Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam



    Những phụ nữ bị mất đất cầm biểu ngữ kêu cứu tại Hà Nội hôm 31/1/2013 /AP

    Quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu” và những đối xử bất bình đẳng của Nhà nước với người dân và doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột liên quan đến đất đai ở Việt Nam lâu nay.

    Hôm 13 tháng 1, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore tổ chức buổi toạ đàm với tiêu đề “Xung đột đất đai ở khu vực ngoại ô Việt Nam: nguyên nhân và hệ quả”.

    Diễn giả chính của buổi tọa đàm là bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chích sách của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở Việt Nam.

    Theo vị chuyên gia này thì kể từ năm 2004, làn sóng công nghiệp hoá và đô thị hoá đã kéo theo làn sóng thương mại hoá đất đai.

    Với sự bùng nổ nhu cầu về đất để xây dựng nhà xưởng và khu đô thị đã dẫn đến xung đột đất đai, khi đất nông nghiệp được thu gom với số lượng lớn. Những cuộc xung đột liên quan đến đất nổi tiếng trong giai đoạn này phải kể đến Tiên Lãng, Văn Giang, Đồng Tâm, hay Thủ Thiêm.

    “Nghiên cứu của Quỹ Châu Á thực hiện năm 2013 cho thấy có rất nhiều kiểu xung đột liên quan đến đất đai. Chúng tôi ghi nhận rằng các cuộc xung đột thường xoay quanh vấn đề mua bán đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều khiếu nại và tố cáo từ người sử dụng đất.

    Và sự xung đột điển hình, đồng thời khó giải quyết nhất là xung đột giữa người sử dụng đất với cơ quan Nhà nước. Bởi vì cơ quan Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất, nhưng lại có sự đối xử rất khác với người sử dụng đất, giữa người sử dụng đất là công dân bình thường và người sử dụng đất là doanh nghiệp.”

    Chiếu theo luật, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai, tức phải đóng vai trung gian và đảm bảo quyền lợi của các bên, tuy nhiên, thực tế cho thấy Nhà nước đang tỏ ra ưu ái doanh nghiệp dẫn đến việc dân chúng bất bình.

    Theo bà Đỗ Thanh Huyền thì nghiên cứu cho thấy các cuộc biểu tình hay đụng độ bạo lực giữa người dân với Nhà nước chỉ là phần nổi của tảng băng chìm xung quanh vấn đề đất đai.

    Còn những vấn đề khác lớn hơn phải kể đến như thái độ ưu tiên phát triển kinh tế và ưu ái doanh nghiệp của Nhà nước dẫn đến sự mất lòng tin và bất mãn trong nhân dân. Hoặc nạn tham nhũng, quy định quản lý bất cập, thông tin không cân xứng dẫn đến tình trạng khiếu kiện trên diện rộng.

    Tham nhũng và bất cập về quy định quản lý thì đã rõ, nhưng vấn đề thông tin không cân xứng, đặc biệt là thông tin về giá đất, là một trong những vấn đề nhức nhối dẫn đến xung đột về đất đai ở Việt Nam trong thời gian gần đây, mà Thủ Thiêm là sự vụ điển hình.

    Thực trạng này dẫn đến việc nông dân đang là nhóm người được thụ hưởng ít nhất, theo bà Đỗ Thanh Huyền. Bà cũng cho biết nếu xung đột đất đai không được giải quyết sẽ gây ra hậu quả về mặt chính trị, thể chế, kinh tế và văn hoá về mặt lâu dài.

    500 ngàn người dân cần hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết


    Một chương trình hỗ trợ gạo cho người dân trong mùa dịch COVID-19 / Đại đoàn kết

    10 tỉnh đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân trong dịp Tết nguyên đán 2022 và giáp hạt đầu năm.

    Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 14/1 theo nội dung công văn của Bộ Lao động thương binh và xã hội gửi Bộ Tài chính đề nghị thẩm định kiến nghị của các tỉnh để trình chính phủ xuất cấp gạo cứu đói.

