Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 31 tháng 12 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Covid-19 lan mạnh, các nước “mạnh ai nấy làm”, coi thường khuyến nghị của WHO

    Logo của Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO trước trụ sở tại Genève ( Thụy Sĩ) ngày 02/12/2021. Ảnh minh họa. Fabrice Coffrini AFP 

    Số ca nhiễm mới thường nhật cơ quan y tế công của Pháp ghi nhận hôm qua 30/12/2021 vẫn ở mức trên 200.000 ca, thuộc mức cao chưa từng có từ đầu đại dịch đến nay. Những ngày gần đây, mỗi hôm Pháp có thêm 2.000 người nhập viện điều trị vì nhiễm virus corona, 20% phải điều trị tại các khoa chăm sóc tích cực. Các chỉ số dịch bệnh đều ở mức cao kỷ lục. Tình hình cũng tương tự ở nhiều nước châu Âu và Mỹ 

    Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) báo động đang xảy ra một “cơn sóng thần” về số các ca nhiễm Covid-19 và nguy cơ hệ thống y tế của các nước “sụp đổ”. Từ khi Covid-19 nổ ra, đây không phải là lần đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới gióng lên hồi chuông báo động kiểu như vậy, nhưng dường như các cảnh báo và khuyến nghị của WHO không được các quốc gia lắng nghe và làm theo, mà chính phủ các nước hành động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Tại sao lại như vậy ?

    Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche giải thích :

    “Có thể đó là vì Tổ chức Y tế Thế giới, giống như tất cả các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc, chịu sự ràng buộc của các thành viên tổ chức. Cơ quan này chỉ là tập hợp các Nhà nước tham gia. Theo quan điểm này, Tổ chức Y tế Thế giới không thể làm điều mà trong tiếng Anh gọi là “name and shame” như một tổ chức phi chính phủ làm được, tức là lên tiếng tố cáo, chỉ trích các chính sách của một Nhà nước nào đó.

    Tổ Chức Y Tế Thế Giới là một tổ chức khoa học, chính trị, buộc phải lên tiếng báo động về tình trạng bất bình đẳng vac-xin và việc các quốc gia giàu có chiếm độc quyền về số liều vac-xin, nhưng không bao giờ có thể khiển trách một Nhà nước hay một công ty dược phẩm nào đó.

    Chính vì thế, chúng ta thấy từ khoảng một năm nay, từ khi có các loại vac-xin đầu tiên ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới hàng tuần đều tổ chức nhiều cuộc họp báo để nói rằng đại dịch sẽ chỉ kết thúc nếu tất cả các quốc gia có đủ liều vac-xin để tránh sự xuất hiện của các biến thể mới.

    Đây là chính xác những điều đã xảy ra. Và với tiến độ mà vac-xin đến được với các nước nghèo như hiện nay, hoàn toàn có thể dự đoán được rằng Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng xuất hiện và kéo dài đại dịch”.

    Thế giới đón năm mới 2022 dưới bóng đen Covid-19

    Ban tổ chức thử bật công tắc khởi động quả cầu "giao thừa" trên quảng trường Times Square (New Year's Eve Times Square Ball) ngày 30/12/2021. AP - Ted Shaffrey 

    Các sinh hoạt lễ hội bị hủy hay phải chịu áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, các buổi hòa nhạc bị cấm, đêm giao thừa được tổ chức trong khuôn khổ gia đình : Thế giới chuẩn bị đón năm 2022, năm thứ ba của đại dịch của Covid-19, vào lúc các ca nhiễm mới bùng phát mạnh những ngày cuối năm 2021. 

    Được phát hiện lần đầu vào năm 2019, virus corona SARS-COV-2, gây bệnh Covid-19, từ hai năm qua, luôn là điểm nóng thời sự. Tính đến hôm nay, thế giới đã có hơn 5,4 triệu người chết. Đông đảo người nhiễm bệnh phải chịu cảnh cách ly, bị giới nghiêm, và hàng loạt các biện pháp xét nghiệm.

