Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Việt Á nhập khẩu 3 triệu kit test từ Trung Quốc với giá hơn 21.000đ/test


    Ông Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. (Ảnh: baochinhphu.vn)

    Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ tháng 9-12/2021, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nhập khẩu 3 triệu test của Trung Quốc, tổng trị giá 64,7 tỷ đồng, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560đ/test, sau đó nâng khống giá bán gấp 22 lần).

    Ngày 20/1, Tổng cục Hải quan Việt Nam thông tin về số liệu nhập khẩu của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) liên quan vụ kit xét nghiệm Covid-19.

    Theo Tổng cục Hải quan, ông Phan Quốc Việt là Giám đốc điều hành Công ty Việt Á (có 5 chi nhánh) và đứng tên Giám đốc trên 11 công ty, trong đó chỉ có Công ty Việt Á hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm…

    Các mặt hàng nhập khẩu chính của Công ty Việt Á trong 5 năm (từ 2017-2021) gồm: bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 và nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm.

    Đối với bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2, từ tháng 9-12/2021, Việt Á nhập khẩu sản phẩm chủng loại: Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% từ Trung Quốc với số lượng 3 triệu test, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560đ/test), tổng trị giá 64,7 tỷ đồng (sau đó nâng khống giá bán lên 470.000 – 520.000 đồng/kit).

    Về nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm, Việt Á nhập từ nhiều nước khác nhau.

    Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 năm (2017-2021), Công ty Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu 286 tỷ đồng.

    Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm 162 tỷ đồng (gồm 64,7 tỷ đồng que thử thành phẩm, 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm) và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

    Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 công ty có liên quan đến Công ty Việt Á bao gồm: Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Kỹ thuật – Technimex, Công ty Cổ phần vật tư khoa học Biomedic, Công ty Cổ phần kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty Cổ phần công nghệ TBR.

    Chiếm tài khoản Viber, rồi dùng danh tánh nạn nhân lừa đảo


    Công an thành phố Huế lấy lời khai 3 đối tượng ở các tỉnh miền Tây – Ảnh: cơ quan công an

    Ba tên Lâm Ngọc Yến (sinh năm 1988, trú tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), Lê Cao Quân (SN 1988, trú tại tỉnh Bến Tre) và Trần Văn Toàn (SN 1994, trú tại tỉnh Sóc Trăng) cùng tạo thành một nhóm lừa đảo với phương thức mới: Hack tài khoản Viber của nhiều người rồi giả danh, nhắn tin cho người thân của “khổ chủ” nhờ gửi tiền mua vé máy bay, chiếm hàng trăm triệu đồng.

    Trước đó, vào đầu Tháng Mười Hai năm 2021, bọn chúng chiếm dụng được tài khoản của một cô gái sinh sống ở nước ngoài. Sau đó, chúng sử dụng tin nhắn từ Viber liên lạc với mẹ cô gái này ở phường Phú Thượng, thành phố Huế, với nội dung nhờ mẹ đặt vé máy bay để về quê ăn tết.

    Tin đó là con mình, người thân của chính chủ tài khoản bị hack đã gọi điện đặt vé máy bay và chuyển vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp với tổng số tiền là 243 triệu đồng (hơn $10,000).

    Sau khi liên lạc được với con gái – chính chủ của tài khoản bị hack – biết mình bị lừa, nạn nhân đã viết đơn trình báo lên cơ quan công an.

    Cả ba tên đều bị bắt sau đó, và công an thành phố Huế đang tiếp tục tiến hành mở rộng điều tra, vì chắc chắn không chỉ có một nạn nhân. (Theo Dân Trí)

    Không còn truy dấu F0, dân dễ thở khi Tết cận kề


    Ảnh tư liệu_ Một chốt kiểm soát tại Hà Nội bị ùn ứ hôm 09/8/2021

    “Bây giờ mọi người sống chung với dịch rồi mà. Em thấy như vậy cũng là hợp lý. Chứ làm sao cứ cấm mãi được…Dịch đến đâu xử lý đến đấy thôi.” Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Kim Ngân, một thành viên trong đơn vị phòng chống dịch của một phường trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội, khi được VOA hỏi về tình hình chống dịch tại thủ đô thời gian gần đây khi số ca nhiễm liên tục tăng cao.

    Mấy tuần qua, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số ca dương tính với Covid, trên dưới 2.000 ca mỗi ngày, thậm chí có những ngày lên tới gần 3.000 ca. Tuy vậy, hiện thành phố không còn thực hiện những biện pháp quyết liệt như cách đây vài tháng bao gồm lập chốt kiểm soát, truy bắt và phạt nặng những người ra đường mà không có nhu cầu chính đáng, đóng cửa toàn bộ dịch vụ không thiết yếu, những chính sách, theo mô tả của báo chí quốc tế, đã biến thủ đô Việt Nam trở thành “một nhà tù lộ thiên khổng lồ” trong đại dịch.

    Các gia đình có người thân bị nhiễm Covid cho biết giờ đây họ không còn bị quản lý việc đi lại hay bị gắn biển theo dõi y tế trước nhà nữa. Ai bị dính virus thì tự ở nhà cách ly và điều trị. Nhiều người cho rằng với hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày ở Hà Nội, các cơ quan chống dịch thực sự không còn có thể theo sátgắt gao như trước. Hơn thế, sau thời gian dài chống dịch, giờ đây toàn bộ hệ thống phòng chống dịch đã mỏi và có tâm lý buông lỏng khi mà hầu hết mọi người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine.