    Theo đó, Bộ Lao động đề nghị Chính phủ hỗ trợ 7.820 tấn gạo cứu đói cho 155.413 hộ với 521.484 nhân khẩu.

    Đại diện Bộ Lao động cho biết, cụ thể dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, Chính phủ sẽ hỗ trợ hơn 6.346 tấn gạo cứu đói cho 130.894 hộ với 423.077 nhân khẩu tại 8 tỉnh: Bình Định, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Kon Tum.

    Dịp giáp hạt đầu năm 2022, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói cho 4 tỉnh: Lạng Sơn, Lai Châu, Đắk Nông và Kon Tum với tổng số hơn 1.474 tấn gạo cho 24.519 hộ với 98.307 nhân khẩu.

    Trước đó, lãnh đạo thành phố Hội An cũng đã gửi công văn đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam xin hỗ trợ 180 tấn gạo cho hơn 12 ngàn người dân tại thành phố đang có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết nguyên đán.

    Được biết, trong tháng 8/2021, Thủ tướng VN đã quyết định xuất cấp không thu tiền hơn 150 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 27 tỉnh, thành phố để hỗ trợ hơn 8,6 triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Mức hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu là 15 kg gạo trong thời gian một tháng.

    Nợ lương nhân viên suốt 8 tháng, Bệnh viện “xin” Bộ Y tế hỗ trợ nhưng không được đáp ứng


    Khoảng 50 nhân viên y tế BV Tuệ Tĩnh giăng băng bôn đòi trả lương / NLĐ, Gia Đình-RFA edited

    Nợ lương nhân viên nhiều tháng nay, Học viện Y Dược học cổ truyền đã đề nghị Bộ Y tế tạm ứng hơn 10 tỉ đồng để trả lương cho nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh từ hai tháng trước, nhưng đến nay Bộ vẫn chưa “rót” đồng nào.

    Do bị nợ lương suốt tám tháng qua nên trong hai ngày qua 11 và 12/1/2022, hàng chục y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã cầm băng rôn “cầu cứu” trước cổng bệnh viện.

    Bà Lê Thanh Bình-tổ trưởng tổ công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh được truyền thông Nhà nước dẫn lời hôm 14/1 cho rằng, sau khi hàng chục nhân viên y tế biểu tình đòi trả lương, lãnh đạo bệnh viện đã họp để bàn phương án giải quyết.

    Tuy nhiên, bà Bình nói tiếp: “Ban giám đốc chỉ chi trả 50% lương tháng 12/2021 và tháng 1/2022 chứ không trả lương đã nợ. Chúng tôi không đồng ý với quyết định này nên tiếp tục “xuống đường” để nhờ đến sự lan tỏa của cộng đồng”.

    Cũng trong ngày 14/1, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện phân trần do dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Bệnh viện (BV) Tuệ Tĩnh. Bệnh viện gần như không có bệnh nhân, do đó nguồn thu không đủ để chi trả chi phí.

    Ông Huy cho biết thêm, trước những khó khăn trên, Học viện đã đề nghị Bộ Y tế cung cấp gấp nguồn kinh phí của bộ để tạm ứng trước cho bệnh viện với số tiền là 10,2 tỉ đồng để chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 đến nay cho cán bộ viên chức và người lao động.

    Học viện cũng đã kiến nghị với lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ sớm có quyết định bổ sung ngân sách hỗ trợ bệnh viện để chi trả tiền lương. Tuy nhiên, theo lời bà Bình, kiến nghị trên đã được Ban giám đớc đưa ra cách đây gần hai tháng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

    Được biết, từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021, hơn 160 y, bác sĩ, nhân viên y tế tại BV Tuệ Tĩnh mỗi tháng chỉ nhận được khoảng 1 đến 3 triệu tiền lương (50% lương cơ bản). Kể từ tháng 12 đến nay họ không nhận được đồng lương nào.

    BV Tuệ Tĩnh được thành lập năm 2006, là BV thực hành trực thuộc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Từ tháng 1/2019, BV được điều chỉnh phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, từ đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên sang đơn vị tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên. Theo đó, BV được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

    Không có nhận xét nào