Header Ads

  • Breaking News

    Nga xâm lược Ukraine, phép thử cho Mỹ ở Biển Đông?

     


    Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin /AFP

    Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 tuyên bố Nga công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine là “Cộng hoà Nhân dân Donetsk” và “Cộng hoà Nhân dân Luhansk”. Ngay sau khi ký sắc lệnh, ông Putin cũng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Donbass, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia vừa được công nhận độc lập.

    Sau cuộc họp bất thường với Hội đồng An ninh Nga ngày 21/2, Tổng thống Vladimir Putin đã có bài phát biểu kéo dài 55 phút trên truyền hình để giải thích về quyết định địa chính trị quan trọng này. Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra các luận điểm chính như sau: (i) Ukraine chưa bao giờ có truyền thống nhà nước thực thụ và nước Ukraine hiện đại là do “Nga tạo ra”; (ii) Ý tưởng để Ukraine gia nhập NATO không hề mang tính phòng thủ mà sẽ tạo “mối đe dọa trực tiếp đến an ninh Nga”; (iii) NATO đã coi thường quan ngại an ninh của Nga; (iv) Ukraine chỉ là “con rối” trong tay Mỹ và chính quyền Kiev rất tham nhũng; (v) Công nhận các quốc gia ly khai là điều “đáng ra Nga nên làm từ lâu”.

    Hành động vi phạm tác động đến Biển Đông

    Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã khẳng định các binh lính Nga tiến vào Ukraine không phải là “lực lượng gìn giữ hoà bình” như Matxcova tuyên bố. Ông cũng cho rằng việc quân đội của Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine mà không có sự đồng ý của quốc gia này, tức là Nga đã vi phạm đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine (1).

    Hành động của Nga đối với Ukraine như vậy rõ ràng đã tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm cho các quốc gia không phải là cường quốc trên thế giới. Khi một cường quốc không vừa ý với một quốc gia láng giềng, họ sẽ có thể tự ý dựng lên một cuộc “xâm lược trá hình” bằng cách hỗ trợ và khuấy động một nhóm người với chiêu bài “đòi ly khai” và đó sẽ là cái cớ để các cường quốc có thể tiến quân vào lãnh thổ các nước khác. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đang khiến cả thế giới lo ngại. Trung Quốc cũng nhiều lần đưa ra những cách lý giải riêng về luật pháp quốc tế, rõ ràng nhất là ở Biển Đông.

    Nhiều chuyên gia trên thế giới lo ngại việc Trung Quốc có thể dễ dàng áp dụng cách mà Putin sử dụng để phủ nhận chủ quyền của Ukraine nhằm đưa ra các yêu sách sâu rộng đối với các vùng lãnh thổ Đông Nam Á.

    Keith Leong, Giám đốc nghiên cứu của KRA Group - Công ty tư vấn các vấn đề công tập trung vào khu vực ASEAN - cho rằng có quá nhiều vướng mắc về địa chính trị và chiến lược nên khó có thể dễ dàng giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Nga, Ukraine và phương Tây. Ông nói: “Một phần của vấn đề là người ta không hiểu rõ những gì Putin thực sự muốn. Giả sử Ukraine không gia nhập NATO, cho dù trong tương lai gần hay tương lai xa hơn, liệu Putin có dừng lại ở đó hay không bởi Putin đã có những bằng chứng để chứng tỏ rằng phương Tây sẽ kích động hành vi của ông? Ngay cả khi ông ấy cho phép Ukraine duy trì độc lập, những người kế nhiệm ông có cảm thấy bị ràng buộc bởi điều này không?” (2). Theo ông Leong, bất kỳ cuộc chiến nào trong thời đại toàn cầu hóa này đều sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với phần còn lại của thế giới, ngay cả đối với ASEAN. Ông nói: “Do sự kết nối của Đông Nam Á với thế giới rộng lớn hơn, sự phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19 sẽ đòi hỏi một biện pháp ổn định toàn cầu. Một cuộc chiến ở Ukraine sẽ là một bước thụt lùi đáng kể trong vấn đề này. Ngoài ra, cuộc xung đột nếu không làm giảm các nỗ lực của Mỹ trong việc tái can dự vào khu vực thì cũng sẽ gây xao nhãng. Và nếu hành động của Putin không bị ngăn chặn, điều gì có thể ngăn Trung Quốc không tìm cách thử thách Mỹ?”.