    Đặc biệt, những ngày cuối năm 2021, biến thể Omicron bùng phát mạnh đã làm số ca nhiễm mới thường nhật trên thế giới lần đầu tiên vượt ngưỡng một triệu người, theo số liệu do AFP công bố ngày 30/12/2021. Omicron lan mạnh khiến nhiều nước phương Tây có hệ thống y tế được cho là vững chắc nhất cũng lao đao như Anh, Pháp, Mỹ và Úc…

    Trong hoàn cảnh này, tại nhiều nơi trên thế giới, từ Seoul đến San Francisco, các lễ hội mừng năm mới đều bị hủy hay bị giảm quy mô. Nếu như Sydney (Úc), thành phố đầu tiên đón năm 2022, Times Square ở New York, Rio de Janeiro (Brazil) hay như Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất), vẫn duy trì lễ hội pháo hoa hay mừng mới, thì nhiều nơi khác ở châu Âu như Paris, đã hủy các chương trình mừng năm mới.

    Ở châu Á, trước mối lo dịch bệnh bùng phát tại những nơi tụ tập đông người, lễ bắn pháo hoa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam cũng bị đã hủy. Tại Singapore, tuy số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm, nhưng để tránh nguy cơ bệnh viện quá tải, chính quyền đảo quốc Đông Nam Á vẫn quyết định hạn chế các hoạt động mừng năm mới.

    Từ Singapore, thông tín viên Quỳnh Nguyễn cho biết thêm chi tiết :

    « Ngày 30/12, Singapore có 311 ca nhiễm covid mới. Trong số này, có 70 ca nhập cảnh và 33 ca cộng đồng nhiễm biến thể Omicron.

    Tỉ lệ lây nhiễm hàng tuần hiện nay là 0,73. Nghĩa là nếu tuần trước có 100 ca mới, tuần này chỉ còn 73 trường hợp. Mục tiêu của Singapore là giữ được tỉ lệ này dưới 1, có nghĩa là số lượng ca nhiễm mới hàng tuần đang giảm. Từ cuối tháng 11, nhờ tỉ lệ lây nhiễm giảm, người dân Singapore đã được hưởng các biện pháp ngăn ngừa Covid nhẹ nhàng hơn : Được tiếp 5 người khách, được gặp gỡ nhóm 5 người ở nơi công cộng,

    Tỉ lệ sử dụng giường ICU, chăm sóc tích cực, cũng được theo dõi sát sao và thông báo rõ ràng cho người dân. Tỉ lệ này hiện nay là khoảng 50%, đã giảm nhiều so với cuối tháng 10, có lúc lên đến gần 80%.

    Khi bạn vướng phải bệnh hiểm nghèo, phải trải qua đại phẫu và nằm lại trong phòng ICU trong lúc Covid vẫn đang hoành hành, bạn sẽ cảm thấy rất may mắn khi đang sống ở một đất nước đầy kỷ luật. Chính phủ Singapore luôn áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo các bệnh viện không quá tải do covid.

    Đêm giao thừa, sẽ không có màn bắn pháo hoa rực rỡ ở Marina Bay. Thay vào những bữa tiệc tưng bừng nhộn nhịp, mọi người sẽ tận hưởng khoảnh khắc kết nối yêu thương cùng những người thân thiết. Người dân Singapore vẫn tin tưởng và đồng lòng cùng chính phủ để vượt qua đại dịch. »

    Các nhà lập pháp Florida giới thiệu dự luật tôn vinh nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản.

    Florida - Ngày 8 tháng 11 năm 2021, trong một sự kiện tưởng niệm được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 7 tháng 11, tại Bảo tàng Lữ đoàn 2506 ở Miami, Dân biểu Tiểu Bang Florida Stuart Jenkins đã giới thiệu hai dự luật tôn vinh hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên khắp thế giới. 

    Nếu được Thống đốc Ron DeSantis chuẩn nhận và ký trong nhiệm kỳ lập pháp năm 2022 sắp tới, ngày 7 tháng 11 hàng năm tại Florida sẽ được công nhận là “Ngày Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản” và học sinh Trung Học Florida trong một phần của chương trình giảng dạy, sẽ được hướng dẫn về “sự tàn bạo của chủ nghĩa cộng sản và những câu chuyện về những nạn nhân của chủ nghĩa này ở Cuba, Venezuela, Nicaragua, Trung Quốc, Triều Tiên và Liên Xô.”

    Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Manny Diaz Jr., người đại diện cho quận 36 của Florida, nói với Radio Martí: biện pháp này “rất quan trọng đối với xã hội của chúng ta và với các nạn nhân của 'các chế độ toàn trị' và cả cho tương lai. Và để học sinh, sinh viên của chúng ta hiểu được sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản, sự thật về chủ  nghĩa này, để lịch sử không còn lặp lại”.

    Một nhà lập pháp khác là dân biểu Tiểu Bang Tom Fabricio đã giới thiệu dự luật, nhấn mạnh tầm quan trọng của các thế hệ tương lai tại Florida cần thấu hiểu “tại sao cha mẹ và ông bà của chúng ta đã rời bỏ các nước cộng sản, họ đi tìm kiếm gì ở đây và họ là nạn nhân ở các đó như thế nào (…), chúng ta sẽ ngăn chặn điều đó xảy ra ra sao”. 

    Điều phối viên của Cuba Decide, cô Rosa Maria Baia lưu ý rằng ở Florida, ở trên đất nước này …. “Có hàng ngàn nạn nhân của chế độ cộng sản Castro và tay chân của chúng, hiện đang sinh sống ở Nicaragua và Venezuela, việc tôn vinh những nạn nhân đó là việc làm vì công đạo,” cô ta nói.

    Vị dân biểu bảo trợ dự luật cũng nhấn mạnh rằng các thế hệ mới tại Bắc Mỹ cần biết hậu quả về chủ nghĩa cộng sản tại đảo Cuba là gì, họ cần phải đi theo hai hướng: thứ nhất, “phát triển và củng cố tình đoàn kết với các nạn nhân trên toàn thế giới và bán cầu này ", Và "ngăn chặn những sai lầm đã xảy ra ở Cuba, ở Venezuela, hoặc ở Nicaragua, để không còn tái xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác. "

    (Theo báo cáo của Alejandro Marcano Santelli)

    smallcapnews.co.uk

    Xin bấm vào đường dẫn để xem tiếp:

    Cdnvqglbhk.org

    Biden – Putin cảnh cáo nhau trong cuộc điện đàm về Ukraina

    Nhà Trắng công bố ảnh tổng thống Joe Biden điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, từ nhà riêng ở Wilmington, Hoa Kỳ, ngày 30/12/2021. AP - Adam Schultz 

    Tối hôm qua 30/12/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden và nguyên thủ Nga Vladimir Putin đã điện đàm với nhau trong gần 1 giờ về hồ sơ Ukraina. Đây là cuộc điện đàm thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng giữa lãnh đạo hai nước. 

    Từ Matxcơva, thông tín viên Jean Cassey tường trình :   

    Bộ Ngoại Giao Nga đánh giá, đó là một cuộc hội đàm "mang tính xây dựng" và « nhìn chung là hài lòng". Đêm qua, Vladimir Putin và Joe Biden đã có một cuộc điện đàm mới, lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng.   

    Có tín hiệu tích cực, tạo hy vọng hòa hoãn sau nhiều tuần leo thang căng thẳng gây lo ngại về chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraina. Bước tiếp theo Nga và Mỹ họp thượng đỉnh vào ngày 10/01, sau đó là cuộc họp Nga-NATO vào ngày 12/01, rồi Nga và OSCE vào ngày 13/01. 

    Vẫn chưa biết liệu cuộc marathon (việt dã) ngoại giao này có cho phép giải quyết được mâu thuẫn sâu sắc đã gây ra cuộc khủng hoảng này hay không : Nga lo lắng khi thấy Ukraina ngày càng xích lại gần NATO và đòi có những bảo đảm là Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ không mở rộng thêm ở Đông Âu. Về phần mình, Hoa Kỳ không muốn có cam kết theo hướng này. 

    Đây là hai lập trường nguyên tắc không thể tương thích với nhau. Và nếu không toại nguyện, Nga không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự. Nếu điều này xảy ra, Joe Biden đe dọa trừng phạt kinh tế "nặng nề" Matxcơva. Ông Putin trả lời rằng đó sẽ là "một sai lầm lớn" dẫn đến việc cắt đứt quan hệ song phương. Bầu không khí còn lâu mới lắng dịu.   

