Header Ads

  • Breaking News

    Văn Tâm - 4 lý do Việt Nam nên mời Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo đến làm việc

    Cơ hội cải thiện hình ảnh một quốc gia đàn áp tôn giáo trong mắt cộng đồng quốc tế.



    Ảnh trái: Ông Ahmed Shaheed, người hiện giữ vai trò Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Liên Hợp Quốc. Ảnh phải: Cảnh sát tấn công vào đám tang nhà sáng lập đạo Dương Văn Mình, ngày 12/12/2021. Nguồn: UN, RFA.

    Năm 2021 là năm mà dịch COVID-19 kéo dài, đồng nghĩa với việc hoạt động tôn giáo cũng bị gián đoạn. Tuy nhiên, không vì vậy mà chính quyền cho phép các nhóm tôn giáo độc lập tại Việt Nam được bình yên.

    Đầu năm 2021, năm tín đồ Hội thánh Tin Lành Đấng Christ bị chính quyền kiểm điểm công khai, buộc họ phải cam kết từ bỏ hội thánh trước mặt người dân. [1] Cuối năm, chính quyền tỉnh Tuyên Quang bố ráp, bắt giam các tín đồ đạo Dương Văn Mình ngay trong đám tang ông Dương Văn Mình. [2]

    Nhiều năm qua, tình hình tôn giáo tại Việt Nam thường xuyên bị quốc tế lên án. Năm 2021, trong phiên điều trần về báo cáo tự do tôn giáo quốc tế, Quốc hội Đức đã chỉ trích Việt Nam đàn áp nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

    Trong khi đó, chính quyền vẫn cho rằng đã đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người dân sau ba năm thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. [3]

    Kịch bản bất đồng diễn ra liên tục trong thời gian qua. Có một cơ chế của Liên Hiệp Quốc (LHQ) có thể giải quyết được bất đồng này. Đó là mời Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo, tín ngưỡng đến Việt Nam.

    ***

    Báo cáo viên Đặc biệt (BCV ĐB), hay Special Rapporteur trong tiếng Anh, là một cơ chế đặc biệt của LHQ. Các báo cáo viên được Hội đồng Nhân quyền bổ nhiệm để làm việc độc lập, không nhận lương. Nhiệm vụ chính của họ là báo cáo và tham vấn theo lĩnh vực nhân quyền hoặc theo quốc gia được chỉ định. [4]

    Hai hoạt động phổ biến của BCV ĐB là lên tiếng cho những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình qua việc gửi thư yêu cầu chính phủ các nước trả lời về từng vụ việc, và được các chính phủ mời đến làm việc để đưa ra các đánh giá độc lập.

    Việt Nam đã hai lần đón BCV ĐB của LHQ về tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Lần đầu là vào năm 1998, và sau chuyến làm việc này đã có một số tôn giáo được tái hoạt động. Lần thứ nhì vào năm 2014, khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đang được soạn thảo.

    Nếu chính quyền tin rằng “cây ngay không sợ chết đứng” thì việc sử dụng cơ chế của LHQ là một trong những cách phản biện hiệu quả với quốc tế. Sau đây bốn lý do chính quyền cần sớm sử dụng cơ chế này.

    Khả năng bị Mỹ liệt vào danh sách “cần quan tâm đặc biệt”

    Bất đồng về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đang là rào cản lớn trong hợp tác với quốc tế. Mỹ là một đối tác đặc biệt với Việt Nam. Nước này có đạo luật riêng để trừng phạt các quốc gia vi phạm nghiêm trọng quyền về tự do tôn giáo.

    Năm 2021, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế, một cơ quan thuộc Quốc hội Mỹ, đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt” (Country of Particular Concern – CPC). [5]

    Việt Nam bị liệt vào CPC vào các năm 2004, 2005. [6] Khi đó, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế John Hanford đã cho biết Việt Nam “vẫn giam giữ ít nhất 45 tín đồ tôn giáo, những người theo đạo Tin Lành bị ép phải bỏ đạo, một số người bị trấn áp bằng bạo lực”. [7]

    Nhiều khả năng, năm 2022, đặc biệt sau vụ dùng vũ lực đối các tín đồ đạo Dương Văn Mình, Việt Nam sẽ bị liệt vào danh sách này.

