Header Ads

  • Breaking News

    Trần Kiêm Đoàn – Văn hóa Việt Nam giữa khúc quanh chủ nghĩa


    Trong mùa Giáng Sinh 2021 và Năm Mới 2022, khi góp ý về vấn đề nên chăng “bỏ lễ học văn thôi” của GS. Trần Ngọc Thêm trong bài tham luận đọc tại Hội nghị Văn Hóa vào ngày 21-11-2021 thì kẻ đang viết những dòng nầy mới có dịp xem tập Kỷ Yếu Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc năm 2021.

    Đây là một tập tài liệu dày 1.252 trang gồm những bài tham luận của các nhân vật trí thức khoa bảng Việt Nam trong nước, thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn, các nhân vật đứng đầu các cơ quan Nhà Nước có sinh hoạt được cho là liên hệ tới văn hóa và các tỉnh ủy trong cả nước. Tôi thật cảm kích được xem một công trình tập đại thành về chuyên đề Văn Hóa Việt Nam và các phương thức “thực hành văn hóa” dự phóng cho tương lai đất nước trong thời đại mới.

    Trên hơn cả nghìn trang giấy, những khái niệm và lý thuyết nhiều màu sắc về văn hóa đã được các nguồn trí tuệ hiện đại tham khảo, phân tích và lý luận hầu như hiếm một góc khuất nào bị lơ lấp. Tất cả đều được trình bày một cách trang trọng qua văn phong rất “sang” dưới dạng ngôn từ Việt Nam thời thượng. Với một thế giới bao la như văn hóa và một không gian miên mật “văn chương tự cổ vô bằng cớ” thì thấy có đủ cả kim cương lấp lánh áng văn hay, tư tưởng đẹp xuất hiện đồng thời với đá sỏi lổn chổn của câu từ cường điệu, suy diễn quá đà… Bởi vậy, với đôi dòng nhận định sau đây, tôi không có ý và cũng không đủ trọng lượng, làm người phê bình Đại hội Văn Hóa mà chỉ xin được làm một người dân Việt nhìn từ xa để đưa ra đôi điều suy nghĩ, góp ý, nhận diện đâu là dáng vẻ đích thực của văn hóa Việt Nam xuất hiện trước mắt chúng ta hôm nay và đâu là một hình ảnh văn hóa Việt Nam trung thực cần thiết cho khát vọng đại chúng và thế hệ kế thừa.

    Hỏi “Văn hóa là gì?” cũng như hỏi “Anh là ai?”

    Văn hóa là căn cước, là lai lịch cá nhân trong đơn vị nhóm phái, xã hội và quốc gia. Ví như nói Bill Gates là một nhà tỷ phú, kẻ sáng lập Microsoft, cư trú tại Seattle, công dân Hoa Kỳ… thì ông ta sẽ được nhận diện chính xác trong số dân 7.9 tỷ người trong cộng đồng thế giới hôm nay bởi Gates là một nhân vật nổi danh quốc tế. Tương tự như thế, mỗi nước, mỗi vùng, mỗi tổ chức, hội đoàn và kể cả cá nhân đều có lai lịch văn hóa riêng biệt trong khung cảnh chung của toàn đất nước.

    Xưa nay, văn hóa có mặt một lần với sự hiện diện của con người. Từ văn hóa Nguyên sơ đến văn hóa Thượng cổ, Trung cổ, Cận đại và Hiện đại… là một dòng chảy trường thiên liên tu bất tận. Nếu có chăng loài người dừng chân ở những chặng đường đồ Đá, đồ Đồng, đồ Máy, đồ Nguyên tử… thì đây là bước chân nhỏ bé của con người chứ không phải là cột mốc trong hành trình văn hóa. Bởi vậy, xây dựng hay trình bày một định nghĩa về văn hóa cũng khó mà dễ như khi nói về Trời trong đạo Thiên Chúa hay nói về Tâm, Nghiệp, Duyên trong đạo Phật. Nói rằng dễ vì tất cả đều có sẵn trong ta, tưởng như ai cũng thấy được nhưng xét kỹ lại khó vì không thấy đâu cả!