    Trong khi đó, thủ tướng Đức Olaf Scholz trong bài phát biểu trước thềm năm mới vào hôm nay, cũng tuyên bố Berlin ủng hộ Ukraina, trước việc Nga gia tăng hiện diện quân sự ở vùng  biên giới. Theo giới quan sát, lời cảnh báo nhắm vào Nga khá bất thường. Bởi vì, thông thường, lãnh đạo các chính phủ, trong diễn văn chào mừng năm mới, chỉ tập trung nói về các vấn đề trong nước. 


    Mỹ tìm cách phát huy lực lượng đặc nhiệm để phá hệ thống phòng thủ Trung Quốc

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2017/12/seal-team-2-hr-700x366.jpg

    Lực lượng hải quân SEALS. (ảnh: US Army) 

    Hải quân Mỹ đang có kế hoạch cải thiện năng lực tác chiến của các máy bay trên các tàu sân bay bằng cách phối hợp tốt hơn với các lực lượng đặc nhiệm của Hải quân. Business Insider hôm 30/12 cho hay, với sự hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, các máy bay hoạt động trên tàu sân bay này có thể phát hiện và tấn công các mục tiêu mà đối thủ muốn che giấu.

    Một trong những hạn chế chính mà hàng không mẫu hạm của Mỹ hoặc đồng minh cần giải quyết là hệ thống chống tiếp cận của Trung Quốc. Mạng lưới vũ khí bổ sung của Trung Quốc bao gồm tên lửa hành trình chống hạm và phòng không có thể ngăn chặn các tàu sân bay tiếp cận quân đội Trung Quốc và ngăn chặn các máy bay trên tàu sân bay tiến hành các cuộc tấn công.

    Vào tháng 3/2021, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower (CVN69) của Mỹ đã tham gia một cuộc tập trận chung với một số đơn vị đặc nhiệm của Hải quân Hoa Kỳ.

    Lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân và Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (SWCC) của quân đội Hoa Kỳ có thể hợp tác với tàu sân bay để đóng vai trò là tai mắt cho các máy bay trên tàu sân bay. Một cựu sĩ quan SEAL nói rằng họ sở hữu 18 loại kỹ năng võ thuật và có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ, bao gồm cả trinh sát chiến lược. Vị sĩ quan này nhấn mạnh rằng nếu lính SEAL có thể ẩn nấp gần kẻ thù, quân đội Mỹ có thể chiếm được lợi thế và cuối cùng giành chiến thắng.

    Phân tích chỉ ra rằng lực lượng tác chiến đặc biệt của hải quân là đối tác lý tưởng cho nhóm tấn công tàu sân bay, vì những người lính tinh nhuệ của lực lượng đặc nhiệm có thể sử dụng một loạt tàu tác chiến đặc biệt, chẳng hạn như tàu tàng hình và tàu ngầm siêu nhỏ, để bí mật xâm nhập hoặc tiếp cận mục tiêu, mở đường cho tàu hải quân và máy bay chiến đấu. Lực lượng Hoạt động Hàng hải Phân tán (DMO) của Hải quân Hoa Kỳ có thể sử dụng mạng liên lạc tích hợp để hỗ trợ các tàu sân bay tại các địa điểm khác nhau trong trận chiến trên biển.

    Giả sử như xung đột Mỹ-Trung ở Biển Đông nổ ra, DMO có thể sử dụng các cảm biến tiên tiến để phát hiện tàu khu trục của ĐCSTQ, sau đó truyền vị trí của tàu đối phương cho các lực lượng trên bộ và trên không để có thể khai hỏa.

    Các cựu quan chức SEAL cho rằng, lực lượng đặc nhiệm của Hải quân có khả năng đóng những vai trò quan trọng trong trinh sát chiến lược. Ông chỉ ra rằng quân đội Mỹ có thể cử một số thành viên SEAL được huấn luyện tốt xâm nhập mục tiêu của kẻ thù để thu thập thông tin kịp thời, bằng cách này hỏa lực có thể tập trung chính xác vào các mục tiêu của địch.

    Việt Nam đồng tài trợ với Trung Quốc cho trụ sở mới của Bộ Quốc phòng Campuchia 

    Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen trao Huân chương Hữu nghị hạng Mahasena cho đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Lễ khánh thành trụ sở mới của Bộ Quốc phòng Campuchia vào ngày 29/12/2021.

    Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen trao Huân chương Hữu nghị hạng Mahasena cho đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Lễ khánh thành trụ sở mới của Bộ Quốc phòng Campuchia vào ngày 29/12/2021. 

    Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Võ Minh Lương, vừa dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam sang Campuchia dự Lễ khánh thành trụ sở mới của Bộ Quốc phòng nước này ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 29/12.

    Theo báo Quân Đội Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam – thì đây là dự án do Bộ Quốc phòng Việt Nam tài trợ kinh phí và được khởi công xây dựng kể từ năm 2018. Tuy nhiên, tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc tường thuật buổi lễ khánh thành cho biết thêm rằng dự án cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc.

    Tờ báo dẫn lời Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu trong lễ khánh thành rằng “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả các bên liên quan ở cả khu vực công và tư, cũng như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã hỗ trợ cho dự án này”.

    Thủ tướng Hun Sen nói việc xây dựng trụ sở mới đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của Campuchia và nhu cầu về nơi một nơi làm việc tử tế cho Bộ Quốc phòng nước này.

    Cơ sở mới được xây dựng từ tháng 6/2018 và hoàn thành vào tháng 10/2021, bao gồm một tòa nhà sáu tầng và một không gian bên ngoài lớn với các tiện nghi chức năng, trong đó có một địa điểm họp báo và một khán phòng lớn có thể chứa hơn 1.000 người cho các sự kiện quốc gia và quốc tế. Trên nóc tòa nhà có một sân bay trực thăng trị giá khoảng 30 triệu đô la Mỹ, Tân Hoa Xã dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết.

    Tòa nhà được xây dựng bởi Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đô thị Đường sắt Trung Quốc (CRUCG), là công ty con 100% vốn của Tổng công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, tập đoàn vừa đã thi công dự án đường sắt Lào Trung, là dự án trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, cũng vừa được khánh thành và đi vào hoạt động. 

    Tại buổi lễ, Thủ tướng Hun Sen đã thay mặt Quốc Vương Campuchia trao tặng Huân chương Hữu nghị Mohasena cho Thứ trưởng Võ Minh Lương, mà theo tờ Quân Đội Nhân Dân, là để “thể hiện tình cảm, sự ghi nhận đối với sự hỗ trợ, hợp tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam dành cho Bộ Quốc phòng Campuchia thời gian qua; đồng thời là sự động viên đối với bộ Quốc phòng Việt Nam để tiếp tục góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai quân đội”.

    Giới phân tích và quan sát quốc tế cho rằng Hà Nội thời gian gần đây đang nỗ lực giành lại ảnh hưởng đối với hai đồng minh lịch sử của mình là Lào và Campuchia, hai quốc gia đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc trong những năm gần đây.

    Theo tờ Asia Times, kể từ giữa những năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở cả Campuchia và Lào, đồng thời là đồng minh chính trị ngày càng quan trọng của cả hai quốc gia này.

    Theo một tuyên bố gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước này, Trung Quốc đã đầu tư tích lũy khoảng 16 tỷ USD vào Lào kể từ năm 1989. Nhiều đập thủy điện gây tranh cãi của Lào đã được Bắc Kinh xây dựng và chi trả, và các tỉnh phía bắc của Lào hiện đang phụ thuộc nhiều vào vốn của Trung Quốc.

    Bắc Kinh cũng trở thành nhà đầu tư chính vào Campuchia vào khoảng năm 2014, giúp phát triển phần lớn cơ sở hạ tầng yếu kém của nước này giữa lúc quan hệ giữa Campuchia và Mỹ ngày càng xấu đi vì những cáo buộc của Washington cho rằng Phnom Penh có kế hoạch cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia, một động thái mà về cơ bản sẽ làm thay đổi cán cân chiến lược ở Biển Đông.

    Với việc Campuchia đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên hàng năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2022, nhiều người lo ngại Phnom Penh có thể sử dụng vị trí này để thúc đẩy cho lợi ích của Bắc Kinh. Chính vì vậy, Hà Nội đặc biệt lo ngại về viễn cảnh này, đặc biệt khi ASEAN đang cố đạt được thoả thuận Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Bắc Kinh vào năm 2022.