    Chuộc lại cách đối xử tệ hại đối với vị báo cáo viên đặc biệt vào năm 2014

    Sau chuyến làm việc năm 2014, BCV ĐB Heiner Bielefeldt đã viết trong báo cáo đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền rằng ông cảm thấy bị chính quyền Việt Nam xúc phạm. [8]

    Các chuyến thăm dự kiến của ông đến các tỉnh An Giang, Gia Lai, Kon Tum đã bị ngăn cản do an ninh can thiệp, đe dọa những người chuẩn bị gặp báo cáo viên. Những người gặp gỡ ông trong và sau chuyến thăm đã bị cảnh sát đe dọa, quấy rối thông qua việc thẩm vấn, và thậm chí bị tổn thương về thể xác. Điều này rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc không bị trả thù đối với bất cứ ai hợp tác với các cơ chế nhân quyền của LHQ.


    Ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng từ năm 2010 – 2016. Sau chuyến thăm Việt Nam vào năm 2014, ông cho biết mình cảm thấy “bị xúc phạm”. Ảnh: UN.

    Hành động của chính quyền Việt Nam đối với chuyến thăm của ông Heiner Bielefeldt đã tự phản lại những tuyên truyền của chính quyền về tự do tôn giáo. Vết nhơ này có thể sẽ được rửa bớt nếu chính phủ một lần nữa mời báo cáo viên đến Việt Nam và để cho họ làm việc một cách tự do.

    Sự sụt giảm đáng kể trong số lượng tín đồ tôn giáo

    5 năm sau chuyến làm việc của BCV ĐB Heiner Bielefeldt, Việt Nam đã ghi nhận số tín đồ sụt giảm đáng kể.

    So sánh số liệu mà chính phủ báo cáo với BCV ĐB năm 2014 với kết quả Tổng điều tra Dân số, Nhà ở năm 2019, Phật giáo từ 11 triệu tín đồ còn 4,6 triệu tín đồ (giảm đến 58%), Cao Đài từ 2,5 triệu tín đồ chỉ còn 556 nghìn tín đồ (giảm 78%), Tin Lành từ 1,5 triệu người chỉ còn 960 nghìn người (giảm 36%), Phật giáo Hòa Hảo từ 1,3 triệu người còn 983 nghìn người (giảm 24%), Baha’i từ 7.000 tín đồ giảm còn 2.153 tín đồ (giảm 69%). [9] [10]

    Nếu số liệu của Tổng cục Thống kê là chính xác thì chỉ có hai khả năng xảy ra. Chính quyền báo cáo sai về số tín đồ cho báo cáo viên, hoặc các chính sách tôn giáo từ sau chuyến thăm của báo cáo viên đã thật sự làm suy giảm nghiêm trọng số tín đồ tôn giáo.

    Việc số tín đồ sụt giảm đáng kể trong thời gian ngắn rất có thể sẽ làm cộng đồng quốc tế chú ý. Người ta có lý do hợp lý để nghi ngờ rằng đây là hậu quả từ chính sách kiểm soát tôn giáo khắc nghiệt của chính quyền. Mời báo cáo viên đến Việt Nam sẽ cho chính quyền cơ hội giải thích về sự sụt giảm đáng ngạc nhiên này.

    Cần có đánh giá độc lập về ba năm thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

    Năm 2015, hơn 35 tổ chức xã hội dân sự tại Đông Nam Á cũng như quốc tế đã cùng kêu gọi Việt Nam sửa đổi dự thảo Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng. Dự thảo bị cho là đặt ra những giới hạn vượt quá luật nhân quyền quốc tế về tự do tôn giáo. Tuy nhiên, bản dự thảo vẫn được thông qua mà không có sự thay đổi đáng kể. [11]

    Năm 2021, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế đã lên án Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng của Việt Nam. Ủy ban khẳng định bộ luật đã xâm phạm quyền tự do tôn giáo một cách có hệ thống và trái với chuẩn mực nhân quyền quốc tế. [12]

    Hiện nay, Bộ Nội vụ đã bắt đầu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. [13]

    Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng cần được đánh giá, sửa đổi sau ba năm thi hành. Và người đủ tư cách làm việc này đối với cộng đồng quốc tế và các tín đồ độc lập tại Việt Nam chính là BCV ĐB.

    Mời BCV ĐB vừa giúp chính quyền chứng minh thiện chí của mình trong việc cải thiện quyền tự do tôn giáo với cộng đồng quốc tế, vừa là cơ hội để nhận được các đánh giá khách quan cho việc sửa đổi quy định pháp luật về tôn giáo.

    Đương nhiên, việc mời BCV ĐB chỉ có thể thành công nếu chính quyền thật sự tôn trọng các cơ chế nhân quyền quốc tế và từ bỏ thói quen “mèo khen mèo dài đuôi” như trong ba năm qua.

    Không có nhận xét nào