    Giáo sư danh dự chuyên về nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Australia Hugh White cho rằng cách thức ứng phó của Mỹ đối với những tham vọng của Putin ở châu Âu sẽ định hình bước đi tiếp theo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Đài Loan. Giáo sư White phân tích: “Những gì Putin đang làm ở Ukraine hiện nay hoàn toàn giống với những gì Tập Cận Bình đang làm đối với Đài Loan - cũng giống như Putin đang sử dụng Ukraine như một phép thử để xem liệu Mỹ sẽ sẵn sàng chiến đấu để duy trì tầm nhìn của Washington là một cường quốc bá chủ toàn cầu hay không" (3). Ông lập luận rằng nếu cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn tiến hành một cuộc xung đột quân sự toàn diện, thì ông Tập sẽ càng bạo dạn để hành động đối với Đài Loan nếu ông đủ tin tưởng rằng Washington sẽ không đáp trả. Giáo sư White giải thích: “Nguy cơ nghiêm trọng là Tập Cận Bình sẽ tự thuyết phục mình rằng Mỹ sẽ không đáp trả để bảo vệ Đài Loan. Nếu ông Tập càng tin tưởng rằng người Mỹ hiểu rằng họ sẽ không thể chiến thắng cuộc chiến đó, thì nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ càng có nhiều khả năng chấp nhận rủi ro hơn”.

    Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đã cảnh báo rằng một cuộc xâm chiếm nhằm thâu tóm Đài Loan do Trung Quốc tiến hành sẽ là quân cờ đầu tiên trong ván cờ Domino giúp Bắc Kinh chiếm vị thế bá chủ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

    Liệu in lặng có là vàng?

    Điều đáng lo ngại là hiện nay, trước sự kiện Nga tiến quân vào Ukraine như vậy, các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, vẫn đang im tiếng. Ở Việt Nam, có rất nhiều quan chức và trí thức được đào tạo từ Liên Xô (cũ), nên vẫn giữ cảm tình với Nga, cho dù Nga không phải là Liên Xô. Thậm chí, nhiều cây bút bình luận còn rất “cuồng Nga” và luôn chửi bới Phương Tây. Có lẽ, các nhà bình luận hoặc công chúng Việt Nam, nếu có cảm tình với Nga thì cũng phải nhìn nhận và đánh giá vấn đề từ góc độ lợi ích của chính Việt Nam trước đã.

    Giáo sư Zachary Abuza thuộc Trường Đại học Hải Chiến Hoa Kỳ thốt lên rằng “Nga đang tấn công Ukraine, một hành động gây hấn có thể làm xáo trộn trật tự toàn cầu. Tuy nhiên, các chính phủ ở Đông Nam Á gần như đều im lặng, bất chấp tiền lệ cực kỳ nguy hiểm mà hành động của Moscow đặt ra.”  (4). Ông cũng cho biết “Việt Nam, một đối tác thân thiết của Nga, không nói gì và truyền thông nhà nước cũng hầu như không đưa tin. Với quan hệ kinh tế và can dự chính trị hạn chế cũng như khoảng cách về địa lý, Nga hầu như không tạo ra mối đe dọa tức thời đối với các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều phụ thuộc vào luật pháp quốc tế, vốn dựa trên khái niệm bình đẳng chủ quyền. Mọi quốc gia đều bị đe dọa bởi một cường quốc áp dụng thế giới quan dựa trên sự giải thích đơn phương về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa nói chung.

    Đây không phải là một cuộc xung đột xa xôi có ít ảnh hưởng đến an ninh Đông Nam Á. Nỗ lực đảo ngược trật tự thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Đó cũng không phải là vấn đề an ninh của châu Âu hay một phần của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn của Washington.” (5)

    __________

    Tham khảo:

    1. https://news.un.org/en/story/2022/02/1112512

    2. https://newsbeezer.com/malaysia/the-russia-ukraine-conflict-and-malaysia/

    3. https://www.afr.com/world/asia/the-taiwan-question-when-will-xi-make-his-move-20220218-p59xm3

    4. https://www.benarnews.org/english/commentaries/asean-security-watch/zachary-abuza-ukraine-crisis-02222022164022.html

    5. https://www.benarnews.org/english/commentaries/asean-security-watch/zachary-abuza-ukraine-crisis-02222022164022.html

    RFA

    Không có nhận xét nào