    Nga phóng thử tên lửa hành trình siêu thanh mới 

    Reuters 

    Tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon được phóng từ tàu khu trục Đô đốc Gorshkov ở Biển Trắng vào năm 2019

    Tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon được phóng từ tàu khu trục Đô đốc Gorshkov ở Biển Trắng vào năm 2019 

    Nga phóng thử khoảng 10 tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon (Zircon) mới từ một tàu khu trục và hai tên lửa từ một tàu ngầm, hãng tin Interfax dẫn nguồn từ hạm đội phương Bắc cho biết hôm 31/12.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi loại vũ khí này như là một phần của thế hệ hệ thống vũ khí mới không có đối thủ.

    Ông Putin đã gọi vụ thử tên lửa, được thực hiện vào tuần trước, là ‘sự kiện lớn trong đời sống đất nước’, và nói thêm rằng đây là ‘bước tiến đáng kể’ trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của Nga.

    Một số chuyên gia phương Tây đã đặt nghi vấn về mức độ tân tiến của vũ khí thế hệ mới của Nga, đồng thời nhận ra rằng sự kết hợp giữa tốc độ, khả năng cơ động và độ cao của tên lửa siêu thanh khiến chúng trở nên khó theo dõi và đánh chặn.

    Ông Putin đã công bố một loạt vũ khí siêu thanh mới vào năm 2018 trong một trong những bài phát biểu hung hăng nhất của ông trong nhiều năm. Khi đó ông nói rằng những vũ khí này có thể tấn công hầu hết mọi nơi trên thế giới và né được lá chắn tên lửa của Mỹ.

    Tòa án Myanmar bỏ tù những người nổi tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình dân chủ 

    Reuters 

    Diễn viên Myanmar Pyay Ti Oo khi chưa bị bắt.

    Diễn viên Myanmar Pyay Ti Oo khi chưa bị bắt. 

    Hôm thứ Năm 30/12, một tòa án ở đất nước Myanmar đang bị chính quyền quân sự cai trị đã bỏ tù ba nhân vật nổi tiếng trong ngành biểu diễn, mỗi người 3 năm tù, vì họ tham gia các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính hồi tháng 2, truyền thông đưa tin.

    Quân đội đã lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào ngày 1/2, gây ra các cuộc biểu tình và tình trạng hỗn loạn hiện vẫn đang diễn ra.

    Trong những ngày đầu của cuộc biểu tình, các đám đông khổng lồ đã tập trung tại các thành phố và thị trấn với nhiều diễn viên và ca sĩ sử dụng mạng xã hội để lên tiếng ủng hộ và một số đã phát biểu tại các cuộc biểu tình.

    Trong số những người tham gia có bộ đôi diễn viên nổi tiếng Pyay Ti Oo và Eaindra Kyaw Zin. Họ bị bắt vào tháng 4 và bị buộc tội theo một điều khoản của bộ luật hình sự cấm truyền bá sự bất đồng chính kiến.

    Một tòa án ở thành phố lớn Yangon bỏ tù họ với mức án ba năm, kèm theo lao động khổ sai, hãng tin Mizzima và ban tiếng Miến Điện của đài BBC đưa tin.

    Diễn viên kiêm đạo diễn nổi tiếng Lu Min, người đã đóng hơn 1.000 bộ phim, nhận mức án tương tự với cùng tội danh, Mizzima và BBC đưa tin.

    Một người nổi tiếng khác, nam người mẫu Paing Takhon, bị kết án ba năm tù và lao động khổ sai hôm 27/12, theo luật sư của anh.

    Myanmar có một nền nghệ thuật và giải trí phát triển mạnh. Phần lớn nghệ thuật sân khấu và âm nhạc bắt nguồn từ các chủ đề truyền thống. Đồng thời, các bản hát lại các bài hát pop châu Á và phương Tây bằng tiếng Miến Điện cũng cực kỳ phổ biến, và các ca sĩ, diễn viên trẻ Myanmar có lượng người theo dõi cực kỳ đông đảo.

    Ít nhất 1.377 người đã thiệt mạng và hơn 11.000 người bị bỏ tù trong một cuộc trấn áp các cuộc biểu tình và các nhóm chống đối có vũ trang kể từ sau cuộc đảo chính, theo thống kê của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

    Chính quyền quân sự phản bác những con số đó và nói rằng cũng có các binh lính thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

    (Reuters)


    Không có nhận xét nào