây là chiến lược của Ukraina nhắm đến mục đích duy nhất là phá vỡ hoàn toàn các thỏa thuận Minsk.

    Đối mặt với đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Vladimir Putin một lần nữa từ chối trách nhiệm về tình hình leo thang quân sự tại biên giới Ukraina và giải thích rằng việc liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía đông và tăng cường tiềm lực quân sự ở vùng biên giới với Nga là mối đe dọa đối với an ninh của Nga.

    Có một điểm tích cực là hai nguyên thủ đã giao trách nhiệm cho các cố vấn làm việc với nhau về các vấn đề nhạy cảm này, vì biết rằng Matxcơva đòi có những bảo đảm pháp lý từ NATO về điểm này. Hơn nữa, Matxcơva cho biết sẵn sàng dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động của các cơ quan đại diện của Mỹ tại Nga để có thể bình thường hóa các vấn đề khác trong quan hệ song phương. Tất cả các phát biểu này còn cần phải được thực hiện trên thực địa, nhưng dù sao cũng cho phép hy vọng là hai nguyên thủ sẽ gặp nhau trực tiếp, có thể là vào mùa xuân năm sau ». 

    Olaf Scholz trở thành thủ tướng mới của Đức, khép lại thời kỳ Merkel


    Olaf Scholz trở thành thủ tướng mới của Đức, khép lại thời kỳ Merkel


    Tân thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) trong lễ bổ nhiệm tại dinh tổng thống Bellevue Palace, Berlin, Đức, ngày 08/12/2021. AP - Michael Sohn

    Lịch sử chính trị Đức bước sang một trang mới kể từ thứ Tư 08/12/2021, với việc ông Olaf Scholz trở thành thủ tướng, khép lại 16 năm nắm quyền của bà Angela Merkel. Trong bốn năm tới, thủ tướng thứ 9 của Đức, thuộc đảng Dân Chủ Xã Hội, sẽ lãnh đạo liên minh chính phủ chưa từng có, với sự tham gia của đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do 

    Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut mô tả chân dung của tân thủ tướng Đức :    

    « Bình dị, gần như là buồn tẻ, khả năng hùng biện thấp, thực dụng, hiểu biết rõ các hồ sơ quan trọng, một nhà đám phán đáng gờm : ông Olaf Scholz có nhiều điểm giống thủ tướng mãn nhiệm, bà Angela Merkel. Bản tính của hai người giống nhau. Tân thủ tướng đã hai lần làm bộ trưởng dưới quyền của Angela Merkel, phụ trách các vấn đề xã hội vào giai đoạn đầu của khủng khoảng 2008-2009 và nắm bộ Tài Chính trong 4 năm qua. Olaf Scholz đã làm việc gần gũi với cựu thủ tướng và có mối quan hệ tốt với bà. 

     Quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra rất yên bình. Olaf Scholz từ lâu đã có kế hoạch lên nắm quyền. Kế hoạch này không phải là không có thất bại, và đặc biệt thất bại cách đây hai năm trong việc giành chức chủ tịch đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD). Thế nhưng, ông nhanh chóng lật sang trang mới sau thất bại và chứng tỏ được là nhân vật quan trọng trong đảng SDP. Từ lâu, trong đảng SPD, ông Olaf Scholz đã không được ưa thích, nhưng không ai có được tầm vóc và kinh nghiệm như ông. Vị tân thủ tướng thực dụng có lập trường rõ ràng : đứng đầu liên minh chính phủ cùng với đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự do, ông sẽ tiến hành cải cách sâu rộng nước Đức để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi năng lượng, đấu tranh chống lại bất bình đẳng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa xã hội. »   

    Ngay khi lên làm thủ tướng Olaf Scholz sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Chiến lược của chính quyền mới vẫn là tập trung vào chương trình tiêm chủng bắt buộc.   

    Theo AFP, chính phủ mới của Đức cũng được quốc tế quan tâm chờ đợi trong bối cảnh địa chính trị bất ổn giữa các cường quốc. Về việc tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh, thủ tướng Olaf Scholz vẫn chưa đưa ra bình luận gì. Trong khi đó, người đứng đầu mới của ngành ngoại giao nước này tuyên bố rằng « không loại trừ khả năng tẩy chay ngoại giao », theo chân Hoa Kỳ. 

