Từ phiên tòa kết tội Đoan Trang, nghĩ về một phiên tòa kinh điển trong văn học.
Kiến trúc sư Howard Roark (ảnh minh họa) và nhà báo Phạm Đoan Trang trong phiên tòa xét xử mình. Ảnh: TTXVN, Warner Bros.
Kiến trúc sư Howard Roark (ảnh minh họa) và nhà báo Phạm Đoan Trang trong phiên tòa xét xử mình. Ảnh: TTXVN, Warner Bros.
Phiên tòa xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang vừa diễn ra và kết thúc cùng ngày.
Cô bị kết án 9 năm tù vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999. [1]
Thứ được chờ đợi nhất trong phiên tòa không phải là cáo trạng và lập luận định tội của bên truy tố – vốn chỉ là những lời văn mẫu rập khuôn vô hồn cùng các “bằng chứng” hời hợt cẩu thả; cũng không phải là phần tranh luận trước tòa giữa hai bên luật sư và công tố – một việc chỉ mang ý nghĩa thủ tục trong các phiên tòa chính trị khi phía công tố không có năng lực lẫn sự dũng cảm để đối đáp; người ta thậm chí cũng không tò mò về mức án – một thứ đã được định sẵn từ trước, vì thế mới có tên gọi “án bỏ túi”. [2]
Phần được chờ đợi nhất trong những phiên tòa như thế này luôn là lời nói sau cùng của những người bị kết tội, và họ thường không khiến người khác thất vọng.
Lời nói sau cùng của Phạm Đoan Trang cũng như vậy. [3]
Nó chỉ ra sự phi lý và xuẩn ngốc trong tư duy của những kẻ nắm quyền – muốn áp đặt một khuôn thức y sệt trong một thế giới mà tự nhiên vốn dĩ đã luôn đa dạng, đồng thời bác bỏ thứ tư cách phán xét mà họ dùng bạo lực để tạo ra – “con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được”.
***
Những lời sau cùng của Đoan Trang trước tòa khiến tôi liên tưởng đến diễn văn của nhân vật Howard Roark trong tiểu thuyết nổi tiếng “The Fountainhead” (Suối Nguồn). [4]
Roark là một kiến trúc sư. Khác với nhiều người, anh không chấp nhận, hay nói chính xác là không có ý niệm về việc sống lệ thuộc, phục vụ người khác hay bắt người khác phục vụ mình. Những công trình Roark làm ra có giá trị riêng theo tiêu chuẩn của bản thân, ai trầm trồ khen ngợi hay chê bai sỉ vả đều không khiến anh bận tâm.
Không khó hiểu khi Roark không thể tiến thân trong một xã hội coi trọng các mối quan hệ và sự phục tùng. Nhưng với tài năng nổi bật, anh vẫn tồn tại được theo cách riêng của mình, cho đến khi các mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm.
Đỉnh điểm là một công trình mà Howard Roark đồng ý thiết kế với điều kiện người khác không được tự tiện biến đổi – anh không muốn những sản phẩm mình làm ra trở thành thứ méo mó giả cầy đầy rẫy khắp nơi.
Người ta gật đầu với nguyên tắc của anh, để rồi ngay sau đó lật lọng. Roark quyết định phá nổ công trình trước khi nó được hoàn tất, và bình thản chờ đợi chính quyền đến bắt giữ. Anh bị đưa ra xét xử.
Trong lời nói sau cùng tại phiên tòa, Roark chỉ ra sự phi lý khi xã hội áp đặt những người sống trong đó phải tồn tại vì người khác, đồng thời bác bỏ thẩm quyền của những ai muốn kết tội kẻ khác chỉ vì họ sống đúng theo thứ động lực tự nhiên nhất (primary goal) của mình.
***
So sánh trường hợp của Đoan Trang và Howard Roark chắc chắn sẽ khiến không ít người lắc đầu chau mày.
Tác phẩm “Suối Nguồn”, bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Ảnh: Spiderum.
“Suối Nguồn” là một trong những tiểu thuyết đặt nền móng cho “chủ nghĩa vị kỷ” (egoism) thời hiện đại, và Howard Roark là nhân vật trung tâm đại diện cho nó.