    Anh Võ Minh Vũ, một cư dân tại quận Cầu Giấy, cho biết mặc dù trong chung cư nhà anh có khá nhiều người nhiễm Covid nhưng hầu hết đều tự điều trị tại gia, không hề thấy bóng dáng đội phòng dịch của phường tới phun khử khuẩn, truy dấu và quản lý các gia đình này nữa.

    “Bây giờ chẳng ai truy dấu cả. Bây giờ người ta chỉ thống kê những trường hợp báo là bị dương tính ở từng khu vực thôi và chung lại thì mỗi ngày Hà Nội có khoảng 3.000 ca,” anh Vũ nói.

    Mặc dù Covid đang tái phát mạnh, nhưng nếu như Tết năm ngoái có các biện pháp quyết liệt thì năm nay tình hình dễ thở hơn hẳn. Đường phố đã bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp trở lại. Không khí Tết đang ùa về từng nhà dù điều kiện kinh tế của phần đông đang khó khăn vì đại dịch.

    Trở về từ chuyến mua sắm đào, quất tại Tứ Liên, khu vực trồng hoa Tết lâu năm của quận Tây Hồ, Hà Nội, chị Nguyễn Hồng Hoa cho biết cảm thấy rất sung sướng khi lại được thư thả đi mua hoa chơi Tết.

    “Không khí Tết thì đào, quất cũng thấy rộn rã lắm. Nhưng toàn người xem thôi, chứ chả có người mua mấy...Bây giờ chắc mọi người còn lo cày nốt việc cuối năm nên cũng chưa có tiền để đi mua đâu,” chị Hoa cho biết.

    Anh Võ Minh Vũ cho biết Tết năm nay thật sự thoải mái, dễ chịu hơn rất nhiều so với cái Tết “bị giam lỏng” năm ngoái. Nhưng do dịch bệnh kéo dài, tình hình kinh tế của hầu hết các gia đình đều khó khăn, nên cái Tết năm nay chắc chắn sẽ vẫn là một cái Tết không mấy vui vẻ.

    “Tết năm nay gọi là ngày nghỉ thôi chứ mọi người ăn Tết quanh năm rồi còn gì nữa. Ăn suốt từ cái Tết trước sang Tết này thì còn gì nữa. Tôi cũng chả đi đâu, chả mua bán gì. Kệ thôi,” anh Vũ chia sẻ.

    Người chuyển sách của tác giả Phạm Đoan Trang bị án tù




    Ông Nguyễn Bảo Tiên tại phiên toà ngày 21/1/2022 ở Phú Yên, những cuốn sách của Nhà xuất bản Tự do /FB Nhà xuất bản Tự do, Dân Trí, RFA edit

    Ông Nguyễn Bảo Tiên, người bị bắt do nhận và gửi những cuốn sách của tác giả, nhà báo độc lập/nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang, vào ngày 21/1 phải ra tòa ở tỉnh Phú Yên và nhận hai án tổng cộng sáu năm sáu tháng tù giam.

    Mạng báo Vietnam Plus của Thông tấn xã Việt Nam loan tin nói ông Nguyễn Bảo Tiên bị tòa tuyên án tù với hai cáo buộc: ‘tàng trữ, phát tán, tuyên truyền tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo Điều 117 và ‘chiếm đoạt, tàng trữ trái phép vật liệu nổ’ theo Điều 305 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

    Đối với cáo buộc thứ nhất ông Nguyễn Bảo Tiên bị tòa Phú Yên tuyên năm năm sáu tháng tù giam và cáo buộc thứ hai là một năm tù giam.

    Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên cho rằng ông Nguyễn Bảo Tiên từng đọc báo nước ngoài rồi thường xuyên chia sẻ, đăng tải những bài viết mà theo cáo trạng là có nội dung xuyên tạc, chống Nhà nước CHXHCN VN.

    Trong khoản thời gian từ tháng tám đến tháng mười năm 2019, Ông Nguyễn Bảo Tiên bị cho là đã năm lần nhận sáu kiện hàng là các sách có tựa ‘Chính trị Bình Dân’, ‘ Cẩm nang nuôi tù’, ‘Phản kháng phi bạo lực’ và ‘Chính đề Việt Nam’. Ba cuốn đầu là do nhà báo độc lập/nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang viết. Bà này hiện đang phải thụ án tù chín năm với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’.

    Cáo trạng đối với ông Nguyễn Bảo Tiên còn nêu rằng ông đã bốn lần gửi 46 bưu phẩm; trong số này có 24 bưu phẩm được gửi đi; một bưu phẩm không có người nhận; và khi đang làm thủ tục gửi 21 bưu phẩm khác thì Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bắt giữ. Tại nhà của ông ở Phường bốn, Công an nói còn 22 bưu phẩm với những cuốn sách vừa nêu.

    Ông Tiên còn bị cáo buộc giữ một trái lựu đạn mà theo cáo trạng là ông lấy hồi tháng tư năm 2008 khi tham gia huấn luyện quân sự.

    Ông Nguyễn Bảo Tiên sinh năm 1986, bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 5/5/2021.

    Không có nhận xét nào