Header Ads

  • Breaking News

    Không Thành Công thì Cũng Thành Nhân

    Trong lịch sử chống ngoại xâm của người Việt, rất nhiều câu nói của các anh hùng dân tộc được truyền tụng đến đời sau. Một trong những câu nổi tiếng mà nhà yêu nước Nguyễn Thái Học nói trước ngày Khởi nghĩa Yên Báy thất bại (10/2/1930) đã đi vào lịch sử, đó là: “Không thành công cũng thành nhân”.

    Tại pháp trường Yên Báy, vào lúc hơn 5 giờ 5 phút, sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930, sau khi phải chứng kiến 12 đồng sự rơi đầu với 12 lời hô “Việt Nam vạn tuế” đứt đoạn dưới lưỡi máy chém tàn khốc; đến lượt mình, Nguyễn Thái Học còn đọc thơ bằng tiếng Pháp:

    Mourir pour sa patrie

    C’est le sort le plus beau

    La plus digne d’envie

    (Chết cho đất nước của mình

    Là cái chết đẹp nhất

    Thanh thản tuyệt vời nhất)

    Lịch sử luôn như một tấm gương phản chiếu, mà ở đấy ta có thể soi thấu những điều chiêm ngẫm sâu xa từ quá khứ đến hiện tại, oanh liệt hay bi thương, sáng láng hay tối tăm, hùng tráng hay u trầm, tươi vui hay buồn đau của đất nước và dân tộc. Ở đấy, con người và sự kiện được chung đúc thành hình tượng, trở thành bài học về nhân sinh thế sự, bài học về sự thành bại.

    Đã có hàng trăm bài thơ của rất nhiều tác giả trong nước và ngoài nước ngót một thế kỷ viết về sự kiện này. Nhiều bài thơ câu thơ nổi tiếng đã được sử sách ghi lại. Có những tác giả lớn tiêu biểu như cụ Sào Nam Phan Bội Châu, nhà chí sĩ Ngô Quang Đoan, nhà thơ Pháp danh tiếng Louis Aragon, và rất nhiều nhà thơ đương đại viết về tinh thần yêu nước bất khuất của các nghĩa sĩ khởi nghĩa Yên Báy. Cụ Phan Bội Châu đã có hàng loạt bài văn tế “các tiên liệt”, nổi bật là các nhân vật Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang, với những lời thống thiết sâu xa.

              Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo,hơi sầu cuồn cuộn, bóng Rồng thiêng, đành ông HỌC xa xuôi.

              Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi Nàng Triệu, ngựa Nàng Trưng, khí mạnh nhơn nhơn, hình Hạc gió, hãy cô GIANG đeo đuổi.

    Cụ Ngô Quang Đoan có câu đối về Nguyễn Thái Học:

              Đại nghĩa sở đương vị, báo quốc, đan tâm quang nhật nguyệt

              Thâm thù do vị tuyết, tiêm cừu, hạo khí tráng sơn hà

              (Nghĩa lớn nên làm, giết giặc, lòng son ngời nhật nguyệt

              Thù sâu chưa trả, hi sinh, khí mạnh rạng non sông)

    Nhà thơ Louis Aragon viết bài thơ “Yen Bay” (Yên Báy) đăng trên tở Front Rouge  ở Paris:

              “Yên Báy, đây là cái từ nhắc nhở ta rằng: không thể bịt miệng một dân tộc, mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ…”

    Dẫn ra những câu thơ trên đây để thấy rằng, cuộc Khởi nghĩa Yên Báy có tầm vóc lịch sử, các nghĩa sĩ đã đem tính mạng mình “sát thân thành nhân” đánh cược cho lòng yêu nước, chiến đấu vì “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc” vốn là khát vọng thiêng liêng của người Việt Nam.

    Hình ảnh Nguyễn Thái Học 27 tuổi đời trước khi lên đoạn đầu đài vẫn đọc thơ bằng tiếng Pháp:

    Mourir pour sa patrie

    C’est le sort le plus beau

    La plus digne d’envie

      (Chết cho đất nước của mình

      Là cái chết đẹp nhất

      Thanh thản tuyệt vời nhất)

    Tiếng hô “Việt Nam vạn tuế” bị lưỡi máy chém của thực dân Pháp cắt nửa chừng và dòng máu đỏ tươi tuôn trào trước khi mặt trời mọc trên pháp trường Yên Bái của các nghĩa sĩ thật là bi thương và tráng liệt.

    Phó Đức Chính, kỹ sư công chính, mới 21 tuổi đời đã bình thản trả lời cố đạo đến rửa tội: “ Yêu nước không phải là tội lỗi. Đời người mong làm lấy một việc lớn, việc ấy không thành thì chết có gì phải ân hận”!

    Còn bao nhiêu tấm gương oanh liệt khác, mỗi nhân vật một tâm thế bất tử: Nguyễn Khắc Nhu, Đoàn Trần Nghiệp, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thái Nho…

    Ngọc Bái Việt Nam

    Không có nhận xét nào