Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Kim - Đường Lối Ngoại Giao Của Biden Gây Nguy Hiểm Cho Hoa Kỳ Và Thế Giới

     


    Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang biến chuyển rất nhanh, người dân Ukraine và tại các quốc gia lân cận vô cùng lo lắng, nhiều người đang tìm cách di tản. Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và nhiều quốc gia đã ra lệnh cho nhân viên ngoại giao và công dân của họ rời khỏi Ukraine. Thứ Sáu tuần qua, Biden đã cảnh báo một cuộc chiến thảm khốc sẽ xảy ra trong ngày 16/2 này, Nga đã chuẩn bị tiến tới dưới danh nghĩa một cuộc tập trận tại Belarus.  Truyền thông Hoa Kỳ và quốc tế đánh giá đây là cuộc tập trận quy mô nhất với sự tham gia của 30,000 binh lính.  Địa điểm tập trận cách thủ đô Kyiv của Ukraine hơn 90 km (56 miles,) từ địa điểm này Nga có thể phóng tên lửa tới thủ đô Kyiv đồng thời làm tê liệt hệ thống điện tử, cắt đứt liên lạc qua radar hoặc vệ tinh, cô lập thủ đô này.  Nga có thể đạt được chiến thắng mà không cần đổ bộ vào Ukraine.

    Sáng Thứ Bảy ngày 12/2 vừa qua, trong lúc cả thế giới lo lắng chờ đợi kết quả cuộc điện đàm của Biden và Putin thì hàng chục ngàn dân chúng Urkraine đã diễn hành tại thủ đô Kyiv nói lên quyết tâm chiến đấu để bảo vệ quê hương.  Sau cuộc nói chuyện giữa Biden và Putin, phóng viên BBC News loan tin phụ tá của Putin là Yury Ushakov cho hay Hoa Kỳ và Nga là đối thủ của nhau nhưng Tổng Thống của hai quốc gia đồng ý sẽ cố gắng hết sức để duy trì sự ổn định và an ninh thế giới. Tổng Thống Pháp Macron vẫn cố gắng thương lượng với các nhà lãnh đạo liên hệ để tìm ra một giải pháp ngoại giao nhằm duy trì an ninh cho Âu Châu đồng thời cũng giữ thể diện cho NATO, Ukraine và Nga.

    Cuộc chiến tranh lạnh 30 năm giữa Nga và Ukraine

    Vấn đề xung đột giữa Nga, NATO và Hoa Kỳ là một cuộc chiến tranh lạnh đã bắt đầu từ 30 năm trước qua nhiều đời Tổng Thống.  Tác giả Becky Sullivan có bài bình luận trên National Public Radio ngày 29 tháng Giêng vừa qua, nội dung sơ lược như sau:

     “Mục đích Nga dàn quân tại biên giới Ukraine là thúc đẩy Hoa Kỳ và NATO chính thức đối thoại về một vấn đề đã kéo dài từ 30 năm nay.  Phía Nga cho rằng việc NATO bành trướng về phía Đông Âu là đã thất hứa với Nga.  Putin nói “Vào đầu thập niên 1990, NATO đã hứa sẽ không di chuyển một phân Anh (inch) về phía đông, NATO đã thất hứa và đã lừa dối người Nga chúng tôi.”  Phía Hoa Kỳ cho biết trên bàn hội nghị chưa bao giờ có lệnh cấm NATO được mở rộng nhưng Nga khẳng định điều đó đã xảy ra và giờ đây Putin yêu cầu một lệnh cấm Ukraine vĩnh viễn không được gia nhập NATO.  Tài liệu của Mary Sarotte:  Trong nỗ lực nhằm thống nhất nước Đức, cựu Ngoại Trưởng James Baker đã điều đình với Tổng Thống Nga Gorbachev “Nga để cho chúng tôi nửa nước Đức, chúng tôi sẽ không di chuyển một inch về phía đông.”  Tuy nhiên, trong hiệp ước Gorbachev đồng ý rút khỏi Đông Đức để đổi lấy thỏa thuận về tài chánh mà không có giới hạn về sự mở rộng của NATO trong tương lai.

    Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991, nhiều quốc gia Đông Âu đã xin gia nhập NATO để được bảo vệ.  Ngay từ đầu, Nga đã gay gắt phản đối việc NATO tiến sát tới lãnh thổ của mình, TT Nga Boris Yeltsin đã cố gắng điều đình với TT Clinton xin bảo đảm không nhận thêm bất kỳ quốc gia nào thuộc khối Liên Xô cũ nhưng TT Clinton đã từ chối.  Trong 10 năm từ 1991 đến 2000, NATO đã mở rộng 3 lần, đã có thêm các quốc gia: Cộng Hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva, Albania và Croatia.  Đối với Hoa Kỳ và NATO: một Ukraine độc lập, vững mạnh sẽ bảo đảm an ninh cho vùng Bắc Đại Tây Dương.  Đối với Nga việc Ukraine gia nhập NATO là mối lo ngại lớn cho an ninh của Nga. 

    Đầu năm 2008, TT George Bush đã thúc đẩy cho Ukraine được gia nhập NATO nhưng bị Pháp và Đức phản đối vì sợ xung đột với Nga.  Bà Andrea Kendall Taylor, một cựu sĩ quan tình báo cao cấp của Hoa Kỳ nói “Trong suốt 22 năm cầm quyền, Putin đã nhiều lần cố gắng và đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề Ukraine.  Tôi nghĩ Putin cảm nhận được rằng giờ đây là cơ hội thuận tiện bắt buộc NATO chấm dứt mở rộng, và Ukraine đã bị Nga giữ làm con tin.” 