    Ngân hàng trung ương Ấn Độ tiếp tục giữ lãi suất thấp

    Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sẽ họp vào tuần này để một lần nữa xem xét tình hình nền kinh tế. Trọng tâm thảo luận là quyết định lãi suất. Vào tháng 5 năm 2020, RBI đã giảm lãi suất cơ bản xuống còn 4%, mức thấp kỷ lục và hứa sẽ duy trì “lập trường nới lỏng nếu cần thiết cho phục hồi tăng trưởng.” Cho đến nay ngân hàng đã giữ lời. Tỷ lệ này vẫn không thay đổi ngay cả khi lạm phát thỉnh thoảng tăng trên 6%, chạm trần mục tiêu họ đặt ra.

    Phương pháp “chờ và theo dõi” này, như một số nhà phân tích đã mô tả, dường như đang hiệu quả. Tăng trưởng phục hồi trở lại trong năm 2021 và lạm phát hạ nhiệt trong những tháng gần đây mặc dù giá nhiên liệu tăng và nhu cầu phục hồi. Nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn còn mong manh — cộng với biển thể Omicron lan rộng. Đặt trong bối cảnh đó, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán RBI sẽ tiếp tục chờ và theo dõi.

    Cần đầu tư nhiều hơn cho các điểm sạc xe điện

    Số lượng bộ sạc công cộng dành cho xe điện (EV) hiện tại — 1,3 triệu — không thể đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh trên toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết đến năm 2030 sẽ cần khoảng 40 triệu điểm sạc, tương ứng 90 tỷ USD đầu tư hàng năm.

    Một ưu điểm lớn của xe điện là chúng có thể được sạc tại nhà hoặc tại nơi làm việc. Các mẫu ô tô điện hiện nay thường có pin đủ hoạt động trong phạm vi khoảng 250 dặm (400 km), quá đủ cho người lái xe trung bình trong một ngày. Nhưng khi EV bắt đầu phổ cập hơn đến các hộ sống trong căn hộ hoặc nhà ở không có khả năng cắm điện tại nhà, thì một mạng công cộng (như mô hình sạc vỉa hè) dần trở nên quan trọng hơn.

    Cả việc sở hữu và sạch xe EV đều đang ở giai đoạn sơ khai và các chính phủ còn phải làm nhiều. Dự luật cơ sở hạ tầng của Mỹ dành đến 7,5 tỷ đô la cho các điểm sạc công cộng này. Song bấy nhiêu đó vẫn là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.

    Vatican công bố luật mới về chống lạm dụng tình dục

    8 tháng 12 là ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: ngày thánh Công giáo duy nhất có nhắc đến tình dục (hoặc hiểu theo nghĩa khác là không). Khá phù hợp khi thứ Tư này nhà thờ sẽ công bố một bản sửa đổi luật ít nhiều liên quan đến chủ đề đó. Nó phần lớn loại bỏ quyền tùy nghi đã cho phép các giám mục bỏ qua hoặc che đậy nạn lạm dụng tình dục của cấp dưới.

    Do đó, các linh mục “săn mồi” đối với người lớn – chứ không chỉ trẻ em – từ giờ có thể bị sờ gáy. Bản sửa đổi này, thay đổi lớn đầu tiên kể từ năm 1983, cũng xử lý tội ‘quyến rũ’ những người bị nhắm mục tiêu tình dục. Song vào hôm thứ Hai Đức Thánh Cha Francis lại có một phát biểu rất không đúng thời điểm. Ông nói việc tổng giám mục Paris Michel Aupetit “vuốt ve và xoa bóp nhẹ nhàng” người thư ký của mình không phải là tội lỗi lớn nhất, và rằng vị giám mục, người đã từ chức, là nạn nhân của “một sự bất công.” Không có gì mới.

    Quốc hội Mỹ tăng ngân sách quốc phòng, gửi tín hiệu tới Nga, Trung

    Reuters

    Chiến hạm Mỹ tuần tra tại Biển Đông ngày 20/11/2021.

    Giới lập pháp Mỹ tìm cách gia tăng mua máy bay và tàu Hải quân gầy dựng quân sự mạnh mẽ, gởi tín hiệu cho Nga và Trung Quốc trong ngân sách quốc phòng khổng lồ thường niên công bố ngày 7/12.

    Đạo luật về quyền hạn quốc phòng (NDAA) trong năm tài khóa 2022 cho phép chi tiêu gần 770 tỉ đô la trong quốc phòng và bổ sung vào yêu cầu của Ngũ Giác Đài về tàu chiến và máy bay và tăng lương binh sĩ.

    Yêu cầu ngân sách nguyên thủy của chính quyền Biden từ tháng 5 đã được thảo luận trong năm và Quốc hội Mỹ công bố phiên bản NDAA thỏa hiệp sau khi lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa của Hạ viện và Ủy ban Quân vụ Thượng viện đàm phán về những gì nên được bao gồm trong luật.

