Header Ads

  • Breaking News

    Nga "bóp cò" ở Ukraine: Lý do không hề đơn giản - Thứ TT Putin muốn có rất chấn động?

    Tất cả đều bất ngờ khi Tổng thống Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Vì sao Nga chọn thời điểm này và không sợ trừng phạt? Đây là câu trả lời.


    Vì sao Nga bóp cò?

    Sau nhiều tuần tích luỹ quân đội dọc theo biên giới Ukraine và đấu tranh ngoại giao với phương Tây, Nga đã chính thức mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" đối với quốc gia láng giềng.

    Tại sao Moscow quyết định điều quân ở thời điểm hiện tại, khi có nguy cơ bị phương Tây trừng phạt nghiêm trọng?

    Đã có những tranh cãi nổ ra về lý do Nga thực hiện động thái táo bạo ở thời điểm này. Các nguyên nhân chủ chốt nhất vẫn đến từ những lo ngại lâu nay của Nga đối với an ninh trong khu vực và nguy cơ Ukraine ngày càng thoát khỏi vòng ảnh hưởng.

    Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thời gian: Có vẻ như Tổng thống Putin đã tính toán rằng ông có ưu thế chiến lược vào lúc này và cho rằng đây là thời điểm đặc biệt tốt để tiến hành chiến dịch quân sự nhằm thúc đẩy lợi ích của mình.

    Theo MSNBC, hàng loạt các sự kiện dưới đây chính là ngòi nổ dẫn đến khoảnh khắc hiện tại và là lý do tại sao ông Putin quyết định hành động ngay bây giờ.

    Vào tháng 12, Nga đã gửi một danh sách các yêu cầu an ninh cho Mỹ cùng với lời kêu gọi ngừng mở rộng về phía đông của NATO, chấm dứt hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, cũng như tư cách thành viên liên minh của nước này.

    Anatol Lieven, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Nga và châu Âu tại Viện nghiên cứu Quincy đã ví khả năng Kiev gia nhập NATO giống như việc Mexico tham gia liên minh quân sự với Trung Quốc - một diễn biến chắc chắn sẽ báo động sâu sắc đối với Mỹ.

    Đây là mối quan tâm hàng đầu của ông Putin. Đường lối đối ngoại của Nga từ lâu đã coi việc Ukraine gia nhập NATO là một mối đe dọa lớn và việc áp chế Ukraine về mặt quân sự là một cách tiềm năng để ngăn chặn viễn cảnh đó.

    Sự xuất hiện của một Ukraine đi vào quỹ đạo phương Tây được nhiều người ở Điện Kremlin coi là một cuộc tấn công trực tiếp vào bản sắc của Nga và là mối đe dọa hiện hữu. Khi các đề xuất an ninh nói trên không được đảm bảo, Nga cần phải hành động.

    Một yếu tố khác liên quan đến thời điểm ra tay được cho là xuất phát từ suy nghĩ của Nga về việc chính quyền Joe Biden đang tập trung vào cuộc đối đầu với Trung Quốc, điều khiến nước này có ít dư địa hơn để ứng phó với Nga.

    Mục tiêu thực sự của ông Putin

    Liệu ông Putin có thành công trong việc đạt được các mục tiêu của mình hay không vẫn còn là điều cần phải xem xét. Hiện vẫn chưa rõ mức độ và mục tiêu nhà lãnh đạo Nga hướng tới trong chiến dịch quân sự lần này.

    Ở bình diện rộng hơn, quyết định của ông Putin là một thách thức khác đối với sức mạnh toàn cầu của Mỹ.

    Giới phân tích cũng cho rằng, chiến dịch của Nga cũng sẽ mang lại những rủi ro lớn, bao gồm cả việc tăng thêm sự thù địch từ Ukraine về lâu dài.

    "Đây là một cuộc xung đột sẽ kéo dài trong nhiều tháng và nhiều năm cho dù chiến dịch này có diễn ra tốt đẹp với ông Putin hay không. Ông ấy sẽ thay đổi hình dạng của châu Âu và sẽ thiết lập các ranh giới lâu dài của cuộc xung đột bên trong Ukraine và biên giới Ukraine với phương Tây", Paul Kolbe, một chuyên gia về Nga và là cựu nhân viên CIA cấp cao, nói với CNN.

    Fyodor Lukyanov, nhà phân tích đối ngoại hàng đầu tại Moscow, cho rằng ông Putin thực sự muốn phương Tây lắng nghe những quan ngại của ông về Ukraine và đi đến bàn đàm phán.

    "Ngay từ đầu, việc tích luỹ quân sự ở biên giới Ukraine không phải là sự chuẩn bị cho chiến tranh. Thay vào đó, đây là phản ứng trước thực tế rằng tất cả những nỗ lực của Nga trong những năm trước nhằm đi đến một cuộc thảo luận bình thường về các thỏa thuận an ninh đều bị phớt lờ", ông nói.

    Nhưng hơn tất cả, Fiona Hill - đồng tác giả cuốn tiểu sử về Putin và là một cựu quan chức của Mỹ - khẳng định Moscow đang muốn mở rộng trọng tâm.

    "Nếu gây sức ép đủ lớn, ông Putin hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận an ninh mới với NATO và châu Âu để tránh một cuộc xung đột mở, và sau đó sẽ đến lượt Mỹ ra đi, mang theo quân đội và tên lửa", Hill nói.

    Trong khi đó, nhà phân tích quân sự Michael Kofman lưu ý rằng, "Ukraine, quốc gia có số phận treo lơ lửng, có thể là trung tâm của cuộc khủng hoảng, nhưng Moscow có một mục tiêu lớn hơn trong tâm trí: Sửa đổi trật tự an ninh châu Âu".

    Nói cách khác, toàn bộ những diễn biến hiện tại có thể đến từ việc Tổng thống Putin đang muốn đưa Nga trở lại vị trí thống trị trong trật tự an ninh châu Âu - vị trí mà ông tin rằng đất nước của mình xứng đáng.

    Không có nhận xét nào