    Nếu chỉ bằng vào lý thuyết thì… cả cuốn tập nghìn trang cũng chưa chắc đã định nghĩa hay lý giải đủ về văn hóa, bởi văn hóa là lịch sử của con người chính nó mà bảy, tám tỷ người trên thế giới đều không ai giống ai. Mỗi người có văn hóa riêng của mình trong cái khung văn hóa toàn cảnh của đất nước và xã hội. Người đi xin mù mắt và mù chữ ở góc phố này và nhà bác học thông thái viết trăm kinh vạn quyển cùng đang sống ở biệt thự đầu đường kia đều có văn hóa nhưng văn hóa họ ở đâu? Căn cứ trên tiêu chuẩn nào để đo “trình độ văn hóa” của mỗi người? Trong cái “thái quá” của sự hăm hở chữ nghĩa muốn đưa ra một định nghĩa về văn hóa khả dĩ được mọi người chấp nhận và với sự “bất cập” bó tay không thể định nghĩa văn hóa là gì thì vẫn còn những chọn lựa tương đối hay trung dung.

    Thời đại trực tuyến, bài viết cần vui và ngắn (không quá 2000 chữ), viết dài và khô dẫu có hay bao nhiêu thì cũng ít ai chịu đọc nên thay vì theo thủ pháp cắt dán của kiểu “học giả Google” tôi xin chuyển tiếp online bài viết Văn Hóa Là Gì của tác giả Hoàng Đỗ viết về khái niệm chung của văn hóa khá phổ thông nếu chư vị nào muốn tìm hiểu thêm ý nghĩa căn bản của văn hóa thì xin vui lòng bấm vào dòng chữ xanh hay mở địa chỉ nầy (http:/lafactoriaweb.com/van-hoa-la-gi).

    Định nghĩa về văn hóa thường được cho là đơn giản nhất qua sách giáo khoa trong nhà trường Mỹ là: Văn hóa là nếp sống nhiều mặt chung của một xã hội (the ways of life for an entire society). Đơn vị văn hóa có: Quốc gia, miền, tổ chức, nhóm và cá nhân. Ví như văn hóa toàn nước Mỹ (American culure) là văn hóa “mẹ”; trong đó, gồm nhiều văn hóa “con” của nhiều nhóm xã hội riêng và nhỏ (subculture) như: Văn hóa Tỷ phú (Billionnaire Culture), Văn hóa Ăn mày (Culture of Begging), Văn hóa Trình diễn (Pop Culture), Văn hóa Thể thao (Sport Culture), Văn hóa Vô gia cư (Culture of Homelessness)…

    Trong truyền thống nhân văn thế giới thì văn hóa của mỗi nước là văn hóa truyền thống suốt dòng lịch sử của toàn thể đất nước và dân tộc đó. Có những thời kỳ lịch sử hay chế độ chính trị thay đổi, thế lực lãnh đạo khi nói đến tiến trình truyền thừa và “thực hành” văn hóa thì vẫn phải theo “nguồn mẹ” của văn hóa quốc gia (National Culture), không tự áp đặt một hình thái văn hóa “con” (Subculture) của nhóm phái hay căn cứ trên chủ thuyết riêng và lâm thời của con để bao trùm mẹ được.

    Miền Nam đã có thời đồng hóa văn hóa với học vấn khi nói đến “trình độ văn hóa” là: mù chữ, tiểu học, trung học, đại học…

    Và miền Bắc cũng đã đồng hóa văn hóa với văn minh khi nói đến “văn hóa” là: làng văn hóa, người có văn hóa, kẻ thiếu văn hóa, dân vô văn hóa.

    Tuy nhiên, qua Đại Hội Văn Hóa toàn quốc Việt Nam tháng 11-2021 thì “lai lịch Văn Hóa Việt Nam” phải gắn kết với với Xã Hội Chủ Nghĩa. Lý ra nên phân định rạch ròi và công bằng rằng: Văn hóa Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa là một hình thức văn hóa con (subculture) của 5 triệu đảng viên Đảng CSVN trong lòng văn hóa mẹ của 100 triệu người Việt Nam.