    Luật tăng ngân sách cho phép mua 17 máy bay chiến đấu F-15EX của Boeing và cũng tài trợ mua 13 chiến hạm.

    Các nhà lập pháp Mỹ đưa một loạt các nỗ lực để đẩy lùi Nga và Trung Quốc vào trong luật chi tiêu quốc phòng khổng lồ hàng năm, bao gồm 300 triệu đô la cho quân đội Ukraine và một tuyên bố ủng hộ việc bảo vệ Đài Loan.

    Nhà nước Trung Quốc can thiệp giải quyết khủng hoảng nợ của tập đoàn Evergrande

    Khách bộ hành đi ngang qua khu nhà ở do tập đoàn Evergrande xây dựng ở Côn Minh, thuộc tinh Vân Nam, miền tây Trung Quốc, ngày 23/10/2021 Jade Gao AFP/Archivos

    Nhà nước Trung Quốc chính thức can thiệp giải quyết vấn đề nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande, qua việc cử năm lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước tham gia « ban quản lý rủi ro ». Ban này gồm 7 thành viên, được thành lập tối 06/12/2021.

    Tập đoàn Evergrande đã không thể thanh toán đúng hạn khoản nợ 82,5 triệu đô la ngày 06/12. Đây là lần thứ hai, đại tập đoàn Trung Quốc không thể trả được nợ đúng kỳ hạn, trong khi tổng khối nợ của Evergrande lên đến 260 tỉ đô la.   

    Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình : 

    "Too Big To Fail" (quá lớn để bị sập), các chủ sở hữu nhỏ bị cướp đoạt muốn tin vào sự can thiệp của Nhà nước để cứu con tầu Evergrande, những diễn biến gần đây dường như cho thấy là họ có lý. Từ tối thứ Hai (06/12), các đại diện của Nhà nước chiếm phần lớn số ghế ở ban xử lý rủi ro, do nhà đầu tư bất động sản, nợ chồng chất, mới thành lập. 

    Các thị trường được trấn an, ít nhất là tạm thời. Cổ phiếu của Evergrande đã tăng 1% vào ngày 07/12 ở Hồng Kông sau khi hôm trước đã bị giảm đến 14%. Để tái cấu trúc nợ của nhà vô địch các công trường dang dở, thì phải tìm ra được các nhà đầu tư, có thể là những công ty Nhà nước, theo ý kiến của một nhà phân tích được báo Financial Times trích dẫn, để hoàn thiện rất nhiều dự án bị bỏ hoang và giao một phần cho những người mua căn hộ trong các khu chung cư trống rỗng.  

    Ngoài ra, tập đoàn Evergrande sẽ còn phải từ bỏ đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó có sân vận động Quảng Châu và dự án này đã được một cơ quan Nhà nước tiếp quản vào cuối tháng 11. 

    Phải chăng cứu Evergrande để rồi từng bước nhẹ nhàng xóa bỏ tập đoàn này ? Đây chính là cách mà đảng Cộng Sản đã xử lý chấm dứt sự tồn tại của nhiều "con tê giác xám" khác, tức là những doanh nghiệp lớn bên bờ phá sản và đe dọa sự ổn định tài chính của đất nước. 

    Không gian dân sự của VN bị xếp loại ‘đóng’

     

    Hình minh hoạ: Công an và an ninh ngăn cản người biểu tình ở Hà Nội đòi bảo vệ môi trường năm 2016 /Reuters

    Không gian dân sự tại Việt Nam bị tổ chức CIVIUS Monitor xếp vào loại ‘đóng’. Bốn nước ở Châu Á thuộc nhóm này ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn.

    Báo cáo công bố ngày 8/12 được thực hiện bởi CIVIUS Monitor, một nền tảng nghiên cứu trên mạng chuyên theo dõi và xếp loại các quyền tự do căn bản tại 197 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Báo cáo năm nay có tựa ‘People Power Under Attack 2021’; tạm dịch ‘Quyền lực Nhân dân bị Tấn công trong năm 2021’.

    Báo cáo cho thấy những biện pháp hạn chế và tấn công nhắm vào các nhà hoạt động và xã hội dân sự tiếp tục diễn ra khắp khu vực Châu Á. Trên thực tế những quyền tự do căn bản gồm tự do ngôn luận, tự do hội họp một cách ôn hòa, quyền lập hội không được tôn trọng tại hầu hết các nước ở lục địa này.

    Đây cũng là một xu hướng toàn cầu và dữ liệu của CIVIUS Monitor cho thấy 89% người dân trên thế giới nay phải sống trong những quốc gia mà không gian dân sự bị ‘đóng, ngăn trở hay đàn áp’.

    Trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á được theo dõi, ngoài bốn nước bị xếp loại ‘đóng’ như vừa nêu, có bảy nước bị đưa vào nhóm ‘ngăn trở’ và 11 nước bị liệt vào nhóm ‘đàn áp’ không gian dân sự. Các quốc gia gồm Nhật Bản, Mông Cổ, Hàn Quốc thuộc nhóm ‘bị hạn chế’, chỉ duy nhất Đài Loan là nước có không gian dân sự ‘mở’.

    CIVIC Monitor ghi nhận trong năm 2021 Chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng những định nghĩa luật mơ hồ như ‘tuyên truyền chống Nhà nước’, ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ để truy tố và bỏ tù những nhà hoạt động, giới bloggers, phóng viên độc lập qua những bản án nặng nhiều năm.

    Báo cáo của CIVIUS Monitor cho thấy có hơn 200 tù chính trị bị giam cầm trong một hệ thống trại giam cẩn mật ở Việt Nam. Nhiều người trong số họ bị biệt giam thời gian dài, bị tra tấn và không được chăm sóc y tế.

    Olympic 2022: Bắc Kinh vẫn chưa tiết lộ cách trả đũa Mỹ

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lập Kiên (ảnh: Youtube/中国新闻网).

    Trung Quốc vào ngày thứ Ba (7/12) tiếp tục đe dọa trả đũa Mỹ vì đã tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, nói rằng họ sẽ thực hiện “các biện pháp đáp trả kiên quyết”.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc báo thường kỳ hôm thứ Ba đã được hỏi các biện pháp đối phó cụ thể để khiến “Hoa Kỳ sẽ phải trả giá”. Ông Triệu nói rằng “Bạn hãy tiếp tục theo dõi”.

    Khi ông Triệu được hỏi liệu Trung Quốc có tẩy chay Thế vận hội Mùa hè Los Angeles 2028 và Thế vận hội Mùa đông 2030 ở Thành phố Salt Lake để trả đũa Mỹ hay không, người phát ngôn này đã từ chối bình luận, và chỉ nói rằng Washington nên nhận ra “hậu quả” từ việc làm của mình.

    Thư ký báo chí Toà Bạch Ốc Jen Psaki ngày 6/12 thông báo Hoa Kỳ sẽ không cử phái đoàn chính thức tới Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 do “CHND Trung Hoa đang diễn ra tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương và các hành vi vi phạm nhân quyền khác”.

    Quyết định này được Mỹ đưa ra trong bối cảnh các nhóm nhân quyền và các nhà lập pháp trên thế giới đang gia tăng kêu gọi tẩy chay Olympic 2022 tổ chức tại Bắc Kinh. Họ kêu gọi hoãn hoặc dời Thế vận hội mùa đông trừ khi chế độ này chấm dứt chiến dịch đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác đã coi các hành động đàn áp của Bắc Kinh nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân thiểu số khác là tội ác diệt chủng.

    Sau quyết định của Hoa Kỳ, New Zealand cho biết hôm thứ Ba rằng họ sẽ không cử phái đoàn tới Olympic 2022 vì lo ngại COVID-19. Quyết định này đưa ra trước khi Hoa Kỳ thực hiện tẩy chay ngoại giao. Các quốc gia khác như Úc, Anh và Canada, cũng đã lên án việc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, cho biết họ đang xem xét lập trường của mình.

    Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc vào tháng 7 năm nay, kêu gọi các quan chức từ Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên không tới Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Tổng thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại của Liên minh châu Âu, Stefano Sannino, hôm thứ Sáu tuần trước cho biết tẩy chay là quyết định của các nước thành viên EU, không phải là chính sách đối ngoại chung của EU.

    Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có lo lắng việc tẩy chay ngoại giao có thể tạo ra “hiệu ứng domino” hay không, ông Triệu Lập Kiên nói rằng sự kiện này dành cho các vận động viên, đồng thời nói thêm rằng sự tham dự của các quan chức sẽ không “ảnh hưởng gì” đến Thế vận hội ở Bắc Kinh.

    Sự tẩy chay mang tính biểu tượng của Washington đối với Thế vận hội đã thu hút sự hoan nghênh từ các nhóm đại diện cho những nạn nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng trong một tuyên bố hôm thứ Hai cho biết tẩy chay là “lựa chọn đúng đắn cả về mặt đạo đức và chiến lược.” Trong khi đó, Hội đồng Dân chủ Hồng Kông ca ngợi động thái này là ” một điểm khởi đầu tốt ” để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền mà nó đã gây ra, tuy nhiên những nhóm này cũng kêu gọi chính quyền Biden cần có những hành động cụ thể hơn.

    Không có nhận xét nào