Header Ads

  • Breaking News

    Cái Bóng Trung Quốc Sau Các Hiệp Định Thương Mại Khu Vực



    Khi sức ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc tăng lên, việc Trung Quốc ngày càng tham gia vào các hiệp định thương mại song phương và siêu lớn trong khu vực sẽ kéo các quốc gia tiến gần hơn vào quỹ đạo của mình, củng cố vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đồng thời củng cố vị thế ngày càng tăng của nước này ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Những sáng kiến như thế cũng sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch sức mạnh kinh tế toàn cầu từ Hoa Kỳ và Châu Âu sang Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ trở thành quốc gia giao thương lớn nhất thế giới, mà hai phần ba thế giới hiện nay giao thương với Trung Quốc nhiều hơn Hoa Kỳ.

    Bắc Kinh đang tận dụng khoảng trống từ sự rút lui khỏi vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Châu Á Thái Bình Dương. Kể từ khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, Washington đã thiếu một chiến lược kinh tế và thương mại nhất quán cho khu vực. Điều này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc, vốn được hưởng lợi từ sự rút lui của Mỹ và việc chính quyền Trump xa lánh các đồng minh thân cận. Bất chấp sự cam kết của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đối với hợp tác quốc tế và xây dựng lại các liên minh của Hoa Kỳ, chính quyền của ông dường như không có kế hoạch để đảo ngược các thiệt hại do người tiền nhiệm gây ra hoặc tái lập quan hệ với Châu Á.

    Trung Quốc đã đón lấy thời cơ làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực. Năm ngoái, Trung Quốc và 14 quốc gia khác đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại bao gồm gần một phần ba dân số và nền kinh tế thế giới.

    Hiệp định thương mại này sẽ giảm thuế quan, phối hợp đồng bộ và đơn giản hóa các thủ tục hải quan, đồng thời củng cố chuỗi cung ứng Châu Á. Ý nghĩa cơ bản của hiệp định thương mại này nằm ở việc thay thế sự chắp vá của các hiệp định song phương bằng một bộ quy tắc chung, trong đó có khuôn khổ quy tắc xuất xứ thống nhất, biến Hiệp định thành một bước quan trọng hướng tới hội nhập kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng.

    Thỏa thuận dự kiến sẽ tạo ra 209 tỷ USD giá trị kinh tế, với phần lớn thuộc về ba bên tham gia lớn nhất – Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thỏa thuận này cũng là hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa ba quốc gia mà những nỗ lực trước đây nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế gia tăng đã bị cản trở bởi những căng thẳng chính trị kéo dài.

    Ý nghĩa của RCEP cũng mang tính địa chính trị vì nó báo hiệu vai trò trung tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc định hình các quy tắc thương mại toàn cầu. RCEP sẽ đóng vai trò là một nền tảng quan trọng cho việc hoạch định các quy tắc trong tương lai, trong đó Trung Quốc được dự kiến sẽ có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với việc thiết lập các quy định và tiêu chuẩn khu vực.

    Trung Quốc cũng đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định đối thủ của RCEP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thỏa thuận này có nguồn gốc là hòn đá tảng trong chiến lược kinh tế của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương. Nhưng khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, các thành viên còn lại vẫn tiến hành ký kết để tạo ra CPTPP.

    Việc thay thế Hoa Kỳ trong CPTPP sẽ là một chiến thắng mang tính chiến lược và biểu tượng quan trọng đối với Trung Quốc. Trung Quốc không có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp định – đặc biệt là về lao động, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thương mại kỹ thuật số và mua sắm công – nhưng 11 thành viên hiện tại của nó sẽ chịu áp lực phải ủng hộ Trung Quốc gia nhập. Các bên tham gia có thể từ bỏ hoặc giảm bớt một số yêu cầu của Hiệp định thông qua việc kéo dài thời hạn giai đoạn chuyển tiếp cho Trung Quốc hoặc miễn cho Trung Quốc một số điều khoản cụ thể của CPTPP. Việc này tương tự như việc thành viên sáng lập là Việt Nam đã được miễn trừ một số điều khoản về DNNN.

    Đối với một số thành viên CPTPP, triển vọng thúc đẩy xuất khẩu bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc có thể đã đủ cho họ quyết định ủng hộ Trung Quốc tham gia Hiệp định. Singapore và Malaysia đã ra tín hiệu thể hiện sự ủng hộ của họ đối với nỗ lực tham gia của Trung Quốc.

    Những nước khác, chẳng hạn như Nhật Bản và Úc, thì lại cảnh giác hơn nhiều. Ngày càng có nhiều quốc gia là mục tiêu gây hấn thương mại của Trung Quốc, một vấn đề đáng lo ngại cho việc làm sâu sắc quan hệ thương mại với Trung Quốc. Để trả đũa việc Canada tham gia vào vụ dẫn độ Huawei, Trung Quốc đã chặn các đợt xuất khẩu nông sản của Canada trị giá 4 tỷ USD. Tương tự, Trung Quốc đã chặn một danh sách dài các mặt hàng nhập khẩu của Australia để trả đũa việc họ kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

    Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đe dọa và áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại để trừng phạt những hành động mà họ cho là xúc phạm của hàng chục quốc gia – bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Philippines, Đài Loan, Mông Cổ và Vương quốc liên hiệp Anh & Bắc Ireland. Trung Quốc đã vũ khí hóa thương mại như một công cụ cưỡng ép kinh tế chống lại các quốc gia yếu hơn – vi phạm nguyên tắc cốt lõi của Tổ chức Thương mại Thế giới rằng thương mại phải dựa trên pháp quyền chứ không phải sức mạnh thô bạo.

    Mặc dù việc mở rộng tư cách thành viên của CPTPP là quan trọng để mở rộng phạm vi của hiệp định, nhưng các bên tham gia sẽ cần thận trọng khi xem xét đề nghị gia nhập của Trung Quốc. Các bên tham gia CPTPP cần phải tin tưởng được rằng các thành viên mới sẽ tôn trọng và tuân thủ các quy tắc của khối này, đặc biệt là khi Trung Quốc đã sử dụng đến các đòn tấn công thương mại đơn phương và tùy tiện lạm dụng sức mạnh thị trường của mình khi giao dịch với các quốc gia khác.

    Nhiều quốc gia đang dần nhận ra mối quan hệ thương mại và đầu tư sâu sắc hơn với Trung Quốc là con dao hai lưỡi. Các mối quan hệ như vậy mặc dù có thể mang lại lợi ích thương mại ngắn hạn nhưng cuối cùng có thể khiến những nước này chịu nhiều nguy cơ lớn hơn.

    Kristen Hopewell là phó giáo sư Trường chính sách công & các vấn đề toàn cầu tại Đại học British Columbia. Bà giữ chức danh Học giả Nghiên cứu Canada (Canada Research Chair) về Chính sách Toàn cầu, và là tác giả của quyển sách “Siêu cường chạm trán: Cạnh tranh quyền thống trị thương mại toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (Clash of powers: US–China rivalry in global trade governance).


    Đoàn Thị Hằng Ni và TS. Nguyễn Trịnh Đôn lần lượt là cộng tác viên thử việc và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

    Không có nhận xét nào