    Văn Hóa mặc nhiên được xem như một ngành chuyên môn ngang tầm với kinh tế, giáo dục, nghệ thuật, thể thao để “chấn hưng và thực hành”. Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì lấy phương hướng “chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh” làm chỗ dựa. Ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc trách văn hóa thì lấy chỉ đạo của ông Tổng Bí thư làm kim chỉ nam cho sự chấn hưng văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

    Trong giới hạn “khả thuyết” của mình, các nhà tham luận đã trình bày, phân tích, suy diễn và kiến nghị nhiều phương thức “tối ưu” trong tầm tham khảo và nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, trọng điểm và phong cách của nội hàm trình bày khác xa với các đại hội văn hóa thế giới là dẫu cho các diễn giả có nội lực thâm hậu hay kiến thức uyên bác tới đâu thì vẫn không thể vượt ra ngoài biên giới của “định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” được.

    Do vậy, đại chúng và kẻ sĩ trong cũng như ngoài nước độc lập hay không phải là thành viên trong số 5 triệu đảng viên đảng CSVN, chỉ còn khả năng tự phát vỗ tay bất khả thuyết, tiếp thu theo tần số riêng mình hay im lặng lắng nghe.

    Tại Mỹ, thỉnh thoảng tôi vẫn thường được mời thuyết trình về đề tài Văn Hóa Việt Nam với khả năng chuyên môn là người biết hai ngôn ngữ (Bilingual Việt- Anh) và hai văn hóa (Bicultural Việt- Mỹ). Trước cử tọa không phải là người Việt của mình, lại thường là những người có tham khảo và nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, tôi chọn mốc thời gian từ thời Hồng Bàng (2879 – 208 BC) đến hiện đại. Với lịch sử hơn 4.800 năm như thế, sự tương ứng văn hóa cũng phải tỷ lệ thuận với chiếu dài lịch sử. Việt Nam từ triều đại ngắn nhất là Nhà Hồ 7 năm (1400-1407) và dài nhất là Hậu Lê 361 năm (1428- 1789) nhưng không có một triều đại nào tự xây dựng hay mang chủ thuyết nhập nội để làm khung định hướng cho văn hóa Việt Nam ở bất cứ một thời kỳ nào cả.

    Văn hóa của một đất nước là một tam giác cân có 3 góc độ: (1) Tiếng nói (thể hiện qua lời nói, chữ viết và kho tàng văn chương nghệ thuật), (2) giá trị truyền thống tinh thần phi vật thể (triết lý, tư tưởng đại chúng và hàn lâm) và (3) những công trình vật thể (địa lý, các công trình xây dựng, đền đài, phế tích…). Tất cả là một dòng chảy trải dài từ thời lập quốc cho đến ngày nay. Không một triều đại chính trị đơn lẻ nào có khả năng ngăn chận, tân tạo hay làm biến dạng dòng chảy văn hóa được cả. Tần Thủy Hoàng có đốt sách chôn học trò, hay Cách mạng Văn Hóa kéo dài mười năm với hàng triệu người chết thời Mao Trạch Đông ở Trung Quốc cũng không thể xoay chuyển lịch sử mấy ngàn năm của văn hóa dân tộc nước Trung Hoa được. Cho nên chấn hưng văn hóa ở cấp độ quốc gia là thay đổi, là làm cho đẹp hơn, tốt hơn nền giáo dục, kinh tế, chính trị, đạo đức, tự do, công bằng xã hội… chứ hoàn toàn không có một thể trạng văn hóa cụ thể hay hình thức đơn thuần Văn Hóa nào để điều khiển hay vực dậy được.

    Xin chúc mừng Đại Hội Văn Hóa Việt Nam. Nếu nhìn lại trong vòng 35 năm qua và đây là Đại hội Văn Hóa toàn quốc lần thứ 3 thì thế hệ Chiến Tranh Việt Nam (U-80, U-90) phải có trách nhiệm minh định một lần cuối cho thế hệ đàn em được vinh dự và tự hào với vai trò kế thừa, phát huy và bảo tồn Văn Hóa dân tộc Việt Nam đích thực của lịch sử bốn nghìn năm văn hiến.

    Sacramento, mùa Noel 2021
    Trần Kiêm Đoàn

    Khoahocnet.com

    Không có nhận xét nào