Trong khi đó, những nhà hoạt động xã hội như Phạm Đoan Trang lại thường được xem là những người “vị tha” nhất – họ hành động với ý muốn đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khác, đặc biệt là những người yếu thế.
Tạm để dành những tranh luận triết học rất cần được khơi gợi cho dịp khác, tôi tin rằng chỉ cần đọc hết “Suối Nguồn”, bạn sẽ nhận ra phiên tòa kết tội những người như Đoan Trang và phiên xét xử Howard Roark giống nhau nhiều hơn chúng ta tưởng.
Trong lời nói sau cùng trước tòa, Roark dành cho những kẻ độc tài một vị trí đặc biệt: ngồi cùng mâm với bọn ăn cướp lưu manh và những người lợi dụng nhân đạo.
Theo Roark, trái với suy nghĩ thông thường, những kẻ độc tài muốn thống trị người khác không hề vị kỷ.
“Họ không sáng tạo ra thứ gì. Họ tồn tại hoàn toàn thông qua những người khác. Mục đích sống của họ nằm trong các đối tượng mà họ nhắm tới, ở trong hành động biến những người khác thành nô lệ cho mình. Họ phụ thuộc vào người khác cũng giống như những kẻ ăn xin và phường trộm cướp.”
Giống như quân ăn cướp, họ là những kẻ “thất kỷ” – không thể tồn tại độc lập, luôn sống phụ thuộc người khác, và thăng hoa bằng cách tạo ra nạn nhân để mình áp đặt sự thống trị.
Bằng cách độc tôn các giá trị tập thể – lợi ích tập thể, trách nhiệm tập thể, tư duy tập thể – những người thất kỷ có thể giấu mình trong đám đông để ký sinh trong đó.
Và có loại ký sinh nào nguy hiểm hơn những nhà cầm quyền độc tài, khi họ nắm bạo lực trong tay, sẵn sàng xóa bỏ mọi dấu hiệu sinh tồn độc lập khác với guồng quay của tập thể?
Ráp ngữ cảnh của “Suối Nguồn” vào hiện trạng của Việt Nam, có thể thấy từ tương đương với “vị kỷ” chính là “tự do” và “độc lập” – những người tồn tại một mình, không phụ thuộc vào kẻ khác, và tạo ra những giá trị độc lập với đám đông.
Trong lời sau cùng trước tòa, Đoan Trang khẳng định một chân lý mà rất nhiều người đã từng nói: bản chất của thế giới, của sự sống là đa nguyên, và bản chất của con người là hướng tới sự đa nguyên.
Howard Roark trong khi đó khẳng định thứ động lực tự nhiên và chính đáng nhất tồn tại trong mỗi cá nhân chứ không phải ở bất kỳ chủ nghĩa tập thể nào. Nói cách khác, “ta có thể chia thức ăn cho nhiều người, nhưng không thể tiêu hóa nó bằng cái bao tử tập thể, không ai có thể dùng phổi của mình để thở giùm người khác, không ai có thể dùng não của mình để nghĩ thay kẻ khác”.
Chính thứ động lực này là cơ sở tạo nên những con người sáng tạo (creators), đối lập với loài sống ký sinh (parasites), và là thứ phân biệt giữa con người và động vật.
Những ai dùng bạo quyền để dập tắt những động lực tự nhiên đó, phủ nhận bản chất đa dạng của sự sống, có khác chi từ bỏ tư cách làm người?
***
“Suối Nguồn” của tác giả Ayn Rand được xuất bản vào năm 1943. Đó là thời điểm cao trào của Thế chiến II, một cuộc xung đột mà chủ nghĩa tập thể mù quáng của các phe đã dẫn tới các hậu quả thảm khốc chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.
Gần 80 năm đã trôi qua, điều đáng buồn là đến nay, những biến thái cực đoan nhất của chủ nghĩa tập thể vẫn còn tác oai tác quái.
Những cuộc bắt bớ, những trò tra tấn, và những phiên tòa kết tội những người tự do vẫn còn diễn ra.
Nhưng không ai có thể chối bỏ sự thật: những phiên tòa như vậy chỉ có tác dụng kết tội chính những kẻ áp đặt người khác.
Không phiên tòa nào có thể kết án những con người tự do.
Không có nhận xét nào