    Giải pháp nào cho Ukraine?

    Trước tình hình căng thẳng hiện nay, TT Pháp Macron đã dành mọi nỗ lực đi tìm một giải pháp nhằm duy trì  an ninh cho Âu Châu.  TT Macron đã có cuộc họp với Putin, nhiều nguồn tin cho hay hai nhà lãnh đạo đã nói tới vấn đề đặt Ukraine vào tình trạng trung lập nhưng TT Macron phủ nhận nguồn tin này.  Hiện nay trên thế giới đã có nhiều quốc gia trung lập: Áo, Costa Rica, Ireland, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, . . .  BBC News, AP, Reuters và một số truyền thông khác nhận định Ukraine có thể lấy hình thức trung lập của Phần Lan làm mẫu.  Phần Lan đã chính thức áp dụng trung lập trong thời chiến tranh lạnh, đó là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và dân chủ.  Nếu chấp nhận trung lập sẽ tránh được chiến tranh, an ninh Âu Châu sẽ được bảo đảm, tuy nhiên Ukraine sẽ phải chịu thỏa hiệp nhiều và phải từ bỏ ý muốn gia nhập NATO, liệu Ukraine có đồng ý với giải pháp này không?

     

    Giáo Sư Peter Harris, một nhà nghiên cứu an ninh quốc tế đưa ra ý kiến “Phần Lan hóa không phải là một lựa chọn tốt cho Ukraine, tuy nhiên nó cần thiết để giảm bớt những lo ngại về an ninh mà quốc gia này đang phải đối đầu, và lời cam kết không bao giờ gia nhập NATO có thể giúp ngăn chặn được một cuộc chiến thảm khốc.”  Ukraine cần ổn định tình hình trong nước vì hoạt động của du kích quân ở Donbas vẫn còn âm ỉ từ năm 2014.  Thêm vào đó còn một vấn đề phức tạp nữa là dân chúng miền nam và phía đông Ukraine muốn có sự liên hệ chặt chẽ với Nga và phần lớn phản đối việc Ukraine gia nhập NATO.  Là quốc gia lớn thứ hai sau Nga tại Âu Châu, Ukraine có chung biên giới với Nga dài 2,295km (1,426 miles.)  Bảo vệ Ukraine đòi hỏi một số lực lượng NATO phải đóng quân vĩnh viễn trên lãnh thổ Ukraine, Nga không thể chấp nhận điều này.  Vì vậy trung lập là giải pháp thích hợp cho thực trạng của Ukraine.  Tuy nhiên một số nhà quan sát e ngại rằng Nga muốn một điều gì khác hơn trung lập, có thể là một phần lãnh thổ của Ukraine?

    Biden gây áp lực với Ukraine

    Kể từ khi Biden nhậm chức, người dân Hoa Kỳ và thế giới đã chứng kiến nhiều sự kiện thảm khốc, tệ hại nhất là việc rút quân khỏi Afghanistan một cách vội vã, không kế hoạch, tháo chạy lúc 3 giờ sáng, không thông báo cho đồng minh, không bảo vệ quân nhân cũng như thành phần dân sự của Hoa Kỳ và đồng minh.  Quyết định sai lầm này đã gây ra thảm họa nhân đạo, Biden đã trao quyền kiểm soát Afghanistan cho nhóm khủng bố Taliban, tạo cơ hội cho ISIS-K nổi dậy.  

    Mới đây Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan của Hoa Kỳ nói Nga đã có tất cả các lực lượng cần thiết sẵn sàng cho một cuộc tấn công chiếm Ukraine.  Thứ Hai hôm qua Ngoại Trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói “Tới ngày hôm nay không có gì cho thấy Putin quyết định tiến tới một cuộc tấn công.”  Rất có thể Nga chỉ muốn phô trương lực lượng để đạt được nhượng bộ của Ukraine và NATO.  

    Trong lúc những cuộc thương lượng giữa các phe liên hệ đang diễn ra thì Biden lại tuyên bố Nga sẽ tấn công bất cứ lúc nào, thủ đô Kyiv sẽ bị thất thủ trong 72 tiếng, và ra lệnh cho nhân viên ngoại giao, công dân Hoa Kỳ hãy mau rời khỏi Ukraine.  Nhiều quốc gia đồng minh cũng theo Hoa Kỳ ra lệnh di tản công dân của họ, một số hãng hàng không đã ngưng những chuyến bay tới Ukraine, chính những sự kiện này đã làm cho dân chúng Ukraine bị hốt hoảng.  Lời tuyên bố của Biden đã ảnh hưởng nặng tới tình hình của Ukraine, cụ thể là thủ đô Kyiv đã bị rơi vào tình trạng hỗn loạn. Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi quốc dân “Đây không phải là lần thứ nhất Ukraine phải đối mặt với mối đe dọa.  Chúng ta hãy cùng nhau cương quyết bảo vệ đất nước này, một quốc gia vĩ đại của chúng ta.”  Những việc làm của Biden đã gây thêm áp lực cho Ukraine, rõ ràng Biden đã sai trong các chính sách đối ngoại lớn và các vấn đề an ninh quốc gia như cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates đã từng khẳng định trước đây. 

    Đường lối ngoại giao sai lầm cộng thêm thái độ và ngôn ngữ bất nhất của Biden đã tác hại đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và đồng minh.  Putin đã và đang nắm bắt cơ hội giành lợi thế cho Nga.  Quả thật người dân Hoa Kỳ có lý do chính đáng để lo ngại cho tương lai của đất nước này. 

    Kim Nguyễn
    February 15, 2022

    Không có nhận xét nào